Sự thật về đóng góp của Mỹ cho NATO và tương lai của liên minh

(Hình minh họa: Marjan Blan/Unsplash)

Tổng Thống Donald Trump nhiều lần nhấn mạnh việc Hoa Kỳ phải gánh vác chi phí lớn để bảo vệ các đồng minh châu Âu trong NATO. Ông cũng yêu cầu các quốc gia thành viên tăng chi tiêu quốc phòng để chia sẻ gánh nặng này.Gần đây, ông Trump tuyên bố nếu các nước NATO không đáp ứng mức chi tiêu quốc phòng tối thiểu 2% GDP, Hoa Kỳ có thể không bảo vệ họ trong trường hợp bị tấn công.

“Đó là lẽ thường tình, đúng không,” Trump nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục. “Nếu họ không trả tiền, tôi sẽ không bảo vệ họ. Không, tôi sẽ không bảo vệ họ.”

Điều khoản tương trợ lẫn nhau, vốn là cốt lõi của liên minh NATO kể từ khi thành lập năm 1949 để chống lại nguy cơ từ Liên Xô, dường như bị lung lay bởi những phát biểu này và gây ra những tranh cãi gay gắt.

Cơ sở của những tranh cãi này, đặc biệt từ phía những người ủng hộ phong trào dân túy MAGA của ông Trump, thường cho rằng Mỹ đóng góp tới 66% ngân sách NATO và lập luận rằng Mỹ đang chi tiêu quá nhiều một cách không công bằng để bảo vệ châu Âu.

Tuy nhiên, đây là một sự ngộ nhận nghiêm trọng. Nguyên nhân sâu xa của sự ngộ nhận này là việc nhầm lẫn giữa “ngân sách hoạt động” của NATO với “mục tiêu chi tiêu quốc phòng” của mỗi quốc gia thành viên.

Thực tế, ngân sách hoạt động hàng năm của NATO chỉ ở mức $4.6 tỷ, được dùng để trang trải cho các hoạt động quân sự ($2.37 tỷ), dân sự ($483.3 triệu) và một số hoạt động khác. Trong khoản ngân sách này, Mỹ và Đức đóng góp khoảng 15% mỗi nước, tương đương $700 triệu; Anh và Pháp đóng góp khoảng 10% mỗi nước (khoảng $460 triệu), cùng với sự đóng góp của các quốc gia khác như Ý, Canada, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ.

Bên cạnh đó, các thành viên NATO thống nhất hướng tới mục tiêu chi tiêu quốc phòng tối thiểu 2% GDP. Năm 2023, ngân sách quốc phòng của Mỹ chiếm khoảng 3.5% GDP, tương đương khoảng $860 tỷ, vượt xa tổng ngân sách quốc phòng $404 tỷ của tất cả các thành viên NATO còn lại.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng ngân sách của Bộ Quốc Phòng Mỹ không chỉ giới hạn trong phạm vi NATO mà còn bao gồm chi phí cho toàn bộ hệ thống căn cứ quân sự của Mỹ trên toàn cầu, từ các hạm đội hàng không mẫu hạm hùng mạnh đến các căn cứ chiến lược ở châu Á, châu Phi và nhiều khu vực khác. Ngoài ra, khoảng 60% trong tổng số $404 tỷ ngân sách quốc phòng của các thành viên NATO được chi cho việc mua sắm vũ khí của Mỹ. Nhiều quốc gia châu Âu, dù có năng lực sản xuất máy bay chiến đấu riêng, vẫn ưu tiên lựa chọn F-35 của Mỹ.

Hơn nữa, nhiều căn cứ quân sự của Mỹ ở các nước đồng minh cung cấp dữ liệu tình báo quan trọng, hoạt động tại các “điểm nóng” để đảm bảo tự do thương mại hàng hải, cũng như kiềm chế các đối thủ của Hoa Kỳ như ở Biển Đông (Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Philippines), Bắc Cực (Greenland), và Địa Trung Hải (Ý, Tây Ban Nha).

Do đó, quan điểm cho rằng Mỹ chi 60% ngân sách quốc phòng để bảo vệ NATO, như cáo buộc của Tổng Thống Donald Trump, là thiếu cơ sở, mang tính phiến diện và có thể chỉ là một lý lẽ chiến thuật đàm phán thương mại.

Không những thế, ông Trump còn nghi ngờ rằng các nước châu Âu sẽ không bảo vệ Mỹ nếu quốc gia này bị tấn công. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh điều ngược lại. Sau vụ khủng bố 9-11, có ít nhất hơn 12,700 quân nhân từ các nước châu Âu đã tới Afghanistan trong chương trình Lực Lượng Hỗ Trợ An Ninh Quốc Tế (International Security Assistance Force – ISAF).

Đáng chú ý, Ukraine – quốc gia mà ông Trump thường chỉ trích khi họ đấu tranh bảo vệ lãnh thổ khỏi sự xâm lược của Nga – cũng đã cử hơn 5,000 binh sĩ tham gia, mặc dù họ không phải là thành viên NATO và không có bất kỳ nghĩa vụ nào phải làm như vậy.

Viễn cảnh Mỹ rút khỏi NATO, dù xuất phát từ nguyên nhân nào – cuộc chiến ở Ukraine hay việc tái thiết lập quan hệ đồng minh với Nga – chắc chắn sẽ gây ra những biến động lớn. Các quốc gia EU thuộc NATO, vốn quen thuộc với sự bảo trợ từ “ô dù hạt nhân” của Mỹ từ năm 1949, sẽ đối mặt với giai đoạn khó khăn ban đầu. Tuy nhiên, giai đoạn chuyển tiếp này, có thể kéo dài từ 5 đến 10 năm, lại là cơ hội để các quốc gia này tái cơ cấu ngành công nghiệp quốc phòng, hướng tới sự tự chủ lớn hơn về an ninh.

Mặc dù khả năng “trụ vững” của Ukraine là một ẩn số, Ukraine vẫn có thể đứng vững nếu các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga không được nới lỏng để tạo điều kiện cho Nga phục hồi. Vậy liệu các quốc gia NATO còn lại có sẵn sàng can thiệp quân sự nếu Nga tấn công một thành viên, chẳng hạn như Ba Lan hay các quốc gia Baltic? Nhưng ngay cả trong tình huống xấu nhất, khi Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, khả năng chiến thắng của Nga vẫn là một dấu hỏi lớn.

Vũ khí hạt nhân, với vai trò chủ yếu là răn đe, ngăn chặn đối phương sử dụng, mang một ý nghĩa đặc biệt. Sức mạnh không nằm ở số lượng đầu đạn mà ở công nghệ. Các quốc gia như Mỹ, Nga, Pháp và Anh sở hữu công nghệ “thu nhỏ” đầu đạn, cho phép tích hợp nhiều đầu đạn trên một tên lửa, mỗi đầu đạn có khả năng tấn công mục tiêu riêng biệt.

Pháp, dù chỉ có 290 đầu đạn hạt nhân bom H nhiệt hạch, chủ yếu được triển khai trên tên lửa phóng từ tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (như hệ thống M51), và một số là bom thông minh từ máy bay Rafale, vẫn sở hữu khả năng răn đe đáng gờm. Ước tính chỉ cần khoảng 50 đầu đạn với sức công phá 1 triệu tấn TNT cũng đủ làm tê liệt hệ thống phòng thủ, hạ tầng quân sự và gây ra những tổn thất nghiêm trọng cho Nga. Do đó, dù số lượng “chiếc ô hạt nhân” của Pháp có vẻ khiêm tốn so với Mỹ hay Nga, hiệu quả răn đe của nó không hề thua kém. Một thỏa thuận giữa Ba Lan và Pháp về vấn đề này có thể làm giảm đáng kể nguy cơ Nga tấn công châu Âu.

Việc Mỹ rút khỏi NATO, dù với bất kỳ lý do nào, chắc chắn sẽ làm xói mòn lòng tin của các đồng minh, dẫn đến những thay đổi chiến lược trong chính sách quốc phòng của họ, và kéo theo những hệ lụy không chỉ về an ninh mà còn về kinh tế và chính trị, đặc biệt đối với một tổng thống có tư duy kinh doanh, mặc cả như Trump. Ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ đứng trước nguy cơ mất đi khoản doanh thu từ $200-$300 tỷ mỗi năm do các quốc gia EU thành viên NATO có thể ngừng mua vũ khí.

Điển hình là trường hợp của Đức, chính phủ nước này đang xem xét lại hợp đồng mua 35 máy bay chiến đấu F-35A từ Hoa Kỳ với giá 8.3 tỷ Euro, cộng thêm chi phí cơ sở hạ tầng bổ sung. Theo báo Bild, Berlin ngày càng lo ngại rằng những chiếc F-35A có thể bị Washington “tắt” từ xa. F-35 không chỉ là một máy bay, mà là một hệ thống máy tính phức tạp với nhiều cảm biến, và khả năng Mỹ có thể vô hiệu hóa nó từ xa là hoàn toàn thực tế.

Nỗi lo này không phải là không có cơ sở, như Joachim Schranzhofer, người đứng đầu truyền thông tại Hensoldt, khẳng định: “Công tắc tắt F-35 không chỉ là tin đồn. Một cách đơn giản hơn là thông qua hệ thống lập kế hoạch nhiệm vụ không cho phép máy bay chiến đấu hạ cánh.”

Còn nhà ngoại giao Wolfgang Ischinger, người đứng đầu Hội Nghị An Ninh Munich, thậm chí còn đặt vấn đề: “Nếu chúng ta lo ngại rằng Hoa Kỳ có thể làm điều tương tự với máy bay chiến đấu F-35 của Đức như họ đã làm với Ukraine, chúng ta nên cân nhắc hủy hợp đồng.”

Ngoài ra, việc Mỹ áp thuế quan lên hàng hóa EU, nếu xảy ra, sẽ gây tổn hại cho cả hai bên. Mặc dù thâm hụt thương mại của Mỹ với EU có thể dưới $100 tỷ, nhưng EU lại chi trả một khoản đáng kể cho các dịch vụ của Mỹ, bao gồm dịch vụ tài chính (ngân hàng đầu tư, quản lý tài sản, bảo hiểm), dịch vụ công nghệ (điện toán đám mây, quảng cáo trực tuyến, phần mềm, phần cứng) và dịch vụ du lịch (khách sạn, hàng không, cho thuê xe) – những khoản chi thường không được tính đến trong các báo cáo thương mại.

Quan trọng hơn, vị thế của đồng đôla Mỹ như là đồng tiền dự trữ chính của thế giới có thể bị suy yếu. Mặc dù khó có khả năng các đồng tiền khác như rúp Nga, euro, hay nhân dân tệ Trung Quốc thay thế hoàn toàn đồng đôla trong ngắn hạn, nhưng các quốc gia có thể đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của mình, giảm sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh. Điều này sẽ làm giảm khả năng của Hoa Kỳ trong việc tài trợ cho thâm hụt ngân sách thông qua việc phát hành trái phiếu chính phủ, cũng như làm giảm ảnh hưởng của Mỹ đối với các chính sách tiền tệ toàn cầu.

Tóm lại, những luận điểm cho rằng Mỹ đang “gánh vác” phần lớn chi phí cho NATO là không phản ánh đúng thực tế. Việc hiểu rõ sự phân biệt giữa ngân sách hoạt động và mục tiêu chi tiêu quốc phòng, cùng với vai trò răn đe của vũ khí hạt nhân, là chìa khóa để đánh giá tình hình một cách chính xác. Nếu Mỹ rời NATO, liên minh này sẽ đối mặt với những thách thức, nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội cho các quốc gia châu Âu tăng cường khả năng tự chủ về an ninh. Còn Mỹ sẽ phải đối diện với những hệ quả kinh tế, kể cả nguy cơ đánh mất vị thế lãnh đạo trên trường quốc tế.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo