HIẾU CHÂN
Trung Quốc đang rộn ràng tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày đưa quân đội tham gia chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), ca ngợi chiến thắng “chống Mỹ viện Triều”, từ đó kích động tinh thần sẵn sàng chống Mỹ trong tình hình quan hệ Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng.
Lễ kỷ niệm kéo dài suốt tuần này và được Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình cho tổ chức kỷ niệm thật hoành tráng.
Hồi đầu tuần, ông Tập đã đến thăm bảo tàng quân đội quốc gia ở Bắc Kinh, ở đó ông ca ngợi chiến thắng của “Chí nguyện quân Trung Quốc” trong cuộc chiến chống xâm lược Mỹ, cứu viện chế độ cộng sản Bắc Hàn. Sau đó ông viết một lá thư gửi các cựu chiến binh Trung Quốc thời chiến tranh Triều Tiên. Và hôm thứ Sáu 23-10, tại Đại sảnh đường Nhân dân Bắc Kinh, trước hàng trăm cán bộ đảng, sĩ quan quân đội và cựu chiến binh già lão, ông Tập đã đọc một bài diễn văn nảy lửa ca tụng những người Trung Quốc đã hy sinh để chống lại người Mỹ – kẻ thù của đất nước.
Với guồng máy tuyên truyền của Trung Quốc, kỷ niệm sự tham gia của quân đội Trung Quốc vào chiến tranh Triều Tiên bảy mươi năm trước là một cơ hội thích hợp để nhắc nhở người dân Hoa Lục về mối đe dọa của nước Mỹ – một quốc gia mà theo họ một lần nữa lại đang cố tình gây hấn để cản trở sự trỗi dậy của Trung Quốc. Lần này người Mỹ, theo tuyên truyền của Bắc Kinh, không còn xâm lược bằng súng đạn mà bằng những cuộc tấn công vào chính sách thương mại, công nghệ và tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc.
Trên khắp Trung Quốc, đã diễn ra rất nhiều hoạt động kỷ niệm, triển lãm, chiếu phim tài liệu và phim truyện trên truyền hình cả nước, tất cả đều có cùng một nội dung: Nhân dân Trung Quốc trước đây đã đứng lên chống Mỹ viện Triều, và ngày nay, họ sẽ tiếp tục đứng lên chống Mỹ bằng mọi giá!
“Bảy mươi năm trước, bọn xâm lược đế quốc đã đưa ngọn lửa chiến tranh tới cửa nhà người Trung Quốc. Nhân dân Trung Quốc có hiểu biết sâu sắc rằng để ứng phó với kẻ xâm lược, phải nói với chúng bằng thứ ngôn ngữ mà chúng hiểu được,” ông Tập nói trong bài diễn văn hôm thứ Sáu. Ông cũng khẳng định: chiến thắng của quân đội Trung Quốc trong cuộc “chống Mỹ viện Triều” chứng tỏ quân đội Mỹ không phải là không thể bị đánh bại!
Thực tế lịch sử cho thấy, cuộc chiến tranh Triều Tiên bắt đầu khi lãnh tụ Bắc Hàn khi đó là Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) xua toàn quân mở cuộc tấn công bất ngờ xuống Nam Hàn vào tháng Sáu 1950. Kim cho rằng thời cơ “giải phóng Nam Hàn” đã tới sau khi cộng sản Trung Quốc chiếm được toàn bộ Hoa Lục, và Bắc Hàn được Liên xô viện trợ hào phóng về vũ khí quân dụng. Quân đội Nam Hàn non trẻ khi ấy bị đại bại, bị đẩy về phía cực nam của bán đảo Triều Tiên và có nguy cơ bị thôn tính. Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, khi đó chưa có Trung Cộng, đã thành lập một lực lượng đa quốc gia do Mỹ chỉ huy cứu viện Nam Hàn. Quân Mỹ và Liên hiệp quốc đổ bộ vào cảng Busan ở miền nam, tổ chức phản công, nhanh chóng chặn đứng và đẩy lùi cuộc tấn công của Bắc Hàn. Tình hình chiến trường nhanh chóng đảo ngược, cộng sản Bắc Hàn có nguy cơ bị xóa sổ khi bị quân Liên hiệp quốc đuổi đến tận sông Áp Lục (Yalu), biên giới tự nhiên giữa Trung Quốc và Triều Tiên.
Lo ngại quân đội “đế quốc” áp sát biên giới, ngày 19 tháng Mười năm 1950, chỉ một năm sau ngày chiếm được Hoa Lục và đang còn trong tình trạng chiến tranh với Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan, cũng như đối phó với phong trào kháng chiến của người Tây Tạng sau khi Trung Quốc xâm chiếm vùng đất này đầu năm 1950, chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã ra lệnh cho quân Trung Quốc vượt sông sang Triều Tiên đánh nhau với quân đội Liên hiệp quốc. Trận đụng độ đầu tiên giữa quân Trung Quốc và quân Liên hiệp quốc xảy ra một tuần sau đó, và một đơn vị Nam Hàn bị tổn thất nặng nề. Hai bên giằng co suốt ba năm, cuối cùng đi đến một thỏa thuận đình chiến, lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới phân chia và mở hòa đàm để tiến tới một hiệp định hòa bình. Hiệp định hòa bình không thành, và từ đó đến nay hai miền Triều Tiên trở thành hai quốc gia thù địch chưa hòa giải được. Theo số liệu của Trung Quốc được ông Tập dẫn lại hôm thứ Sáu, có 197,000 lính Trung Quốc thiệt mạng trong ba năm chiến tranh Triều Tiên, nhưng các sử gia cho rằng, con số tổn thất thật sự của Trung Quốc lớn hơn rất nhiều.
“Bảy mươi năm trước, bọn xâm lược đế quốc đã đưa ngọn lửa chiến tranh tới cửa nhà người Trung Quốc. Nhân dân Trung Quốc có hiểu biết sâu sắc rằng để ứng phó với kẻ xâm lược, phải nói với chúng bằng thứ ngôn ngữ mà chúng hiểu được,”
Tập Cận Bình, Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc
Trung Quốc từ lâu đã “viết lại lịch sử” theo nhu cầu chính trị của đảng Cộng sản nên chiến tranh Triều Tiên được cho là cuộc chiến chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ, Trung Quốc cứu viện Bắc Hàn là thực hiện “tinh thần quốc tế vô sản” mà che giấu nguyên nhân thật sự của cuộc chiến là tham vọng “giải phóng miền Nam” của Kim Nhật Thành, cũng như hành động của Trung Quốc là nhằm giữ Bắc Hàn làm “trái độn” ngăn giữa Trung Quốc và Nam Hàn có xu hướng thân Mỹ (giống như giữ Bắc Việt làm trái độn ngăn chặn Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa tiếp cận lãnh thổ Trung Quốc trong thời kỳ 1954-1975).
Suốt bảy mươi năm qua, cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-53 gần như đã bị quên lãng ở Trung Quốc, nhưng với bộ máy tuyên truyền của đảng Cộng sản Trung Quốc “chống Mỹ, viện Triều” luôn được coi là một thắng lợi lớn, là “thiên anh hùng ca” trong lịch sử đầy huyền thoại của đảng, thỉnh thoảng lại được khơi dậy vì một mục đích chính trị nào đó.
Chính Mao Trạch Đông đã coi nhẹ sự kiện này vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày Trung Quốc tham gia chiến tranh Triều Tiên năm 1970 vì lúc đó Mao đang rất mong muốn bình thường hóa quan hệ với Mỹ để đưa Hoa Lục ra khỏi nghèo đói và hỗn loạn. Với Tập bây giờ, cuộc đối đầu với Mỹ là khó tránh khỏi do chế độ chuyên chế của ông ta và những thủ đoạn bất lương của Trung Quốc bị phơi bày trong trận đại dịch Covid-19 dẫn tới sự ác cảm của thế giới với Trung Quốc. Chính quyền Donald Trump lại liên tục tung ra những đòn hiểm và không giấu giếm tham vọng làm thay đổi chế độ ở Trung Quốc.
Trong tình hình như vậy, Tập cần sự trung thành tuyệt đối của dân chúng và quân đội. Kích thích chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hướng người dân vào một kẻ thù cụ thể là “đế quốc Mỹ”, thổi phồng “mưu toan ngăn chặn Trung Quốc của Mỹ” để biện minh cho những khiếm khuyết và chính sách chuyên chế của đảng Cộng sản là chủ trương lớn hiện nay của Tập.
Nhưng chủ nghĩa dân tộc là một thứ thuốc độc. Chế độ phát xít của Hitler, chế độ quân phiệt Nhật Bản thời Chiến tranh Thế giới thứ hai, đều bắt đầu từ chủ nghĩa dân tộc cực đoan rồi dẫn tới tàn phá và trả giá. Có thể nào Trung Quốc dưới sự dẫn dắt của Tập Cận Bình lại đi vào vết xe đổ của các quốc gia ấy hay không?