Trump trở lại Tòa Bạch Ốc, cục diện Biển Đông có thay đổi?

(Hình Biển Đông: NASA; hình D. Trump: Facebook “Donald J. Trump”)

Biển Đông vốn là điểm nóng địa chính trị nơi giao thoa lợi ích của nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN mà sự cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh luôn là tâm điểm chú ý.

Các tuyến đường hàng hải huyết mạch và nguồn tài nguyên phong phú cùng các yêu sách chủ quyền chồng chéo đã biến vùng biển này thành một đấu trường căng thẳng khó lường. Năm ngoái khi Trung Quốc gia tăng các hành động gây hấn từ việc đơn phương công bố đường cơ sở quanh bãi cạn Scarborough đến việc tăng cường tuần tra phi pháp trên các rạn san hô đã khiến căng thẳng đã leo thang đến đỉnh điểm. Đáp lại những hành động đó Mỹ kiên quyết thực thi các hoạt động tự do hàng hải nhằm thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các đồng minh khu vực đồng thời gửi đi thông điệp thách thức rõ ràng đến các tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh.

Năm 2024 chứng kiến sự leo thang đáng kể trong căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc và xu hướng đáng lo ngại này có lẽ sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2025. Chính quyền Tổng Thống Marcos đã thể hiện một lập trường cứng rắn hơn bao giờ hết trước những hành động xâm phạm trắng trợn của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của mình mà Bãi Cỏ Mây là một ví dụ điển hình. Việc Manila công khai tố cáo những hành động hung hăng của Cảnh sát biển Trung Quốc đồng thời tăng cường hợp tác quân sự chặt chẽ với Washington đã chọc giận Bắc Kinh không ít.

Trung Quốc đã đáp trả bằng những hành động quyết liệt không kém và tìm cách phong tỏa Bãi Cỏ Mây bằng cách dùng cảnh sát biển Trung Quốc đã gây ra vô số vụ chạm trán nguy hiểm trên biển như đâm va tàu và phun vòi rồng có cường độ mạnh vào các tàu của Lực Lượng Bảo Vệ Bờ Biển Philippines. Nhiều nhà quan sát bày tỏ sự lo ngại sâu sắc rằng tình hình Biển Đông hiện nay thậm chí còn nguy hiểm hơn cả tình hình ở eo biển Đài Loan và viễn cảnh về một cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc không còn là điều quá xa vời. Mặc dù đã có một thỏa thuận được cho là nhằm giảm căng thẳng ở Bãi Cỏ Mây giữa Philippines và Trung Quốc, song không ai dám chắc rằng thỏa thuận mong manh này sẽ được duy trì trong năm 2025 trong bối cảnh cục diện chính trị thế giới có nhiều thay đổi. Trung Quốc có lẽ sẽ tìm cách thăm dò ý chí và cam kết của chính quyền Trump đối với liên minh Mỹ-Philippines và điều này hứa hẹn sẽ dẫn đến những diễn biến phức tạp và khó lường hơn bao giờ hết.

Bên cạnh Bãi Cỏ Mây, những điểm nóng tiềm tàng khác trong mối quan hệ Philippines – Trung Quốc còn bao gồm Bãi Sabina là khu vực mà Lực Lượng Bảo Vệ Bờ Biển Philippines thường xuyên sử dụng làm điểm tiếp tế và Bãi Scarborough nơi mà ngư dân Philippines đã bị cấm đánh bắt cá một cách phi lý. Nếu Philippines quyết tâm thực hiện các biện pháp pháp lý để chống lại Trung Quốc vì những hành vi gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường trong vùng đặc quyền kinh tế của mình thì chắc chắn Bắc Kinh sẽ có những phản ứng quyết liệt hơn nữa.

Trong bối cảnh Biển Đông đang dậy sóng năm 2025 chứng kiến sự trở lại đầy bất ngờ của Donald Trump trên chính trường Mỹ và điều này hứa hẹn sẽ mang đến những xáo trộn không nhỏ cho khu vực. Trong nhiệm kỳ tổng thống trước Trump đã áp dụng một phong cách ngoại giao thực dụng và có phần khó đoán. Ông không ngần ngại tăng cường các hoạt động tự do hàng hải để thách thức các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy quan hệ song phương với các đồng minh trong khu vực mà Philippines là một ví dụ điển hình. Tuy nhiên chiến lược của Trump thường thiếu sự nhất quán bởi sự tập trung quá mức vào các thỏa thuận thương mại với Trung Quốc đôi khi đã làm lu mờ đi những lo ngại về an ninh hàng hải. Giờ đây khi Trump tái xuất nhiều người cho rằng Biển Đông có nguy cơ bị biến thành một công cụ mặc cả trong các cuộc đàm phán đầy toan tính với Bắc Kinh.

Trung Quốc dường như đã sẵn sàng cho một cách tiếp cận khó đoán hơn từ phía Mỹ dưới thời Trump. Các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông luôn là sự pha trộn đầy toan tính giữa sự quyết đoán và sự kiềm chế. Năm ngoái Trung Quốc đã đệ trình các đường cơ sở Scarborough lên Liên Hợp Quốc một động thái nhằm khẳng định chủ quyền trên danh nghĩa. Đồng thời không ngừng củng cố sự hiện diện quân sự trên vùng biển này và phô trương sức mạnh hải quân ngày càng lớn mạnh để đối trọng với các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ. Mặt khác Trung Quốc cũng không quên sử dụng các biện pháp ngoại giao để xoa dịu căng thẳng thông qua các cuộc đối thoại an ninh khu vực và các cuộc đàm phán với ASEAN về một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Tuy nhiên việc Trump ưu tiên các thỏa thuận song phương hơn chủ nghĩa đa phương có thể sẽ làm đảo lộn hoàn toàn những tính toán chiến lược của Bắc Kinh.

Philippines với vị thế là một bên tranh chấp trực tiếp đang phải đối mặt với những áp lực chồng chất cả từ bên trong lẫn bên ngoài. Mối bất hòa sâu sắc giữa Phó Tổng Thống Sara Duterte-Carpio và Tổng Thống Ferdinand Marcos Jr phơi bày những rạn nứt không nhỏ trong nội bộ chính phủ và điều này có thể làm suy yếu khả năng đưa ra một chính sách đối ngoại thống nhất và mạch lạc. Về mặt đối ngoại Manila buộc phải khéo léo điều hướng mối quan hệ phức tạp với cả Washington và Bắc Kinh. Chính quyền Marcos cho thấy sự nghiêng về phía Mỹ khi tăng cường hợp tác quân sự và ký kết các thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo. Thế nhưng mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng tạo ra một thế cân bằng mong manh mà Philippines buộc phải duy trì. Chính sách ngoại giao thực dụng của Trump có thể sẽ khiến sự cân bằng này trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Mặc dù Philippines có thể hoan nghênh việc Mỹ tăng cường viện trợ quân sự và bán vũ khí song điều này cũng đồng nghĩa với việc Manila có nguy cơ bị lôi kéo sâu hơn vào cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc từ đó làm tổn hại đến quyền tự chủ chiến lược của mình.

Việt Nam một quốc gia có lợi ích sát sườn ở Biển Đông đã thể hiện một cách tiếp cận thực dụng hơn khi Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa quân đội tăng cường khả năng giám sát trên biển đồng thời duy trì một thái độ kiên quyết trong việc bảo vệ chủ quyền nhưng vẫn giữ kênh đối thoại ngoại giao rộng mở. Chiến lược của Việt Nam thể hiện một cam kết lâu dài trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia một cách hòa bình và không gây ra những căng thẳng không cần thiết với Bắc Kinh.

Tuy nhiên sự trở lại của ông Trump có thể mang đến những yếu tố phức tạp mới cho tình hình khu vực. Việc ông Trump lựa chọn những nhân vật có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc như ông Marco Rubio cho vị trí ngoại trưởng và ông Pete Hegseth cho vị trí bộ trưởng Quốc Phòng cho thấy rằng Mỹ có thể sẽ tiếp tục theo đuổi các chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc. Ông Rubio vốn là một nhà phê bình gay gắt Bắc Kinh có lẽ sẽ ưu tiên việc củng cố các liên minh và kiềm chế ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Trong khi đó việc ông Hegseth tập trung vào sức mạnh quân sự, có thể Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông củng cố triết lý “hòa bình thông qua sức mạnh.”

Mặc dù vậy, ông Trump là người ưa thích đàm phán trực tiếp, có thể ông sử dụng vấn đề Biển Đông như một đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với Bắc Kinh, sẵn sàng đưa ra những nhượng bộ trong các tranh chấp trên biển để đổi lấy những lợi ích kinh tế hoặc địa chính trị khác, chẳng hạn như việc Trung Quốc giảm bớt sự ủng hộ đối với Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine. Mặc dù cách tiếp cận này phù hợp với phong cách ngoại giao thực dụng của ông Trump, song lại tiềm ẩn nguy cơ khuyến khích các hành động gây hấn của Bắc Kinh và làm suy yếu sự an toàn của các đồng minh khu vực của Mỹ.

Không chỉ có Philippines mà các quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông như Việt Nam, Malaysia, Brunei và Indonesia cũng đang phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng từ Trung Quốc. Lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc tiếp tục các hành động quấy rối các tàu đánh cá tàu khảo sát và các giàn khoan của các nước này trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Trung Quốc vẫn ngoan cố theo đuổi yêu sách “đường chín đoạn” phi lý và tìm mọi cách gây áp lực buộc các nước khác phải công nhận yêu sách vô căn cứ này.

Tuy nhiên các quốc gia trong khu vực đều không có ý định từ bỏ chủ quyền thiêng liêng của mình. Họ đã liên tục lên tiếng phản đối mạnh mẽ các hành vi xâm phạm của Trung Quốc và không chấp nhận bất kỳ cuộc đàm phán nào về việc cùng phát triển tài nguyên với Trung Quốc. Sự kiên quyết này xuất phát từ nhận thức rõ ràng về tính bất hợp pháp của “đường chín đoạn” điều mà Tòa Án Trọng Tài Thường Trực bác bỏ một cách dứt khoát vào năm 2016.

Một vấn đề đáng quan tâm khác là Việt Nam đang tăng cường và đã cải tạo gần một nửa diện tích mà Trung Quốc bồi đắp ở quần đảo Trường Sa. Việt Nam có thể tăng cường đáng kể khả năng kiểm soát không phận Biển Đông, nếu tiến hành xây dựng đường băng trên các thực thể này. Trung Quốc hiện vẫn giữ im lặng một cách đáng ngạc nhiên, nhưng không ai dám chắc rằng tình trạng im lặng này kéo dài mãi mãi.

Mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa Bắc Hàn và Nga cũng đang làm phức tạp thêm cục diện chiến lược ở khu vực. Những lời đe dọa chiến tranh từ Bình Nhưỡng và hoạt động mở rộng hợp tác quân sự Bắc Hàn và Nga, có nguy cơ làm phân tán nguồn lực và sự chú ý của Mỹ khỏi khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đối với Trung Quốc sự liên kết này có thể tạo ra một vỏ bọc chiến lược cho phép Bắc Kinh theo đuổi các mục tiêu của mình ở Biển Đông mà ít phải lo ngại về sự can thiệp hoặc trả đũa từ phía Mỹ.

Trong bối cảnh đầy thách thức này, vai trò của ASEAN trong việc duy trì sự ổn định khu vực càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. ASEAN cần phải vượt qua những chia rẽ nội bộ và đẩy nhanh tiến trình đàm phán về Bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC) để tạo ra một khuôn khổ pháp lý hiệu quả trong việc quản lý các tranh chấp trên Biển Đông. Tuy nhiên khả năng hành động một cách quyết đoán của ASEAN sẽ phụ thuộc rất lớn vào ý chí và sự sẵn sàng của các quốc gia thành viên trong việc đặt lợi ích chung của khu vực lên trên lợi ích riêng của mỗi nước.

Mặc dù vậy, tiến trình đàm phán về COC giữa ASEAN và Trung Quốc vẫn đang diễn ra hết sức chậm chạp và bế tắc. Các cuộc đàm phán đã kéo dài từ năm 2014 nhưng cho đến nay vẫn chưa đạt được những tiến triển đáng kể. Các bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung về những vấn đề cốt lõi nhất như phạm vi địa lý mà COC sẽ điều chỉnh tính ràng buộc pháp lý của COC và mối quan hệ giữa COC và tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Những vấn đề quan trọng nhất vẫn còn bỏ ngỏ, khả năng đạt được một COC có tính ràng buộc pháp lý thực sự trong năm 2025 là rất thấp. Do đó Biển Đông có lẽ vẫn sẽ tiếp tục là một khu vực thiếu vắng một cơ chế quản lý xung đột hiệu quả và điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ xảy ra các xung đột.

Tương lai của Biển Đông sẽ phụ thuộc vào hành động của các bên liên quan chính và khả năng họ điều hòa được những lợi ích cạnh tranh chồng chéo. Philippines tăng cường năng lực quốc phòng như mua sắm vũ khí trang bị hiện đại và tăng cường hợp tác với các đối tác chiến lược như Nhật Bản, Pháp và Úc, có thể tạo ra một vùng đệm an toàn trước những áp lực từ bên ngoài. Manila cần khôi phục đoàn kết chính trị trong nước để có thể xây dựng chính sách đối ngoại cân bằng và hiệu quả trong mối quan hệ với Washington và Bắc Kinh.

Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục sử dụng lực lượng dân quân biển và cảnh sát biển để củng cố sự kiểm soát trên thực tế đối với các khu vực tranh chấp đồng thời đưa ra các ưu đãi kinh tế hấp dẫn để lôi kéo các quốc gia trong khu vực rời xa quỹ đạo ảnh hưởng của Mỹ. Trung Quốc cũng sẽ không ngừng tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Nga và Bắc Hàn định vị mình như một đối trọng mạnh mẽ đối với các liên minh do Mỹ dẫn đầu.

Sự trở lại của ông Trump vừa mang đến những rủi ro, nhưng đồng thời cũng mở ra những cơ hội nhất định cho khu vực. Việc ông đề xuất áp mức thuế cao đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico có thể làm suy yếu các khuôn khổ đa phương vốn rất quan trọng trong kiểm soát căng thẳng ở Biển Đông. Những biện pháp thuế quan này được đưa ra với mục tiêu giải quyết các vấn đề như buôn bán ma túy và nhập cư trái phép, nhưng vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ Canada.

Đối với các quốc gia trong khu vực, duy trì sự cân bằng trong quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc đồng thời bảo vệ lợi ích chiến lược quốc gia vẫn là một bài toán hết sức hóc búa. Biển Đông đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng. Những tính toán sai lầm về chiến lược có thể định hình lại trật tự khu vực với những hệ lụy lan rộng ra ngoài khu vực Đông Nam Á.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: