Suốt cả đêm, vợ chồng ông Nguyễn Trường Chinh gần như thức trắng. Vừa chợp mắt được đôi chút thì gà đã gáy. Ông thức dậy, ngồi đánh máy cho xong những lá thư đã viết tay đêm qua để mang đi Hà Nội kịp trong ngày.
“Sáng nay, Thứ Bảy, 5 Tháng Tám, tôi sẽ lo xong hết những cái đơn để gửi đi trực tiếp, tôi đón xe đi Hà Nội trong ngày hôm nay. Tôi lên văn phòng chủ tịch nước.” Từ Hải Dương, qua màn hình điện thoại, đôi mắt ông cương trực, giọng nói quả quyết không chút run sợ. Ông là người cha đã lặn lội 17 năm đi kêu oan cho con mình là tử tù Nguyễn Văn Chưởng.
Khoảng hai giờ chiều ngày Thứ Sáu, 4 Tháng Tám (giờ Việt Nam), năm 2023, ông Chinh nhận được cuộc điện thoại “mời” ông ra Uỷ ban Nhân dân xã Bình Dân. Họ nói là có công an tỉnh cần gặp. Nhưng khi ra đến nơi thì họ thông báo lại là có Toà án Nhân dân thành phố Hải Phòng cần làm việc với ông.
Bước vào phòng chờ của Uỷ ban Nhân dân xã, ông thấy có ba người của Toà Án Nhân Dân Hải Phòng, phó chủ tịch xã và trưởng công an xã. Họ lập một biên bản, hỏi “nguyện vọng” của ông là nếu đồng ý thì làm đơn nhận tro hay nhận xác của Nguyễn Văn Chưởng. Án của Chưởng đã có hiệu lực thi hành án tử hình.
Ông Chinh không dám tin vào tai mình. Mọi âm thanh đều lùng bùng, hỗn loạn.
Ông hoang mang hỏi lại họ nội dung buổi làm việc hôm nay thế nào, ông chưa nghe rõ. “Người bên toà án nói là, tôi nói lại lần nữa cho ông nghe rõ, hôm nay chúng tôi ở đây để thông báo cho ông và làm biên bản ông có nhận hài cốt bằng tro hay nhận thi thể Nguyễn Văn Chưởng thì làm đơn gửi xuống toà án Hải Phòng, bắt đầu từ hôm nay, sau ba ngày nữa là hết hiệu lực của đơn này,” ông Chinh kể lại, chậm rãi, từng từ một.
Nhìn thẳng vào những người “đại diện cho công lý” đang ngồi trước mặt, ông nói lớn, to rõ, rằng con trai ông – Nguyễn Văn Chưởng đang bị oan, tháng nào ông cũng gửi đều đặn bốn lá đơn kêu oan. Uỷ ban Tư pháp Quốc hội, Chủ tịch nước, Viện kiểm sát tối cao và một số cá nhân tổ chức khác. Vụ án đang được kêu oan và ông đang kêu oan cho con mình, suốt 17 năm qua.
“Nếu như cố tình thi hành án, giết hại Nguyễn Văn Chưởng, tôi sẽ mang xác nó đến các cơ quan Trung Ương Đảng, nhà nước Việt Nam để đòi mạng. Nếu các ông ghi rõ như thế thì tôi mới ký,” ông Chinh kể lại những lời đã đối chất với người của toà án. Họ đã ghi xuống đúng lời ông nói trong biên bản.
Những người “đang thi hành công vụ” khi ấy đưa cho ông “Thông Báo” và nói thêm, “ông nhận cũng được mà không nhận cũng được.” Ông Chinh gặng hỏi, “trước thư thông báo này thì chắc quyết định thi hành án đã có rồi phải không?”
Người bên toà án xác nhận “đã có quyết định thi hành án thì mới có thông báo này.”
Ông kể tiếp: “Tôi hỏi họ quyết định thi hành án vào ngày nào, cho tôi xin một bản và biên bản vừa rồi. Nhưng họ không cho, nói họ chỉ là người thừa hành đến báo tin cho tôi. Những phần còn lại họ không được biết và cũng không có trách nhiệm nói.”
Năm 2014, đã từng một lần, “họ” cho người đến nhà gặp vợ chồng ông, thông báo “miệng” rằng đến cuối Tháng Mười Hai, năm 2014 sẽ thi hành án Nguyễn Văn Chưởng, và không nói rõ ngày nào. Chín năm sau, kịch bản lặp lại.
“Lần này họ cũng hèn mạt không nói ngày thi hành án và nhằm vào ngày Thứ Sáu cuối tuần để tạo thêm khó khăn cho gia đình chúng tôi,” ông nói.
Từ khi Nguyễn Văn Chưởng bị kết án đến nay, tháng nào gia đình ông cũng đi thăm. Lần gặp gỡ gần nhất là 17 Tháng Bảy. Theo lời ông, sức khoẻ của Chưởng ổn định, “17 năm, Chưởng cũng ‘quen dần’ trong đó.” Có lẽ người không quen và không thể quen, là chính ông, người cha đã bán dần cả nhà cửa, tài sản để đi kêu oan cho con suốt 17 năm ròng, người đã viết tấm huyết thư để xin một chút lương tâm còn sót lại của những người đang nắm sinh mạng của con trai ông.
Ông Chinh nói, theo ông được biết, sau khi “thông báo” được gửi ra 15 ngày, hoặc một tuần, án sẽ được thi hành. “Thông báo” mà gia đình ông Chinh nhận được vào ngày Thứ Sáu, 4 Tháng Tám. Ông mất trắng hai ngày cuối tuần, và còn lại 13 ngày để tiếp tục kêu oan cho Nguyễn Văn Chưởng.
Ngày 2 Tháng Tám năm 2007, Nguyễn Văn Chưởng bị bắt và nhận “án tử.” 17 năm qua, ông bán hết nhà cửa, ruộng đất, cầm cố những gì có thể để bắt đầu hành trình kêu oan.
Gia đình ông từ đó không còn gì cả. Đã bị cái án tử hình treo lơ lửng trong nhà, “thì gia đình tan nát hết, không còn gì cả,” ông nói, “Công việc làm ăn, thậm chí em của Chưởng, khi ra tù không xin được việc làm. Họ chặt đứt hết con đường sống của gia đình. Đó là về kinh tế. Về tinh thần thì càng tệ hại. Họ bao vây đủ mọi thứ. Bản thân tôi đi kêu oan cho con là đương nhiên nhưng họ cũng cấm cản, canh gác để bắt ở nhà. Thời điểm cao nhất là đại hội đảng, họp quốc hội, họ gác trước cả 10 ngày. Khi đến ngày bế mạc mới thôi.”
Trong những sự bủa vây, siết chặt đó, cái đau nhất là tư tưởng sống của con người bị nhốt lại. “Những người già như chúng tôi, những đứa trẻ như con của Đoàn, sẽ sống sao đây?” Câu hỏi ông Chinh đặt ra, nhẹ nhàng mà như ngàn sợi dây gai đâm thẳng vào một chế độ cường quyền, độc đảng, để lần tìm bốn chữ “Lương Tâm Con Người.”
Đoàn, người mà ông Chinh nhắc đến là Nguyễn Trọng Đoàn, em trai của Nguyễn Văn Chưởng. Khi vụ án của công an tên Sinh xảy ra, Đoàn đến cơ quan cảnh sát điều tra để đưa đơn làm chứng ngoại phạm của Chưởng. Đoàn bị đại tá Dương Tự Trọng, “sếp” của Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra, Phó Giám Đốc Công an thành phố Hải Dương bắt, tra tấn và áp đặt anh tội “che giấu tội phạm” với hai năm tù giam.
Sáu giờ sáng ở Hải Dương. Ông Chinh tiếp tục ngồi đánh máy cho xong những lá thư kêu oan để kịp chuyến tàu đi Hà Nội. Ông chưa bao giờ hết hy vọng, dù đã 17 năm và dù ông còn 13 ngày để giành lại con trai mình. Ông vẫn hy vọng chuyến đi đến văn phòng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vào ngày Thứ Hai sắp tới.
Bốn lá thư được đánh máy xong, gửi cho bốn nhân vật: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Trương Tấn Sang, và Thiếu tướng Đinh Văn Nơi.
Tôi chào ông, vẫn còn kịp nghe tiếng gà gáy sáng báo hiệu một ngày mới bên kia đầu dây.
—
Vụ án thiếu tá Nguyễn Văn Sinh- Công an phường Đông Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng bị giết chết khi đang đi tuần tra đã xảy ra 17 năm. Nguyễn Văn Chưởng và bốn người khác bị cáo buộc tội giết người (trong đó, Chưởng bị đề nghị tử hình còn bốn người khác bị án từ 12 tháng đến chung thân). Tử tù Nguyễn Văn Chưởng (nay 40 tuổi) và gia đình đã có nhiều đơn kêu oan, đề nghị các cấp xem xét lại bản án, nhưng đến nay vẫn không được giải quyết.