Các cựu quan chức tình báo Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đã trở thành một mục tiêu vô cùng khó tiếp cận đối với các cơ quan tình báo nước này.
Nguyên nhân hàng đầu là vì Tập Cận Bình thành công thâu tóm và siết chặt quyền lực trong hơn một thập kỷ. Hệ thống giám sát khổng lồ của chính phủ kiểm soát chặt chẽ tất cả các hình thức liên lạc và luồng thông tin trong nước gây khó khăn cho các cơ quan tình báo Mỹ.
Thêm nữa, bộ máy tình báo Trung Quốc rất tinh vi, thành công đàn áp những người bất đồng chính kiến ở Hong Kong cũng như lệnh phong tỏa Covid-19 nghiêm ngặt trong ba năm, đã khiến việc thu thập thông tin tình báo trở nên cực kỳ khó khăn. Quan trọng hơn, Hoa Kỳ vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau khi mạng lưới của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) bị xâm nhập, khiến nhiều gián điệp ở Trung Quốc bị xử tử.
Thất bại “thảm khốc nhất” của CIA
Tháng Một năm 2018, bản tin độc quyền của NBC News đã gây chấn động dư luận: cựu sĩ quan CIA, Jerry Chun Shing Lee, 54 tuổi, bị cáo buộc làm tình báo cho Trung Quốc. Hơn một năm sau, Jerry Chun Shing Lee đã nhận tội liên lạc, cung cấp, và truyền thông tin quốc phòng Hoa Kỳ cho Trung Quốc và ông bị kết án 19 năm tù. Theo James Olson, cựu giám đốc phản gián của CIA, vụ án Jerry Chun Shing Lee là “thảm khốc nhất” trong số các vụ án tình báo.
Trước đó, năm 2010, hai sĩ quan tình báo Trung Quốc đã tiếp cận Lee, đề nghị trả 100.000 Mỹ kim và “chăm sóc ông ta suốt đời” vì những thông tin mà ông này có khi là sĩ quan CIA. Năm 2007, Lee kết thúc sự nghiệp ở CIA và chuyển đến sinh sống ở Hong Kong. Sau đó, hàng trăm ngàn Mỹ kim được gửi vào tài khoản ngân hàng cá nhân của Lee, từ năm 2010 đến 2013.
Theo bản cáo trạng, khi các đặc vụ FBI lục soát phòng khách sạn của Lee vào năm 2012, họ đã tìm thấy những cuốn sổ tay có tên các gián điệp của CIA. Sau đó, lực lượng điều tra đã phát hiện ra hệ thống thông tin liên lạc bí mật của CIA đã bị xâm nhập và dường như Lee đã giúp Trung Quốc thực hiện điều đó. Hai cựu viên chức CIA cho biết hệ thống liên lạc của CIA với các đặc vụ rất thô sơ, nên Trung Quốc đã xâm nhập dễ dàng.
Trong khoảng thời gian Lee làm gián điệp cho Trung Quốc, hơn 30 gián điệp CIA của Mỹ ở Trung Quốc đã bị chính phủ Trung Quốc xử tử. Các quan chức Hoa Kỳ nghi ngờ rằng Trung Quốc đã chia sẻ thông tin gián điệp đó với Nga, dẫn đến việc Nga đã bắt giữ và thậm chí thủ tiêu các gián điệp Hoa Kỳ tại Nga. Sự việc này là một đòn giáng kinh hoàng đối với CIA – là cơ quan tình báo luôn tự hào về các hoạt động gián điệp của mình.
Trung Quốc thành công xâm nhập tình báo Hoa Kỳ
Trường hợp cựu nhân viên CIA như Lee bị bắt vì làm gián điệp cho Trung Quốc không phải là duy nhất. Thực tế, Trung Quốc đã thành công lôi kéo nhiều cựu nhân viên tình báo Hoa Kỳ khác bằng nhiều tiền, để đổi lấy các bí mật của chính phủ Hoa Kỳ. Trong 20 năm qua, tình báo Trung Quốc dường như đã nhiều lần thâm nhập vào các cơ quan tình báo Hoa Kỳ. Bộ Tư pháp đã truy tố hàng trăm vụ và án tù dài hạn đối với nhiều cựu nhân viên CIA và công dân Mỹ.
Gián điệp Trung Quốc đầu tiên bị dẫn độ từ Bỉ tới Hoa Kỳ để xét xử là Xu Yanjun, người được các công tố viên Hoa Kỳ mô tả là tình báo viên “có số má” của chính phủ Trung Quốc. Xu bị bắt vào Tháng Tư năm 2018 ở Bỉ và bị kết án 20 năm tù cuối năm 2021. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết công nghệ mà Xu và Trung Quốc muốn đánh cắp là công nghệ tối mật, không hãng nào có thể sao chép.
Các quan chức của Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nhiều lần cảnh báo Trung Quốc ngày càng tăng cường hoạt động tình báo khắp Hoa Kỳ, thông qua các nhà nghiên cứu và ‘thường dân’ Trung Quốc để đánh cắp công nghệ độc quyền và thông tin quan trọng.
Đáng lưu ý, tình báo Trung Quốc được đánh giá rất hiệu quả trong các hoạt động phản gián: xác định và vô hiệu hóa các nỗ lực thu thập thông tin tình báo nước ngoài. Nhìn chung, hoạt động gián điệp và phản gián luôn là một trong những công cụ tối quan trọng của Bộ Chính trị Trung Quốc trong nhiều thập kỷ.
Điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện hôm Thứ Tư, ngày 9 Tháng Ba, các nhà lãnh đạo tình báo Hoa Kỳ cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn là “mối đe dọa nghiêm trọng nhất” đối với an ninh quốc gia. Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines nhấn mạnh Tập Cận Bình tiếp tục thanh trừng đối thủ và xung quanh hắn là “những người trung thành có cùng chí hướng ở cấp cao nhất của Ủy ban Thường vụ Đảng” thực hiện các bước để gây chia rẽ cả trong Hoa Kỳ và giữa Washington và các đồng minh.
Trước thời Tập Cận Bình, quyền lực được phân tán giữa các phe phái trong Bộ Chính trị, khiến hoạt động tình báo Hoa Kỳ khả thi hơn. Tuy nhiên, sự thâu tóm quyền lực dưới thời Tập Cận Bình kết hợp với ba năm thực hiện chính sách chống Covid nghiêm ngặt và hệ thống giám sát hiện đại “đã khiến việc lấy thông tin có thẩm quyền ra khỏi nước này trở nên vô cùng khó khăn.”
Các cựu viên chức và chuyên gia tình báo cho biết nếu Tập Cận Bình đột ngột qua đời, tình báo Hoa Kỳ có thể sẽ không biết rõ ai sẽ là người kế nhiệm. Dennis Wilder, người từng là phó trợ lý giám đốc CIA phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương từ năm 2015 đến 2016, cho biết: “Đó là hệ thống khép kín vô cùng, vì đơn giản là chúng tôi không biết.”
Tuy nhiên, một số cựu viên chức tình báo khác lại lạc quan hơn trong việc ‘đọc, hiểu’ tình hình Trung Quốc, vì họ cho rằng Tập Cận Bình và các quan chức cộng sản cấp cao khác, thường công khai các mục tiêu của chế độ.
Một cựu nhân viên tình báo Hoa Kỳ cho biết: “Trung Quốc không phải là một hộp đen tình báo. Khi xem xét các bài phát biểu và chỉ thị của Tập Cận Bình, các nhà phân tích tình báo từ lâu đã đánh giá rằng ông Tập đã tìm cách thay thế Hoa Kỳ trở thành cường quốc thống trị thế giới và thay thế trật tự do Hoa Kỳ lãnh đạo bằng một trật tự phản ánh các giá trị và lợi ích của Trung Quốc.”
Các nhà lãnh đạo tình báo Hoa Kỳ cam kết xem Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược hoạt động. Vào năm 2021, CIA đã công bố một trung tâm đặc nhiệm mới, China Mission Center (CMC), tập trung vào việc thu thập thông tin tình báo về Trung Quốc. Giám đốc CIA cho biết CMC “sẽ tăng cường hoạt động để đối phó mối đe dọa địa chính trị quan trọng nhất mà Hoa Kỳ phải đối mặt trong thế kỷ 21, đó là một chính phủ Trung Quốc ngày càng đối địch.”
Rõ ràng vị thế của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đã thay đổi đáng kể. CIA sẽ phải mất rất nhiều năm để xây dựng lại mạng lưới tình báo bị phá hủy ở Trung Quốc. Tất nhiên, an ninh và tình báo Trung Quốc sẽ không đứng yên ‘đợi’ CIA làm điều đó. Bởi thế, khả năng hoạt động tình báo Hoa Kỳ ở Trung Quốc được dự đoán là sẽ ngày càng khó khăn, đầy thử thách.