Sự thật về thư kêu gọi hồi hương của tỉnh Đắk Lắk

Người dân Dak Lak ăn cơm ngoài rẫy. (Hình minh họa: Facebook “Đắk Lắk”)

Dưới chiêu bài “tương thân tương ái” và “chính sách khoan hồng,” nhà cầm quyền CSVN tại tỉnh Đắk Lắk đã phát đi bức thư kêu gọi đồng bào dân tộc thiểu số đang cư trú tại Thái Lan tự nguyện hồi hương về Việt Nam.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của số nhà hoạt động nhân quyền và người tị nạn thì hành động này thể hiện sự lấp liếm sự thật, thiếu thực tế và che đậy các hành vi đàn áp nhân quyền nghiêm trọng tại Việt Nam

Người Việt nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên (gọi tắt là người Thượng Tây Nguyên) nói riêng, đang tị nạn CSVN tại Thái Lan nhiều ngày qua đã truyền cho nhau xem một bức thư được phát đi từ nhà cầm quyền CSVN tại tỉnh Đắk Lắk, do Phó Chủ Tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn ký vào hôm 20 Tháng Ba năm 2025, với nội dung kêu đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương này đang cư trú tại Thái Lan tự nguyện hồi hương về Việt Nam.

Đọc sơ qua nội dung bức thư, tuy tôi không thuộc đối tượng bị nhà cầm quyền tỉnh Đắk Lắk nhắc đến, nhưng cùng là thân phận người Việt đang tị nạn tại Thái Lan nên cảm thấy phải có trách nhiệm lên tiếng một số vấn đề nhằm đảm bảo tính khách quan và sự thật.

Mở đầu bức thư, nhà cầm quyền nói: “Thời gian qua, vì nhiều lý do khác nhau, nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk nghe theo một số đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo, bán tài sản, bỏ quê hương, gia đình di cư bất hợp pháp sang Thái Lan mong có được cuộc sống sung sướng, thu nhập cao…”

Ngay những câu chữ ban đầu của bức thư, nhà cầm quyền Đắk Lắk đã diễn giải một cách méo mó, tráo trở đổ lỗi cho một số “đối tượng xấu” và lấp liếm nhằm phủ nhận một sự thật rằng, hàng trăm cá nhân và hộ đồng bào người Thượng ở Tây Nguyên hiện đang cư trú tại Thái Lan đa phần không phải vì bị “dụ dỗ” hay “lôi kéo,” mà do họ là nạn nhân của những chính sách cai trị hà khắc đến từ nhà cầm quyền CSVN.

Họ bị xâm phạm quyền tự do tôn giáo-tín ngưỡng, bị cưỡng chế đất đai một cách bất công & phi lý, họ đối mặt với sự trấn áp của lực lượng công an bao gồm cả bạo lực lẫn nhà tù khi lên tiếng đấu tranh đòi quyền lợi.

Vào Tháng Mười Một năm 2022, hai ông Y Sĩ Êban và Y Khiu Niê là hai người Thượng sinh sống ở Đắk Lắk, bị cơ quan an ninh phi trường Tân Sơn Nhất (Sài Gòn) bắt giữ khi đang trên đường đi tham dự Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo & Niềm Tin  Đông Nam Á (SEAFORB) tại Bali.

Qúa trình tạm giam, không có lệnh bắt giữ, cả hai ông Y Khiu Niê và Y Sĩ Êban bị nhân viên an ninh tra vấn nhiều giờ liền liên quan đến các vấn đề: yêu cầu chấm dứt liên lạc với các tổ chức nhân quyền, ngừng dạy Kinh Thánh, ngừng tham gia các sinh hoạt tư gia của người thân…

Hoặc như trường hợp của nhà hoạt động Y Quynh Bdap, vào năm 2012 bị khởi tố chỉ vì đấu tranh cho quyền lợi của cộng đồng người Thượng Tây Nguyên và tự do tôn giáo. Năm 2018, ông Bdap cùng gia đình sang Thái Lan xin tị nạn, được cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc cấp thẻ quy chế. Tuy nhiên, vào tháng Sáu năm 2024, ông Bdap bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ theo yêu cầu dẫn độ từ Chính Phủ CSVN.

Nhà hoạt động Y Quynh Bdap. (Hình: Human Rights Watch)

Xa hơn nữa, người Thượng Tây Nguyên hẳn chưa quên Chỉ thị số 16 của Thủ Tướng CSVN Phan Văn Khải ban hành vào ngày 27 Tháng Năm, 2004, đẩy hơn 10,700 người đi giáo dục cải tạo, hơn 20,000 người từ bỏ đạo Tin Lành Đega. Vào Tháng Tư cùng năm, với những chính sách bị cho là phân biệt đối xử của nhà cầm quyền CSVN đã khiến đồng bào người Thượng tiến hành cuộc đại biểu tình ở khắp các tỉnh Tây Nguyên, gây chấn động dư luận trong nước lẫn quốc tế.

Ngay tại tỉnh Đắk Lắk, đồng bào người Thượng cũng nhiều lần biểu tình vào các năm 2001, 2004 và 2008 nhằm phản đối nhà cầm quyền, nhiều yêu cầu đưa ra trong đó có yêu cầu đòi được đối xử công bằng như người Kinh. Tất cả các cuộc biểu tình đều bị đàn áp, nhiều người tham gia bị bắt và bị bỏ tù với các bản án nặng nề.

Những gì diễn ra cho thấy, do cuộc sống bị đẩy đến đường cùng nên nhiều người Thượng Tây Nguyên buộc phải chọn giải pháp rời bỏ quê hương, chạy sang Thái Lan tìm đến cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc để xin được bảo vệ.

Phần nội dung tiếp theo của bức thư kêu gọi, nhà cầm quyền viện dẫn: “Tuy nhiên, khi đến Thái Lan, bà con gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu sống trong các khu nhà trọ tạm bợ thiếu các điều kiện sống tối thiểu, đi làm thuê các công việc nặng nhọc, không biết tiếng Thái Lan, trẻ em không được đi học, điều kiện y tế khó khăn, một số vi phạm pháp luật Cảnh sát Hoàng Gia Thái Lan bắt, xử lý về các hành vi cư trú bất hợp pháp.”

Câu nói “Một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật” phản ánh đúng viện dẫn nêu trên của nhà cầm quyền tỉnh Đắk Lắk. Do Thái Lan không tham gia Công ước 1951 về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc, cho nên người tị nạn ở đây bao gồm cả người Thượng Tây Nguyên không chỉ đối mặt với cuộc sống khó khăn về vật chất, đi làm thuê các công việc nặng nhọc mà còn đối mặt với nguy cơ bị cơ quan di trú Thái Lan bắt giữ và trục xuất về lại quê nhà do cư trú bất hợp pháp.

Ngoài khó khăn này ra, bản thân tôi thấy hầu như người tị nạn không gặp vấn đề khó khăn đáng kể nào khác. Còn về việc trẻ em của hộ gia đình tị nạn không được đi học, điều kiện y tế khó khăn là những viện dẫn thiếu thực tế, thậm chí là sai hoàn toàn. Tôi được biết, nền giáo dục Thái Lan rất cởi mở và nhân bản, Chính Phủ Thái Lan rất quan tâm đến vấn đề giáo dục, trẻ em tị nạn được đi học ở bất cứ trường công nào tại Thái Lan mà không bị phân biệt đối xử.

Nhiều hộ gia đình người Việt tị nạn có con em đi học tại Thái Lan chia sẻ với tôi, con cái của họ đi học hầu như không phải tốn khoản tiền nào đáng kể, thậm chí còn được hỗ trợ thêm tiền ăn uống và vui chơi. Còn vấn đề y tế, không giống như ở Việt Nam, ở Thái Lan có nhiều cơ sở y tế khám chữa bệnh miễn phí. Bản thân tôi, được một lần đến cở sở y tế Rangsit khám chữa bệnh “0 đồng,” thậm chí còn được hỗ trợ tiền xe đi lại, điều này tôi chưa từng có ở Việt Nam.

Người tị nạn ở Thái Lan hầu như ai cũng biết đến tổ chức phi chính phủ Border Relief and Education for Children (BRC) và tổ chức từ thiện Phật giáo quốc tế Tzu Chi, đây là hai tổ chức thực hiện nhiều hoạt động nhân đạo, trợ giúp những vấn đề liên quan đến y tế và giáo dục cho người dân. Ngoài ra, riêng người Việt tị nạn cộng sản tại Thái Lan còn nhận được sự trợ giúp đáng kể từ các tổ chức, cá nhân mạnh thường quân của người Việt hải ngoại. Nhìn chung, cuộc sống của người Việt tị nạn tại Thái Lan tuy khổ sở về vật chất nhưng về tinh thần thì cơ bản khá thoải mái.

Điều đáng buồn cười rằng, thư kêu gọi do Phó Chủ Tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn ký thì cũng chính ông Văn vào ngày 8 Tháng Ba, tại cuộc hội thảo y tế vùng Tây Nguyên diễn ra tại TP. Ban Mê Thuột đã nhấn mạnh, Tây Nguyên là khu vực có diện tích rộng, dân cư phân bố không đồng đều, dẫn đến việc tiếp cận dịch vụ y tế của người dân vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Có nghĩa là, người Thượng nói riêng và người Việt ở Tây Nguyên nói chung, điều kiện y tế và giáo dục còn thua cả người tị nạn tại Thái Lan. Vậy nhà cầm quyền tỉnh Đắk Lắk kêu gọi đồng bào người Thượng tị nạn hồi hương để làm gì? Có hiệu quả hay không?

Phần nội dung tiếp theo nữa của thư kêu gọi, nhà cầm quyền tỉnh Đắk Lắk viết: “Thực hiện chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước, tinh thần “tương thân, tương ái” của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, từ năm 2020 đến nay, chính quyền các cấp tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện cho 42 bà con hồi hương về Việt Nam đoàn tụ với thân nhân, gia đình. Mặc dù trước đó đã có những vi phạm pháp luật về xuất, nhập cảnh nhưng khi trở về địa phương bà con không bị xử lý hành chính hay hình sự, được các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã hội thăm hỏi, động viên, hỗ trợ nhu yếu phẩm ban đầu, tạo điều kiện hưởng các chính sách hỗ trợ về công ăn, việc làm, phát triển kinh tế gia đình… từ đó đã sớm ổn định cuộc sống.”

Không thể kiểm chứng con số 42 bà con người Thượng Tây Nguyên tị nạn tại Thái Lan, được nhà cầm quyền tỉnh Đắk Lắk cho hồi hương về Việt Nam đoàn tụ với thân nhân, gia đình hiện có cuộc sống ra sao, nhưng cho dù thế nào thì con số này cũng là ít ỏi trong số hàng trăm người Thượng Tây Nguyên hiện đang còn tị nạn tại Thái Lan.

Thư kêu gọi có nói, thực hiện chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước nên nhà cầm quyền CSVN tại Đắk Lắk đã không xử lý hành chính hay hình sự đối với đồng bào tị nạn hồi hương. Với điều này, bản thân tôi thấy lời của nhà cầm quyền không đáng tin cậy. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá, nhà cầm quyền CSVN có bề dày thành tích vi phạm nhân quyền, nên người dân Việt có câu “mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời cộng sản mà thương dân mình” không hề sai chút nào.

Minh chứng là vào ngày 25 tháng Ba, 2025, ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo quốc tế đã công bố bản phúc trình hàng năm, chỉ định 16 quốc gia phải quan tâm đặc biệt vì đàn áp tôn giáo một cách nghiêm trọng, có hệ thống và lâu dài.

Bản phúc trình đặc biệt nhắm vào các trường hợp người Thượng Tây Nguyên theo đạo Tin Lành bị nhà cầm quyền CSVN đàn áp nghiêm trọng trong năm 2024 như: bỏ tù 10 năm đối với nhà truyền đạo Y Krec Bya, 4 năm tù cho nhà truyền đaọ Nay Y Blang, đánh chết nhà truyền đạo Y Bum Bya và bắt cóc nhà truyền đạo Y Thinh Nie. Ngoài ra, bản phúc trình lại nhắc đến trường hợp của ông Y Quynh Bdap nằm trong động thái đàn áp xuyên quốc gia của nhà cầm quyền CSVN.

Nhân nói đến vấn đề hồi hương, tôi xin nói thêm là mới đây vào ngày 27 tháng Hai, cơ quan an ninh tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành bắt ông Đoàn Minh Tuấn (49 tuổi. Cư trú tại huyện: Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) với cáo buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước.” Vào năm 2017, ông Tuấn sang Thái Lan xin tị nạn chính trị. Năm 2023, ông Tuấn hồi hương về lại Việt Nam.

Rõ ràng thư kêu của nhà cầm quyền CSVN tại Đắk Lắk là cả một sự lấp liếm, thiếu thực tế và che đậy hành vi tiếp tục đàn áp nhân quyền, đàn áp tự do tôn giáo tại Việt Nam.

“Với tinh thần đoàn kết, phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau,” UBND tỉnh Đắk Lắk kêu gọi Đồng bào đang cư trú bất hợp pháp tại Thái Lan tự nguyện hồi hương về Việt Nam. Chính quyền, các lực lượng chức năng sẽ không phân biệt đối xử, tạo điều kiện quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ bà con đoàn tụ với gia đình, thôn, buôn, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế,” thư kêu gọi kết lời.

Hơn 50 năm, lời của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu của VNCH “đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì cộng sản làm” vẫn phản ánh chính xác hiện thực những gì người dân Việt đang sống dưới sự cai trị của nhà cầm quyền CSVN.

Cụm từ “Không để ai bị bỏ lại phía sau,” lời này được người dân Việt nhắc đến nhiều kể từ sự kiện dịch COVID-19, bằng những “chuyến bay giải cứu” công dân Việt Nam đang mắc kẹt tại nước ngoài, nhiều cán bộ CSVN đã “kinh doanh xương máu” người dân để trục lợi bất chính một cách trắng trợn.

Điều này đặt ra câu hỏi về tính chân thực trong lời kêu gọi hồi hương từ nhà cầm quyền tỉnh Đắk Lắk. Liệu đồng bào người Thượng có thực sự được đối xử công bằng và được bảo vệ quyền lợi sau khi trở về?

Thay vì đưa ra thư kêu gọi, nhà cầm quyền tỉnh Đắk Lắk nên hiện thực bằng việc chấm dứt đàn áp các tiếng nói tự do, tôn trọng quyền còn người. Không ai muốn rời bỏ quê hương nơi mình sinh ra huống chi tổ quốc, trừ khi quê hương không còn và tổ quốc dường như bị cướp mất.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo