Những câu hỏi từ bản án Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam

Hình ảnh phiên tòa sơ thẩm ở Sài Gòn xử các ông Phạm Chí Dũng (phải), Nguyễn Tường Thụy (trái) và Lê Hữu Minh Tuấn (trái, sau ông Thụy) ngày 5 Tháng Giêng. (Hình: STR/Vietnam News Agency/AFP via Getty Images)
Hiếu Chân

Ba thành viên lãnh đạo Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam – Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn – bị tuyên án 37 năm tù trong một phiên tòa chóng vánh ở Sài Gòn hôm 5 Tháng Giêng.

Đúng như dự đoán của những người quan sát chính trị, phiên tòa xét xử ba thành viên lãnh đạo Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam gồm các ông Phạm Chí Dũng, chủ tịch; ông Nguyễn Tường Thụy, phó chủ tịch; và ông Lê Hữu Minh Tuấn, thành viên, đã diễn ra nhanh chóng chỉ trong vài tiếng đồng hồ buổi sáng Thứ Ba, 5 Tháng Giêng, với bản án “bỏ túi” định sẵn và hết sức nặng nề.

Phiên tòa – mà nhà văn Phạm Đình Trọng ở trong nước gọi là “sân khấu tòa án Sài Gòn” – mở ra lúc 8 giờ sáng nhưng đến 12 giờ 15 phút trưa đã vội vã tuyên phạt ba ông Dũng, Thụy và Tuấn tổng cộng 37 năm tù và 9 năm quản chế, trong đó ông Phạm Chí Dũng bị nặng nhất với 15 năm tù và 3 năm quản chế, hai người còn lại 11 năm tù và 3 năm quản chế.

Không ai ngạc nhiên nhưng đều tức giận với các bản án khắc nghiệt cho một tội danh hết sức mơ hồ và phản tiến bộ: “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, theo Điều 117 Bộ Luật Hình Sự năm 2015.”

Luật Sư Đặng Đình Mạnh, bào chữa cho ông Phạm Chí Dũng, cho biết: “Trong phiên tòa, cả ba ông đều thừa nhận toàn bộ việc thành lập, tham gia Hội Nhà Báo Độc Lập, việc viết báo với mục đích cổ súy cho tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, dân chủ và nhân quyền là những quyền theo hiến pháp quy định. Nhưng không cho rằng những hành vi ấy vi phạm pháp luật Việt Nam.”

Quả thật, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, dân chủ và nhân quyền là những quyền căn bản của công dân, đã được minh định trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam là thành viên; ngay cả chính quyền Cộng Sản Việt Nam dù không muốn cũng đã phải đưa những quyền này vào bản Hiến Pháp do đảng Cộng Sản soạn thảo. Kết tội nặng nề ba ông Dũng, Thụy và Tuấn – cũng như vô số cuộc trấn áp liên tục trong thời gian gần đây nhằm bắt giữ những người bất đồng chính kiến – chỉ làm chiếc mặt nạ rớt xuống, phơi bày bộ mặt thật phản dân chủ, phản tự do của đảng CSVN mà thôi.

“Bản án không dựa trên chứng cứ và hành vi mà bắt nguồn từ nỗi hoảng sợ trước viễn cảnh người dân đứng lên đòi hỏi và thực hiện quyền tự do của họ.”

Luật sư Lê Công Định

Nhưng tại sao họ làm như vậy? Luật Sư Lê Công Định, từng bị tù với tội danh tương tự, nhận định: “Bản án không dựa trên chứng cứ và hành vi mà bắt nguồn từ nỗi hoảng sợ trước viễn cảnh người dân đứng lên đòi hỏi và thực hiện quyền tự do của họ.”

Chính quyền Cộng Sản hoảng sợ cái gì? Trên trang báo này, khi bàn về vụ đàn áp đẫm máu ở xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội đầu năm 2020, chúng tôi đã khẳng định rằng Cộng Sản sợ nhất là các “tổ chức” nằm ngoài sự kiểm soát của họ.

Bản án nặng nề áp đặt lên các ông Dũng, Thụy và Tuấn không phải vì các ông này viết báo phản đối các chính sách của nhà cầm quyền mà vì các ông đã “cả gan” lập ra một tổ chức là Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, cạnh tranh và đối lập với Hội Nhà Báo quốc doanh, tay sai của đảng Cộng Sản. Để che giấu nỗi sợ hãi, đảng Cộng Sản đã tuyên án rất nặng nề các nhà báo thuộc Hội Nhà Báo Độc Lập, nhằm vừa trả thù việc các cây bút này phê phán chế độ của họ, thủ tiêu tổ chức của họ, vừa khủng bố tinh thần dân chúng để ai cũng phải sợ mà không còn có ý định tranh đấu.

Nói thật lòng, Hội Nhà Báo Độc Lập của các ông này quy mô rất nhỏ, hoạt động không lớn mạnh ngoài những loạt bài phản biện chính sách khá công phu và thuyết phục của ông Phạm Chí Dũng viết cho đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA), đài Á Châu Tự Do (RFA) và nhật báo Người Việt, rồi được các mạng truyền thông hải ngoại đăng lại. Hội này chưa thể coi là một tổ chức có tiềm năng chống đối hay lật đổ sự cai trị bằng nòng súng của đảng CSVN.

Nhưng theo chủ trương nhất quán từ trước đến nay, để duy trì sự độc tôn quyền lực, đảng CSVN luôn sử dụng bộ máy an ninh khổng lồ để tiêu diệt từ trong trứng nước những tổ chức có ý định bất tuân, hay phản kháng sự cai trị của họ, dù đó là một tổ chức nhỏ của trí thức như Hội Nhà Báo Độc Lập; hoặc một Tổ Đồng Thuận giữ ruộng đất của nông dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Hà Nội; thậm chí chỉ là một nhóm bạn trên mạng xã hội Facebook (như vụ bỏ tù ba quản trị viên của nhóm bàn luận kinh tế chính trị là các ông Nguyễn Đăng Thương, Huỳnh Anh Khoa và Trần Ngọc Khải trong phiên tòa bỏ túi ngày 21 Tháng Mười Hai, 2020 vừa qua).

Tại sao chính quyền Việt Nam chọn thời điểm đầu năm 2021 để đưa ba nhà báo nổi tiếng ra xét xử và tuyên những bản án phi nhân phi nghĩa như vậy? Nhìn rộng ra, tại sao cuộc đàn áp những tiếng nói phản biện ở Việt Nam lại diễn ra dồn dập và ác liệt như vậy chỉ trong thời gian khoảng một năm trở lại đây? Trong bản tin tường thuật phiên xử Hội Nhà Báo Độc Lập ở Sài Gòn, nhật báo The New York Times dẫn lời Giáo Sư Carl Thayer – nhà bình luận chính trị Việt Nam nổi tiếng của Úc – cho rằng: “Thời điểm này có lợi cho những người có tiềm năng trở thành lãnh đạo đảng tương lai chứng tỏ lòng trung thành của họ với chế độ xã hội chủ nghĩa độc đảng bằng cách giẫm nát những nhà hoạt động dân chủ nhằm bảo đảm một cuộc chuẩn bị êm thấm” cho đại hội đảng sắp tới.

Đảng CSVN sẽ tổ chức đại hội toàn quốc lần thứ 13 vào cuối tháng này và đây là giai đoạn ngành công an “còn đảng còn mình” tích cực trấn áp để “lập thành tích chào mừng đại hội” và lấy đà cho các quan chức phụ trách an ninh giành những chiếc ghế quyền lực béo bở ở cấp chóp bu.

Một yếu tố “thời điểm” khác là cuộc chuyển giao quyền lực sắp xảy ra ở thủ đô Washington, Tổng Thống Donald Trump ra đi và chính quyền mới của ông Joe Biden sẽ nhậm chức vào ngày 20 Tháng Giêng sắp tới.

“Tôi đề nghị trả hồ sơ để điều tra lại, vì nếu có một mức án nặng nề đối với chúng tôi, sẽ rất bất lợi cho bang giao quốc tế trong giai đoạn khó khăn này.”

Nhà báo Phạm Chí Dũng

Sau phiên tòa, Luật Sư Nguyễn Văn Miếng, bào chữa cho các ông Phạm Chí Dũng và Nguyễn Tường Thụy, nói với đài VOA: “Đây là một mức án rất nặng nề trong giai đoạn hiện nay khi mà Việt Nam đang tranh thủ sự quan tâm của quốc tế.” Trong lời nói sau cùng, theo tường thuật của Luật Sư Miếng, ông Phạm Chí Dũng cũng lưu ý tới “mối bang giao quốc tế:” “Tôi đề nghị trả hồ sơ để điều tra lại, vì nếu có một mức án nặng nề đối với chúng tôi, sẽ rất bất lợi cho bang giao quốc tế trong giai đoạn khó khăn này.”

Nói quốc tế, thật ra là nhắm đến Hoa Kỳ và mối bang giao Việt-Mỹ. Tổng Thống Donald Trump thì đã rõ, suốt bốn năm cầm quyền đã không hề lưu tâm đến tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam, không có một hành động phản đối nào trước hàng loạt vụ bắt bớ giam cầm và kết án khắc nghiệt những người hoạt động dân chủ và bất đồng chính kiến. Quan hệ Việt-Mỹ được “nồng ấm” lên nhiều trong những năm qua một phần do Washington làm ngơ với “thành tích đàn áp” của Hà Nội với ý đồ lôi kéo Việt Nam vào chiến lược kiềm chế Trung Quốc. Sự làm ngơ của Hoa Kỳ đã khích lệ nhà cầm quyền Việt Nam gia tăng đàn áp và họ biết thời kỳ Hoa Kỳ quay lưng đó có thể kết thúc sau khi ông Trump rời Tòa Bạch Ốc trong hai tuần nữa; chuyện gì họ muốn làm thì phải làm ngay trước khi gió đổi chiều.

Chính quyền Joe Biden có thể sẽ có cách đối xử khác với Hà Nội và nhận định của ông Phạm Chí Dũng “sẽ rất bất lợi cho bang giao quốc tế trong giai đoạn khó khăn này” có thể ngầm nói tới bang giao của Việt Nam với chính quyền Biden sắp tới. Cốt lõi trong chính sách đối ngoại của chính phủ Biden là sự liên minh các quốc gia có cùng tư tưởng gọi là “like-minded partners,” cùng thể chế dân chủ tự do để chống lại các chính thể độc tài của Nga và Trung Quốc.

Chắc chắn trong chiến lược chống Trung Quốc của chính quyền Biden, Mỹ vẫn muốn Việt Nam làm một đối tác quân sự và kinh tế quan trọng và quan hệ Việt-Mỹ có cơ may phát triển hơn nữa, cho dù không đưa được Việt Nam vào liên minh chống Trung Quốc thì cũng lôi kéo được Hà Nội ra xa quỹ đạo của Bắc Kinh, vì chính lợi ích quốc gia của Việt Nam. Theo những phát biểu về chính sách đối ngoại, chính sách Châu Á của chính ông Biden và những nhân vật hàng đầu trong guồng máy hoạch định chính sách của ông như Cố Vấn An Ninh Quốc Gia (dự kiến) Jake Sullivan, Ngoại Trưởng (dự kiến) Antony Blinken thì ba “trụ cột” (pillars) trong chính sách đối ngoại của ông Biden là chủ nghĩa đa phương (multilateralism), các liên minh (alliances) và thể chế dân chủ (democracy), coi đó là nền tảng để tập hợp các quốc gia vào một mặt trận chung chống độc tài.

Mỹ cần Việt Nam làm đối tác, nhưng nhìn theo chiều ngược lại, Việt Nam cần Mỹ hơn; một phần để chống đỡ những hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, một phần để cân bằng kinh tế, lấy thặng dư thương mại với Mỹ bù đắp cho khoản thâm hụt khổng lồ trong buôn bán với Trung Quốc. Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục “đu dây” một cách khéo léo giữa hai cường quốc và cố không để bị lôi kéo vào cuộc xung đột Mỹ-Trung, không công khai bộc lộ sẽ đứng vào bên nào, nhưng xu hướng cho thấy Việt Nam ngày càng phải dựa vào Mỹ cả về an ninh và kinh tế để duy trì sự tồn tại của chế độ. Việc tiếp tục đàn áp nặng tay giới bất đồng chính kiến và hoạt động dân chủ sẽ ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của Việt Nam trong giới hoạch định chính sách Mỹ trong thời buổi Việt Nam cần sự hỗ trợ của Mỹ.

Thời gian tới cũng là cơ hội để chính phủ Biden đặt điều kiện với Việt Nam về cải thiện thành tích nhân quyền, chấm dứt đàn áp và thực hành dân chủ. Những điều kiện này không phải là sự áp đặt từ bên ngoài, không nhằm thay đổi thể chế chính trị Cộng Sản của Việt Nam mà chỉ là buộc Hà Nội phải thực thi đúng những luật lệ, hiến pháp mà chính họ đã đặt ra thay vì dùng nó làm bánh vẽ lòe bịp dân chúng như từ trước đến nay.

Một ví dụ, Washington hoàn toàn có thể gắn điều kiện về viện trợ quân sự, cung cấp vũ khí hiện đại cho quân đội Việt Nam với yêu cầu trả tự do cho các tù nhân chính trị, gắn điều kiện ưu đãi tiếp cận thị trường Mỹ với yêu cầu các công ty truyền thông xã hội Mỹ như Facebook, YouTube, Google được hoạt động tự do, không bị kiểm duyệt ở Việt Nam… Việt Nam không có đủ sức mạnh kinh tế và quân sự để phớt lờ các yêu cầu của Mỹ như Trung Quốc. Luật Magnitsky Toàn Cầu cũng có thể được vận dụng để trừng phạt những quan chức an ninh Việt Nam có hành vi đàn áp, ngược đãi tù nhân chính trị và những người bất đồng chính kiến như phiên tòa xử các nhà báo của Hội Nhà Báo Độc Lập hôm 5 Tháng Giêng vừa qua.

Tất nhiên không nên kỳ vọng chính phủ Mỹ sẽ chống Cộng Sản thay cho người dân Việt. Sự nghiệp đấu tranh đưa đất nước thoát khỏi ách độc tài Cộng Sản là của người Việt Nam ở trong nước, của những người yêu nước hoặc đang hoạt động ngoài xã hội hoặc đang ở trong nhà tù như các ông bà Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng… và cả những thành phần tiến bộ trong hàng ngũ đảng viên đảng CSVN. Cuộc đấu tranh từ bên ngoài, nhất là thái độ của các cường quốc dân chủ tự do như Hoa Kỳ, chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ vào cuộc đấu tranh của người dân trong nước.

Để mai này không người dân nào phải chịu những bản án khắc nghiệt chỉ vì dám nói lên sự thật và chính nghĩa như những người đã phải ra trước “sân khấu tòa án” hôm nay. [qd]

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: