Lò ông Trọng bao giờ hết củi?

Các thanh củi gộc trong vụ Việt Á qua nét bút hí họa của Hân Hí.

Dư luận trong và ngoài nước đang sôi nổi bàn tán chuyện ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế và ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ vừa bị biến thành củi đưa vào cái lò đốt tham nhũng của ông Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Cùng bị bắt với hai ông này còn có ông Phạm Công Tạc, cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Trước đó hôm 4 Tháng Sáu, hai ông Long và Anh đã bị Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành trung ương ĐCSVN thi hành kỷ luật; đến ngày 6 Tháng Sáu, hai ông bị khai trừ đảng.  

Hôm 7 Tháng Sáu, các ông này bị bắt giam chỉ vài giờ sau khi bị cách chức để điều tra những hành vi sai phạm trong vụ Công ty Việt Á “thổi giá” bộ xét nghiệm Covid-19 và ăn chia hoa hồng lên tới hàng trăm tỷ đồng trong lúc đại dịch bùng phát làm hàng chục ngàn người thiệt mạng, hàng triệu người dân khốn khổ – một vụ tham nhũng trầm trọng mà báo chí đã tốn nhiều giấy mực để bàn tán nhiều tháng nay.

Cho đến nay, ông Long và ông Anh là hai quan chức cao cấp nhất bị bắt giam trong vụ Việt-Á. Cái lò của ông Trọng hiếm khi có những khúc củi gộc cỡ bộ trưởng, ủy viên trung ương đảng như vậy nên vụ ngã ngựa của hai ông này được công luận rất quan tâm, nhiều hãng tin quốc tế cũng đưa tin và bình luận.

Với người dân trong nước, hành vi tán tận lương tâm, trục lợi trên nỗi đau khổ của đồng bào, của các bị cáo trong vụ Việt Á quá sức kinh khủng, cho nên nhiều người cảm thấy hả hê trước việc các nghi phạm bị bắt và bị “khui ra” những khối tài sản khổng lồ do tham nhũng mà có. Một số người cho rằng việc bắt giam các quan tham ở cấp bộ trưởng cho thấy quyết tâm chống tham nhũng của ông Trọng và ĐCSVN khi tham nhũng đang đe dọa sự tồn vong của đảng này.

Ngay đến những chuyên gia quốc tế như Giáo sư Carl Thayer ở Úc cũng nhận định chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng đang trên đà “tiến rất nhanh”; trang mạng Bloomberg cho rằng lò chống tham nhũng có vẻ như được thổi bùng lên lại khi Việt Nam đang tìm cách củng cố sức hấp dẫn như một điểm đến cho đầu tư nước ngoài giữa bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng. 

Tuy nhiên, có không ít người nghi ngờ khả năng chống tham nhũng của một đảng độc tài toàn trị như ĐCSVN. Suy cho cùng tất cả các nghi phạm tham nhũng đều là người của đảng, được đảng đưa lên các vị trí quản lý xã hội, trao cho họ những quyền lực không bị người dân kiểm soát nên tham nhũng là tất yếu.

***

Tham nhũng ban đầu chỉ là những hành vi trục lợi, biển thủ công quỹ, đất đai nhà cửa để làm lợi cho cá nhân đã biến tướng dần thành một hệ thống khép kín, từ trên xuống dưới với vô số hình thức đa dạng như tham nhũng quyền lực, tham nhũng danh hiệu… Trong một nền kinh tế thị trường kèm cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa”, các quan chức của đảng nghiễm nhiên trở thành những ông chủ tư bản nắm trong tay nhiều tài sản, tài nguyên của quốc gia. Các quan chức này lại câu kết với giới doanh thương cá mập tìm đủ mọi cách – kể cả cưỡng bức bằng quyền lực nhà nước – để trục lợi.

Trong vụ Việt Á chẳng hạn, có một sự câu kết, phối hợp rất nhịp nhàng giữa các bộ Y tế, Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Thủ tướng… để dựng lên một nhóm nghiên cứu giả, nhập sản phẩm Trung Quốc với giá rẻ chất lượng kém nhưng được các bộ ngành phù phép thành giá cao và bắt buộc người dân phải “ngoáy mũi” để tiêu thụ sản phẩm đó, thu về 4,000 tỷ đồng nhưng gây ra hàng ngàn cái chết oan khuất cho người dân.

Biếm họa của La Thanh Hiền (Hân Hí)

Tương tự như vậy là vụ câu kết giữa Bộ Y tế với công ty VNPharma nhập thuốc trị ung thư giả, giữa Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông Vận tải và hãng Vietnam Airlines tổ chức những chuyến bay “giải cứu” với giá trên trời, thu lợi vài ngàn tỷ đồng chia chác cho nhau. Tham nhũng, từ hành vi của những kẻ gian trong guồng máy đảng và nhà nước, đã trở thành hành vi tập thể của cả một chính quyền, một đảng chính trị, một thể chế nhằm bóc lột người dân bằng mọi thủ đoạn. Có người nhận xét hợp lý rằng “chiêu trò trục lợi của chính quyền cộng sản đã phát triển rất cao, thành những bộ máy trục lợi”.

***

Khi tham nhũng đã trở thành hệ thống như vậy thì việc “đốt lò” mà báo The Diplomat gọi là “đứa con tinh thần” của ông Nguyễn Phú Trọng chẳng thể nào giải quyết tận gốc được. Củi vào lò nhưng cái thể chế sinh ra củi thì vẫn còn đó thì lò không bao giờ hết củi. Bắt người mà không triệt hạ được cái “bộ máy trục lợi” thì người sau lên vẫn sẽ đi vào vết xe của người trước, cứ như thế bất tận. Chưa kể rằng, khi ông Trọng đốt lò, ông luôn lựa củi, kẻ nào ăn chia không đầy đủ, không thần phục ông thì có cơ may biến thành củi nhưng những kẻ trong phe cánh của ông, như Bộ trưởng Công an Tô Lâm, dù có ăn ngập mặt cũng chẳng hề hấn gì.

 Để chấm dứt một vấn nạn mang tính hệ thống như chữa khối ung thư trong cơ thể thì cần phải thay đổi hệ thống, như người bệnh ung thư cần thay đổi lối sống, thói quen, cần giải phẫu, hóa trị, xạ trị chứ không thể uống vài viên thuốc giảm đau, hạ sốt mà được. Chừng nào người dân Việt Nam chưa có vai trò và tiếng nói trong việc điều hành xã hội, quyền lực nhà nước chưa được kiểm soát bằng thể chế tam quyền phân lập để kiềm chế lẫn nhau, chưa có báo chí tự do và độc lập để thực hiện sự giám sát của người dân thì chừng ấy căn bệnh tham nhũng chưa chữa dứt được. Và ĐCSVN còn tiếp tục đối mặt với mối đe dọa sinh tử từ trong nội bộ của mình, vẫn tiếp tục kêu gào “đốt lò”, “học tập và làm theo…” rất chủ quan, và mị dân. 

Và cái lò của ông Trọng sẽ không bao giờ hết củi, thậm chí còn cháy to hơn vì cái gốc sinh ra tham nhũng vẫn còn, chưa biết bao giờ mới triệt hạ được.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Động lực
Về cơ bản, có hai điểm định nghĩa động lực là một quá trình quan trọng và phức tạp nhằm đạt được các mục tiêu, kích thích mong muốn trong…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: