Phi cơ của Israel tiếp tục dội bão lửa khắp dải Gaza vào lúc cuộc tấn công trên bộ vào vùng lãnh thổ do Hamas cai trị có thể bắt đầu bất cứ lúc nào. Israel cũng tiếp tục tấn công các mục tiêu ở Bờ Tây – vùng lãnh thổ do chính quyền Palestine kiểm soát, cả những mục tiêu ở Syria và Lebanon. Bóng ma chiến tranh lan rộng khắp chảo lửa Trung Đông hiển hiện rõ hơn bao giờ.
Hai tuần trước, khi xảy ra vụ tấn công bất ngờ và tàn bạo của lực lượng Hamas vào phía Nam Israel, hầu hết các nhà quan sát đều nghĩ rằng, xung đột sẽ hạn chế trong phạm vi dải Gaza, như những xung đột vẫn thường xảy ra giữa đôi bên suốt mấy chục năm qua. Lý do là các đối thủ chính – Israel, Iran và Hoa Kỳ – đều đang bận tâm với nhiều chuyện trọng đại khác và đều không muốn xung đột Israel-Hamas lan rộng. Các nước Ả Rập láng giềng như Jordan, Ai Cập cũng không muốn chiến tranh lan rộng vì lo sợ làn sóng người tị nạn ồ ạt sẽ đảo lộn xã hội của họ. Hoa Kỳ chẳng hạn, muốn một vùng Trung Đông ổn định để không gây ảnh hưởng xấu tới thị trường dầu khí, gây lạm phát trên toàn cầu, không kích thích các thế lực cực đoan và không làm giảm nguồn lực của Mỹ cho cuộc kháng chiến của Ukraine. Iran cũng vậy, chính phủ thần quyền ở Tehran đang lao đao với những vụ phản kháng của người dân trong nước đồng thời quan hệ Iran- Mỹ cũng đang có dấu hiệu tan băng sau khi Washington và Tehran đạt thỏa thuận trao đổi tù nhân và tháo khoán khoản tiền $6 tỷ của Iran bị Mỹ phong tỏa trong các nhà băng Nam Hàn.
Vì thế, Hoa Kỳ đã phản ứng rất nhanh chóng. Một mặt, Mỹ đưa tới khu vực một lực lượng quân sự hùng hậu, kể cả hai nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm, vừa nhằm hỗ trợ đồng minh Israel vừa gửi một tín hiệu răn đe tới các đối thủ trong vùng, chớ lợi dụng tình thế để đục nước béo cò. Mặt khác, Mỹ thực hiện một chiến dịch ngoại giao con thoi chưa từng thấy tới thủ đô các nước trong khu vực để vận động tháo ngòi nổ chiến tranh. Tham gia chiến dịch ngoại giao cấp cao này không chỉ có Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin III mà cả Tổng thống Joe Biden cũng bay tới vùng chiến sự để thể hiện vai trò lãnh đạo của Mỹ. Ông Biden thậm chí còn viện dẫn “những sai lầm” của Mỹ sau vụ khủng bố 11 Tháng Chín 2001 để thuyết phục Israel chớ hành động quá tay mà phải bảo đảm sinh mệnh của thường dân Palestine, cụ thể là tìm một biện pháp trả đũa khác, thay cho cuộc tấn công trên bộ mà Israel đang chuẩn bị.
Mộng du vào chiến tranh
Nhưng từ cuối tuần qua, những biến cố bất ngờ đã làm những người lạc quan nhất cũng phải lo lắng. Vụ nổ ở bãi xe của bệnh viện Al Ahli ở Gaza hôm Thứ Bảy, làm hàng trăm người chết, là một biến cố như vậy. Đến hôm nay thì không chỉ Israel và Hoa Kỳ mà cả Anh và Pháp đều kết luận vụ nổ là do một hỏa tiễn bị lạc hướng của tổ chức chiến binh Islamic Jihad (IJ) bắn đi từ lãnh thổ Gaza, không phải do Israel. Thế nhưng, ngay sau vụ nổ, Hamas và IJ lập tức đổ tội cho Israel tàn sát dân lành. Dù đến nay, phía Hamas và IJ chưa đưa ra được bằng chứng khả tín nào, lời cáo buộc của họ cũng đã được người Ả Rập và người Hồi Giáo khắp nơi chấp nhận; nhiều cuộc biểu tình lên án tội ác của Israel, chống Mỹ, nổ ra khắp vùng Trung Đông và lan ra nhiều nơi khác, kể cả Đông Nam Á. Biến cố bi thảm này cũng đã khiến cuộc họp thượng đỉnh giữa Quốc vương Jordan, Tổng thống Ai Cập, Tổng thống Palestine và Tổng thống Mỹ tại thủ đô Amman bị hủy bỏ vào phút chót – một cơ hội tìm kiếm hòa bình, ngăn chặn chiến tranh đã bị bỏ lỡ; ông Biden bay về Washington với hai bàn tay trắng.
Cho đến bây giờ, phi pháo của Hamas từ Gaza vẫn tiếp tục bắn sang Israel còn phía Bắc Israel giáp với Lebanon, hàng chục làng mạc hai bên đường biên giới đang được di tản vào sâu bên trong khi quân đội Israel và tổ chức chiến binh Hezbollah ở Lebanon đấu pháo với nhau hàng ngày. Về phần Israel, trong cơn say máu trả thù cho thất bại nhục nhã hôm 7 Tháng Mười, Tel Aviv một mặt tích cực trả đũa bằng những cuộc ném bom, bắn hỏa tiễn san bằng nhiều khu dân cư ở Gaza, tấn công Hezbollah ở cả Syria và Lebanon, tập trung quân đội và vũ khí chuẩn bị xâm lược Gaza, một mặt phớt lờ những lời kêu gọi kiềm chế của Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế. Quyết tâm của Israel xóa sổ lực lượng Hamas là rõ ràng, và Tel Aviv có thể làm được điều đó trong một cuộc chiến tranh kéo dài, lan rộng và đẫm máu dù sau đó là gì thì vẫn chưa xác định được.
Biến cố mới nhất cũng làm lộ rõ vai trò của Iran và những tính toán chiến lược nguy hiểm của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Iran không chỉ “ăn mừng” rầm rộ sau cuộc tấn công man rợ của Hamas vào lãnh thổ Israel mà những phát ngôn đầy kích động của các nhà lãnh đạo Iran cũng cho thấy Tehran coi cuộc xung đột Israel – Hamas là cơ hội mà họ phải nắm lấy để bành trướng thế lực.
Chiến tranh Israel – Iran là khó tránh
Israel theo Do Thái Giáo và Iran theo Hồi Giáo Shiite là hai kẻ thù không đội trời chung ở vùng Vịnh Ba Tư. Chế độ thần quyền Iran đặt mục tiêu xóa sổ nhà nước Do Thái khỏi bản đồ thế giới là một “nghĩa vụ tôn giáo” của mọi tín đồ Hồi Giáo và họ sử dụng nhiều phương cách để đạt mục tiêu đó. Trong khi đó, vì sự tồn tại của mình, Israel không bao giờ chấp nhận một nước Iran có vũ khí hạt nhân và giữ vai trò lãnh đạo khu vực. Palestine và số phận bi thảm của dân tộc này suy cho cùng chỉ là quân cờ trong cuộc tranh giành của hai nước láng giềng hùng mạnh Iran và Israel.
Xung đột bất ngờ giữa Israel và Hamas mang lại cho Tehran cơ hội, cho dù cả Israel và Hoa Kỳ đều nói không tìm thấy bằng chứng về sự can dự của Iran vào cuộc tàn sát hôm 7 Tháng Mười, mục đích để khỏi lôi kéo Iran vào cuộc chiến khi chưa đến lúc. Ngoại trưởng Blinken còn gặp người đồng cấp Iran để nhấn mạnh Iran chớ có dính vào xung đột đang diễn ra.
Nhưng các nhà lãnh đạo Iran không nghĩ như vậy. Trên đài Al Jazeera ngày 15 Tháng Mười, Ngoại trưởng Iran cảnh cáo nếu Israel tấn công trên bộ vào Gaza thì “có khả năng rất cao rằng nhiều mặt trận sẽ được mở ra” và “các nhà lãnh đạo kháng chiến sẽ biến nơi đó [Gaza] thành mồ chôn quân xâm lược”. Nhà lãnh đạo tinh thần của Iran, Giáo chủ Ali Khamenei nói rõ hơn, đừng kỳ vọng Iran sẽ kiềm chân các chiến binh Hồi Giáo nếu Israel tấn công dải Gaza. Khi đe dọa như vậy, Iran đề cập tới các tổ chức quân sự mà Tehran lập ra, huấn luyện và hậu thuẫn khắp vùng Trung Đông. Ngoài Hamas và IJ ở dải Gaza, Iran còn hà hơi tiếp sức cho Hezbollah ở Lebanon và Syria, Houthi ở Yemen và nhóm phiến quân thân Iran ở Iraq. Các tổ chức này, giống như những chiếc vòi bạch tuộc, có nhiệm vụ quấy nhiễu, phá hoại Israel và các quyền lợi của Mỹ ở khu vực qua những vụ khủng bố, đánh bom cảm tử và nhiều hành động gây bất ổn khác. Các thỏa thuận hòa bình do Hoa Kỳ môi giới như Oslo I, Oslo II nhằm thiết lập hai nhà nước Israel và Palestine đã không thành hiện thực một phần do sự chống đối của phe Do Thái cực hữu ở Israel, một phần do sự phá hoại ngầm của Iran, không muốn thấy một nhà nước Israel tồn tại.
Vị thế của Iran bị đe dọa khi gần đây các nước Ả Rập bắt đầu xét lại lập trường đối với Israel. Không ai có thể nắm chặt bàn tay suốt đêm, sau nhiều thập niên, các nước Jordan và Ai Cập đã từ bỏ lập trường “xóa sổ Israel” để chung sống hòa bình, đổi lấy việc Israel trả lại lãnh thổ bán đảo Sinai và cao nguyên Golan mà Tel Aviv chiếm được trong cuộc chiến năm 1967. Gần đây, thỏa thuận Abrahams do chính quyền Donald Trump của Mỹ môi giới đã giúp Israel bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Các tiểu vương quốc Ả Rập (UAE), Bahrain và Morocco, theo đó các nước Hồi giáo này từ bỏ quan điểm phủ nhận sự tồn tại của nhà nước Do Thái được minh định trong Nghị quyết 142 của Liên hiệp quốc năm 1947. Hiệp ước Abrahams là một nhát dao đâm vào tham vọng bá quyền khu vực của Iran mà Tehran không chấp nhận được.
Chính quyền Joe Biden có cách đối xử với Iran linh hoạt hơn, kết hợp cây gậy và củ cà rốt. Một mặt Washington tìm cách nối lại hiệp ước về chương trình hạt nhân ký kết giữa Iran và nhóm P5+1 [gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ cộng với Đức] mà ông Trump đã rút ra năm năm trước, mà vụ trao đổi tù nhân và tháo khoán khoản tiền $6 tỷ gần đây là bước đi có ý nghĩa.
Mặt khác, Washington tiếp tục thúc đẩy xu thế hòa hoãn với Israel của các nước Ả Rập, tuy chưa hoàn toàn có hòa bình thì cũng giảm nhiệt các vụ xung đột để Hoa Kỳ rảnh tay đối phó với Trung cộng ở Đông Á và Nga ở châu Âu. Hiệp ước hòa bình đang tiến triển thuận lợi giữa Israel và Saudi Arabia – cả hai là đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ – là một bước chiến lược. Khi các nước Ả Rập gác lại hận thù, công nhận và quan hệ bình thường với Israel thì một mặt trận bao vây Iran và các thế lực Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông đã hình thành.
Những toan tính nguy hiểm
Kích động Hamas tấn công Israel, thổi phồng vấn đề Palestine để phá vỡ mối liên hệ mới nhen nhóm của các nước Ả Rập với Israel là cách để Iran thoát ra khỏi tình trạng bị cô lập.
Vào cuối thời kỳ 16 năm cầm quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Israel chuyển dần theo hướng độc tài cực hữu, dẫn tới những cuộc phản kháng mạnh mẽ của dân chúng trong nước, làm chính quyền và quân đội gần như tê liệt. Có lẽ trong 75 năm từ ngày thành lập nhà nước, chưa bao giờ Israel bị chia rẽ và suy yếu như thời điểm trước vụ tấn công. Sự kiện các chiến binh Hamas phá vỡ hàng rào phòng ngự, xâm nhập sâu vào miền Nam Israel, tàn sát và bắt đi hàng trăm con tin mà không gặp sự kháng cự đáng kể là một minh chứng cho sự tê liệt của tình báo và lực lượng phòng vệ Do Thái, cũng chứng minh cho việc chớp thời cơ của Iran.
Bây giờ thì đốm lửa đang lan thành đám cháy. Tính đến sáng Thứ Hai ngày 23 Tháng Mười, đã có 5,087 người Palestine, trong đó có hơn 2,000 trẻ em, bị giết hại; 15,979 người bị thương; 1.4 triệu người mất nhà cửa; phía Israel có hơn 1,400 người chết, gần 5,000 người bị thương và hơn 200 người bị bắt làm con tin chưa rõ tung tích thế nào. Vì Gaza bị phong tỏa chặt, viện trợ lương thực, thuốc men của quốc tế chỉ có thể đưa vào nhỏ giọt lại hứng chịu bom đạn liên miên nên một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô khủng khiếp là khó tránh khỏi trong những ngày tới. Nhưng sẽ khủng khiếp hơn nữa nếu chiến tranh lan rộng.
Nguy cơ chiến tranh lan rộng không phải là không tránh được, nhưng tính toán của các bên đang cho thấy xung đột đang có xu hướng leo thang hơn là giảm nhiệt. Hành vi tàn sát dân thường một cách man rợ của quân khủng bố Hamas đã thúc đẩy người Israel đoàn kết trong quyết tâm trả thù hừng hực khí thế. Mặc dù Hoa Kỳ liên tục kêu gọi Tel Aviv kiềm chế, không để cho cơn giận dữ làm cho mù quáng, nhưng cam kết kề vai sát cánh của quân đội mạnh nhất thế giới cùng vũ khí đạn dược liên tục chuyển tới làm cho chính phủ Israel vững tin rằng họ có thể đánh một trận cuối cùng, quét sạch Hamas – có thể cả Hezbollah – và “đập nát đầu con bạch tuộc” đang ngự trị ở Tehran. Israel biết họ không thể sống hòa bình chừng nào Iran còn là thủ lãnh của các thế lực cực đoan trong thế giới Hồi Giáo quyết tâm xóa sổ đất nước Israel.
Các nhà lãnh đạo Iran lại tin họ có thể thúc đẩy các vòi bạch tuộc – tức là các tổ chức vũ trang do Iran ủy nhiệm ở Iraq, Syria, Lebanon và Yemen – gia tăng hoạt động khủng bố và quấy nhiễu, không loại trừ việc tấn công trực diện vào các đơn vị Mỹ và Israel. Một ví dụ, hôm 18 Tháng Mười, Mỹ đã đánh chặn nhiều thiết bị bay không người lái (UAV) nhắm vào một căn cứ của Mỹ ở Iraq. Cùng lúc một chiến hạm Mỹ trên Hồng Hải đã ngăn chặn chín hỏa tiễn hành trình và nhiều UAV được cho là của phiến quân Houthi ở Yemen nhắm vào các mục tiêu ở Israel. Mới nhất, Mỹ đã lệnh rút nhân viên ngoại giao khỏi đại sứ quán và lãnh sự quán ở Iraq, đồng thời khuyến cáo công dân Mỹ không đi đến Trung Đông trong thời gian này.
Nga và Trung Quốc muốn gì?
Iran cũng trông cậy vào sự ủng hộ của các cường quốc bên ngoài, đặc biệt là Nga và Trung Quốc – những nước được hưởng lợi lớn nếu Trung Đông bùng cháy. Nga và Iran có mối quan hệ đặc biệt. Nguồn cung cấp UAV cảm tử từ Iran đã giúp Nga giành lợi thế ở chiến trường Ukraine và phá hoại hệ thống hạ tầng năng lượng của nước này. Một cuộc chiến với Israel ở Trung Đông sẽ phân tán nguồn lực của Mỹ, tiền bạc và vũ khí viện trợ cho Ukraine chắc chắn sẽ giảm, tạo điều kiện cho quân Nga đảo ngược tình thế bi thảm của họ trên chiến trường. Trung Quốc cho đến nay vẫn không lên án hành động khủng bố man rợ của Hamas mà chỉ phê phán vụ trả đũa của Israel là quá đáng và kêu gọi ngừng bắn. Trong khi đó một hạm đội sáu chiến hạm của Trung Quốc lảng vảng gần khu vực chưa rõ để làm gì nhưng buộc nhóm hàng không mẫu hạm USS Dwight D. Eisenhower Carrier Strike Group của Mỹ phải đổi kế hoạch, từ Đông Địa Trung Hải quay về bộ tư lệnh ở Qatar để sẵn sàng bảo vệ lực lượng Mỹ ở Syria và Iraq.
Thật ghê tởm khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cao giọng tố cáo Israel ném bom và bắn pháo vào dải Gaza gây đau thương chết chóc cho người Palestine và đòi ngừng bắn ngay lập tức, trong lúc quân đội Nga của ông ta vẫn không ngừng tàn phá, giết chóc người dân Ukraine suốt 20 tháng qua đến mức Tòa Hình sự quốc tế cáo buộc ông ta là tội phạm chiến tranh và ra trát bắt giữ.
Trong diễn văn với quốc dân Hoa Kỳ tối Thứ Năm 19 Tháng Mười, Tổng thống Joe Biden đã gộp khủng bố với độc tài vào một giuộc và coi đó là mối đe dọa lớn nhất cho nền dân chủ. Nga, Trung Quốc và Iran có những mục đích khác nhau nhưng cả ba cùng chia sẻ một mối thâm thù với Hoa Kỳ, một mong muốn làm suy yếu nước Mỹ và đó là điều làm cho ba nước này trở thành “chiến hữu” trong một cuộc chiến Trung Đông lan rộng và kéo dài.
Washington dường như đã thấy trước bóng ma chiến tranh Trung Đông và đã ra sức ngăn chặn bằng cả ngoại giao và quân sự. Nhưng diễn biến tình hình đang rất phức tạp và bất ngờ và chưa ai biết chắc được sẽ thế nào trong ngày mai, ngày mốt và sau đó.