Pax Americana và Pax Sinica 

Hoa Kỳ và Trung Quốc đang tăng tốc trong cuộc đua chinh phục thế giới bằng quyền lực mềm. Ai đang thắng thế?
Ảnh: samuel-branch-unsplash

Ý tưởng về quyền lực mềm được chú ý nhiều từ thập niên 1990 và được thử nghiệm trong những năm sau vụ tấn công khủng bố 11 Tháng Chín, 2001 tại Mỹ, đặc biệt sau cuộc chiến thảm khốc của Hoa Kỳ ở Iraq và sự bùng nổ hiện tượng chống Mỹ ở Trung Đông. Giữa những thay đổi chính sách trong hai thập niên qua, khái niệm quyền lực mềm ngày càng nổi bật là nhờ được phổ biến bởi một nhóm chuyên gia sử dụng nó để mô tả các đặc trưng văn hóa “Pax Americana” (Hòa bình kiểu Mỹ). Đối chọi và giằng co quyết liệt với Pax Americana là Pax Sinica…

“Bộ Tứ” là mô hình thể hiện vừa quyền lực mềm lẫn quyền lực cứng mà Hoa Kỳ đang xây dựng – trong ảnh là Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi; Tokyo ngày 24 Tháng Năm 2022 (ảnh: Yuichi Yamazaki/ Pool/Anadolu Agency via Getty Images)

Cuộc cạnh tranh giữa các giá trị và chủ nghĩa vật chất

Bắt đầu từ năm 2007, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, giới chức cấp cao Trung Quốc bắt đầu đưa quyền lực mềm vào các bài phát biểu và sách vở. Năm đó, tại Đại hội toàn quốc lần thứ 17 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Hồ Cẩm Đào kêu gọi các cán bộ đảng “hãy kích thích sự sáng tạo văn hóa của toàn dân và xem văn hóa như một phần quyền lực mềm Trung Quốc”. Nhiều năm sau đó, các học giả Trung Quốc đã tạo ra một kho tài liệu phong phú về chủ đề này và ĐCSTQ đã đầu tư lớn vào ngoại giao quốc tế, với việc mở rộng toàn cầu hoạt động tuyên truyền do nhà nước bảo trợ. Các trung tâm văn hóa và ngôn ngữ, thông qua mô hình Viện Khổng Tử, đua nhau mọc lên ở 162 quốc gia. ĐCSTQ cũng tìm cách quốc tế hóa hệ thống giáo dục đại học Trung Quốc bằng cách mở cửa đón sinh viên và nghiên cứu sinh nước ngoài. Quyền lực mềm được xem là “ý tưởng đầy hy vọng” ở Trung Quốc, “một chất phụ gia quan trọng cho sự trỗi dậy của đất nước”.

Cả Washington và Bắc Kinh đều muốn làm cho đất nước cũng như mô hình chính trị, kinh tế của mình hấp dẫn hơn đối với phần còn lại của thế giới. Mỹ và Trung Quốc diễn giải quyền lực mềm khá khác nhau và vận hành theo cách riêng. Trong khi Washington đặt “các giá trị và lý tưởng dân chủ” làm trọng tâm trong việc tăng cường quyền lực mềm thì Trung Quốc tập trung nhiều hơn vào “các vấn đề thực tế, kết hợp sức hấp dẫn của văn hóa và thương mại”.

Tập Cận Bình trong một chuyến công du Brazil năm 2019 (ảnh: Mikhail Svetlov/Getty Images)

Quan niệm của Mỹ về quyền lực mềm luôn đi kèm “ý thức hệ dân chủ tự do”. Tháng Mười Hai 2021, chính quyền Biden đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về Dân chủ (virtual Summit for Democracy) với mục đích khuyếch trương dân chủ và xây dựng liên minh chống các cường quốc độc tài như Trung Quốc và Nga. Cuộc chiến đang diễn ra của Nga tại Ukraine đã nâng cao hơn nữa mục tiêu tăng cường đoàn kết dân chủ chống lại những kẻ xâm lược độc tài. Chính sách ngoại giao quốc tế Hoa Kỳ phản ảnh xu hướng này. Các đại sứ quán Mỹ luôn ca ngợi “sự đa dạng giới tính, chủng tộc, văn hóa”, đồng thời tôn vinh những tấm gương về sự kiên cường và sáng tạo của mỗi cá nhân.

Nhân viên tập đoàn xây dựng Trung Quốc CCECC (China Civil Engineering Construction Corporation) đến “thăm và làm việc” tại một trường tiểu học ở Addis Ababa, thủ đô Ethiopia vào Tháng Sáu 2022 (ảnh: Michael Tewelde/Xinhua via Getty Images)

Quyền lực mềm của Mỹ còn được định hình bởi xuất khẩu văn hóa của khu vực tư nhân, chẳng hạn phim ảnh Hollywood, âm nhạc, và các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Coca-Cola và McDonald’s. Phát triển quyền lực mềm kiểu Mỹ thường mang các khu vực công và tư lại với nhau. Thời Chiến tranh Lạnh, Bộ Ngoại giao đã đưa các nhạc sĩ jazz của Mỹ ra nước ngoài và CIA bí mật tài trợ cho các nhà văn. Cách làm này tiếp tục tồn tại và mở rộng trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, sự hiểu biết và thực hành quyền lực mềm tập trung nhiều vào chủ nghĩa thực dụng (pragmatism) hơn là các giá trị. Phản ảnh quan điểm này, chiến lược quyền lực mềm của ĐCSTQ vừa thúc đẩy văn hóa và các giá trị văn hoá Trung Quốc vừa giới thiệu mô hình phát triển kinh tế, năng lực quản lý, tiến bộ công nghệ, và sức mạnh quân sự. Bất cứ điều gì có thể cải thiện hình ảnh Trung Quốc đều được xem là một yếu tố của quyền lực mềm, cho dù đó là quyền lực cứng.

Cách xây dựng quyền lực mềm của Washington và Bắc Kinh khác nhau như thế nào?

Trong khi Washington thường dựa vào quyền lực mềm để che bớt quyền lực cứng thì Bắc Kinh lại chú ý đến quyền lực cứng để củng cố quyền lực mềm. Cách tiếp cận thực dụng hơn và ít ý thức hệ hơn của Trung Quốc được thể hiện trong các bài phát biểu quốc tế của Tập Cận Bình. “Chúng ta nên bảo vệ và cải thiện cuộc sống người dân, đồng thời bảo vệ và thúc đẩy quyền con người thông qua phát triển, đảm bảo sự phát triển là vì dân, do dân và thành quả của nó được chia sẻ cho mọi người” – Tập tuyên bố trong một bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc vào Tháng Chín, 2021.

Công thức của Tập Cận Bình là khéo léo hạ thấp mối liên hệ giữa các quyền và các giá trị dân chủ tự do, định nghĩa lại “nhân quyền” là “quyền tiếp cận các cơ hội kinh tế”. ĐCSTQ ủng hộ kiểu ngoại giao quyền lực mềm này bằng các hành động hào phóng vật chất. Đầu năm nay, Tập đã cam kết hỗ trợ $500 triệu cho những chương trình phát triển ở các nước Trung Á, gồm cả nông nghiệp và sức khỏe cộng đồng. Trung Quốc cũng xuất khẩu quyền lực mềm qua các chương trình đào tạo miễn phí cho giới chức ở các quốc gia miền Nam địa cầu.  Trong khi quyền lực mềm Hoa Kỳ tận dụng uy tín thế giới của hệ thống giáo dục họ; thì các trường đại học Trung Quốc chiêu dụ sinh viên miền Nam địa cầu bằng cách lấy học phí thấp và cấp học bổng (trước đại dịch COVID-19, khoảng 80,000 sinh viên từ châu Phi học tập tại Trung Quốc, biến nước này thành điểm đến phổ biến thứ hai của sinh viên châu Phi, chỉ sau Pháp).

Ngày Quốc tế Thiếu nhi 2022 được Trung Quốc tổ chức tại Nairobi, Kenya (ảnh: Dong Jianghui/Xinhua via Getty Images)

Trung Quốc cũng gắn các chương trình giáo dục quốc tế vào cơ hội việc làm. Ví dụ, ở Ethiopia, khi tuyên truyền cho các Viện Khổng Tử, Bắc Kinh nhấn mạnh việc sinh viên dễ kiếm việc làm tại các công ty Trung Quốc sau khi tốt nghiệp. Một số sinh viên Ethiopia sau khi tốt nghiệp làm phiên dịch cho các doanh nghiệp Trung Quốc thậm chí có mức lương cao gấp đôi lương trung bình của một giáo sư đại học. Nói cách khác, Trung Quốc đang bù đắp cho sự thiếu hụt sức mạnh lý tưởng bằng “miếng mồi” vật chất. Có nghĩa Trung Quốc không thực sự thực hiện quyền lực mềm mà là sử dụng sức mạnh kinh tế để lôi kéo người dân các nước nghèo về phe mình!

Ở Hoa Kỳ và các nền dân chủ công nghiệp hóa khác của phương Tây, chiến lược quyền lực mềm Trung Quốc có rất ít tác dụng, bằng chứng là trong những năm qua, sự ủng hộ Trung Quốc của người dân phương Tây ngày càng giảm. Thái độ tiêu cực của phương Tây còn do chính sách đối ngoại ngày càng hung hăng của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình, trong đó có cái gọi là ngoại giao “Chiến binh sói” (Wolf Warrior). Tuy nhiên, tại các quốc gia Nam địa cầu, trong đó có châu Phi và Mỹ Latin, cách tiếp cận thực dụng của Trung Quốc với cam kết giúp phát triển kinh tế đã gặt hái được nhiều thành công. Các cuộc khảo sát mới nhất ở 34 quốc gia châu Phi cho thấy, gần 2/3 người được hỏi đã nói rằng ảnh hưởng của Trung Quốc là “tích cực” hoặc “rất tích cực”. Cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện ở Argentina, Brazil và Mexico năm 2019 cũng cho thấy khoảng một nửa số người được hỏi đã đánh giá tích cực về Trung Quốc; chỉ khoảng một phần tư bày tỏ quan điểm tiêu cực.

Châu Á là nơi mà Hoa Kỳ dồn mạnh vào việc xây dựng quyền lực cứng lẫn quyền lực mềm – trong ảnh là một buổi nói chuyện về đề tài Trung Quốc của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tại Đại học George Washington ngày 26 Tháng Năm 2022 (ảnh: Alex Wong/Getty Images)

Điểm yếu gì của Washington và Bắc Kinh trong chiến lược quyền lực mềm?

Như Maria Repnikova (thuộc Georgia State University, tác giả quyển Chinese Soft Power) viết trên Foreign Affairs July/August 2022, sắp tới, Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục đối mặt những thách thức đặc biệt trong việc thúc đẩy quyền lực mềm. Cần nói thêm, tại Mỹ, sự xói mòn dân chủ, phân biệt chủng tộc tràn lan và các cuộc tấn công vào quyền sinh sản đang làm mất đi hình ảnh của Hoa Kỳ như một nền dân chủ truyền cảm hứng. Ở nước ngoài, việc “cam kết có chọn lọc” của Washington đối với nhân quyền ngày càng tạo ra sự hoài nghi. Sự thất bại của Hoa Kỳ và các đồng minh trong việc lôi kéo một số nước lớn như Brazil, Ấn Độ và Nam Phi trong cuộc đối đầu với Nga cho thấy sự ngờ vực sâu sắc như vậy. Khi giải thích sự miễn cưỡng của họ trong việc lên án Nga, các quan chức các nước này cáo buộc NATO đóng vai trò tạo ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, và hạ thấp sự xâm lược của Nga bằng cách chỉ ra các cuộc chiến tranh đều do Hoa Kỳ tiến hành hoặc giật dây – một cách nói giống hệt như các nhà ngoại giao và nhà nước Trung Quốc.

Phó Tổng thống Kamala Harris trong buổi tiếp Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan tại Tòa Bạch Ốc ngày 15 Tháng Tư 2022 (ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Hoa Kỳ cũng tự ràng buộc bằng cách hạn chế đầu tư vào vốn con người thông qua các cơ hội đào tạo và giáo dục. Giới ngoại giao Mỹ thường cho rằng Mỹ luôn có sức hấp dẫn trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc bằng chính sách học bổng và các phương thức thu hút nhân tài khác, rằng những tài năng xuất sắc sẽ tự tìm đường đến Hoa Kỳ. Tuy nhiên, lối suy nghĩ này tạo ra sức ì và dẫn đến việc Mỹ giảm năng lực cạnh tranh.

Một chương trình viện trợ thực phẩm cho Afghanistan của USAID (US Agency for International Development) – ảnh: Scott Peterson/Getty Images

Với Trung Quốc, họ cũng chẳng dễ dàng thu phục nhân tâm thế giới như được tưởng. Xuất khẩu vaccine COVID-19 của Trung Quốc đã bị nghi ngờ và nhiều nước sẵn sàng gạt bỏ “vaccine Tàu” để chọn vaccine Mỹ. Sinh viên các nước châu Phi thật ra cũng lo lắng về chất lượng và phương pháp sư phạm của một số chương trình giáo dục Trung Quốc. Nói rộng hơn, cách tiếp cận quyền lực mềm thực dụng của Trung Quốc có nguy cơ sụp đổ và biến thành việc lợi dụng nhau là chính. Khi được hỏi rằng điều gì sẽ xảy ra với các Viện Khổng Tử ở nước mình nếu sự học tại đây không còn dẫn đến việc dễ dàng tìm việc tại các công ty Trung Quốc, các quan chức đại học ở Ethiopia nói ngay: “Chúng tôi sẽ đóng cửa chúng!”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Lối sống con lắc
Việc liên tục theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng rất khó khăn. May thay, có một quan điểm mới…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: