Người Mỹ gốc Á: “Bạo lực súng đạn, chúng tôi trở thành mục tiêu”

Gia tăng số người Mỹ gốc Á sở hữu súng tại nhà
Buổi thắp nến cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ xả súng hàng loạt ở Công viên Monterey và Vịnh Half Moon vào ngày 26 Tháng Giêng năm 2023 tại San Francisco, California. Hàng trăm người tham dự buổi thắp nến tưởng niệm các nạn nhân của các vụ xả súng liên hoàn ở miền bắc và miền nam California trong những tuần sau đó. (ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Số lượng người Mỹ gốc Á mua súng gia tăng là xu hướng đáng lo ngại, vì nhiều nghiên cứu cho thấy người sở súng tại nhà có nguy cơ tự tử cao.

Kevin Leung, huấn luyện viên trường dạy võ ở Monterey Park, chỉ mới “hoàn hồn” mấy ngày nay sau vụ xả súng vào dịp Tết Nguyên Đán, làm chết 11 người.

Trường dạy võ Hiệp hội Kung Fu Siu Lum Pai mà Leung đang làm huấn luyện viên, tổ chức lớp học võ hàng tuần tại phòng khiêu vũ Star Ballroom Dance Studio từ nhiều năm qua. Ngay trong thời kỳ đại dịch COVID-19, anh hướng dẫn nhiều lớp võ tự vệ cho người cao niên để phòng chống nạn thù ghét người gốc Á.

Phòng khiêu vũ bị tấn công vào đúng dịp Tết Nguyên Đán hồi Tháng Giêng, kể từ đó, Leung đặt câu hỏi về tính hiệu quả của các sáng kiến an toàn cộng đồng khi không có chính sách kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt hơn. “Chúng tôi tự rèn luyện bản thân, cảnh giác hơn khi ra ngoài,” anh nói với Guardian. “Nhưng dù có chuẩn bị mọi thứ, khi có người cầm súng xông vào, liệu chúng tôi có thể làm gì?”

Một loạt vụ xả súng đã diễn ra ở Monterey Park và Half Moon Bay tại California hồi Tháng Giêng, khiến 18 người, hầu hết tử thương là người cao niên gốc Á. Cả hai thủ phạm xả súng đều là người nhập cư gốc Á và nằm trong số những kẻ xả súng hàng loạt cao tuổi nhất lịch sử nước Mỹ.

Người tham dự đặt bó hoa khi bắt đầu buổi thắp nến cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ xả súng hàng loạt ở Công viên Monterey và Vịnh Half Moon vào ngày 26 Tháng Giêng năm 2023 tại San Francisco, California. (ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Theo một khảo sát năm 2021, hơn 75% người Mỹ gốc Á ở California bày tỏ e ngại về bạo lực súng đạn, mức cao nhất trong số các nhóm chủng tộc, 30% người da trắng có phản ứng tương tự. Gần một nửa thanh niếu niên người Mỹ gốc Á và da màu lo ngại sẽ trở thành nạn nhân của bạo lực súng đạn. Chính vì thế, người Mỹ gốc Á ủng hộ siết luật kiểm soát súng đạn.

Po Murray, đồng sáng lập nhóm vận động kiểm soát súng đạn Liên minh Hành động Newtown, cho biết trong lịch sử, số người chết vì súng đạn trong cộng đồng người gốc Á thấp hơn những cộng đồng khác, nên họ không lên tiếng về vấn đề kiểm soát súng đạn trên toàn quốc hoặc không coi vấn đề này ảnh hưởng tới mình. Nhưng theo bà, mọi thứ bắt đầu thay đổi trong vài năm qua, từ khi người Mỹ gốc Á trở thành mục tiêu của bạo lực súng đạn, các vụ phạm tội do thù ghét người gốc Á và các vụ xả súng hàng loạt đều gia tăng mạnh.

Murray nhận định số lượng người Mỹ gốc Á mua súng gia tăng là xu hướng đáng lo ngại vì nhiều nghiên cứu cho thấy người sở súng tại nhà có nguy cơ tự tử cao.

Từ năm 2015 tới 2019, hơn 3,000 người Mỹ gốc Á đã chết trong các vụ tự tử bằng súng, giết người và xả súng. Đã có nhiều vụ xả súng có nạn nhân là người gốc Á, từ vụ xả súng trường tiểu học ở Stockton, California năm 1989 khiến năm trẻ em nhập cư thiệt mạng, tới vụ thảm sát ở thẩm mỹ viện tại Atlanta năm 2021 làm chết tám phụ nữ, trong đó có sáu người gốc Á. Murray cảnh báo: “Trong cộng đồng mà càng có nhiều súng thì sẽ càng có nhiều người chết và bị thương vì súng hơn.”

Một thông điệp được nhìn thấy vào Thứ Ba, ngày 31 Tháng Giêng năm 2023 tại đài tưởng niệm tạm thời dành cho các nạn nhân vụ xả súng hàng loạt ở Monterey Park tại Tòa thị chính Monterey Park. (ảnh: Sarah Reingewirtz/MediaNews Group/Los Angeles Daily News via Getty Images)

Hiệp hội Hành động Newtown cùng các nhóm tiến bộ Liên minh Chiến thắng AAPI, MomsRising và CAA, thành lập liên minh chống bạo lực súng đạn AAPI nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng người gốc Á về vấn đề này. Các nhóm ủng hộ ban hành luật cấm vũ khí sát thương, các quy định an toàn khi mua bán súng đạn như kiểm tra lý lịch.

Tuần trước, Tổng thống Joe Biden tới Monterey Park gặp gỡ các gia đình và nạn nhân vụ xả súng, đồng thời công bố sắc lệnh mở rộng kiểm tra lý lịch trước khi bán súng. Ở cấp độ địa phương, Dave Min, nhà lập pháp của nghị viện California đề xuất luật cấm các ngân hàng làm ăn với các nhà sản xuất vũ khí, đồng thời yêu cầu người bán súng có giấy phép của liên bang phải tham gia khóa huấn luyện hàng năm về “bán hàng có trách nhiệm”.

Về phía người gốc Á ủng hộ sở hữu súng, họ lại có quan điểm khác. Ray Kim, người sáng lập nhóm Những người Mỹ gốc Á sở hữu súng ở California có khoảng 8,000 thành viên, cho rằng tình trạng bạo lực chống lại người cao tuổi và phụ nữ gốc Á đang bị lợi dụng để biện minh cho “lệnh cấm súng trường AR-15”. Theo Kim, từ khi thành lập năm 2020, nhóm trải qua ba lần tăng mạnh thành viên trong làn sóng bạo lực chống người gốc Á. Lần thứ nhất vào đợt phong tỏa COVID-19 đầu tiên, lần thứ hai trong phong trào biểu tình George Floyd, lần cuối là sau vụ sát hại cụ ông người Thái Lan Vicha Ratanapakdee ở San Francisco, hồi Tháng Hai, 2021.

Đại diện chính quyền Orange County, California trong buổi họp báo ngày 18 Tháng Bảy 2022 tuyên bố Malik Patt (góc dưới, trái) can tội xả súng vào một tiệm 7-Eleven có thể đối mặt án tử hình; và Jason Payne (góc dưới, phải) can tội trộm cướp (ảnh: Leonard Ortiz/MediaNews Group/Orange County Register via Getty Images)

Tổ chức thương mại Quỹ Thể thao Bắn súng Quốc gia cho biết lượng người Mỹ gốc Á mua súng tăng kỷ lục trong ba năm qua. Hiện tượng này được thúc đẩy phần lớn do làn sóng bạo lực chống người gốc Á. Theo một nghiên cứu của Đại học Michigan và Đông Michigan, người Mỹ gốc Á từng trải qua hay chứng kiến các hành vi phân biệt chủng tộc gia tăng trong thời kỳ đại dịch có xu hướng mua súng để tự vệ cao hơn. “Chúng tôi phải nỗ lực nhiều hơn để huấn luyện chuyên nghiệp và tìm cách phù hợp để áp dụng thái độ đúng với sở hữu súng đạn,” Kim nói.

Tom Nguyễn, người sáng lập lớp dạy bắn súng LA Progressive Shooters, cho rằng các vụ xả súng ở California phản ánh cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần đang ảnh hưởng nhiều hơn tới người nhập cư gốc Á cao tuổi, nhóm nhân khẩu học bị làn sóng bạo lực tổn thương. Nhiều học viên của Nguyễn là người gốc Á, mua khẩu súng đầu tiên bởi họ cảm thấy bất lực trước sự gia tăng các vụ giết người và tội phạm bạo lực. Họ nói với Nguyễn rằng họ mua súng vì cần làm một điều gì đó để bảo vệ bản thân và gia đình của họ.

Với Brittney Au, thảm kịch ở Monterey Park và Half Moon Bay không chỉ gây sốc mà còn là tiếng chuông cảnh tỉnh người Mỹ gốc Á nên chủ động hơn trong đấu tranh đòi hỏi các biện pháp kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt hơn. Au là người sáng lập Compassion in SGV, nhóm tình nguyện hỗ trợ người cao niên gốc Á tự vệ ở thung lũng San Gabriel. “Mua súng dễ quá mà, còn dễ hơn cả mua thuốc không toa. Đáng lẽ đâu có được như thế chứ!”, bà nói.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: