Sau tuyên bố của Mỹ, Bắc Kinh ve vãn Hà Nội?

Hai nhóm tác chiến HKMH Mimitz và Reagan tập trận trên Biển Đông hôm 6-7-2020. Ảnh US Navy Photo
HIẾU CHÂN

Vài ngày sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố lập trường, khẳng định toàn bộ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là “bất hợp pháp”, Bắc Kinh đã có động thái ve vãn Hà Nội khi có dấu hiệu tuyên bố của Mỹ dường như làm cho Việt Nam trở nên cứng rắn hơn.

Báo The South China Morning Post (SCMP) tại Hong Kong nhưng thuộc sở hữu của tập đoàn công nghệ Alibaba của Trung Quốc, dẫn nguồn tin ngoại giao từ Bắc Kinh cho biết hôm thứ Năm vừa qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc La Triều Huy (Luo Zhaohui) đã có cuộc điện đàm với người tương nhiệm phía Việt Nam là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung và hai bên đã bàn về những vấn đề Biển Đông. Chi tiết của cuộc điện đàm chưa được công bố nhưng báo SCMP nhận định Bắc Kinh đang cẩn thận xử lý mối quan hệ với Việt Nam sau sự kiện Mỹ đột ngột tuyên bố cứng rắn.

Cũng trong thời gian này, Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) – một định chế tài chánh đa phương do Trung Quốc điều hành – công bố quyết định cho một ngân hàng nhỏ của Việt Nam  – Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng – vay 100 triệu đô la Mỹ để ngân hàng này có thêm tiền cho vay tới các công ty tư nhân bị gián đoạn hoạt động vì dịch Covid-19.

Vì sao Trung Quốc hòa dịu?

Động thái có phần hòa dịu kể trên của Trung Quốc diễn ra vào lúc tình hình Biển Đông Việt Nam có những biến chuyển quan trọng do việc Mỹ tuyên bố bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên phần lớn diện tích vùng biển huyết mạch này, đồng thời hải quân Mỹ đưa hai nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm và nhiều phương tiện, khí tài hiện đại tới Biển Đông tập trận. Các quốc gia ven biển đang có tranh chấp vùng biển với Trung Quốc hầu như đều đã lên tiếng ủng hộ tuyên bố của Mỹ – vốn trùng khớp với phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế The Hague năm 2016.

Cùng với Phi Luật Tân, Việt Nam là nước bị Trung Quốc chèn ép nặng nề nhất trên Biển Đông; tuy nhiên do bị kìm chặt trong ý thức hệ cộng sản và quan hệ giữa hai đảng độc tài, Việt Nam phải liên tục nhượng bộ Trung Quốc mà không có các biện pháp phản kháng mạnh như Phi Luật Tân.

Hà Nội càng nhân nhượng thì Bắc Kinh càng lấn tới; mới đây Trung Quốc đã gây sức ép buộc Việt Nam phải hủy hợp đồng thăm dò dầu khí ở bãi Tư Chính (Vanguard Bank) với tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha, bồi thường một tỷ đô la, theo các nguồn tin quốc tế. Mới giữa tuần này, Việt Nam cũng đã phải hủy hợp đồng thăm dò dầu khí với công ty Anh Noble Clyde Boudreaux mà theo nguồn tin trong ngành cũng do sức ép từ Trung Quốc. Việc Trung Quốc dọa nạt, chèn ép và tấn công tàu thăm do dầu khí, tàu đánh cá của ngư dân ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là chuyện xảy ra như cơm bữa.

Tuyên bố lập trường Biển Đông của Mỹ dường như giúp đem lại một chút “dũng khí” cho Việt Nam. Mặc dù Bộ Ngoại giao và giới lãnh đạo chóp bu ở Hà Nội vẫn giữ lối nói ba phải, có phần sợ sệt không dám công khai tán thành tuyên bố của Mỹ nhưng trên truyền thông và mạng xã hội đại bộ phận nhân dân và các chuyên gia, trí thức trong và ngoài nước, đều cho rằng tuyên bố của Mỹ “là rất đáng hoan nghênh” và là “cơ hội cần tranh thủ”.

Trở lại với cuộc điện đàm của hai thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc-Việt Nam. Thứ trưởng Lê Hoài Trung là người bốn năm trước, khi Tòa Trọng tài quốc tế ra phán quyết phản đối Trung Quốc, ủng hộ Phi Luật Tân, đã vô tình bộc lộ với báo chí rằng Việt Nam có thể xem xét kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Ông Trung nói rằng, Hà Nội muốn đàm phán nhưng không loại trừ các biện pháp khác như điều đình, phân xử qua trọng tài và khởi kiện ra tòa án quốc tế. Tuy nhiên suốt bốn năm qua việc “khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế” như Phi Luật Tân đã làm và thành công, vẫn không được xúc tiến dù có nhiều lời thúc giục của giới chuyên gia và luật sư trong nước.

Gần đây, lợi dụng thời điểm các nước bận rộn đối phó với đại dịch Covid-19, Trung Quốc tăng cường các hoạt động bành trướng ở Biển Đông, eo biển Đài Loan và biển Hoa Đông tranh chấp với Nhật Bản và cả vùng biên giới với Ấn Độ trên núi Hy Mã Lạp Sơn. Sự hung hăng của Bắc Kinh bị Mỹ chú ý và một số nước như Ấn Độ, Úc, Nhật, Đài Loan lập tức gia tăng năng lực quân sự để đối phó.

Trên mặt trận ngoại giao, các nước Indonesia, Mã Lai và Việt Nam liên tục gửi công hàm lên Liên hiệp quốc phản đối Trung Quốc, Phi Luật Tân đảo ngược quyết định đã công bố trước đây, tiếp tục duy trì hiệp định cho phép quân đội Mỹ viếng thăm và sử dụng các căn cứ hải quân của nước này. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có một động thái đáng chú ý hồi tháng Năm là bổ nhiệm bốn trọng tài viên và bốn hòa giải viên, chuẩn bị cho việc đệ đơn kiện lên tòa án quốc tế. Mới đây, với tư cách chủ tịch của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chủ trì hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 36, Việt Nam đã ra tuyên bố chung ASEAN, khẳng định Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 là “căn cứ pháp lý duy nhất để giải quyết những xung đột trên Biển Đông”.

Động thái của Việt Nam tuy khá mờ nhạt, nhưng không nằm ngoài tầm ngắm của Bắc Kinh. Hồ Ba (Hu Bo), Giám đốc Sáng kiến Điều tra Tình hình Chiến lược Biển Nam Hải của Trung Quốc, viết trên Nhân Dân nhật báo của Bắc Kinh rằng, trong khi đa số các nước ASEAN cố tránh không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp Mỹ-Trung Quốc thì Việt Nam là một ngoại lệ. “Nhiều chính trị gia Việt Nam nghĩ rằng đất nước họ có thể thu lợi tối đa trong cuộc xung đột Mỹ-Trung và trở thành một đỉnh của tam giác quan hệ”, ông Hồ viết.

Các chuyên gia nói gì?

Nhiều chuyên gia theo dõi tình hình chính trị Đông Nam Á cũng ghi nhận sự chuyển biến có phần muộn màng và yếu ớt của Việt Nam, đồng thời cho rằng Việt Nam được khích lệ khi thấy Mỹ công khai ủng hộ yêu sách vùng đặc quyền kinh tế của mình, coi đó là một đối trọng trước âm mưu thôn tính của Trung Quốc.

Giáo sư Eduardo Araral, Giám đốc Viện Chính sách Nước, trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhận định rằng Việt Nam có lập trường cứng rắn hơn các nước ASEAN khác bởi vì yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông có thể tước đoạt của Việt Nam nguồn tài nguyên dầu, khí đốt, ngư trường đánh cá và chủ quyền quốc gia; đồng thời giữa Việt Nam và Trung Quốc có một lịch sử xung đột rất lâu dài. Theo ông Araral, Bắc Kinh phải cẩn thận trong quan hệ với Hà Nội vì nếu chèn ép quá đáng, Việt Nam có thể ngả về phía Mỹ và Bộ Tứ (Quad) Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ông Lý Minh Giang (Li Mingjiang), Phó giáo sư trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam thuộc Đại học Nanyang của Singapore, nhận định, từ quan điểm của Việt Nam, việc Washington tỏ ra quyết đoán hơn, đối đầu hơn với Trung Quốc có thể là điều tốt cho lập trường và lợi ích của Hà Nội. “Lập trường mạnh mẽ của Mỹ có thể giúp điều chỉnh lập trường và yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông. Việt Nam sẽ phấn khởi khi thấy quân đội Mỹ hiện diện và giữ vai trò an ninh trên Biển Đông, ngăn ngừa quân đội Trung Quốc thiết lập vị trí thống trị,” ông Lý nói.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải cẩn thận hành xử khi tình hình Biển Đông đang biến động mạnh. Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á của Học viện Quốc phòng Úc, nói rằng Hà Nội đang cố duy trì quan hệ hữu hảo với Trung Quốc và không để vấn đề Biển Đông thành một điểm nóng xung đột. Ông Thayer cho rằng, kinh tế Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung cấp nguyên liệu từ Trung Quốc và phụ thuộc vào sức tiêu thụ của thị trường Mỹ nên Việt Nam phải cố giữ vị thế tự chủ về chiến lược để không gây xung đột với các siêu cường này.

Coi chừng!

Trở lại nhận định của báo SCMP về động thái có phần hòa dịu của Trung Quốc với Việt Nam, có thể nói ngay rằng Bắc Kinh không bao giờ từ bỏ dã tâm độc chiếm Biển Đông, biến vùng biển này thành “đế chế hàng hải” của Trung Quốc như tuyên bố mới đây của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Có điều, tùy diễn biến của tình hình mà Trung Quốc hoặc ưu tiên cho “cây gậy” hoặc ưu tiên cho “củ cà rốt” hoặc đồng thời vừa cương vừa nhu khiến đối phương lúng túng không biết đường nào mà đối phó.

Hiện nay là thời điểm Bắc Kinh đang gặp khó do bộ mặt tàn bạo của đảng Cộng sản Trung Quốc đã bị phơi bày, bị các nước trên thế giới xa lánh và cảnh giác. Có thể Trung Quốc sẽ tạm thời ẩn nhẫn một thời gian, chờ cho cuộc bầu cử tháng 11 của Mỹ đi qua, chính sách của Washington có thể thay đổi và thế giới chuyển trọng tâm chú ý sang chuyện khác, thì Bắc Kinh sẽ quay lại với chiến lược bành trướng theo kiểu gặm nhấm từng chút một của họ. Với Trung Quốc, không nên bị sa bẫy vào những cam kết, những động thái hòa hoãn tạm thời của họ mà phải luôn nhìn thấu mưu đồ lấp ló ở đằng sau.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: