Thảm nạn của những người Việt không quê hương

Nhiều gia đình "Việt kiều Cambodia" đang rơi vào hoàn cảnh bế tắc: Cambodia đuổi đi và Việt Nam không nhận vì lo dịch COVID-19; thân phận không quê hương, không tổ quốc của họ thật bi đát!
Một lớp học người Việt ở Cambodia (ảnh: Vì Dân Foundation)

“Tôi sinh ra trên dòng sông Tonle Sap, nhưng người ta bảo tôi Cambodia không còn là quê hương của tôi nữa… Tôi không có tiền, không có thuốc men và gạo cũng sắp hết. Việt Nam, xin hãy rủ lòng thương cho các con tôi được trở về đất mẹ!” – Bạch Bai, một người Việt từ Cambodia hồi cư nhưng bị Việt Nam từ chối.

***

Những đứa trẻ có nước da đen nhẻm, mái tóc cháy nắng vàng hoe, áo quần rách rưới, chèo những chiếc thuyền thúng nhỏ vây quanh các con thuyền chở khách du lịch để xin tiền, xin thức ăn hoặc bán những thứ vặt vãnh là cảnh thường thấy cạnh các làng chài trên hồ Tonle Sap ở ngoại ô thành phố du lịch Siem Reap và trên sông Mekong gần thủ đô Phnom Penh… Những đứa không có thuyền thì ngồi trong những chiếc chậu nhôm lớn, mà chúng điều khiển thật khéo léo.

Đó là con cái của những gia đình Việt Nam sinh sống trong những cái chòi nổi trên mặt sông, được dựng lên trên những chiếc phao bằng nhựa, quây bằng tôn trông rất xập xệ, bên dưới sàn ván là bè nuôi cá, bên trên là nơi ăn ngủ sinh hoạt của cả một gia đình có khi lên tới hàng chục người. Những căn nhà nổi được kết vào nhau thành một khu xóm, mà lối đi là những miếng ván hẹp nối từ nhà này sang nhà khác. Người lớn thì nuôi cá hoặc lên bờ làm những công việc tạp vụ, trẻ con thì thả rông trên mặt hồ, đứa lớn trông chừng đứa bé. Đã nhiều năm qua, cuộc sống – của những “Việt kiều Cambodia” – cứ vậy trôi đi trong thiếu thốn và khổ cực, trong sự thù ghét và khinh rẻ của người bản xứ.

Cho đến đầu tháng Sáu vừa qua, chính quyền Cambodia ra lệnh cho 1,500 căn nhà nổi – chủ yếu là của người Việt vô tổ quốc, “stateless ethnic Vietnamese”, theo cách dùng từ của hãng tin Reuters – trên bờ sông Tonle Sap phải rời đi trong vòng một tuần lễ, chậm nhất là ngày 2 Tháng Sáu 2021, hoặc dọn lên ở hẳn trên bờ, hoặc trở về Việt Nam. Lý do được nhà cầm quyền đưa ra là hình ảnh những khu nhà nổi rất xốn mắt, làm xấu cảnh quan, ô nhiễm nguồn nước và gây nguy hiểm về y tế, cần phải dọn sạch trước khi Cambodia đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên của khối ASEAN năm tới và đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) vào năm 2023. Phay Siphan, phát ngôn viên chính phủ Cambodia, nói với báo chí: “Chúng tôi đã bảo họ nhiều năm nay rồi. Nhưng họ phớt lờ cảnh báo; rồi họ than phiền rằng họ không có chỗ nào khác để đi đến”. Siphan cũng nói, chính quyền không thể chờ đến khi hết dịch COVID-19 mới thực thi việc trục xuất.

Theo tường trình của Reuters, một số gia đình đã dọn vào các khu định cư trên đất liền, mà các tổ chức nhân quyền cho biết là rất thiếu nước sạch và nhà vệ sinh. Một số gia đình khác “hồi cư” về Việt Nam, nhưng điều trớ trêu là họ bị chính quyền Việt Nam xua đuổi, không cho nhập cảnh với lý do phòng dịch COVID-19.

Hãng tin Reuters dẫn không ảnh từ vệ tinh của Cơ quan Không gian Âu châu, cho biết là trên sông Mekong ở biên giới Việt-Miên phía trên thị xã Tân Châu tỉnh Đồng Tháp, chính quyền Việt Nam đã dùng những con tàu lớn kết vào nhau thành một bức tường ngăn cách, không cho thuyền bè từ Cambodia xuôi xuống lãnh thổ Việt Nam. Tại đó, ông Bạch Bai, một người bị đuổi khỏi Phnom Penh ba tuần trước, nói với nhà báo những lời thật thống thiết: “Tôi sinh ra trên dòng sông Tonle Sap, nhưng người ta bảo tôi Cambodia không còn là quê hương của tôi nữa… Tôi không có tiền, không có thuốc men và gạo cũng sắp hết. Việt Nam, xin hãy rủ lòng thương cho các con tôi được trở về đất mẹ!” Ông Bạch cho biết, hai tuần trước ông đã bị chặn ở biên giới và buộc phải quay trở lại Cambodia.

Ông Bạch, cùng với những người Việt đang bị xua đuổi ở Cambodia, đã gia nhập vào đội ngũ 15 triệu người “vô tổ quốc” trên thế giới – những người không được quốc gia nào chấp nhận, là thành phần đang có nguy cơ cao nhất trong đại dịch COVID-19.

***

Thảm cảnh của người Việt ở Cambodia đã được cảnh báo từ rất lâu, nhưng hầu như không được chính quyền hai nước liên quan giải quyết rốt ráo, mà cũng không được các tổ chức nhân quyền quốc tế để ý tới.

Người Việt bắt đầu di cư sang Cambodia, còn có tên là Cao Miên hay Campuchia, từ cuối thế kỷ 19, dưới thời Pháp thuộc, người đi tìm cơ hội làm ăn mới, người đi theo sự điều động của chính quyền thực dân. Ngay từ lúc đó đã nảy sinh mối ác cảm giữa người Việt di cư và người Khmer bản xứ vì lịch sử Cambodia ghi nhận Việt Nam thời các Chúa Nguyễn đã xâm lược và chiếm đóng miền đất phía đông của vương quốc Khmer, sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam một khu vực rộng lớn là Đồng bằng sông Cửu Long ngày nay.

Ngay đến thành phố Sài Gòn, thủ đô miền Nam Việt Nam và trung tâm kinh tế lớn nhất nước, hiện vẫn được người Cambodia gọi một cách không chính thức là Prey Nokor – cái tên của ngôi làng khi còn thuộc vương quốc Khmer hơn 300 năm về trước.  Thêm nữa, những lớp người Việt đầu tiên đến Cambodia là những viên chức của chính quyền Pháp thuộc, là những “thầy thông, thầy ký” có chữ nghĩa, làm viên chức hành chính hay thu thuế trong guồng máy cai trị của người Pháp ở Liên bang Đông Dương. Trong mắt người Khmer bản địa họ chỉ là tay sai của các ông tây thực dân mắt xanh mũi lõ đàn áp và bóc lột dân tộc họ. Người Khmer đã gọi người Việt định cư ở Cambodia là “yuon” (duôn) – một từ ngữ vừa có ý khinh miệt, vừa căm ghét vừa sợ hãi. Tâm lý bài Việt do vậy đã có gốc rễ sâu trong dân chúng Cambodia và luôn được các chính quyền cai trị xứ này lợi dụng cho các mục đích chính trị của họ.

Sau cuộc đảo chính lật đổ chính phủ hoàng gia thân cộng của Quốc vương Norodom Sihanouk năm 1970, Thống chế Lon Nol trở thành thủ tướng Cambodia và hành động quan trọng đầu tiên của ông ta là tiêu diệt cộng đồng người Việt ở xứ Chùa Tháp. Trong suốt những năm 1970-72, báo chí ở Sài Gòn không ngày nào không đăng những hình ảnh đau thương về người Việt bị giết hại, bị chặt đầu, bị thả trôi sông trong chiến dịch “cáp duồn” (nghĩa đen: Chặt đầu người Việt) của chính quyền Lon Nol.

Chế độ Cộng hòa Khmer của Lon Nol bị thủ tiêu khi quân cộng sản Khmer Đỏ tiến vào Phnom Penh Tháng Tư 1975, và trong cuộc diệt chủng quy mô mà Khmer Đỏ thực hiện những năm sau đó có hơn hai triệu người Cambodia bị giết, chủ yếu là các sắc dân thiểu số gồm người Việt, người Chăm và người Hoa. Chế độ Khmer Đỏ cũng rắp tâm chiếm lại những vùng đất mà họ cho là Việt Nam đã cướp của cha ông họ. Ngay sau khi giành được quyền lực ở Cambodia, Khmer Đỏ lập tức tấn công vào các tỉnh biên giới phía tây nam của Việt Nam, buộc Hà Nội phải “phản kích tự vệ”.

Việt Nam phản công và tiêu diệt chế độ Khmer Đỏ trong thời gian ngắn và lập ra một chính phủ thân Việt Nam gồm những du kích Khmer do Việt Nam nuôi dưỡng và đào tạo, trong đó có Hun Sen – Thủ tướng Cambodia suốt mấy chục năm nay, có tên Việt là Mai Phúc. Chính quyền Hà Nội cho rằng, Việt Nam đã hy sinh nhiều xương máu để cứu dân tộc Cambodia khỏi họa diệt chủng của Khmer Đỏ, và do đó người Cambodia phải mang ơn chính phủ Việt Nam. Nhưng dưới mắt nhiều người Cambodia, cuộc chiến tranh rồi cuộc chiếm đóng kéo dài mười năm của quân đội Việt Nam trên đất Chùa Tháp là một cuộc xâm lược, gây nên nhiều nỗi bất bình cho người dân xứ này. 

Nỗi ác cảm có tính lịch sử của người Cambodia đối với người Việt Nam lại được các đảng chính trị nước này khoét sâu và lợi dụng, làm cho cuộc sống của người Việt ở Cambodia luôn phập phồng lo sợ và bị kỳ thị trầm trọng. Đảng Cứu Quốc Cambodia (Cambodia National Rescue Party (CNRP) – đảng đối lập đã bị Hun Sen giải tán – chẳng hạn, lấy quan điểm chống Việt Nam và cổ xúy tình cảm chống Việt Nam làm đường lối cốt lõi. Họ không thèm phân biệt chính phủ cộng sản Việt Nam ở Hà Nội với nhân dân Việt Nam nói chung, người Việt ở Cambodia lâu đời nói riêng mà gộp chung thành một thứ “yuon”, kẻ thù của Cambodia.

Những nhân vật lãnh đạo của CNRP như Sam Rainsy, Kem Sokha đều kích thích nỗi thù ghét người Việt của cử tri để giành lợi thế chính trị. Trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2008, Sam Rainsy, đảng trưởng đảng CNRP tuyên bố: “Nếu tôi thắng cử, tôi sẽ tống bọn yuon về nước”. Năm 2013, ông ta lại nói: “Bọn yuon đang chiếm đất đai Khmer, giết hại người Khmer… Trong các công ty của yuon, họ chỉ thuê người yuon làm quản lý, còn người Khmer làm công nhân”. Khi còn là nghị sĩ trong Quốc hội Cambodia, Sam Rainsy còn tổ chức những đoàn người đi tới biên giới Việt – Miên để đòi đất, ông ta đưa ra quan điểm: Chỗ nào có cây thốt nốt mọc thì chỗ đó là đất của người Khmer! 

Sau khi Sam Rainsy bị chính quyền Hun Sen truy tố, phải bỏ trốn ra nước ngoài thì Kem Sokha lên thay và Sokha còn kỳ thị chủng tộc gay gắt hơn cả người tiền nhiệm. Năm 2010 xảy ra một sự cố: Trong một lễ hội, người ta chen nhau qua một cây cầu dẫn ra đảo Koh Pich ở Phnom Penh, cầu sập và 353 người bị chết, hàng ngàn người bị thương. Bốn năm sau, Kem Sokha tố cáo vô căn cứ rằng người Việt Nam đứng sau thảm họa đó: “Họ tạo ra biến cố để giết người Khmer… Họ âm mưu xóa bỏ chủng tộc Khmer, truyền thống và văn hóa của chúng ta”.

Thủ tướng Hun Sen đặt đảng CNRP ra ngoài vòng pháp luật, buộc Sam Rainsy phải lưu vong và bỏ tù Kem Sokha, nhưng không có nghĩa là ông ta thiện cảm với Việt Nam, nước đã nuôi dưỡng và đưa ông ta lên đỉnh cao quyền lực. Bây giờ thì Hun Sen đã quay sang thần phục Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc đặt căn cứ quân sự ở Vịnh Thái Lan và mở đồn điền giáp biên giới Việt – Miên, lập gọng kềm khống chế Việt Nam từ mọi hướng. Và mới đây nhất, chính phủ Hun Sen mở chiến dịch trục xuất người Việt – kể cả những gia đình sinh trưởng ở Cambodia, đã lập nghiệp ở đây nhiều đời, và thậm chí không còn nói được tiếng Việt, với lý do làm đẹp thành phố đón những người khách quốc tế.

***

Vài dòng hồi tưởng như vậy để thấy vấn đề người Việt ở Cambodia là rất phức tạp, do những nguyên nhân lịch sử và văn hóa mà giữa người Việt di cư và người Cambodia bản địa từ lâu đã tồn tại một mối ác cảm, một sự thù nghịch đôi khi bộc phát thành những vụ xung đột bạo lực. Trong bối cảnh này, người Việt bao giờ cũng là thành phần bị thua thiệt.

Theo số liệu thống kê năm 2013 của chính phủ Cambodia, có khoảng 63,000 người gốc Việt sinh sống ở Cambodia nhưng con số thật có thể cao hơn nhiều. Một số tổ chức xã hội cho rằng có từ 400,000 đến 700,000 người Việt sinh sống ở Cambodia và người Việt là cộng đồng thiểu số lớn nhất ở nước này, chiếm khoảng 3% tổng dân số. Nhưng có lẽ bị ám ảnh bởi lịch sử bị chiếm đất, các chính quyền Cambodia từ trước đến nay đều có chính sách không chấp nhận cho người Việt nhập cư. Rất nhiều gia đình người Việt trong các khu nhà nổi đã sinh sống ở Cambodia nhiều thế hệ mà vẫn không thể nhập tịch, không thể trở thành công dân xứ Chùa Tháp, mà chỉ là những kẻ ngoại quốc ăn nhờ ở đậu, thậm chí bị coi là người nhập cư bất hợp pháp.

Theo Tổ chức Quyền của người Thiểu số (Minority Rights Organisation) có trụ sở tại Phnom Penh, có đến 90% số người Việt ở Cambodia không có quy chế công dân hoặc giấy tờ định cư hợp pháp.  Tình trạng cư trú bấp bênh đó khiến cho người gốc Việt bị tước bỏ các quyền chính trị và dân sự, quyền sở hữu nhà đất, thậm chí con cái họ không được theo học các trường công lập hay thụ hưởng dịch vụ chăm sóc y tế của chính phủ. Hậu quả là do tình trạng “vô tổ quốc” (stateless), người Việt là cộng đồng thiểu số lớn nhất nhưng cũng là cộng đồng nghèo khổ nhất của đất nước Chùa Tháp.

Trong những năm gần đây, rải rác đã có nhiều người Việt rời bỏ Cambodia trở về Việt Nam nhưng điều bi thảm là họ không nhận được sự giúp đỡ của chính quyền trong nước. Một số gia đình hồi cư lại tiếp tục làm nhà bè nuôi cá trên sông Mekong đoạn chảy vào các tỉnh An Giang, Đồng Tháp. Nhưng do họ không có hộ khẩu, không có giấy tờ tùy thân theo đòi hỏi của chính quyền địa phương nên họ không được cấp đất, không được mua nhà đất để định cư, và con cái họ không được đến trường! Một số tổ chức thiện nguyện ở Sài Gòn thường quyên góp quần áo cũ, sách vở, học cụ, lương thực thực phẩm mang đến giúp bà con “Việt kiều Cambodia” hồi cư nhưng chỉ là muối bỏ bể; vấn đề của họ cần phải được giải quyết bằng chính sách ở cấp quốc gia. 

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát và có một số trường hợp nhập cảnh từ Cambodia bị xét nghiệm dương tính với Corona virus, Đại sứ Việt Nam tại Cambodia hồi tháng Tư đã ra thông báo yêu cầu bà con Việt Nam bình tĩnh, “không cố gắng di chuyển sang Việt Nam theo các đường dây đưa người trái phép”. “Một số hộ gia đình và cá nhân người gốc Việt thời gian qua đã bị buộc quay lại Cambodia vì không có giấy tờ chứng nhận là công dân Việt Nam như hộ chiếu, chứng minh thư nhân dân còn hiệu lực. Một số công dân Việt Nam đã bị bắt và đưa ra xét xử,” thông cáo viết. Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia Chống COVID-19, Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam cũng yêu cầu các tỉnh phải tăng cường kiểm soát biên giới phía tây nam giáp với Cambodia. Và khi chính quyền phong tỏa đường biên giới, nhiều gia đình bị đẩy vào chỗ bế tắc: bị Cambodia trục xuất, Việt Nam không cho hồi cư! Quả thật bi đát cho phận người “sinh vô gia cư, tử vô địa táng”.

Trên Facebook, Đại sứ Việt Nam tại Phnom Penh Vũ Quang Minh mới đây lên tiếng phê phán hành động trục xuất người Việt của chính quyền Cambodia mà ông gọi là “một quyết định đột ngột” và ông thúc giục người gốc Việt nỗ lực nhiều hơn nữa để hội nhập vào xã hội Cambodia và “đừng trông chờ lòng từ thiện”. Nhưng làm thế nào để hội nhập trong hoàn cảnh bế tắc như vừa mô tả thì không thấy ông đại sứ đề cập tới.

“Tất cả những gì chúng tôi biết là chúng tôi phải ở đây cho đến khi COVID-19 chấm dứt”, ông Bạch Bai nói với phóng viên Reuters tại căn chòi của mình trên bờ sông Mekong thuộc lãnh thổ Cambodia nhưng chỉ cách biên giới Việt-Miên vài cây số. “Nhưng bao giờ thì dịch mới kết thúc đây?”, ông thắc mắc và chưa ai đưa ra được câu trả lời.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Tướng phu thê
Dân gian Việt Nam thường dùng từ “tướng phu thê” khi thấy các cặp vợ chồng có nét mặt giống nhau. Nhưng về khoa học, chuyện này cũng được minh…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: