Tái thiết Los Angeles sau vụ cháy và số phận hàng triệu người nhập cư

Cháy rừng ở Los Angeles. (Hình minh họa: Facebook)

Người nhập cư là xương sống của nền kinh tế Hoa Kỳ và đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm xây dựng và các dịch vụ khác.

Trong các vụ cháy kinh hoàng ở Los Angeles đầu Tháng Giêng vừa qua, những người nhập cư đã làm việc chăm chỉ để dọn dẹp để khu vực này giảm bớt được thiệt hại của thảm họa, nhiều người trong số họ không có giấy tờ.

Theo Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (Ethnic Media Services-EMS), hồi năm 2005, sau cơn bão Katrina, Tổng Thống George W. Bush tạm dừng lệnh trừng phạt đối với người sử dụng lao động. 20 năm sau, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp liên lạc với chính quyền mới để cố gắng ngăn chặn một số động lực đằng sau các kế hoạch “trục xuất hàng loạt,” vì nhiều ngành công nghiệp đã ở giai đoạn “thắt lưng buộc bụng,” với tình trạng thiếu hụt lao động.

Liệu nỗ lực này có đi đến đâu, và giải pháp nào để giải quyết vấn đề và bảo đảm quyền của người lao động? Hôm 24 Tháng Giêng, EMS tổ chức buổi họp báo qua Zoom, với sự tham dự của các chuyên gia và người ủng hộ cùng nhau thảo luận về đề tài “nóng hổi’ này.

“Nhu cầu dọn dẹp và tái thiết là cấp thiết. Chúng ta đang chứng kiến ​​tro bụi có chì và các chất độc khác ngấm vào lòng đất, ngấm vào nước ngầm và không khí. Thật không may, tình trạng cấp bách này tạo ra cơ hội cho việc bóc lột người lao động,” Giáo Sư Danh Dự Nik Theodore, thuộc Khoa Quy Hoạch và Chính Sách Đô Thị, đại học University of Illinois Chicago, nói tại cuộc họp. Ông cũng nhấn mạnh về luận điệu chống người nhập cư và các mối đe dọa trục xuất là một phần trong nỗ lực khiến người nhập cư cảm thấy khó chịu đến mức họ sẽ tự nguyện rời đi.

Tiếc thay, những mối đe dọa này là có thật. Theo Giáo Sư Theodore, người đã nghiên cứu với một mạng lưới tổ chức ngày lao động quốc gia (National Day Laborers Organizing Network-NDLON) trong gần 25 năm, cho biết thêm, trong tất cả các khu vực phục hồi sau thảm họa đô thị mà mạng lưới này nghiên cứu, họ thấy các nhà thầu không có giấy phép, thường đến từ các tiểu bang khác, những người có xu hướng thuê lao động ban ngày địa phương, và những người lao động nhập cư khác để tập hợp các đội làm việc một cách nhanh chóng.

Cũng theo giáo sư, ngay cả trong thời điểm tốt nhất, trong các ngành công nghiệp mà nhiều người nhập cư làm việc, như xây dựng, việc thực thi các tiêu chuẩn lao động của chính phủ chưa bao giờ đạt được mức cần thiết để bảo vệ người lao động. Những tiêu chuẩn này thường không được đáp ứng do không cung cấp đủ thiết bị bảo vệ cá nhân và tình trạng trộm cắp tiền lương, mà những người lao động không có giấy tờ lo sợ sẽ phản đối do các mối đe dọa trục xuất, đặc biệt trong thời điểm hiện nay.

Các nhà tuyển dụng có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn lao động khi các chính sách chống nhập cư của Tổng Thống Trump có hiệu lực. Năm ngoái, tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động của ngành đã vượt quá nửa triệu lao động cần thiết trên toàn quốc. Theo số liệu, toàn quốc có khoảng 30% công nhân ngành xây dựng là người nhập cư; tỷ lệ này cao hơn ở California và Texas, khoảng 40%.

Nói về tác động của các chính sách chống nhập cư của Tổng Thống Trump đối với nền kinh tế và đặc biệt là các nhà tuyển dụng, bà Jennie Murray, chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành của Diễn Đàn Di Trú Quốc Gia (NIM) cho biết việc tái thiết các thành phố gặp thảm họa phụ thuộc nhiều vào những người nhập cư. Thế vận hội Olympic 2028, nơi Los Angeles vẫn được lên kế hoạch tổ chức, dù có bị thiệt hại rất nhiều sau hỏa hoạn.

Một bản ghi nhớ của Bộ An Ninh Nội Địa được công bố vào cuối Tháng Giêng cũng cho phép các nhân viên thực thi pháp luật về nhập cư nhanh chóng trục xuất những người di cư chủ yếu từ Haiti, Cuba, Nicaragua và Venezuela đến Hoa Kỳ theo các chương trình ân xá của cựu Tổng Thống Biden, khiến 1.5 triệu người di cư gặp rủi ro.

Nik Theodore (trái) và Jennie Murray. (Hình: EMS cung cấp)

Một cuộc thăm dò toàn quốc đối với 1,200 người lớn trên toàn quốc, do NIM và The Bullfinch Group công bố, cho thấy 60% đảng viên Cộng Hòa và 67% cử tri nói chung cho biết cơ quan thực thi luật nhập cư nên ưu tiên tội phạm bạo lực và những người có lệnh trục xuất cuối cùng thay vì “tất cả những cá nhân không có tư cách pháp lý.”

Ông Pablo Alvarado, đồng giám đốc điều hành của NDLON cho biết: “Mọi người quen với việc hưởng lợi từ lao động nhập cư, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng chấp nhận tính nhân đạo của họ. Đừng rơi vào cái bẫy mà chính quyền này muốn đi chỉ để truy đuổi ‘tội phạm bạo lực.’ Đó là những gì Tổng Thống Obama đã làm khi ông sử dụng cụm từ ‘tội phạm, không phải gia đình.’ Phần lớn những người mà ông trục xuất không phải là mối đe dọa đối với an toàn công cộng.”

Ông Alvarado cho rằng NDLON là mạng lưới hoạt động ứng phó thảm họa cộng đồng lớn nhất trong khu vực, phục vụ 1,000 người mỗi ngày, bao gồm 500 xe đến để nhận các khoản quyên góp thực phẩm, quần áo, tã lót và khẩu trang N95. “Không ai mong đợi bất kỳ chính phủ nào chuẩn bị cho một thảm họa như vậy. Khi điều đó xảy ra, đó là lúc những người khiêm tốn ra tay giúp đỡ,” Alvarado nói. “Tại một góc phố gần trung tâm của chúng tôi, một cây lớn đổ xuống và chặn đường… Chúng tôi đã tập hợp những công nhân lành nghề và thành lập một đội để ứng cứu.”

Anabella Bastida, Giám Đốc Dịch Vụ Thành Viên thuộc Liên Minh Vì Quyền Của Người Nhập Cư Nhân Đạo Tại Los Angeles (Coalition for Humane Immigrant Rights of Los Angeles-CHIRLA) chia sẻ về sự tàn phá và mất mát mà cộng đồng người không có giấy tờ ở Los Angeles đang phải trải qua và cách CHIRLA đang giúp họ tái thiết. “Những người MAGA đã trực tiếp giúp đỡ, với các thành viên của DSA, dọn sạch các lối đi bị chặn… Họ không hỏi xem chủ sở hữu của ngôi nhà mà họ đang dọn dẹp là đảng viên Cộng Hòa hay Dân Chủ, là bạn hay thù,” Alvarado nói thêm. “Ngay lúc này, có 15 đội dọn dẹp đổ nát trên khắp thành phố và những người lao động nhập cư đang dẫn đầu nỗ lực này. Nhiều gia đình đã làm mất giấy tờ tùy thân – hộ chiếu, giấy tờ lãnh sự của họ và thậm chí việc trả tiền để làm giấy tờ mới cũng rất phức tạp.”

Pablo Alvarado (trái) và Anabella Bastida. (Hình: EMS cung cấp)

Liên minh này, với hơn 51,000 thành viên, đã hợp tác với Lãnh Sự Quán Mexico, kết nối những người nhập cư với dịch vụ hỗ trợ thực phẩm và dịch vụ xã hội… và đặc biệt là cung cấp hỗ trợ tiền mặt cho các gia đình thu nhập thấp và những người không đủ điều kiện nhận FEMA hoặc sợ cung cấp thông tin của họ. Bà kể, có một gia đình từ chối cung cấp thông tin của mình cho chính phủ, vì như thế chẳng khác nào đặt cuộc sống của họ vào vòng nguy hiểm.

CHIRLA cũng đang hợp tác với các nhà thờ địa phương và khu học chánh của quận để tổ chức gần 150 buổi đào tạo về việc biết quyền của một người trong trường hợp gặp phải ICE. Bastida cho biết những người không có giấy tờ rất sợ những gì đang xảy ra, đó là ​​các cuộc đột kích của ICE ở Bakersfield và ở Quận Los Angeles trong thời gian qua.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: