Khi thầy giáo tháo giày ngồi bệt…

Cựu Bộ trưởng Giáo dục Phùng Ngọc Nhạ. Hý hoạ: La Thanh Hiền

Hôm nay là Ngày Nhà giáo Việt Nam, một vài thông tin lượm lặt trên mạng xã hội lẫn báo chí khiến không ít người nôn nao: Ý nghĩa thật của ngày này có phải đang bị bôi bẩn đến tận cùng và tại sao lại có hiện tượng này.

Như thói quen cứ mỗi lần tới ngày vinh danh cái gì đó thì giới lãnh đạo được dịp khoe cái vốn kiến thức khá… ít ỏi của mình. Thay vì chỉ cần nói một câu là đủ nhưng không lãnh đạo nào chịu dừng lại ở cái chấm cuối cùng của câu nói ấy, mà ông hay bà ta tự ý biến chúng thành dấu phẩy để tiếp tục chém gió, tiếp tục huyên thuyên và tiếp tục lạc đề, đến nỗi học trò bên dưới ngủ gật thì bên trên sân khấu ông hay bà ta vẫn tiếp tục nói với… không khí và không hề ngượng ngùng.

Năm nay cũng vậy, trong chương trình chia sẻ cùng thầy cô nhân ngày 20 tháng 11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu: “Mong muốn các thầy cô giáo không ngừng phấn đấu, rèn luyện, sáng tạo trong xây dựng bài giảng giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả; tiếp tục chăm sóc, dạy dỗ các học sinh, mầm non tương lai của đất nước”.

Vậy là ra lệnh, là chỉ đạo, là uốn nắn chứ có nhớ ơn nhớ huệ chi đâu? Ông Phó Thủ tướng hình như không biết rằng các thầy cô nghe ông ta chỉ đạo cách giảng dạy ấy trong tâm thế lo lắng, bất an không biết tháng này sẽ xoay sở ra sao khi mọi thứ sinh hoạt phí đều tăng, giá xăng đã cao lại không thể mua theo nhu cầu của mình, mọi thứ tiền mà học sinh đóng cho giáo dục đều trôi tuột vào những nơi vô giáo dục nhất, đó là túi tiền của hiệu trưởng, hiệu phó, sở này cục nọ và giáo viên cứ tự kiếm sống cho gia đình mình bằng những thứ tiền khác ngoài giờ dạy.

Ông Phó Thủ tướng cũng không hề hỏi han xem sau khi nghỉ hưu thì thầy cô sống bằng gì, tiền hưu có đủ để nuôi người thầy sau bao năm vất vả với bảng đen phấn trắng hay không. Tư duy mọi thứ đều được nhà nước lo đầy đủ hình như bám rễ vào bất cứ ông bà nào ngồi trên chiếc ghế cao nhất của guồng máy, vì vậy họ không hề một lần lật tấm huân chương nhà giáo ra xem thử phía sau nó là những gì.

Thày giáo Trương Kiệt An. Ảnh: Báo Thanh Niên

Họ không hề biết có hàng ngàn người sau khi về hưu phải bán vé số, bánh mì, thuốc lá kiếm thêm thu nhập. Thậm chí có người còn không tiền mua cơm, phải chầu chực mua bát cơm giá 2000 hàng ngày cho đỡ đói.

Trên Thanh Niên, vài ngày trước khi kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam có một bài viết mà khi đọc lên người ta sẽ không tin vào mắt của mình: “Đi dạy 34 năm ở Q.1, TP.HCM, thầy giáo Trương Kiệt An (53 tuổi) vẫn ở trọ, đến khi bệnh nặng thầy phải nghỉ dạy, xin cơm từ thiện trước cổng bệnh viện và được một cặp vợ chồng bị tai biến cho ở nhờ.

Nhớ tới ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, thầy Trương Kiệt An thỉnh thoảng gặp vài học sinh cũ đến trước cổng bệnh viện nơi thầy xin cơm từ thiện mỗi ngày. Những ký ức 34 năm trên bục giảng lại ùa về, thầy An nhớ trường, nhớ trò,…

Tôi gặp thầy An trước cổng Bệnh viện Phục hồi chức năng, điều trị bệnh nghề nghiệp Q.8 trong một buổi trưa nắng rát da thịt. Trong chiếc áo đẫm mồ hôi, thầy An bước từng bước khó nhọc, bên vai vẫn đeo chiếc túi sờn rách mà phụ huynh tặng 6 năm trước đang đứng xếp hàng chờ nhận cơm từ thiện.”

Mấy ai tưởng tượng được hoàn cảnh của người thầy giáo nhỏ bé bất hạnh này. Chính ngành giáo dục là kẻ đẩy thầy Trương Kiệt An vào nơi tối tăm nhất của xã hội. Chúng biến thầy thành ăn xin, thành hạng người nghèo đói bị xem thường nhất trong khi nghề nghiệp mà thầy An theo đuổi liên tục 34 năm được vinh danh như là thứ nghề cao quý nhất trong xã hội. Chúng lập ra cái ngày vinh danh thầy cô giáo hàng năm để ăn nhậu với nhau, để nhận quà từ phụ huynh học sinh, từ các nguồn tiền xã hội mà dửng dưng với không biết bao nhiêu mảnh đời khốn khó do chúng gây ra.

Người thầy bây giờ la lết trên bục giảng kiếm cơm chứ chẳng còn lý tưởng nào trong việc giảng dạy. Bọn cổ cồn giáo dục đang lo nhiều chuyện khác, chẳng hạn như đề ra những mánh lới chỉ dẫn phụ huynh học sinh chạy chọt cho con vào trường này trường kia, rồi bớt xén, tham nhũng trong các dự án giáo dục, dự án xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trong các trường. Chúng đang lo làm cách nào để thu tiền của phụ huynh học sinh mà không bị phát hiện. Làm sao để việc mua biên chế, chạy chuyển trường âm thầm không bị xã hội tố cáo. Làm sao kiếm tiền khi bổ nhiệm hoặc cơ cấu lãnh đạo các trường hay sở giáo dục, làm sao bớt xén tiền ăn của học sinh trong các trường nội hoặc bán trú và giá nào phù hợp để mào đầu trong việc mua bán danh hiệu….

Thầy giáo thì tháo giày ngồi bệt trước tiệm cơm 2000 chờ mua một phần cơm từ thiện, còn cô giáo nào còn trẻ, còn sắc thì chọn cách khác để kiếm thêm thu nhập. Các cô giáo ấy nói nào ngay không phải hành nghề xấu bên cạnh viên phấn trắng nhưng cung cách mà họ làm thì khó mà biện minh cho vai trò cô giáo của họ.

Hình chụp màn hình từ báo Thanh Niên

Cũng tờ Thanh Niên, bài báo có tựa: “Cô giáo trẻ làm đảo điên học trò…”cho thấy sự “trong veo” của ngành giáo dục hiện nay đến độ nào. Bài báo viết:

“Không chỉ dạy giỏi mà cô giáo trẻ Lê Thị Khánh Huyền (23 tuổi) còn làm học sinh “điêu đứng” vì sở hữu ngoại hình xinh như hoa hậu. Có 25.000 người “để ý” trên TikTok với vẻ ngoài xinh đẹp và phong cách phối đồ thời thượng Lê Thị Khánh Huyền, giáo viên tại Trung tâm Anh ngữ Bingo, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An, được học sinh và cộng đồng mạng khen: “Xinh như hoa hậu”.

Cô Huyền cho biết nhận thấy TikTok là một mạng xã hội phổ biến, được nhiều bạn trẻ biết đến nên cũng muốn tham gia để giải trí sau những giờ lên lớp căng thẳng. Sau một thời gian đăng tải những video về phong cách cách thời trang thường ngày, cô Huyền bỗng nhận được nhiều sự yêu mến từ học trò và cộng đồng mạng do có vẻ ngoài xinh đẹp cùng gu mặc đồ thanh lịch, sang trọng.”

Con cái chúng ta giỏi thật! Ngay cả Aziz Nesin có sống lại cũng không tưởng tượng được bọn nam sinh của cô giáo này phải thay đồ lót một ngày bao nhiêu lần, chứ chưa nói đến chúng học hành ra sao trước cái thân hình “đảo điên” của cô ấy.

Ngược lại, cũng là nữ giáo viên nhưng cô giáo Mai Thị Mùi lại có thái độ phẫn nộ trên trang Facebook của cô: 

“Ngày nhà giáo VN có lẽ là ngày dễ nhớ nhất vì ai trong đời cũng là học sinh, không thì cũng là phụ huynh để PHẢI nhớ mà cúng cô hồn cho yên thân cả cha mẹ lẫn con cái. Tôi hỏi quý vị đồng nghiệp, quý vị hãnh diện và hân hoan chào đón cái ngày này để làm gì? Một năm 365 ngày, được “tôn vinh” một ngày rồi cả xã hội phỉ nhổ 364 ngày có đáng không quý vị? Tôi nhìn quý vị xúng xính váy áo, ôm những bó hoa mua bằng máu và nước mắt của phụ huynh nghèo, quý vị nghiêng vai nghiêng cổ cho ra những pô hình để up phây, rồi sau đó ngồi vào những mâm cỗ từ quỹ “tự nguyện” đóng góp của PHHS mà tôi thấy như ăn phải miếng thịt ôi, chỉ chực nôn ra cho bằng sạch.”

Họ không nôn ra được đâu cô Mùi ạ, đơn giản chỉ vì họ quá đói cô ơi…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: