Thấy gì từ vụ án “chuyến bay giải cứu”?

Bình luận cuối tuần
Share:
Ảnh minh họa VNExpress

Sau khi khởi tố ngày 28 tháng Giêng 2022, đến nay vụ án “chuyến bay giải cứu” ở Việt Nam đã có 37 cán bộ của tám bộ ngành trung ương, địa phương và doanh nghiệp bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc đưa/nhận/môi giới hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ trong thi hành công vụ. Vụ án này cho thấy điều gì?

Thêm nhiều “củi gộc”

Diễn biến mới nhất là hôm qua 22 tháng Mười Hai, Phó Chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng và cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam vừa bị bắt tạm giam để điều tra về những sai phạm liên quan đến vụ án nói trên. 

Trước khi bị bắt, ông Chử Xuân Dũng là Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Phó trưởng ban rồi sau đó là Trưởng ban Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của thủ đô.

Ông Vũ Hồng Nam, 59 tuổi, có 34 năm làm việc trong ngành ngoại giao, từng là Trợ lý Bộ trưởng, kiêm Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao sau đó được bổ nhiệm là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trước khi được bổ nhiệm làm Đại sứ toàn quyền của Việt Nam tại Nhật Bản từ năm 2018.

Từ trái sang: Vũ Hồng Nam, Chử Xuân Dũng, Phạm Bích Hằng vừa bị khởi tố và tạm giam hôm 22 tháng Mười Hai 2022. Ảnh baochinhphu.vn

Trước đó một ngày, hôm 21 tháng Mười Hai, Ủy ban Kiểm tra trung ương (UBKT) của đảng Cộng sản Việt Nam ra thông cáo báo chí cho biết đã đề nghị Bộ Chính trị và Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Một số quan chức cao cấp khác của ngành ngoại giao cũng mới bị khởi tố tạm giam gồm các ông Nguyễn Hồng Hà, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản; Lý Tiến Hùng, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga; Nguyễn Lê Ngọc Anh, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia; Vũ Ngọc Minh, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Angola.

Ngoài ra, Uỷ ban Kiểm tra trung ương đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) cũng đã thông báo cách chức tất cả các chức vụ trong đảng nhiệm kỳ 2020 – 2025 của các ông Trần Việt Thái, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia; cảnh cáo ông Nguyễn Hoàng Linh, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia; khiển trách các ông Phạm Sanh Châu, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ; Vũ Bình, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản; Phạm Như Ý, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.

Như vậy sau 11 tháng điều tra, cái “lò đốt tham nhũng “ của ông Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã hốt về một khối củi rất lớn, trong đó có nhiều củi gộc, từ cái gọi là “chuyến bay giải cứu” đầy tai tiếng. Ngành Ngoại giao “đóng góp” nhiều củi nhất, từ củi gộc là Thứ trưởng Tô Anh Dũng, Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan cho đến những cán bộ cấp thấp tại các lãnh sự quán ở nước ngoài.

Nguồn cung cấp củi không chỉ từ Bộ Ngoại giao mà cả từ Ban Đối ngoại trung ương đảng, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội – những cơ quan hét ra lửa, mửa ra khói trong guồng máy cai trị của nhà nước cộng sản. Truyền thông trong nước cho biết, cuộc điều tra đang được mở rộng sang các tỉnh thành khác và có triển vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều cán bộ của đảng và chính quyền được nêu tên trong các thông báo khởi tố, tạm giam hoặc xử lý kỷ luật.

Một chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ châu Âu về nước tháng Bảy 2020. Ảnh Bộ Ngoại giao VN/VNExpress.

Chuyến bay giải cứu là một cụm từ chỉ hoạt động phối hợp của năm bộ (Ngoại giao, Công an, Giao thông Vận tải, Y tế, Quốc phòng) trong một chiến dịch vận chuyển công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước trong thời gian cao điểm của dịch COVID năm 2020 đến giữa năm 2021. Việc phối hợp đưa công dân về nước từng được guồng máy tuyên truyền của đảng CSVN ca tụng tận mây xanh, cho đó là một hoạt động thể hiện sự quan tâm sâu sắc của đảng và nhà nước, “bay vào tâm dịch” để đón đồng bào về nước, một hành động đầy “tự hào, ngạo nghễ”, “không ai bị bỏ lại phía sau”. Tính ra, từ khi bắt đầu tháng Mười Hai 2020 đến khi chấm dứt, chiến dịch “giải cứu” này đã tổ chức được gần 2,000 chuyến bay, đưa 200,000 người Việt ở 60 quốc gia về nước, cách ly để phòng dịch một thời gian sau đó cho họ về nhà. 

Theo trung tướng Tô Ân Xô, phát ngôn viên Bộ Công an, mỗi chuyến bay giải cứu như vậy cơ quan tổ chức thu lợi được khoảng 2 tỷ đồng ($80,000).

Tổ chức đưa công dân từ các vùng dịch về nước bằng máy bay là chính sách chung của nhiều quốc gia sau khi dịch COVID bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm 2019, đầu 2020. Nhưng có thể nói Việt Nam là quốc gia tổ chức nhiều chuyến bay nhất, đưa về nước được nhiều nhất những sinh viên, người lao động tha hương và cả những người đi công tác, du lịch bị mắc kẹt vì chính sách đóng cửa biên giới của nhiều nước. Một tuần trước khi vụ án bị khởi tố, bà Lê Thị Thu Hằng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam (nay là thứ trưởng), khẳng định: “Chủ trương đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu và hoàn cảnh khó khăn về nước là chủ trương đúng đắn và nhân đạo của đảng và Chính phủ Việt Nam. Điều này cần đặt trong bối cảnh trong nước có những thời điểm hết sức khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh”.

Tuy vậy, Việt Nam cũng là nước trục lợi bỉ ổi nhất chính sách đưa công dân về nước tránh dịch. Các bộ ngành tham gia chương trình đã cấu kết với nhau tổ chức các đường dây thực hiện các chuyến bay giải cứu: chỉ định các công ty đứng ra lo thuê máy bay, khách sạn, mua sắm trang bị bảo hộ trong khi đặt ra rất nhiều thủ tục hết sức nhiêu khê và rắc rối cho người muốn trở về, từ đó buộc họ phải trả một mức chi phí trên trời để được hồi hương. Vào lúc cao điểm, chi phí mà một người về phải đóng cho các công ty này lên tới 300 triệu đồng ($12,000). Theo điều tra, các bị can là quan chức đã nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng và hàng ngàn đô la Mỹ do các doanh nghiệp hối lộ để được chỉ định “thầu” công việc giải cứu! 

Thậm chí những kẻ chủ mưu còn dùng các chuyến bay “giải cứu” để nhập cảng lậu về phi trường Cam Ranh hàng chục thùng rượu whisky Maccalan đắt tiền và thuốc lá điện tử, trị giá gần chục tỷ đồng  như thông tin mà Cục Hải quan Khánh Hòa vừa công bố.

Cũng như vụ án bộ xét nghiệm Việt Á, quy mô của vụ án “chuyến bay giải cứu” chứng tỏ đây không phải là một vụ tham nhũng theo nghĩa bình thường mà là một thủ đoạn lũng đoạn nhà nước, có sự cấu kết chặt chẽ giữa nhiều cơ quan có quyền lực và nhóm doanh nghiệp bất lương để trục lợi trên nỗi đau khổ của đồng loại. 

Hành vi trục lợi đó được tổ chức chặt chẽ, có sự phối hợp từ trong ra ngoài nước, phân công phân nhiệm rạch ròi và ăn chia chắc cũng rạch ròi như thế. Việc phơi bày những hành vi trục lợi đó, truy tố những kẻ chủ mưu, cho thấy sự lũng đoạn đã lên tới cấp rất cao trong guồng máy cai trị và các ngôn từ bóng bẩy về nhân văn nhân đạo chỉ là những tấm áp phích che đậy những thủ đoạn tàn độc của kẻ có quyền lực. 

Những ai còn ảo tưởng về tính chất “nhân văn” của chế độ cộng sản cầm quyền ở Việt Nam cần nhìn ra phía sau những tấm áp phích rách ấy, đằng sau những lời xảo ngôn bóng bẩy ấy để thấy rõ thực chất bất nhân và phản động của một guồng máy cai trị chỉ biết tận dụng quyền lực để ních cho đầy túi tham.

Biếm họa chơi chữ của báoTuổi Trẻ Cười

Những người ủng hộ chính quyền và đảng CSVN cho rằng, cuộc khởi tố các vụ án Việt Á, chuyến bay giải cứu, vụ công ty AIC đang được xét xử… với hàng chục quan chức cao cấp cỡ thứ, bộ trưởng bị bắt giam là “minh chứng rõ ràng cho tinh thần đấu tranh triệt để với những cán bộ suy thoái, biến chất dù đang lẩn trốn ở đâu, đang ngồi chiếc ghế nào” như nhận định của một tờ báo ở Sài Gòn.

Nhưng có thật như vậy không? Nếu đấu tranh triệt để với những cán bộ suy thoái biến chất thì e rằng Việt Nam sẽ không còn cán bộ nào bên ngoài song sắt nhà tù.

Đặt các vụ án nổi cộm đó vào bối cảnh cuộc tranh giành quyền lực triền miên ở Ba Đình, nhiều nhà quan sát nhận ra một cuộc tỷ thí một mất một còn giữa các phe phái nhằm chiếm lấy quyền lực tối cao trong đảng CSVN khi ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng phải từ bỏ chức vụ trong một ngày không xa nữa. Phe đảng CSVN với lực lượng công an “còn đảng còn mình” đang sử dụng hết công cụ bạo lực của họ để đánh bật phe chính phủ, loại trừ dần những tay chân của Nguyễn Xuân Phúc (chủ tịch nước), Phạm Minh Chính (thủ tướng), Phạm Bình Minh (phó thủ tướng), Vũ Đức Đam (phó thủ tướng) tạo điều kiện cho Tô Lâm (bộ trưởng công an), Vương Đình Huệ (chủ tịch quốc hội)… vượt lên giành thế thượng phong.

Nói như thế không có nghĩa là đánh giá phe chính phủ tốt hơn phe đảng, mà chỉ nhằm khẳng định rằng các vụ án “rúng động” trên truyền thông hiện nay chỉ là một phần trong cuộc tranh giành giữa các phe phái mà phe nào thắng thì nhân dân cũng bại như một ý thơ của Nguyễn Duy.

Điều may mắn là qua các vụ án như vụ “chuyến bay giải cứu”, người dân có cơ hội thực mục sở thị cái bộ mặt bẩn thỉu của các quan chức cao cấp, cái bản chất thối nát của chế độ và có thêm dũng khí đấu tranh cho một sự thay đổi tất yếu phải đến.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: