Nhân dân, chúng mày là ai?

Tranh biếm họa của Nguyễn Tuấn Anh (Tuổi Trẻ Cười)
Thời Sự
Thời Sự
Nhân dân, chúng mày là ai?
Loading
/

Xưa nay tòa án Việt Nam phải công nhận là hiền lành nhất. Nhân dân chửi rủa chống đối gì cũng mặc, tòa án luôn luôn im lặng chứng tỏ rằng sự nhẫn nhịn ghê gớm của tòa án các cấp là tấm gương cho xã hội noi theo khi mà việc thực hiện công lý vẫn được tòa án các cấp luôn gìn giữ một cách rốt ráo.

Thế nhưng mấy tuần lễ vừa qua một số tin tức mà nhân dân đưa lên mạng xã hội đã làm cho nhiều thẩm phán bức xúc và hôm nay xin được phản biện với nhân dân.

Tuy nhiên cũng cần nói rõ, nhân dân không phải lúc nào cũng đồng đẳng, mà trong đó nhà nước đã âm thầm chia ra ba đẳng cấp để ứng xử. Thứ nhất là thành phần công nông, luôn thực hiện đúng chính sách mà nhà nước đưa ra không hề phản ứng hay chống đối. Thành phần này đông đảo nhất nước Việt chúng ta và khỏi cần nói nhà nước luôn ưu ái và lắng nghe những nguyện vọng của họ.

Thành phần thứ hai là những người tạm gọi là có học, kể cả được nhà nước ưu đãi cho ra nước ngoài học tập nhưng khi về nước đôi khi có những phản biện gay gắt về đường lối chính sách của nhà nước, làm như nhà nước này lúc nào cũng sai lầm, chệch hướng nhất là về công tác tư pháp, bao gồm mọi thành phần của tòa án.

Thành phần thứ ba được xem là phản động, bất cứ nhà nước hay tòa án nói gì làm gì đều bị chúng phản ứng tiêu cực nhiều lúc như kẻ thù. Trong ngành tòa án, bọn này chăm chú từng vụ án chính trị và luôn kêu gọi người dân tẩy chay, chống đối. Ngày hôm nay tòa án chúng tôi phản biện lại hai thành phần số 2 và 3 nhằm đưa tiếng nói của tòa án cho thành phần nhân dân số 1 hiểu biết và chống lại diễn biến độc hại của hai thành phần sau.

Nhân vụ cả xã hội lên tiếng xin đồng chí Chủ tịch nước ân xá cho hai tử tù Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải, bọn phản động không ngớt lợi dụng việc này để lên án những phiên tòa đã xét xử bọn Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải. Bọn tội phạm này từng giết người một cách dã man, có bằng chứng và nhân chứng đầy đủ vậy mà bọn xấu cứ nằng nặc cho rằng do bức cung, tra tấn nên tội phạm phải nhận tội.

Thế nhưng ai thấy, ai làm chứng có sự bức cung? Tòa án các cấp luôn theo nguyên tắc “trọng cung hơn trọng chứng” vì cung do con người tự khai ra còn chứng cứ có thể bị làm giả mạo, như vậy không phải là nhân văn, tôn trọng công lý một cách cao nhất hay sao?

Rồi tới hai vụ án “chuyến bay giải cứu” và “Việt Á” thì hai thành phần vừa nêu trên lại có cơ hội để xuyên tạc chống phá.

Khi tòa án cho phép các bị can nộp lại tiền tham nhũng để khắc phục hậu quả, thay vì tử hình có thể giảm án thành chung thân theo bộ luật hình sự thì lập tức bọn xấu lại cho rằng đây là hành vi tiếp tay tham nhũng của tòa án, vì bọn can phạm tham nhũng rất giàu, số tiền bọn chúng khai thật sự rất ít so với số tiền mà chúng nhận được. Nếu ăn 10 mà chúng khai có 1 há chẳng phải tòa án tiếp tay cho chúng nhẹ tội hay sao?

Những lời phản biện này của bọn xấu chẳng qua lấy từ đồng chí TBT Nguyễn Phú Trọng mà ra, bởi đồng chí Trọng từng nói “vừa rồi một số Ủy viên Trung ương có sai phạm chủ động xin thôi tham gia Ban Chấp hành. Nhấn mạnh khuyến khích, hoan nghênh việc tự giác xin thôi và nộp lại tiền tham nhũng, Tổng bí thư khẳng định những trường hợp ngoan cố thì phải xử, hiện nay cũng đang làm một số vụ.” Như vậy thì tòa án xử vụ chuyến bay giải cứu có gì sai chứ?

Rồi nữa, khi tòa án xử vụ Việt Á thì đồng chí Chu Ngọc Anh khai rằng khi nhận được cái bọc có chứa 200 ngàn đô la đồng chí ấy quên mở ra và không biết là có tiền trong đấy, đồng chí Anh chỉ cám ơn thôi và vì vậy tòa tuyên bố số tiền này không phải là tiền tham nhũng cũng bị bọn phản động moi ra đánh phá.

Hãy nghe một luật gia phân tích thì rõ: Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp cho hay, số tiền 200.000 USD mà ông Chu Ngọc Anh bị cáo buộc nhận của Phan Quốc Việt là tiền thu lợi bất chính (nhận quà trái quy định) nên sẽ bị tịch thu để nộp vào ngân sách Nhà nước.

Nếu giữa hai bên có sự thỏa thuận công việc phải làm và giá trị lợi ích được hưởng thì đó là hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ. Còn trường hợp không có thỏa thuận về việc nhờ vả, chỉ là quà cảm ơn mà không có thỏa thuận từ trước thì đây là hành vi “nhận quà trái quy định”.

Riêng hành vi này chỉ bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm.

Vậy nhưng bọn phản động vẫn không chấp nhận luật này, bọn chúng cứ khư khư cho rằng không ai đưa tiền mà không mưu cầu một việc gì đó trái với luật pháp và căn cứ trên lối lập luận ấu trĩ này bọn xấu cho rằng tòa đã nghe lệnh ai đó trên cao mà đưa cao đánh khẽ, Bọn chúng còn đưa ra nhận xét của một luật sư mà kết án: “Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Cơ quan điều tra chứng minh đến đâu sẽ kết luận và đề nghị truy tố đến đó.”

Từ ý kiến này bọn phản động cho rằng tòa án bỏ qua chi tiết bọn điều tra cố tình không khai thác tận gốc rễ của bọn tội phạm trong vụ Việt Á và rồi chúng sẽ an nhàn nhận những bản án “nhẹ hều” và sau đó ra tù sẽ tiếp tục ăn no ngủ yên trên những đống đô la mà bọn chúng kiếm chác được từ hành vi bán những phương tiện test bệnh giả dối.

Từ những sự thật nêu trên tòa án xin hỏi lại các thứ nhân dân hạng hai và ba, những âm mưu chống phá của bọn người này có phải là do bọn xấu nước ngoài giật dây hay do những yếu tố nào khác? Trong khi cả nước sôi lên vì những con sâu tham nhũng bị đưa ra trước vành móng ngựa thì bọn nhân dân này lại phá bĩnh bằng đủ thứ lập luận trong đó chúng không che giấu mưu đồ đen tối bằng cách bôi bẩn các đồng chí thẩm Phán, hội thẩm nhân dân cùng hệ thống tòa án ưu việt của chúng ta.

Vậy thì một câu hỏi ngắn gọn có thể làm tiền đề cho phản biện này: Nhân dân, chúng mày là ai?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: