Toàn cầu hóa phân chia các giá trị văn hóa

(minh họa: San Fermin Pamplona – Navarra/Unsplash)

Một nghiên cứu mới cho thấy trong 40 năm qua, các giá trị văn hóa có thể đã trở nên khác biệt hơn trên toàn cầu, nhưng giống nhau hơn theo khu vực. Theo Newsweek.

Joshua Conrad Jackson, trợ lý giáo sư về khoa học hành vi và Bác Sĩ Danila Medvedev, cả hai đều thuộc University of Chicago, cho rằng, theo thời gian, các nước phương Tây có thu nhập cao ngày càng trở nên khác biệt về mặt văn hóa so với các khu vực khác trên thế giới.

Trong khi đó, các nước trong cùng khu vực trên thế giới lại phát triển nhiều giá trị văn hóa tương đồng hơn.

Trong thử nghiệm này, các nhà khoa học phân tích dữ liệu từ Khảo Sát Giá Trị Thế Giới (World Values Survey), bao gồm hơn 400,000 người từ 76 quốc gia. Dữ liệu kéo dài từ năm 1981 đến năm 2022.

Các nhà khoa học đo lường sự khác biệt về văn hóa đối với 40 giá trị cụ thể, phần lớn trong số đó có liên quan đến sự cởi mở, sự vâng lời và đức tin. Các tác giả cũng đo lường sự tương đồng về giá trị giữa các quốc gia trong giai đoạn này và tìm ra bằng chứng cho thấy sự khác biệt toàn cầu về các giá trị văn hóa, chẳng hạn như tầm quan trọng của việc trẻ em học các tín ngưỡng tôn giáo, nhưng họ cũng tìm thấy sự hội tụ giữa các quốc gia trong cùng khu vực.

Ví dụ như, từ nhiều thập niên trước, quan điểm về ly hôn và con cái không vâng lời đều bị phản đối ở cả Úc và Pakistan. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, quan điểm của người Úc về việc ly hôn và con cái không nghe theo cha mẹ đã dịu đi, nhưng quan điểm này ở Pakistan lại cứng rắn hơn.

Trong khi đó, các quốc gia có thu nhập cao ở Đông Á, như Nam Hàn và Singapore, chia sẻ nhiều giá trị văn hóa hơn các quốc gia có thu nhập cao nhưng xa xôi về mặt địa lý, như New Zealand và Hà Lan.

Nghiên cứu cho thấy các giá trị nhấn mạnh đến sự khoan dung và thể hiện bản thân có sự khác biệt rõ rệt nhất, đặc biệt là giữa các nước phương Tây có thu nhập cao và phần còn lại của thế giới.

Các quốc gia có mức Tổng Sản Phẩm Quốc Nội (Gross Domestic Product – GDP) bình quân đầu người tương tự cũng được cho là có giá trị tương tự trong 40 năm qua.

Các lý thuyết truyền thống về hiện đại hóa cho rằng toàn cầu hóa sẽ dẫn đến sự hội tụ các giá trị văn hóa và xã hội, đặc biệt là về quyền và tự do cá nhân, các tác giả nhấn mạnh. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy toàn cầu hóa, truyền thông đại chúng và sự lan rộng của công nghệ không nhất thiết dẫn đến sự hợp nhất các giá trị đó.

Thay vào đó, nghiên cứu cho thấy sự giàu có là chỉ số mạnh nhất về sự tương đồng về giá trị giữa các quốc gia theo thời gian. Các nước thu nhập cao chia sẻ giá trị với các nước thu nhập cao khác, trong khi các nước nghèo chia sẻ giá trị với các nước nghèo khác.

Ngoài ra, sự giàu có cũng có những tác động khác nhau đến các giá trị văn hóa ở các vùng khác nhau. Ví dụ như mức độ giàu có của mỗi người tăng lên tương tự ở Hong Kong và Canada từ năm 2000 đến năm 2020, nhưng việc chấp nhận đồng tính luyến ái đã tăng với tốc độ nhanh hơn ở Canada.

Hơn nữa, tầm quan trọng của đạo đức lao động ở trẻ em giảm tại Canada, nhưng tăng lên tại Hong Kong.

Tôn giáo cũng nổi lên như một yếu tố dự báo mạnh mẽ về sự tương đồng về giá trị. Các quốc gia có đặc điểm tôn giáo giống nhau hơn thì có nhiều giá trị giống nhau hơn, ngay cả khi tính đến sự tương đồng về mức độ giàu có, vị trí địa lý và các đặc điểm địa chính trị khác.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: