Vì sao nói quân đội và công an phải cân bằng quyền lực, thì Tổng Bí Thư Tô Lâm mới được yên?
Hiện nay, tranh chấp quyền lực giữa phe công an của Tổng Bí Thư Tô Lâm, với phần còn lại trong Đảng, mà phe quân đội đang là trung tâm, gây trở ngại lớn cho ông Tô Lâm khi muốn lật ngược thế cờ. Đây là một vấn đề thực sự nghiêm trọng.
Một câu hỏi đặt ra, vì sao, ở thời điểm hiện nay, Đảng cần cân bằng quyền lực giữa công an và quân đội, để chấm dứt xung đột kéo dài trong nội bộ Đảng.
Theo giới phân tích, lực lượng quân đội và công an là hai công cụ được Đảng hết sức coi trọng. Đây là tấm lá chắn bảo vệ chế độ, bảo vệ đất nước và người dân.
Trên thực tế, giữa quân đội và công an không thể tránh khỏi những tranh chấp về quyền lực. Bởi họ có những nhiệm vụ, chức năng chồng chéo, và đặc biệt, có sự cạnh tranh quyết liệt về ngân sách quốc gia, cũng như sức ảnh hưởng của mỗi bên trong Đảng.
Nếu không có gì thay đổi, theo kế hoạch, tại kỳ họp thường niên của Quốc Hội khóa 15, vào Tháng Mười 2024, sẽ bầu chủ tịch nước mới, thay cho ông Tô Lâm. Đây là lần thứ ba liên tiếp trong vòng chưa đầy hai năm, Đảng và nhà nước Việt Nam phải thay đổi nhân sự cho chiếc ghế Chủ tịch nước.
Chủ Tịch Nước Tô Lâm buộc phải tự nguyện rút lui khỏi chiếc ghế “nóng” này, trước áp lực trong nội bộ Đảng, đặc biệt là từ giới chức tướng lĩnh của phe quân đội.
Với lý do, các phe cánh đối thủ của ông Lâm không muốn để ông nắm quyền lực lãnh đạo tuyệt đối, theo mô hình nhất thể hoá. Điều này trái với nguyên tắc “lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách,” đã được duy trì từ năm 1986, sau khi Tổng Bí Thư Lê Duẩn qua đời.
Tuy nhiên, bản chất sâu xa của vấn đề, là có nhiều dấu hiệu cho thấy, trong tương lai không xa, Tổng Bí Thư Tô Lâm sẽ là một lãnh đạo chuyên quyền và độc tài. Với biện pháp sử dụng các hồ sơ, dữ liệu tình báo của Bộ Công An, ông Tô Lâm đã, đang và sẽ, sẵn sàng “đốn ngã” bất kỳ ai cản bước tiến của mình.
Trong giai đoạn hiện nay, ông Lâm đang gấp rút tạo ra một cơ cấu quyền lực mang tính gia đình trị.
Giới quan sát nhận định, nhân sự tân chủ tịch nước sẽ là một tướng lĩnh cấp cao từ quân đội. Điều này nhằm cân bằng quyền lực với phe công an, đồng thời, giải tỏa các lo ngại cho rằng, phe tướng lĩnh quân đội sẽ chặn đường tiến tới chiếc ghế tổng bí thư của ông Tô Lâm, trong Đại Hội 14, nhất là, khi những cá nhân đại diện cho quyền lợi của công an, ngày càng nắm giữ các chức vụ trọng yếu.
Thậm chí, có ý kiến “cực đoan” khẳng định, phe quân đội sẽ tìm mọi cách để “bẫy” ông Tô Lâm ra khỏi chiếc ghế tổng bí thư, trong các kỳ họp Trung Ương, khi bàn về công tác nhân sự cấp cao, vào cuối nhiệm kỳ Đại Hội 13.
Nếu xét về hệ thống tổ chức của Đảng, thì Bộ Chính Trị là cơ quan quyền lực cao nhất, chịu trách nhiệm điều hành Đảng giữa hai kỳ Đại Hội.
Tại thời điểm này, với cơ cấu Bộ Chính Trị có 15 ủy viên, trong đó, những người có gốc gác công an, gồm: Tô Lâm, Phạm Minh Chính, Nguyễn Hòa Bình, Phan Đình Trạc, Nguyễn Văn Nên và Lương Tam Quang. Trong khi đó, phe quân đội chỉ có 4 ủy viên gồm: Lương Cường, Phan Văn Giang, Nguyễn Trọng Nghĩa và Nguyễn Xuân Thắng – chủ tịch hội đồng lý luận trung ương.
Điều này cho thấy, những người xuất thân từ công an đang nắm các vị trí quan trọng, và số lượng áp đảo, so với phe quân đội.
Đây cũng là nguyên nhân sâu xa, là nguồn cơn của mối bất hòa giữa hai thế lực chính trị quan trọng nhất trên chính trường Việt Nam. Đồng thời, cũng là lý do, gần đây có tin đồn đoán, phe tướng lĩnh quân đội đã đưa ra tuyên bố, quân đội sẽ phải là trung tâm quyền lực chính trị, chứ không phải là công an!