“Ten Feet Tall” là thuật từ ám chỉ người khổng lồ được mặc định đáng sợ và nguy hiểm và Trung Quốc là “người” như vậy dưới mắt không chỉ các nước nhỏ mà thậm chí với cả Mỹ. Tâm lý này tạo ra cái gọi là “hội chứng Ten Feet Tall” mà một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, dù không nên đánh giá thấp Trung Quốc nhưng cũng không nên hoảng hốt đề cao quá mức; trong đó có ý kiến của Ryan Hass thuộc Viện Brookings, cựu giám đốc đặc trách vấn đề Trung Quốc của Hội đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ từ 2013 đến 2017 và từng làm việc tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh từ 2008-2012.
Ryan Hass là tác giả quyển Stronger: Adapting America’s China Strategy in an Age of Competitive Interdependence (Yale University Press, 2021) vừa phát hành. Phần lược dịch dưới đây là trích từ quyển trên (dẫn lại từ Foreign Affairs ngày 3-3-2021)…
Đừng bơm phồng thái quá sức mạnh Trung Quốc
Trung Quốc, người ta vẫn cứ nói, đang phát triển không ngừng và trên đà vượt qua một nước Mỹ đang chùn bước. Trung Quốc đang trở thành động lực lớn nhất của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, quốc gia thương mại lớn nhất và là điểm đến lớn nhất của đầu tư nước ngoài. Nước này đã thực hiện nhiều thỏa thuận thương mại và đầu tư lớn ở châu Á và châu Âu; trong khi sử dụng Sáng kiến Vành đai và Con đường – dự án phát triển lớn nhất thế kỷ 21 – để giành ảnh hưởng ở mọi ngóc ngách thế giới.
Họ đang xuất khẩu các công cụ giám sát, nhúng công nghệ vào mạng truyền thông 5G và sử dụng các khả năng mạng để đánh cắp thông tin nhạy cảm và định hình diễn ngôn chính trị ở nước ngoài. Họ chuyển trọng lượng kinh tế và chính trị thành sức mạnh quân sự, sử dụng sự kết hợp dân sự-quân sự để phát triển các năng lực tiên tiến và dùng chính sách ngoại giao “chó sói” để bắt nạt láng giềng, trong đó có các đồng minh và đối tác Hoa Kỳ như Úc, Ấn Độ và Đài Loan. Và trong nước, họ áp dụng chính sách trấn án tàn nhẫn, từ Hong Kong đến Tân Cương, trong khi gần như chẳng lo ngại những chỉ trích từ Hoa Kỳ và các chính phủ dân chủ khác.
Những kẻ thuật lại “câu chuyện Trung Quốc” với tâm thế háo hức đặc biệt là các cơ quan truyền thông của Chính phủ Trung Quốc. Họ đối chiếu những thành tựu của chính họ với các ví dụ phong phú về bức tranh rối loạn của nước Mỹ. Họ chỉ ra hình ảnh những kẻ nổi loạn xông vào Điện Capitol và những công dân Mỹ thất thểu xếp hàng lấy nước trong thời gian mất điện ở Texas như bằng chứng về sự suy tàn của “nền dân chủ phương Tây”. Họ ca ngợi thành công Trung Quốc trong việc “đánh bại” COVID-19 và mở cửa trở lại cho các hoạt động sinh hoạt bình thường, trong khi Hoa Kỳ và các nước phương Tây vẫn loay hoay ngăn chặn sự lây lan virus. “Thời gian và động lực đều đứng về phía chúng ta” – Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố tại Đại hội Đảng vào tháng 10-2020. Vào tháng Giêng 2021, Trần Nhất Tân (Chen Yixin), một quan chức an ninh hàng đầu, nói: “Sự trỗi dậy của phương Đông và sự suy tàn của phương Tây đã trở thành xu hướng”.
Hội chứng “ten-foot-tall” mang lại điều gì tai hại?
Các hệ thống độc tài luôn có tài trong việc phô diễn điểm mạnh và che giấu điểm yếu. Giới hoạch định chính sách Washington phải biết phân biệt giữa hình ảnh mà Bắc Kinh thể hiện và thực tế mà họ đối mặt. Trung Quốc là quốc gia hùng mạnh thứ hai trên thế giới và là đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất mà Hoa Kỳ đối mặt trong nhiều thập niên. Tuy nhiên, đồng thời, bất chấp nhiều khiếm khuyết có thể nhìn thấy, Hoa Kỳ vẫn là cường quốc mạnh hơn, trong mối tương quan Hoa Kỳ-Trung Quốc. Khi so sánh tất cả trở ngại mà Hoa Kỳ đối mặt, những trở ngại mà Trung Quốc đương đầu lớn hơn đáng kể.
Thời Chiến tranh Lạnh, Bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger từng cảnh báo về “hội chứng cao mười bộ” (“ten-foot-tall syndrome”), khi các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ đánh giá đối thủ cạnh tranh Liên Xô là những nhân vật cao ngất với sức mạnh to lớn và trí tuệ vượt trội. Hội chứng tương tự đang xảy ra ở Mỹ thời điểm hiện tại, và tác hại của nó không chỉ là vấn đề phân tích. Việc tập trung vào những điểm mạnh của Trung Quốc mà không tính đến những điểm dễ bị tổn thương sẽ tạo ra sự lo lắng. Lo lắng sinh ra bất an. Bất an dẫn đến phản ứng thái quá và phản ứng thái quá tạo ra những quyết định tồi tệ làm suy yếu khả năng cạnh tranh của chính Hoa Kỳ.
Trung Quốc đối mặt những gì?
Hãy xem xét sự đi lên của nền kinh tế dường như không thể ngăn cản của Trung Quốc. Trong thực tế, những thách thức trung hạn là đáng kể. Trung Quốc có nguy cơ già đi trước khi giàu lên. Dân số trong độ tuổi lao động đang giảm. Đến năm 2050, Trung Quốc sẽ từ một nước có tỉ lệ tám người lao động/một người về hưu ở thời điểm hiện tại, xuống còn hai người lao động/một người về hưu. Hơn nữa, Trung Quốc đã vắt kiệt năng suất sản xuất và cũng đang cạn kiệt nguồn để đầu tư vào cơ sở hạ tầng; chưa kể nợ tăng ào ạt. Chỉ trong thập niên qua, nợ Trung Quốc đã tăng gấp đôi, từ 141% GDP năm 2008 lên hơn 300% năm 2019. Nợ chồng chất khiến Trung Quốc khó có thể thoát khỏi từ ngành sản xuất cấp thấp lên sản xuất có giá trị cao, theo cách như Hàn Quốc và Đài Loan.
Trong khi đó, hệ thống chính trị ngày càng xơ cứng khi quyền lực tập trung xung quanh ông Tập. Từng nổi tiếng về năng lực kỹ trị, Đảng Cộng sản Trung Quốc bây giờ được biết đến nhiều hơn với sự cứng rắn giáo điều theo phiên bản chủ nghĩa Lênin. Không gian cho việc thử nghiệm chính sách địa phương dường như đang bị thu hẹp, vì ngày càng có nhiều quyết định tập trung ở Bắc Kinh. Tính chất từ trên xuống của hệ thống cũng khiến các quan chức gặp khó khăn hơn khi xem xét lại các quyết định trước đây hoặc báo cáo những tin xấu cho cấp trên. Bắc Kinh cũng có thể gặp những ràng buộc ngân sách ngày càng tăng đối với các sáng kiến lớn ở nước ngoài trong những năm tới, vì họ đối mặt với một nền kinh tế đang nguội lạnh và nhu cầu ngày càng cao từ một xã hội già hóa.
Mặc dù ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc xóa đói giảm nghèo, nhưng họ cũng ngày càng trở nên lo lắng và không khoan nhượng trong việc kiềm chế những thách thức đối với chính sách cai trị. Đặc tính cứng nhắc của Bắc Kinh trong việc áp đặt ý chí cai trị dọc các vùng ngoại vi đất nước, trong đó có Tân Cương, có thể gây ra các vấn đề trong tương lai. Về bên ngoài, Trung Quốc phải đối mặt với những trở ngại ghê gớm đối với tham vọng của họ.
Từ góc độ chiến lược, quân đội Trung Quốc vẫn bị hạn chế tương đối trong khả năng triển khai lực lượng ra ngoài khu vực ngoại vi, huống hồ xét đến việc kết hợp dự phóng quyền lực với ảnh hưởng chính trị và kinh tế trên quy mô toàn cầu – những đặc điểm cần có để xác định vị thế một siêu cường. Trung Quốc còn đối mặt với thách thức địa lý. Nó có biên giới với 14 quốc gia, bốn trong số đó có vũ khí hạt nhân và năm trong số đó có tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết – gồm một Nhật Bản già nua nhưng giàu có, một Ấn Độ đang lên và có tinh thần dân tộc, một Nga theo chủ nghĩa phục hồi, một Hàn Quốc hùng mạnh về công nghệ và một Việt Nam năng động và đầy quyết tâm.
Tất cả quốc gia này đều có bản sắc dân tộc luôn kháng lại sự phục tùng Trung Quốc hoặc chống lại các lợi ích Trung Quốc. Trong khi đó, Hoa Kỳ vẫn duy trì sự hiện diện quân sự được triển khai liên tục trong khu vực, được hỗ trợ bởi các thỏa thuận về căn cứ cũng như thỏa thuận được phép tiếp cận ở các quốc gia dọc ngoại vi Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng dễ bị tổn thương khi nói đến an ninh lương thực và năng lượng. Nước này thiếu đất canh tác để nuôi sống dân cư; trong khi nhập khẩu khoảng một nửa dầu từ Trung Đông. Khi xảy ra một cuộc xung đột quân sự, năng lực hải quân Trung Quốc chưa đủ mạnh để giúp họ không bị ảnh hưởng một khi bị cắt nguồn cung cấp thiết yếu.
Mỹ nên làm gì?
Động thái lưỡng đảng của Washington những năm gần đây đối với cách tiếp cận cứng rắn nhắm vào Trung Quốc đã có được một phần do chính Bắc Kinh thúc đẩy, khi giới lãnh đạo Bắc Kinh ngày càng trở nên hung hăng trong việc theo đuổi tham vọng và nghiêng về chủ nghĩa dân tộc. Tuy nhiên, phần lớn sự thay đổi ở Washington cũng được thúc đẩy bởi cảm giác hoảng sợ ngày càng tăng. Và điều này không phải không có mặt trái.
Bất kỳ nỗ lực nào sử dụng mối đe dọa Trung Quốc để thúc đẩy cải cách trong nước hoặc khắc phục sự chia rẽ nội bộ đều có thể gây hại nhiều hơn lợi. Trong nước, việc thổi phồng mối đe dọa từ Trung Quốc sẽ khuyến khích việc “vũ khí hóa chính trị” vấn đề, với việc biến Trung Quốc thành “công cụ” để các chính trị gia làm mất uy tín đối thủ bằng cách qui kết đối thủ không đủ mạnh tay đối với vấn đề Trung Quốc. Trên bình diện đối ngoại, cách tiếp cận như vậy sẽ làm gia tăng sự chia rẽ với các đồng minh và đối tác; khiến cuối cùng dẫn đến việc ra đời các chính sách mà, thay vì gây tổn hại cho Trung Quốc, lại mang đến tổn hại tương đương hoặc lớn hơn cho Hoa Kỳ. Các chính sách thương mại của Chính quyền Trump đã minh chứng rõ ràng cho điều này.
Hoa Kỳ có lý do chính đáng để tự tin về khả năng cạnh tranh với Trung Quốc. Nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn lớn hơn 7.000 tỉ USD so với Trung Quốc. An ninh năng lượng và lương thực của Mỹ ổn định hơn Trung Quốc. Cán cân dân số Hoa Kỳ cũng tương đối lành mạnh. Mỹ có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất thế giới và đang sở hữu đồng tiền dự trữ của thế giới. Mỹ được hưởng lợi từ vị trí địa lý thuận lợi và biên giới hòa bình. Mỹ tự hào có một nền kinh tế phân bổ vốn hiệu quả và nước Mỹ có truyền thống luôn đóng vai trò như một miếng bọt biển hấp thu những nhà tư tưởng sáng suốt nhất và những ý tưởng tốt nhất. Mỹ có một hệ thống pháp luật minh bạch và một hệ thống chính trị được thiết kế để thúc đẩy quá trình tự điều chỉnh. Trung Quốc không có bất kỳ thuộc tính nào như vậy.
Sự tự tin sẽ thúc đẩy phản ứng ổn định, kiên nhẫn và khôn ngoan trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Càng khôi phục niềm tin với tư cách một quốc gia được chuẩn bị tốt nhất trên thế giới để đối mặt những thách thức thế kỷ 21, Hoa Kỳ càng có thể tập trung sự chú ý vào nơi quan trọng nhất: không phải làm chậm lại Trung Quốc mà là củng cố bản thân. Để cạnh tranh hiệu quả với Trung Quốc, Washington cần tập trung việc củng cố sự năng động trong nước, uy tín quốc tế và mạng lưới liên minh và đối tác toàn cầu chưa từng có của mình. Đây là những chìa khóa thực sự cho sức mạnh Hoa Kỳ mà Trung Quốc không bao giờ có thể “chôm chỉa” được.