Theo dữ liệu của FBI, các vụ lừa đảo nhắm vào người lớn từ 60 tuổi trở lên đang gia tăng, mà số tiền trung bình một người bị mất lên đến hàng chục nghìn đôla.
“Ngoài tổn thất về tài chính, mục tiêu của các vụ lừa đảo có thể mất đi sự độc lập và bị giảm chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe kém. Những vụ lừa đảo nhắm vào người Trung Quốc ở Vùng Vịnh gây ra hậu quả hết sức nặng nề,” bà Sandy Close, giám đốc Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (Ethnic Media Services-EMS) mở đầu cuộc họp báo vào đầu Tháng Sáu vừa qua.
Nhân trong Tháng Sáu có ngày 15, là “Ngày Thế Giới Nhận Thức Về Lạm Dụng Người Cao Tuổi” (World Elder Abuse Awareness Day), EMS chọn chủ đề này, và đã thu hút gần 70 nhà báo đại diện các cơ quan báo chí tham dự.
Theo FBI, năm ngoái 2023, số tiền bị lừa trên toàn quốc lên đến $3.4 tỷ, mà nạn nhân chủ yếu là người trên 60 tuổi, với hàng trăm ngàn vụ báo cáo. Năm 2022, tiền bị lừa khoảng $3.1 tỷ, tăng 14% so với năm trước. California là nơi những kẻ lừa đảo “hành động” nhiều nhất, nên số người bị lừa cao nhất, và số tiền bị lừa lên tới $620 triệu, trong hơn 11,000 báo cáo mà cơ quan chức năng nhận được vào năm 2023.
Người trình bày đầu tiên là ông Robert Tripp, đặc vụ phụ trách văn phòng FBI San Francisco, cho biết trong số các hình thức lừa đảo người cao niên phổ biến nhất là lừa đảo tiền đầu tư. Đây không phải những trò gian lận doanh nghiệp một cách tinh vi, mà là dụ dỗ phần thưởng bằng tiền. kẻ lừa đào sẽ email, gọi điện thoại, hoặc nhắn tin về cơ hội làm giàu khi đầu tư để sinh lợi như tiền điện tử.
Ông Tripp nói: “Ngoài các lừa đảo hỗ trợ công nghệ và có chút ‘tình thương mến thương’ trong đó, kẻ lừa đảo còn dùng hình thức khác là mạo danh quan chức chính phủ, quan chức Hoa Kỳ hoặc quan chức lãnh sự từ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, cho rằng người nhận cuộc gọi phải trả một khoản tiền nào đó.”
Ông nói thêm rằng hai dấu hiệu lừa đảo cần đề phòng là các cuộc gọi hoặc tin nhắn yêu cầu gửi tiền và tính cấp thiết đối với những yêu cầu phải trả ngay lập tức số tiền này. “Nếu bạn không hiểu tại sao mình phải trả một số tiền vô lý nào đó, thì đừng quan tâm, và đừng trả lời,” ông Tripp khuyên.
Tham dự cuộc họp, bà Anni Chung, chủ tịch và giám đốc điều hành của Self- Tổ chức trợ giúp cho người cao niên tỏ ý lo ngại, vì các vụ lừa đảo tài chính đang gia tăng. Hơn nữa, với việc kẻ lừa đảo sử dụng trí tuệ nhân tạo “tuyệt chiêu” tới mức dùng những hình ảnh giống y chang, và bản ghi âm có giọng nói y hệt người thân của họ, nên rất nhiều người bị lầm, và bị lừa. “Điều đó thật sự đáng sợ hơn,” bà Chung nói.
Theo bà Chung cho biết, tại San Francisco, hơn 42% nạn nhân của các vụ lạm dụng người cao niên là người Mỹ gốc Á. Trong khi cộng đồng AAPI chiếm 1/3 cư dân thành phố, thì tỷ lệ báo cáo từ chính cộng đồng AAPI chỉ là 12% – nghĩa là 2/3 số nạn nhân không bao giờ trình báo tội phạm.
Cùng được mời tham dự, Trung Sĩ Tony Flores thuộc Sở Cảnh Sát San Francisco thông tin thêm, rằng những kẻ lừa đảo này thường dùng ngôn ngữ của người mà chúng lừa, để dễ chiếm lòng tin.
“Điều tôi lo lắng nhất là sự cô lập, vì thiếu nguồn lực ngôn ngữ và sự cô lập với những người có thể giúp đỡ,” bà Ali Chiu, giám sát viên dịch vụ tư vấn chính của Chương trình phòng chống lạm dụng người già tại Viện Người Cao Tuổi (Institute on Aging), cho biết. Bà Chiu cho rằng khi bị lừa, nạn nhân xấu hổ, rồi sợ bị trả thù, cùng với rào cản về ngôn ngữ, khiến họ im lặng mà cam chịu.
Bà Chiu kể về câu chuyện có thật mà bà biết: “Một phụ nữ Trung Quốc 72 tuổi liên lạc với Institute on Aging, và nói vì họ xem TV và thấy có Kênh 26, nói bằng ngôn ngữ của bà. Bà nói mình là một phụ nữ giàu có. Một hôm bà nhận được cuộc điện thoại thông báo về một vụ lừa đảo đầu tư. Bà phớt lờ, nhưng họ liên tục gọi điện thoại, đe dọa. Cuối cùng bà đã phải thế chấp căn nhà của mình với lãi suất hơn 15%. Bà không muốn nói với ai về chuyện đó vì quá xấu hổ là bằng tuổi ấy mà còn bị lừa.”
Một ví dụ đáng chú ý xảy ra vào Tháng Tư năm 2023, là ông Derek Vincent Chu ở East Bay, bị đại bồi thẩm đoàn liên bang truy tố vì các tội ác liên quan đến kế hoạch Ponzi liên quan đến ít nhất $39 triệu và hơn 100 nạn nhân, đa số là cư dân Khu Phố Tàu ở San Francisco.
Bà Jaynry Mak, luật sư đại diện cho nạn nhân của vụ lừa đảo trên, cho biết từ năm 2013 đến năm 2020, ông Chu sử dụng một số công ty để huy động tiền, bằng cách lừa đảo kêu gọi đầu tư, sử dụng tiền của người mới trả cho người cũ, và sử dụng hơn $7.3 triệu để trả nợ thẻ tín dụng cá nhân cho các khoản đi du lịch và các mặt hàng xa xỉ.
“Lần đầu tiên tôi biết đến trường hợp này là khi một thương gia ở Khu Phố Tàu quen biết Chu và nói với tôi rằng cô ta đưa tiền cho Chu và không bao giờ được trả lại,” Mak kể. Nhiều tháng sau, một người phụ nữ khác nói với bà biết Chu, người môi giới bảo hiểm nhân thọ của bà, hơn 30 năm và rằng ông ta đã lấy tiền của bà.”
Bà Mak nói: “Lừa đảo người cao niên là những câu chuyện rất buồn. Nhưng bằng cách báo cáo, họ đã ngăn những nạn nhân khác trở thành nạn nhân, ngăn kẻ lừa đảo lấy thêm tiền của nười khác.”
Trung Sĩ Flores kêu gọi nếu ai phát hiện có kẻ đang tính lừa mình, thì nên báo cáo ngay. Ông nói: “Việc chậm trễ báo cáo, vừa nguy hiểm cho chính bạn, vừa gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Chúng tôi có thể mất thông tin, tài nguyên giám sát, bằng chứng,… Một vụ việc có thể kéo dài vài năm, nên đó là lý do kẻ lừa đảo nhắm vào người cao niên, vì chúng tin rằng tới lúc cần có mặt để lấy lời khai, nhiều khi nạn nhân không còn.”
Cuối cùng, ông Tripp cho biết những người tin rằng họ đang là nạn nhân của một vụ lừa đảo, “nên gọi cho tổ chức tài chính của mình, sau đó là cơ quan thực thi pháp luật – gọi cho FBI theo số 1-800-CALLFBI hoặc nộp báo cáo trực tuyến tại Trung tâm Khiếu nại Tội phạm Internet của FBI.