Trung Quốc lại ban hành ‘luật rừng’ mới, Việt Nam im thin thít!

Hình chụp hôm 22 tháng Chín 2023 cho thấy tàu tuần dương Trung Quốc ngăn chặn tàu chở hàng của Philippines gần Bãi Scarborough của Philippines ở Biển Đông. (Hình minh họa: Ted ALJIBE / AFP via Getty Images)

BBC cho biết Trung Quốc vừa ban hành quy định mới cho phép Cảnh Sát Biển Trung Quốc có quyền bắt và giam người nước ngoài “xâm phạm hoặc có hành vi hỗ trợ xâm phạm” với thời gian lên tới 60 ngày. Quy định này có hiệu lực từ ngày 15 Tháng Sáu. Hành động ngang ngược này không là duy nhất.

Xây hầm ngầm nối các đảo nhân tạo

South China Morning Post ngày 22 Tháng Năm cho biết, một nhóm khoa học gia Trung Quốc đang đề nghị kế hoạch xây hệ thống hầm nối liền các đảo mà Trung Quốc cưỡng chiếm ở Biển Đông và tự nhận thuộc chủ quyền họ. Theo một nhóm dự án thuộc Đại Học Hải Dương Trung Quốc, vấn đề quá sức chứa trên các đảo nhân tạo có thể được giải quyết bằng hệ thống hầm. Nhóm dự án – nằm dưới sự dẫn đầu của ông Trần Húc Quang (Chen Xuguang) – cho biết họ phát triển được phương pháp giúp khắc phục những hạn chế của cát san hô mềm (trước đây người ta cho rằng cát san hô mềm trong khu vực không phù hợp cho việc xây dựng dưới lòng đất).

Ba hòn đảo lớn nhất có giá trị quân sự và kinh tế quan trọng đối với Trung Quốc là Meiji còn gọi là Vành Khăn, Yongshu hay Chữ Thập, và Zhubi được gọi là Subi. Tất cả tạo nên vị trí phòng thủ tam giác nhằm đối phó các căn cứ Mỹ ở Philippines. Một cách tổng quát, Trung Quốc đã biến bảy rạn san hô ở Trường Sa thành đảo nhân tạo, sử dụng quy trình lấy lõi san hô, nghiền thành bột và xếp chồng lên để tạo ra vành đai đất nhân tạo cao hơn mực nước biển hàng mét. Từ đó, họ xây dựng sân bay, khu định cư, bệ phóng hỏa tiễn và các cơ sở hạ tầng khác.

Theo nhóm nghiên cứu, thử nghiệm cho thấy hệ thống hầm ngầm giúp tạo thêm không gian trên các đảo nhân tạo, bằng cách dùng hỗn hợp bùn trộn với xi măng mịn bơm vào lòng đất thông qua các đường ống thẳng đứng. Dưới áp lực, hỗn hợp sẽ lấp đầy các khoảng trống giữa cát san hô, đông đặc thành khối cứng như đá sau khi xi măng đông kết. Hầm ngầm có thể được xây thành nhiều lớp, cung cấp một diện tích có thể sử dụng được, có khả năng vượt xa những gì có sẵn trên mặt đất. Sơ đồ cho thấy cấu trúc hai lớp với tầng trên được sử dụng làm khu sinh hoạt và làm việc; và tầng dưới dùng để trữ vũ khí như hỏa tiễn lớn và thậm chí xe bọc thép.

Có sáu bên – Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam – đang tranh chấp ở Biển Đông; và Trung Quốc là quốc gia hùng hổ nhất. Năm 2016, Tòa Án Quốc Tế đã bác yêu sách Trung Quốc nhưng Bắc Kinh từ chối chấp nhận phán quyết.

Phúc trình của Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế có trụ sở tại Washington cho biết: “Trung Quốc có 20 tiền đồn ở quần đảo Hoàng Sa và bảy tiền đồn ở quần đảo Trường Sa. Họ cũng kiểm soát bãi cạn Scarborough mà họ chiếm vào năm 2012, mặc dù họ chưa xây dựng bất kỳ cơ sở nào trên thực thể này.”
Phúc trình ghi nhận thêm: “Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã nạo vét và xây dựng các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, tạo ra 3,200 mẫu đất mới, cùng với việc mở rộng đáng kể sự hiện diện quân sự ở Hoàng Sa.”

Năm 2022, Đô Đốc John C. Aquilino, tư lệnh Hải Quân Hoa Kỳ, nói rằng Trung Quốc đã quân sự hóa hoàn toàn ba hòn đảo nhân tạo của họ ở Biển Đông, bằng việc trang bị hệ thống hỏa tiễn, máy bay chiến đấu và các cơ sở quân sự khác.

Đô Đốc John C. Aquilino nhấn mạnh: “Chức năng những hòn đảo đó là mở rộng khả năng tấn công của quân đội Trung Quốc… Họ có thể điều khiển máy bay chiến đấu, máy bay ném bom cùng việc sử dụng dàn hỏa tiễn… Họ đe dọa tất cả quốc gia trong khu vực cũng như toàn bộ vùng biển và vùng trời quốc tế… Hai mươi năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự tăng cường quân sự lớn nhất của Trung Quốc kể từ Đệ Nhị Thế Chiến. Họ nâng cao mọi khả năng quân sự và việc tăng cường vũ khí hóa đang gây bất ổn cho khu vực.”

Ấy vậy, trong chuyến công du Washington năm 2015, ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, nói: “Các hoạt động xây dựng mà Trung Quốc thực hiện trên đảo Nam Sa (tức Trường Sa) không nhắm hay gây tác động đến bất kỳ quốc gia nào và Trung Quốc không có ý định theo đuổi việc quân sự hóa.” Ông Tập cũng “cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.”

Chuẩn bị khai triển lò nguyên tử nổi

Không chỉ kế hoạch xây hệ thống hầm dưới biển, Trung Quốc còn âm mưu khai triển các lò phản ứng nguyên tử nổi tới Biển Đông. Đầu Tháng Năm, tờ The Washington Post cho biết Trung Quốc có kế hoạch đưa khoảng 20 nhà máy điện nguyên tử nổi tới các hòn đảo mà nước này cải tạo thành căn cứ quân sự ở Biển Đông. Đô Đốc John C. Aquilino chính là người giương cờ cảnh báo.

Nga hiện là quốc gia duy nhất vận hành nhà máy điện nguyên tử nổi Akademik Lomonosov, hoạt động từ Tháng Mười Hai, 2019. Phần mình, Trung Quốc bắt đầu thiết kế lò phản ứng điện nguyên tử nổi vào năm 2010. Tờ Global Times đưa tin vào năm 2016 rằng Bắc Kinh có kế hoạch khai triển 20 lò phản ứng ở Biển Đông để “hỗ trợ phát triển thương mại, thăm dò dầu khí và khử mặn nước biển.”

Bài báo còn nói: “Mỗi đảo và rặng san hô ở Biển Đông, kết hợp với một bệ nổi chạy bằng năng lượng nguyên tử,” về cơ bản là “một hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng nguyên tử… được trang bị máy bay chiến đấu và hệ thống hỏa tiễn. Lợi thế quân sự sẽ vượt xa hạm đội hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ vốn phải đến từ xa.” Nhóm nghiên cứu thuộc một viện trực thuộc Hội Đồng Nhà Nước Trung Quốc cũng nhấn mạnh trong một bài báo năm 2020, trong bối cảnh leo thang ở Biển Đông, những lò phản ứng này có thể “giúp tiến hành suôn sẻ các cuộc tập trận quân sự.”

Ủy Ban Cải Cách và Phát Triển Quốc Gia Trung Quốc đã phê duyệt ba dự án lò phản ứng điện nổi. Ông Thomas Shugart, thành viên cấp cao thuộc Trung Tâm An Ninh Mỹ Mới (Center for a New American Security), nhận định rằng việc Trung Quốc khai triển các nhà máy điện nguyên tử nổi “sẽ làm tăng gấp đôi” hoạt động chiếm đóng trên các đảo ở Biển Đông.

Ông Thomas Shugart, cựu sĩ quan tác chiến tàu ngầm của Hải Quân Hoa Kỳ, nói thêm: “Việc vận hành các lò phản ứng nổi sẽ gây ra những rủi ro lớn hơn. Không như các tàu ngầm nguyên tử của Mỹ thường ngừng hoạt động ngay sau khi neo đậu và chỉ hoạt động ở mức năng lượng thấp trong cảng, những lò phản ứng này có thể hoạt động ở mức năng lượng cao hầu như mọi lúc để cung cấp năng lượng điện.”

Giới khoa học và bảo vệ môi trường cho rằng nhà máy nguyên tử nổi có những lỗ hổng nguy hiểm đặc biệt so với các nhà máy trên đất liền. Trên đất liền, lò phản ứng nguyên tử và nhiên liệu thường được bảo vệ bên trong các cấu trúc ngăn chặn bằng bê tông và thép dày tới 5 foot (khoảng 152 cm). Lò nổi không thể có lớp bảo vệ tương tự.

Ông Edwin Lyman, nhà vật lý và giám đốc an toàn nguyên tử năng thuộc Union of Concerned Scientists, cho biết một lò phản ứng được thiết kế để nổi trên biển sẽ không thể có thiết kế an toàn.

Trong khi đó, Trung Quốc đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn liên quan công nghệ nguyên tử. Một trục trặc tại nhà máy điện nguyên tử Taishan (台山核电站, Đài Sơn Hồ điện trạm) vào năm 2021 đã khiến nhà máy phải đóng cửa một năm. Biển Đông cung cấp 12% sản lượng đánh bắt cá của thế giới. Một phần ba thương mại đường biển toàn cầu diễn ra ở khu vực này. Bất kỳ một sự rò rỉ nguyên tử phóng xạ nào vào đại dương sẽ dẫn đến thảm họa sinh thái ngoài sức tưởng tượng.

Cây tre vẫn cúi đầu

Bà Pratnashree Basu thuộc Chương Trình Nghiên Cứu Chiến Lược của Quỹ Nghiên Cứu Quan Sát Viên (Observer Research Foundation’s Strategic Studies Program) có trụ sở tại Ấn Độ, nói kế hoạch vận hành lò phản ứng nguyên tử nổi của Trung Quốc là “thách thức trực tiếp” đối với chủ quyền của các quốc gia đang tranh chấp ở Biển Đông với Bắc Kinh.

Bà Basu trích dẫn Luật Năng Lượng Nguyên Tử năm 2008 của Việt Nam, trong đó yêu cầu các tàu chạy bằng năng lượng nguyên tử hoạt động trong vùng biển Việt Nam phải được thủ tướng Việt Nam cho phép.

Với Hà Nội, “cốt lõi” của chính sách ngoại giao “cây tre” là vẫn cúi đầu trước Trung Quốc. Ông Ray Powell, giám đốc SeaLight, dự án của đại học Stanford University chuyên về “chiến lược cưỡng bức hàng hải của Trung Quốc” ở Biển Đông, nhận định rằng Việt Nam “luôn bất lực nhìn” vô số hành vi ngang ngược của Trung Quốc, từ xây dựng đảo đến bắn giết ngư dân. Cần nhấn mạnh, mới đây, Tháng Ba, Bắc Kinh đã tự ý phân định lãnh thổ ở phía Bắc Vịnh Bắc Bộ, nơi Trung Quốc và Việt Nam có ranh giới trên biển chưa được giải quyết. Phản ứng của Hà Nội là “kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng luật pháp quốc tế và các thỏa thuận song phương.”

Theo tuyên bố chung của hai nước sau chuyến công du hai ngày tới Hà Nội vào Tháng Mười Hai, 2023, của ông Tập Cận Bình, Bắc Kinh và Hà Nội đã đồng ý nâng quan hệ lên một giai đoạn mới, “với sự tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác quốc phòng-an ninh thực chất hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn…”

Điển hình của sự “tin cậy chính trị cao hơn” là, Hà Nội – một lần nữa – lại im thin thít trước tin Bắc Kinh ban hành quy định cho phép Cảnh Sát Biển Trung Quốc được quyền bắt và giam người nước ngoài “xâm phạm” cái gọi là lãnh hải của họ, kể từ ngày 15 Tháng Sáu. Một cách chính xác, trong cuộc họp báo ngày 23 Tháng Năm, ông Đoàn Khắc Việt, phó phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam, có thều thào: “Việt Nam luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại các vùng biển, cũng như lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam phù hợp Công Ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp của Việt Nam.” Toàn bộ phát biểu này chẳng liên quan gì đến “luật rừng” mới của Bắc Kinh cả.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: