Facebook đăng một “tuyên bố” bỏ nghề của một luật sư ở Việt Nam – một việc hiếm thấy. Luật sư Lê Văn Hòa chỉ viết ngắn gọn: “Tôi bỏ nghề luật sư từ ngày hôm nay 27-5-2021 vì đã mất hết niềm tin vào nền tư pháp Việt Nam” (ảnh). Ông Hòa từng là vụ trưởng trong Ban Nội chính trung ương của đảng Cộng sản Việt Nam; sau khi về hưu thì ra hành nghề luật sư, tham gia Đoàn luật sư Hà Nội, tham gia nhiều vụ án oan, án nhạy cảm và là luật sư biện hộ trong vụ án Đồng Tâm nổi tiếng hồi đầu năm 2021.
Quanh quyết định bỏ nghề luật sư của ông Hòa, trên Facebook có vài ý kiến không đồng tình vì cho rằng các luật sư “đang là những điểm sáng trong nền tư pháp” đang bị quyền lực và tiền bạc lũng đoạn, một luật sư bỏ nghề là “tặng thêm niềm vui cho kẻ tham nhũng, kẻ làm sai vì bỗng dưng loại bỏ được một đối thủ”, là “làm dân nghèo dân oan mất đi một người hiệp sĩ đấu tranh bênh vực cho họ bằng trí tuệ, trái tim, lòng quả cảm” như tâm sự của Facebooker Ngọc Minh Châu, cũng là một luật sư đồng trang lứa với luật sư Hòa. (xem thêm: Bất mãn các trò hề công lý của cộng sản, một luật sư công khai tuyên bố bỏ nghề)
Tôi lại nghĩ khác. Tôi cho rằng, luật sư Hòa “mất niềm tin vào nền tư pháp” khá muộn màng bởi vì điều đơn giản là ở Việt Nam không có cái gọi là “nền tư pháp” theo cách hiểu thông thường – là một trong ba nhánh quyền lực của nhà nước, có trách nhiệm phân xử đúng sai các hành vi của công dân và tổ chức theo tinh thần của các bộ luật đã ban hành. Một nền tư pháp đúng nghĩa, thực chất phải là nền tư pháp độc lập đối với các nhánh lập pháp và hành pháp; trong đó nguyên tắc pháp quyền – mọi người đều bình đẳng trước pháp luật – là nguyên tắc tối cao.
Rõ ràng trong chính phủ Việt Nam có bộ Tư pháp, ngoài ra còn có Tòa án các cấp, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp giữ nhiệm vụ công tố, các đoàn luật sư ở khắp các tỉnh thành – tập hợp thành “nền tư pháp” kia mà.
Thế nhưng tất cả những tổ chức vừa kể thật sự chỉ là những tổ chức thừa hành, thống nhất dưới sự chỉ huy của một cơ quan khác có quyền lực hơn là ban Nội chính trung ương của đảng Cộng sản Việt Nam cùng bộ máy chân rết ban Nội chính của các tỉnh ủy, thành ủy ở địa phương.
Là một trong ba ban quan trọng nhất của guồng máy đảng trị, ban Nội chính có quyền lực bao trùm lên các ngành công an, tòa án, kiểm sát, chi phối mọi quyết định từ bắt giữ, truy tố đến xét xử và giam cầm tất cả những người bị coi là phạm tội. Điều đó càng đúng với những vụ án được cho là liên quan tới an ninh quốc gia, xử những người bất đồng chính kiến hoặc những vụ “trọng án” có ảnh hưởng rộng lớn trong xã hội.
Cũng như nhiều hoạt động khác của đảng, Ban Nội chính trung ương không ra mặt công khai mà đứng sau giật dây chỉ đạo ngành công an, tòa án và kiểm sát thực hiện việc bắt giữ, truy tố và xét xử công dân theo những cáo buộc mà ban này đã định sẵn – có thể là theo chỉ thị của cấp cao hơn như bộ Chính trị, ban Bí thư của đảng Cộng sản. Với những vụ án lớn, trầm trọng, phiên tòa chỉ được mở ra sau khi đã có “sự thống nhất” của ban Nội chính với các ngành kể trên về thời gian xét xử, quy mô vụ án, bản án dành cho các bị cáo. Phiên tòa mở ra với đầy đủ các thủ tục, ban bệ giống như mọi phiên tòa của các xứ dân chủ tự do – có chánh án và thẩm phán, có kiểm sát viên giữ vai trò công tố, có luật sư biện hộ, có tranh luận giữa bên nguyên và bên bị, v.v…- nhưng thực chất chỉ là màn trình diễn công khai nhằm hợp thức hóa một quyết định đã có sẵn của ban Nội chính – cái mà người dân thường gọi là “án bỏ túi” vì nó có sẵn trong túi áo của quan tòa từ trước khi tòa mở cửa. Trong một hệ thống “chuyên chính” như vậy, vai trò của luật sư là vô nghĩa, là những bình hoa trang trí để quá trình xét xử theo án bỏ túi có vẻ dân chủ, tự do, tôn trọng pháp quyền, che đậy bản chất là một hành động trừng phạt tùy tiện của đảng Cộng sản thông qua ban Nội chính của đảng.
Ông Lê Văn Hòa từ là một vụ trưởng trong cái ban Nội chính trung ương đó – hẳn nhiên ông là đảng viên kỳ cựu của đảng Cộng sản – lẽ ra ông phải sớm nhận ra bộ mặt thật của cái gọi là nền tư pháp dưới sự cai trị của đảng; không cần phải đợi lúc ông đã về hưu, đã tham gia các “vụ án oan, án nhạy cảm” – đặc biệt là vụ án Đồng Tâm, vụ “tru di tam tộc” hết sức dã man gia đình lão nông Lê Đình Kình mà ông Hòa là một trong những luật sư biện hộ nhưng không làm thay đổi được bản án đã định sẵn – ông mới “mất niềm tin” vào nền tư pháp đó. Dù muộn, nhưng quyết định khó khăn của ông Hòa dẫu sao cũng cho thấy ở ông một con người gan dạ, đáng quý.
Phân tích như trên không có nghĩa là sổ toẹt những nỗ lực bền bỉ của một số luật sư ở trong nước đang đồng hành cùng những người dân oan, vận dụng tối đa những khoảng trống mà pháp luật cho phép để chống lại những căn cứ buộc tội và minh oan cho thân chủ của mình. Trong các vụ án quan trọng, các luật sư vẫn thường xuyên bị bịt miệng, bị ngăn không cho tiếp xúc với thân chủ trong quá trình điều tra, bị thu giữ máy móc và phương tiện hành nghề ở cửa tòa án, thậm chí còn bị “xã hội đen” đeo bám và hành hung, gây thương tích về thể xác. Không được tự do trình bày lập luận của mình, một số luật sư đã đưa toàn văn bài biện hộ lên mạng xã hội, hoặc trình bày diễn tiến các phiên tòa cho dư luận được biết, coi đó như một cách phản kháng quá trình xử án bất công. Những luật sư dũng cảm như vậy có thể được coi là những nhà hoạt động xã hội, đấu tranh cho một xã hội công bằng hơn, minh bạch hơn. Tiếc là cho đến nay số luật sư như vậy hãy còn quá ít và tiếng nói của họ chưa nhận được sự đồng cảm sâu rộng trong nước.
Có điều, sống ở Việt Nam mà còn tin vào pháp luật, vào nền tư pháp giả hiệu đó thì quả là tội nghiệp.