Người Việt vẫn tìm cách đi lậu vào Anh Quốc, dù đã có cái chết cảnh báo

Cư dân địa phương thị trấn Folkestone, Kent, Vương quốc Anh tưởng niệm 39 người Việt chết thảm trong xe đông lạnh trong sự kiện chấn động thế giới năm 2019 (ảnh: Andrew Aitchison / In pictures via Getty Images)

Sau sự kiện xe thùng đông lạnh chở người vượt biên bất hợp pháp vào Anh, khiến 39 người chết, làn sóng người Việt tìm cách đi vào Anh Quốc bất hợp pháp vẫn tiếp tục diễn ra. Hầu hết những người đi như vậy, phần lớn đều là thanh niên và trung niên của các tỉnh phía Bắc Việt Nam.

Không có các con số chính xác, nhưng theo thống kê số di dân bất thường đến Anh, tính đến Tháng Ba 2023, chỉ tính người Việt Nam đi bằng thuyền nhỏ đến Anh bị phát hiện, đã lên đến 2,015 người, đứng thứ 8 trong top 10 những quốc gia có người đến Anh bất hợp pháp. Nhưng hầu hết những quốc gia có công dân vượt biển đến Anh, đều là nơi quốc gia hà khắc như Iran, Iraq, Afghanistan… hoặc có nội chiến như Eritrea, Albania… Việt Nam là quốc gia được coi là thanh bình và phát triển, thế nhưng số người tìm cách ra đi, ở lại bất hợp pháp, có con số trung bình khá ổn định hàng năm.

Chính phủ Anh đang đau đầu thảo luận các luật mới để ngăn chận người nhập cư bất hợp pháp. Nếu bị buôn người và trở thành lao động nô lệ bí mật, sẽ không có cơ sở để tìm kiếm hay giúp đỡ. Nhưng nếu đầu thú và nộp đơn xin tỵ nạn với những lý do mà chính phủ Anh phải xét duyệt, đó là một chương trình vô cùng tốn kém.

Hiện hệ thống tị nạn tiêu tốn 3.6 tỷ bảng Anh mỗi năm, nhưng chi phí dành cho những người di cư bất hợp pháp đã tăng đáng kể bắt đầu từ năm 2020. Nếu những xu hướng này tiếp tục, dự trù Bộ Nội vụ sẽ chi hơn 11 tỷ bảng Anh mỗi năm, tương đương 32 triệu bảng mỗi ngày, cho việc hỗ trợ tị nạn. Việc siết chặt mọi thứ, và có vẻ bị chỉ trích nhiều hơn, nhưng đang là điều cần thiết.

Con đường đi lậu vào Anh, gian nan hơn bất kỳ việc ra đi nào, từ Việt Nam hay từ châu Âu. Thế nhưng làn sóng này chỉ chậm lại một ít, rồi lại tiếp diễn. Anh Quốc chỉ là một điểm đến, thật ra, mỗi ngày vẫn có những người Việt Nam tìm cách đi du lịch, đi lao động, du học… rồi trốn ở lại ở nhiều quốc gia. Trả lời câu hỏi tại sao người Việt Nam vẫn cố im lặng thực hiện những chuyến hành trình nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng để ra đi ở khắp nơi trên khắp thế giới như vậy, Giang Nguyễn, người đứng đầu Ban biên tập của BBC nhận định “Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển, nhưng không phải ai cũng được hưởng lợi nhiều từ điều đó”.

Cũng theo ước tính của BBC, trong gần 10 năm qua, di cư từ Việt Nam sang Anh có nguồn gốc từ thành phố phía Bắc Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, nhưng gần đây đã có sự gia tăng di cư bất thường từ ba tỉnh miền Trung, Nghệ An, Quảng Bình và Hà Tĩnh, tương đối nghèo hơn. Người ta ước tính rằng các mạng lưới từ Việt Nam đang buôn lậu khoảng 18.000 người mỗi năm sang châu Âu. Số đến Anh khó đếm được chính xác.

Nhưng đối với người di cư Việt Nam, Vương quốc Anh có lẽ là điểm đến phổ biến nhất ở châu Âu, Tiến sĩ Tamsin Barber, giảng viên xã hội học chính trị tại Đại học Oxford-Brookes, chuyên về di cư và dân số Anh-Việt, cho biết, bởi ở quốc gia này, họ có thể có tìm được công việc ổn định và có dư dả tiền để gửi về cho gia đình ở Việt Nam. Nhu cầu về lao động tay nghề thấp trong các nhà hàng, tiệm làm móng và ngành công nghiệp cần sa bất hợp pháp đang cần người. Vì vậy, ở Anh đã hình thành một mạng lưới rộng khắp những người Việt Nam có thể tiếp nhận những người mới đến về chỗ ở và việc làm.

Chuyện mai mối đưa đi bất hợp pháp như vậy, tiêu tốn những số tiền mà mỗi người Việt Nam bình thường phải làm cả năm 5 hoặc 10 năm vẫn không có được số dư đó. Một người trong cuộc tiết lộ rằng các kiểu ra đi, có mức giá khác nhau. Đối với những người có ít tiền hơn – thì từ $10,000 đến $15,000 (7,800 đến 11,600 bảng Anh) – cuộc hành trình này sẽ mệt mỏi hơn, chẳng hạn, bao gồm cả việc đi bộ qua rừng vào ban đêm. Còn với những người có đủ khả năng trả nhiều hơn – từ $40,000 đến $50,000 (31,000 đến 39,000 bảng Anh) – sẽ di chuyển bằng máy bay. Còn nếu thất bại? Họ lại phải kiếm đủ số tiền như vậy cho chuyến đi kế tiếp.

Người Việt đi lậu đến Anh, chịu một số tiền lớn, và hiểm nguy – thậm chí là cái chết như 39 thanh niên trên thùng xe đông lạnh năm 2019 – nhưng họ vẫn quyết tâm, vì nhìn thấy cơ hội đổi đời, và có thể giúp cho gia đình. Chuyện di chuyển bằng xe đông lạnh dường như vẫn diễn ra. Một báo cáo của Pháp mô tả những kẻ buôn lậu, rằng những người đi lậu Việt Nam được khuyến khích rằng xe tải đông lạnh giúp họ có nhiều cơ hội tránh bị phát hiện hơn. Bọn buôn người đưa cho họ mỗi người một túi nhôm để trùm đầu khi đi qua máy quét ở biên giới.

Ở Việt Nam, giới tuyên truyền của nhà nước hay mỉa mai và chụp lên những người này hình ảnh về những kẻ ham “việc nhẹ lương cao” hay thiếu suy nghĩ, thậm chí là phản bội tổ quốc. Thế nhưng ở chính quê hương của mình, những người Việt như vậy không dễ dàng tìm thấy một con đường sống và thăng tiến. Đỉnh cao của học vấn chỉ là dễ tham gia vào các chuỗi làm việc tay chân như chạy xe ôm công nghệ, làm công nhân tại các khu chế xuất. Giáo viên hay bác sĩ cũng bỏ nghề để buôn bán vì quá chán guồng máy nhà nước bế tắc và quan liêu. Đi tìm một lối khác tự do định đoạt đời mình, những người di dân bất hợp pháp Việt Nam đứng giữa hai gọng kềm: Nơi đến coi là tội phạm, còn ở quê hương thì coi như tội đồ.

Trong một hồ sơ thăm dò của toà Đại sứ Anh ở Việt Nam, với 346 người bị cưỡng bức hồi huơng, hầu hết những người trở về đều coi nước Anh là một ‘thiên đường’, từ cơ hội việc làm và thu nhập đến hệ thống chăm sóc sức khỏe và pháp lý, thậm chí là cả khi ở tù. Quả là thú vị, khi ở ngay tại đất nước tự xưng “thiên đường” được chính quyền Hà Nội quảng bá và tuyên truyền mỗi ngày, chính công dân của họ vẫn khước từ và ra đi, tìm đến một vùng đất xa lạ, được họ tự định nghĩa đó là “thiên đường” có thật.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: