Sự ngu dốt trần trụi của điều ác

Bàn tay một người cha chia tay với gia đình trên đường sang Ba Lan tỵ nạn; Lviv, Ukraine, ngày 3 Tháng Ba (ảnh: Dan Kitwood/Getty Images)
Thời Sự
Thời Sự
Sự ngu dốt trần trụi của điều ác
Loading
/

Năm tôi 15 tuổi, nhà tôi bán tạp hóa. Thỉnh thoảng tôi sẽ ra quán ngồi nghe những ông già trong xóm đọc báo và nói chuyện chính trị quốc tế. Tôi không còn nhớ rõ những chuyện các ông nói là về nước nào hay ai. Nhưng giọng điệu chung nó có thể khái quát thế này:

“Nga Ngố nó thế thôi, nhưng hùng mạnh lắm. Quân đội Nga là thiện chiến nhất địa cầu. Có phải tự dưng mà nó thắng Đức ở Leningrad đâu.”

“Mỹ mà vào cuộc thì mấy anh khủng bố chỉ có rét từ chân tới đầu, chứ làm ăn gì nữa!”

Trong đầu óc đứa trẻ thuở đó, tôi nhớ được các danh từ riêng Nga, Mỹ, Trung Quốc, khủng bố, Đức… và nhiều danh từ khác. Những danh từ chung chung đó đi kèm với một số đặc tính như “thâm”, “hùng mạnh”, “ngố”, “thiện chiến”.

Nghe chính trị như vậy thật thú vị. Tôi sẽ nhớ tới thằng Đức giống như thằng Tuấn bạn tôi, hoặc Nga Ngố như con Huyền nhà hàng xóm. Sự gần gũi ấy thật thân quen và nó giúp tạo ra một dòng tư duy truyện kể gần như là dân gian, đứa bé nào nghe cũng có thể hiểu được.

Nhưng đi kèm với sự dễ hiểu và trắng đen rành rành đó, sâu kín trong tôi vẫn gợn một điều gì không ổn. Bởi thằng Đức chắc chắn không phải một con người như thằng Tuấn bạn tôi, thích ăn vặt và hay nói xấu cả thế giới cho tôi nghe. Nga Ngố cũng không giống con Huyền hàng xóm hay đi học muộn vì nó ngủ nhiều. Bởi vì những cái tên đó không phải tên người, mà là tên một quốc gia, tên của một tập thể hàng chục triệu hoặc hơn trăm triệu con người.

Những giọt nước mắt chiến tranh; Irpin, Ukraine, ngày 4 Tháng Ba (ảnh: Chris McGrath/Getty Images)

Nghe chính trị như vậy vào năm 15 tuổi của tôi kể cũng chẳng ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới. Thời đó internet sáu ngàn đồng/giờ, khi ra tiệm tôi bận lên mạng chat tìm bạn phương xa chứ hơi đâu nói chuyện Nga, Mỹ hay Tàu. Nói như vậy để hiểu, sự hạn hẹp của những khái niệm mơ hồ trong đầu tôi sẽ không ảnh hưởng gì đến thế giới, cũng như thế giới chẳng ảnh hưởng gì đến tôi. Lúc đó tôi và thế giới sống ở hai hành tinh khác nhau, không có internet nên chúng tôi chẳng cách gì va vào nhau hay tạo ra ngọn lửa tình cháy bỏng.

Sự khác biệt giữa thế giới ngày đó và năm 2022 này là có internet. Chắc chắn rẻ hơn sáu ngàn đồng/giờ, và bất cứ ai cũng có thể nỗ lực tìm kiếm thông tin mà họ muốn tìm, cũng như cho họ một vị trí mà họ muốn đứng. Sự tự do mà chúng ta có được, lớn hơn hàng ngàn lần so với tuổi 15 của tôi.

Mỗi một lần đi dạy khóa kiểm chứng thông tin, thường bài học của chúng tôi chỉ dừng lại ở việc chỉ ra đâu là hình ảnh ngụy tạo, video này cắt ghép ra sao, thông tin này bị bọc đường, trá hình, ngụy biện hay thay thế thế nào. Đó là những yếu tố kỹ thuật ban đầu để nhận định thứ mình nhìn trước mắt mình có phải thật hay không.

Có một lần tôi nghe một bài giảng của giáo sư ở Stanford. Đầu bài giảng, ông nói: “Mark Twain từng nói, Một lời dối trá có thể đã đi khắp nửa địa cầu trong khi sự thật vẫn đang bận xỏ giày (A lie can travel half way around the world while the truth is putting on its shoes). Xong ông giảng bài thao thao bất tuyệt.

Giảng hết bài, ông nói, có thể nhiều bạn ở đây không biết câu nói trên không phải của Mark Twain, chưa có bất cứ văn bản tài liệu nào ghi lại là Mark Twain nói câu đó ngoài mấy tấm hình cắt ghép trên internet đặt quote kế bên với chân dung Mark Twain. Ví dụ của giáo sư cho thấy thông tin sai lệch và sự dối trá có thể đã đi sâu vào trí nhớ của cộng đồng internet đến mức đôi khi người ta chỉ cần lượm được một tấm hình có quote trên mạng là răm rắp tin.

Ví dụ của giáo sư cho thấy khi trở thành công dân internet, chúng ta nhanh chóng trở thành những con bệnh của sự bóp méo và ngụy tạo trên mạng, đòi hỏi vô cùng nhiều nỗ lực đào bới để ta có thể tìm đến với cái sự thật xa lạ mà mình nhiều khi sợ không dám chạm vào. Sau một thời gian suy nghĩ về thông tin ngụy tạo và bóp méo, tôi nhận ra rằng có một thứ quan trọng hơn cả sự thật, là tâm thế của mỗi người khi chọn cho họ thông tin mà họ sẽ ăn và biến nó trở thành thực phẩm của đời sống hàng ngày.

Hơn một triệu người Ukraine đã lên đường di tản (ảnh: Dan Kitwood/Getty Images)

Chúng ta có thể khác nhau vô cùng nhiều về quan điểm chính trị, hoặc như nó mới chỉ là những mầm non đầu tiên ta được tiếp nhận nhờ có internet. Tuổi 15 của tôi không được đọc tranh luận về chính trị trên thế giới, để hiểu cán cân của tự do với thịnh vượng, của quyền lực và chọn lựa từng thời kỳ trong các bộ máy chính trị, cũng như không được biết gì về các tranh luận về kinh tế, triết học ở nhiều quốc gia khác nhau.

Giờ đây, chúng ta có thể đọc tất cả phơi bày như thân thể trần trụi của thế giới bày trước mắt ta. Và ta được chọn. Cũng giống như trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ vừa rồi, bạn có thể chọn Trump, hay không chọn Trump, bạn nhiệt tình bày tỏ về điều đó. Đó thật là không khí chính trị mà chúng ta không có được trong chính quốc gia của mình, nhưng ta có thể thực hành nó trên những hiểu biết mới về thế giới xung quanh ngoài cái hàng rào bé nhỏ nhà mình. Ta cảm thấy được quyền chọn khác biệt, và điều đó thật quý giá.

Nhưng tâm thế trước thông tin còn bao gồm có lương tri. Ta có thể không đọc hiểu tiếng nước ngoài, ta có thể không giỏi kỹ thuật để biết video ngụy tạo hay audio bị cắt ghép, nhưng có một điều cốt lõi hơn cả, là ta biết hỏi lương tri và chọn tâm thế của mình khi suy nghĩ về vấn đề đó.

Đó là lúc những người Việt Nam vẫy cờ vàng hăm hở tiến vào Capitol Hill chắc không biết ngoài việc tự do chọn ứng cử viên, họ còn phải tuân thủ pháp luật của quốc gia họ đang sống, và biết có một thứ xa hơn là nền dân chủ. Hóa ra, những người cầm cờ vàng miệng bô bô chửi Việt Nam không có dân chủ ấy, một ngày nọ xách cờ đi phá hủy nền dân chủ đã cưu mang họ.

Với tôi, đó là khi ta chọn vị trí.

Tương tự như vậy với cuộc chiến Nga và Ukraine. Tôi cơ bản không ngạc nhiên gì khi đọc những bình luận của mấy thằng tướng già ở Việt Nam. Chúng giống như những ông già trong xóm của tôi, đi ra tiệm tạp hóa đầu xóm, mồm miệng phun nước bọt, xa xả chửi Mỹ, chửi Trung Quốc, la liếm mường tượng mùa Thu nước Nga lãng mạn năm xưa thời đi du học. Những kẻ đó, câu chuyện của họ mãi mãi là như vậy. Thằng Đức cũng chỉ như thằng Tuấn bạn tôi, Nga Ngố cũng chỉ là con Huyền. Họ không nhìn quốc gia như hàng trăm triệu thân phận người. Họ chỉ phun nước bọt buôn chuyện cho vui và thỏa mồm nói dóc.

Nhưng tôi thật sự ngạc nhiên khi những người trẻ có đủ internet để coi hết YouTube từ Sputnik News, tới CCTV News, tới Đại Kỷ Nguyên, nhưng quyết không mở AP Photo hay Al Jazeera để nhìn những phụ nữ òa khóc trong hầm tối, hay những bà mẹ bịt miệng khóc vì con họ chết trong pháo kích, hay đơn giản nhìn một tòa chung cư sụp đổ. Những người trẻ đó, quyết tâm chọn vị trí thật sự kiên cường ca khúc khải hoàn đợi chiến thắng của anh Putin và quyết không nhìn thấy cuộc chiến mà anh ta đang gây ra cho hàng triệu người vô tội là có thật.

Tôi đã nhìn thấy những bức ảnh share cụ già bật khóc vì được anh lính Nga dìu. Những người đó có hiểu tại sao một cụ già phải “bật khóc” không? Tại sao cụ già không được ở yên một chỗ trồng hoa, tưới vườn, chơi với con cháu mà phải đợi lính Nga sồ sộ nhào tới dìu? Tại sao bà phải mất tất cả không gian sống kề bên, mất mái nhà, phải đợi một kẻ xa lạ “tới dìu”? Những câu hỏi đơn giản như vậy, hầu như có thể trả lời hết cho bạn sự bất lương của một cuộc chiến tranh. Nơi con người mất mái nhà, nơi tổ ấm chẻ làm đôi vì pháo kích, nơi chàng trai ngồi giữa đống đổ nát và cố hiểu vì sao cộng đồng của mình sụp đổ.

Mất nơi ở – là sự đau đớn hơn tất cả những chuyện phiếm Nga Ngố thiện chiến hay đáng đời Ukraine. Chúng ta không nói chuyện chính trị bởi vì chính trị chỉ là tờ báo vô hồn và những ngôn từ hùng hổ thô lậu. Chúng ta nói chuyện chính trị để cố hiểu xem con người, hàng triệu người, những thân thể và thịt da như chúng ta, vì sao phải đứng giữa những đường biên giới và khóc, vì sao họ phải mất đi, vì sao họ phải bốc hơi sau một đợt cluster bom mới?

Ở đó, chúng ta sẽ không cố gắng gọi tên hàng triệu người là Ukraine nữa, mà sẽ gọi họ là hàng triệu người vừa mất nhà ở khi bị ném bom. Nếu tôi được sống lại tuổi 15, tôi sẽ nhổ nước bọt vào mặt những ông già hàng xóm đó, và bảo các ông hãy thôi nói những điều thiển cận đi, các ông có biết hai câu tóm tắt nghe rất nghệ vừa rồi của các ông thật vô cảm với nỗi đau của đồng loại không?

Sự vô cảm với đồng loại chỉ chứng minh về sự ngu dốt trần trụi của điều ác.

______

Tác giả Phạm Lan Phương (Khải Đơn) từng có nhiều năm làm báo ở Sài Gòn. Hiện cô ở Mỹ theo học chương trình Fulbright chuyên về sáng tác văn học. Cuối năm 2021, tác phẩm thơ “My sinking town” (tiếng Anh) của cô viết về Sài Gòn được Academy of American Poets trao giải, ở hạng mục “University & College Poetry Prize”…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: