Mục 230, mạng xã hội và tự do ngôn luận

Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ hôm thứ Năm 18 tháng Năm 2023 đãđã đứng về phía các công ty Google và Twitter, bác bỏ yêu cầu hạn chế Mục 230 (Section 230) – một đạo luật bảo vệ quyền tự do ngôn luận của công dân. Ảnh Kent Nishimura / Los Angeles Times via Getty Images
Thời Sự
Thời Sự
Mục 230, mạng xã hội và tự do ngôn luận
Loading
/

Trong một phán quyết bất ngờ vào hôm nay thứ Năm 18 tháng Năm 2023, Tối cao Pháp viện (TCPV) Hoa Kỳ đã đứng về phía các công ty Google và Twitter, bác bỏ hai vụ kiện và những yêu cầu hạn chế Mục 230 (Section 230) – một đạo luật bảo vệ các nền tảng mạng xã hội trước các vụ kiện tụng, và từ đó bảo vệ quyền tự do ngôn luận của công dân. 

Câu hỏi, “các mạng xã hội có phải chịu trách nhiệm pháp lý về những nội dung đăng trên trang nền tảng của họ hay không?” từ lâu đã trở thành một đề tài tranh cãi trong giới lập pháp, công nghệ và công chúng Hoa Kỳ.

Luật hiện hành của Hoa Kỳ nói “không”. Mục 230 của Đạo luật về Khuôn phép trong Giao tiếp (CDA) ban hành năm 1996 quy định: “Không nhà cung cấp hoặc người sử dụng dịch vụ tương tác trên máy tính nào sẽ bị đối xử như là người xuất bản, người phát ngôn của bất kỳ thông tin nào được cung cấp bởi một nhà cung cấp nội dung thông tin khác”. Quy định này như một thứ áo giáp bảo vệ các công ty công nghệ Google, Twitter, Facebook, Instagram… khỏi các vụ kiện về nội dung mà người dùng đăng trên các mạng của họ.

Giả sử một người viết Facebook A đăng trên “tường nhà” anh ta một thông tin có thể gây hại cho người khác thì theo Mục 230, Facebook không chịu trách nhiệm pháp lý vì Facebook không phải là “nhà xuất bản” hay “người phát ngôn” thông tin đó. Một bạn đọc Facebook B tương tác với thông tin mà ông A đăng lên, chẳng hạn như thích (like), bình luận (comment) cũng không phải chịu trách nhiệm gì cả. Điều đó khác với hoạt động báo chí, truyền hình; trong đó phóng viên và tòa báo có thể bị kiện đến tán gia bại sản nếu đăng thông tin xúc phạm, phỉ báng người khác không có căn cứ.

Cái áo giáp Mục 230 bị các nhà lập pháp của cả hai đảng nhiều lần muốn hủy bỏ để giành quyền kiểm soát các công ty công nghệ mà họ cho là quá tự do, quá tùy tiện. Nhưng các công ty công nghệ ủng hộ việc duy trì các biện pháp bảo vệ pháp lý cho các mạng xã hội nói rằng Mục 230 là lá chắn cho sự đổi mới, cho phép các công ty công nghệ thúc đẩy sáng tạo và quyền tự do ngôn luận mà không phải lo lắng về các vụ kiện.

***

Hai vụ kiện như thế đã được TCPV xem xét và đưa ra phán quyết hôm thứ Năm, làm sống lại cuộc tranh cãi triền miên về Mục 230, mạng xã hội và tự do ngôn luận.

Ở vụ kiện thứ nhất, Gonzalez v. Google, gia đình của Nohemi Gonzalez, một sinh viên 23 tuổi đi trao đổi văn hóa ở Pháp, kiện mạng YouTube thuộc sở hữu của Google, cho rằng YouTube phải chịu trách nhiệm về cái chết của Gonzalez ở Paris, do các tay khủng bố tổ chức Nhà nước Hồi giáo (ISIS) sát hại. Họ nói mạng xã hội này hoạt động như một nền tảng tuyển mộ cho tổ chức khủng bố. 

Vụ kiện thứ hai, Twitter v. Taamneh, thân nhân của Nawras Alassaf nói Twitter đã không giám sát đầy đủ các danh khoản liên quan tới ISIS trên mạng của họ trước khi tổ chức khủng bố này tấn công hộp đêm Reina ở Thổ Nhĩ Kỳ đêm 1 tháng Giêng 2017, giết chết Alassaf và 38 người khác.

Nguyên đơn của cả hai vụ kiện đều căn cứ trên Luật Chống Khủng Bố, đạo luật quy định về trách nhiệm dân sự của hành vi hỗ trợ tấn công khủng bố.

Nhưng trong phán quyết của TCPV do Thẩm phán Thomas Clarence công bố, “các nguyên đơn đã không chứng minh được các bị đơn đã cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ thiết thực nào, hoặc có ý thức tham gia vào vụ  tấn công hộp đêm Reina, càng không chứng minh được các bị đơn đã hỗ trợ ISIS một cách dai dẳng và có hệ thống để buộc họ phải chịu trách nhiệm cho mọi cuộc tấn công của ISIS”.

Theo phán quyết, các công ty Google và Twitter không phải chịu trách nhiệm pháp lý về hoạt động khủng bố của ISIS nói chung và về các vụ tấn công gây tử vong cho các công dân Nawras Alassaf và Nohemi Gonzalez nói riêng. Phán quyết của TCPV cũng đảo ngược một quyết định của tòa phúc thẩm liên bang đã cho phép xúc tiến vụ kiện Twitter v. Taamneh.

***

Tuy phán quyết của TCPV không đề cập trực tiếp tới Mục 230, nhưng các nhà lập pháp ở Quốc hội Mỹ cảm thấy thất vọng. Họ đã mất  nhiều năm tranh cãi về ý định cải cách, cập nhật, thậm chí hủy bỏ Mục 230 để ngăn chặn những tác hại mà các mạng xã hội gây ra, trong đó có chuyện quảng bá thông tin của các tổ chức cực đoan và khủng bố.

Đảng Dân chủ lo ngại truyền thông xã hội bị “vũ khí hóa” để lan truyền thông tin giả mạo về bầu cử và sức khỏe cộng đồng như chuyện đã xảy ra trong các năm đại dịch Covid. Họ muốn thay đổi Mục 230 để bảo đảm các công ty công nghệ phải có trách nhiệm hơn với những nội dung độc hại và gây hấn trên nền tảng của họ.

Tổng thống Joe Biden, trong thời gian tranh cử năm 2020 khi còn là ứng cử viên tổng thống, đã nói Facebook “không đơn thuần là một công ty internet,” và kêu gọi bãi bỏ Mục 230. 

Đảng Cộng hòa ngược lại, lo ngại Mục 230 bảo vệ các công ty công nghệ không bị kiện tụng về các quyết định của họ xóa, gỡ bỏ các bài đăng, thậm chí khóa các danh khoản của người dùng, như chuyện cả Twitter, YouTube và Facebook đều khóa các danh khoản của Donald Trump và những kẻ tham gia vụ bạo loạn tấn công Quốc hội ngày 6 tháng Giêng 2021.

Nhưng các nghị sĩ của cả hai đảng chưa thể đồng thuận với nhau để đưa ra những đạo luật mới về mạng xã hội hoặc cải cách Mục 230 sao cho vẫn tôn trọng quyền tự do ngôn luận của người dân, quyền quyết định hoạt động kinh doanh của các công ty sở hữu mạng xã hội mà vẫn loại trừ được những thông tin xuyên tạc và nguy hại.

Một số người ủng hộ các công ty công nghệ thì nhận định, các phương tiện truyền thông xã hội sẽ không tồn tại nếu không có những biện pháp bảo vệ của Mục 230. Nếu họ có thể bị kiện vì một dòng tin tweet, một status trên Facebook mà người khác không thích thì tại sao họ phải xây dựng mạng xã hội và cho phép mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình? 

Những người ủng hộ tự do ngôn luận cho rằng, nếu tòa án thiên về các nguyên đơn trong các vụ kiện kiểu như kể trên thì các công ty truyền thông xã hội buộc phải hạn chế quyền tự do ngôn luận đã được Hiến pháp Hoa Kỳ bảo đảm, họ phải sử dụng những công cụ kiểm duyệt nội dung để hạn chế việc thảo luận về các đề tài được cho là nhạy cảm.

Nói cách khác, theo những người ủng hộ, các công ty công nghệ và mạng xã hội đóng vai trò then chốt trong cuộc sống hiện đại và nền dân chủ do đó cần được bảo vệ bằng Mục 230. Khi đưa ra phán quyết đứng về phía các mạng xã hội TCPV Hoa Kỳ đã thể hiện quan điểm đó, còn Quốc hội muốn sửa luật để gia tăng quyền kiểm soát của họ thì đó là việc của Quốc hội, cơ quan lập pháp. Cho đến nay, gần như mọi đề nghị cải cách Mục 230 đều không mang lại kết quả.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: