Phạm Bình Minh, nạn nhân cuộc báo thù sau hơn 30 năm?

BÌNH LUẬN CUỐI TUẦN
Share:
Tiếp ông Trọng, ông Tập đã viện dẫn ý thức hệ cộng sản để buộc đảng CSVN phải từ bỏ ý định dựa vào các “thế lực bên ngoài”, ám chỉ Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước dân chủ phương Tây. Ảnh Yao Dawei/Xinhua via Getty Images

Việt Nam bước vào năm mới 2023 bằng một vụ thanh trừng trong hàng ngũ lãnh đạo chóp bu: Các ông phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam “bỗng dưng” mất chức, bị thay bằng các ông Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang tại phiên họp bất thường của Quốc hội bù nhìn Việt Nam hôm 5 tháng Giêng 2023.

Trước đó, trong một phiên họp bất thường vào ngày cuối năm 2022, Ban Chấp hành trung ương đảng Cộng sản Việt Nam (BCHTƯ- ĐCSVN) cũng đã “cho thôi chức” Ủy viên Bộ Chính trị của ông Minh và Ủy viên trung ương đảng của ông Đam. 

Chuyện này ai cũng biết, thậm chí dân chúng trong các quán cà phê vỉa hè và trên mạng xã hội còn biết chính xác và bàn với nhau nhiều ngày trước khi diễn ra các hội nghị bất thường của đảng và Quốc hội. Nhưng lý do thực sự đằng sau vụ thay ngựa giữa dòng này thì giới phân tích chính trị bàn luận rất nhiều mà chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Có phải vì liên quan tới tham nhũng?

Khi thông tin chính thức ông Minh và ông Đam bị cách chức thì hầu như không ai ngạc nhiên cả. Ai cũng đoán sự nghiệp chính trị của các ông này sẽ sớm kết thúc sau các vụ đại án tham nhũng “chuyến bay giải cứu” và bộ xét nghiệm Việt-Á, khiến cho nhiều quan chức cao cấp của ngành ngoại giao và y tế lần lượt bị tống giam để điều tra. Trong số người bị bắt có cả Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng, từng là trợ lý của ông Phạm Bình Minh, và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cánh tay đắc lực của ông Đam trong việc phòng chống dịch COVID-19.

Cho đến nay, thông tin chính thức của ĐCSVN và chính phủ Việt Nam không hề đề cập đến lý do kỷ luật các ông này; cả hai đều chưa bị bắt và không có cáo buộc nào chống lại họ. Một nguồn tin trong chính phủ nhận xét hai ông Minh và Đam “có hình ảnh trong sạch trong đảng”“được người dân ủng hộ”.

Trên mạng xã hội, một số người có ảnh hưởng tới dư luận còn tỏ ra tiếc rẻ vì cho rằng Minh và Đam là “hai gương mặt sáng nhất”, “hai người tử tế” trong một guồng máy lãnh đạo nhem nhuốc, vừa bất tài vừa tham lam và tàn bạo của đảng và chính phủ Việt Nam. 

Thế nhưng do vụ thanh trừng diễn ra trong bối cảnh cuộc điều tra tham nhũng “chuyến bay giải cứu” và “bộ xét nghiệm Việt Á” đang nóng từng ngày nên dư luận gần như đều cho rằng hai ông này bị mất chức vì tham nhũng, lạm dụng quyền lực hoặc ít ra là vì liên đới trách nhiệm với những hành vi vi phạm pháp luật của thuộc cấp. Ngay đến giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Úc, một nhà quan sát chính trị Việt Nam rất nổi tiếng, cũng nhận định hai ông này mất chức vì liên quan tới tham nhũng. 

Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, hai quan chức cao cấp vừa bị đảng CSVN thanh trừng. Ảnh VOA

Cho dù có phải vì tham nhũng hay không thì vụ thanh trừng này cũng là lần đầu tiên lửa của cái “lò” mà ông Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng nhóm lên đã đốt tới hàng ngũ cao cấp nhất trong chính phủ. Trước đây, đã có ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị Khóa 12 bị cách chức, bị điều tra và hiện đang đếm lịch trong tù, nhưng về chức vụ chính quyền ông Thăng chỉ là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, chưa phải là Phó Thủ tướng như ông Minh và ông Đam.

Vậy tại sao lần này ông Trọng mạnh tay trừng phạt cùng lúc hai phó thủ tướng được coi là “sáng giá”, trong đó ông Minh là Phó Thủ tướng thường trực, mà không nêu rõ tội lỗi của họ? 

Miệng lưỡi của Tập Cận Bình

Từ những cuộc tìm hiểu với các quan chức cao cấp trong nội bộ đảng CSVN, báo The Nikkei Asia Review cho rằng, ông Phạm Bình Minh bị mất chức vì hai lẽ: Một là, từ vị trí thứ nhất trong bốn phó thủ tướng, ông Minh có tham vọng ngoi lên làm thủ tướng hoặc chủ tịch nước, tức là đứng vào hàng ngũ “tứ trụ” (tổng bí thư, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội và thủ tướng) của chế độ cộng sản Việt Nam – và đó là điều ông Trọng không chấp nhận. Hai là, ông Trọng phải “triệt hạ” ông Phạm Bình Minh theo chỉ thị của ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, trong chuyến đi chầu Bắc triều của ông Trọng đầu tháng Mười Một vừa qua.

“Trọng bị Tập Cận Bình ép phải hạn chế ảnh hưởng của các phần tử thân Phương Tây và Phạm Bình Minh là cái tên được nhắc tới trực tiếp”, nguồn tin cho biết. Cụm từ “phần tử Phương Tây” là một phần của những cuộc đàm luận khi Trọng thăm Bắc Kinh hồi mùa thu và diện kiến Tập – người vẫn sử dụng chiêu bài chống tham nhũng để củng cố quyền lực ở Trung Quốc,” tờ Nikkei viết trong số báo ra ngày hôm qua 6 tháng Giêng 2023.

“Trong was also pressured by [Chinese leader] Xi Jinping to limit the influence of the Western-favor faction, and Pham Binh Minh’s name was directly mentioned,” the source added. The phrase “Western favor” is believed to have been part of the discussions when Trong visited Beijing in the fall and met Xi, who used his own anti-graft drive to consolidate power in China.

Thông tin của Nikkei có vẻ xác đáng nếu để ý rằng trong hàng ngũ chóp bu của chính phủ Việt Nam, chỉ Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam được đào tạo khá bài bản ở Phương Tây. 

Ông Vũ Đức Đam, 59 tuổi, quê Hải Dương, có trình độ tiến sĩ kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế, tốt nghiệp trường Université Libre de Bruxelles của Bỉ (Belgium).

Ông Phạm Bình Minh, 64 tuổi, quê Nam Định, học về quan hệ quốc tế tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, Đại học Tufts, Massachusetts, Hoa Kỳ từ 1991 đến 1995. Trong 34 năm làm việc, ông Minh từng đảm nhiệm chức tùy viên tại Đại sứ quán Việt Nam ở Anh, Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc và Phó Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ trước khi về nước làm lãnh đạo Bộ Ngoại giao.

Tính chất công việc khiến cho ông Minh không có vây cánh mạnh trong các “sứ quân” là chính quyền các địa phương và bộ ngành của Việt Nam nhưng có mạng lưới quan hệ quốc tế rộng, điều vô cùng cần thiết cho hoạt động đối ngoại của Việt Nam và hội nhập với thế giới văn minh hiện nay.

Nền tảng học vấn Phương Tây và quan hệ quốc tế chẳng những đã không đem lại lợi thế cho hai ông Minh và Đam mà ngược lại còn tiềm ẩn tai họa khi các thủ lãnh cộng sản cực đoan và cổ lỗ như Tập Cận Bình, Nguyễn Phú Trọng muốn đẩy mạnh chế độ toàn trị độc tôn của đảng cộng sản và thanh lọc mọi ảnh hưởng của hệ thống dân chủ – tự do Phương Tây.

Nguyễn Phú Trọng hí hửng ôm tay Tập Cận Bình sau khi được Tập trao tặng Huân chương Hữu Nghị của Trung Quốc tại Đại lễ đường ở Bắc Kinh hôm 31 tháng Mười 2022. Ảnh Zhai Jianlan/Xinhua via Getty Images.

Vụ báo thù ba mươi năm

Trường hợp của Phạm Bình Minh còn đáng chú ý hơn: Ông Minh là con trai út của cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch (tên thật là Phạm Văn Cương, mất năm 1998). Sinh thời, ông Thạch cũng từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam những năm 1980-1991.

Vì có lập trường cứng rắn chống âm mưu bành trướng của Trung Quốc sau cuộc Chiến tranh Biên giới 1979, ông Thạch bị Bắc Kinh gây sức ép buộc đảng CSVN phải loại bỏ ông khỏi mọi chức vụ khi đôi bên bí mật gặp nhau tại hội nghị Thành Đô năm 1991 dẫn tới sự lệ thuộc hoàn toàn của Việt Nam.

Trường hợp của ông Nguyễn Cơ Thạch nay dường như lặp lại với con trai ông sau hơn ba mươi năm bởi vì người Trung Quốc có đặc tính thù dai; từ thời Việt Vương Câu Tiễn họ đã dạy nhau: “Quân tử báo cừu, thập niên bất vãn” (quân tử báo thù mười năm chưa muộn) kia mà!

Nhận định ông Minh và ông Đam bị mất chức có thể do bàn tay của Trung Quốc đã được đưa ra đầu tiên từ một bài đăng Facebook của ông Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng bí thư ĐCSVN Lê Duẩn, hiện là một doanh nhân có tiếng ở Sài Gòn. Ngay khi có tin đảng CSVN sắp thanh trừng ông Minh và ông Đam, ông Thành đã nói lấp lửng tới các thủ đoạn can thiệp vào nội tình Việt Nam của giới lãnh đạo Trung Quốc nhưng do thiếu chứng cứ, thông tin của ông Thành chỉ được coi là một thứ thuyết âm mưu. 

***

Việc loại trừ Minh và Đam như vậy ít có khả năng do các ông này liên quan tới tham nhũng như suy đoán của dư luận mà cho thấy một cuộc tranh giành quyền lực trong giới chóp bu của cung đình Hà Nội, bàn tay lũng đoạn của nhà cầm quyền Trung Quốc và sự lệ thuộc của đảng CSVN.

Trong cuộc tranh giành đó, thế thượng phong đang thuộc về những kẻ cộng sản giáo điều, thuần phục ngoại bang và kìm hãm đà tiến hóa của dân tộc. Triển vọng hội nhập của Việt Nam vào cộng đồng các quốc gia dân chủ tự do, thoát ách cộng sản, xem ra càng thêm mờ mịt!

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: