Trung Quốc trục lợi từ tình trạng khan hiếm vaccine

Trong cuộc đua bào chế và cung ứng vaccine ngừa COVID-19 Trung Quốc đang thu được lợi nhuận
Tình trạng khan hiếm vaccine trên toàn thế giới đã mang lại cho Trung Quốc cơ hội thu lợi nhuận. Ảnh minh họa. Credit: CDC/Unsplash.

Trong cuộc đua bào chế và cung ứng vaccine ngừa COVID-19 cho thế giới, Trung Quốc đã không vượt qua được Hoa Kỳ và Tây Âu về khoa học công nghệ, nhưng đang “thắng đậm” về tài chính và ngoại giao. 

COVAX: lấy tiền Mỹ mua vaccine Trung Quốc

Sự kiện mới nhất cho thấy sự thắng thế của Trung Quốc là mới đây Liên minh Vaccine Toàn cầu GAVI (Global Alliance for Vaccines and Immunization) – tổ chức điều hành chương trình quốc tế cung cấp vaccine ngừa COVID-19 gọi là COVAX – đã ký hợp đồng mua trước 170 triệu liều vaccine Sinopharm, 350 triệu liều vaccine Sinovax và 414 triệu liều vaccine SCB-2019. Ba loại vaccine này đều do Trung Quốc bào chế, hai loại đầu, Sinopharm và Sinovax, đã kết thúc thử nghiệm và đã được Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) cho phép sử dụng trong tình huống khẩn cấp, loại thứ ba, SCB-2019 – do công ty Clover Biopharmaceuticals của Trung Quốc bào chế – vẫn đang còn thử nghiệm giai đoạn ba. Giá trị của hợp đồng không được GAVI công khai song căn cứ vào giá bán vaccine của Trung Quốc, có thể thấy hợp đồng này phải có giá nhiều tỷ đô la; bắt đầu thanh toán và nhận hàng từ Quý Ba-2021.

Đáng chú ý, tiền trang trải cho hợp đồng được lấy từ quỹ COVAX do Hoa Kỳ và các nước phát triển ở Tây Âu đóng góp; được đem ra trả cho Trung Quốc để mua các loại vaccine có hiệu quả rất đáng ngờ. Được biết, Trung Quốc không phải bỗng dưng trở thành kẻ hưởng lợi mà đã vận động và gây sức ép với Liên Hiệp Quốc để bán hàng, lợi dụng tình trạng khan hiếm vaccine gay gắt trên toàn cầu. Đáng chú ý hơn nữa là cho đến nay, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất không đóng góp đồng nào vào quỹ COVAX, đã tự lực sản xuất hàng tỷ liều vaccine COVID-19 mà cũng không đóng góp cho COVAX một mũi tiêm nào.

COVAX là gì? Trở lại những ngày đầu năm ngoái 2020, khi dịch viêm phổi cấp bùng phát ở Vũ Hán và nhanh chóng lan rộng ra toàn thế giới, trở thành một đại dịch khủng khiếp có tên COVID-19, các nhà lãnh đạo thế giới đã tìm cách huy động sự hợp tác toàn cầu để chống dịch. Sáng kiến thành lập chương trình toàn cầu tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 (COVID-19 Vaccines Global Access), gọi tắt là COVAX, ra đời với mục tiêu giúp cho mọi người trên thế giới – đặc biệt là các nước nghèo – đều được tiêm vaccine ngừa coronavirus. Sáng kiến COVAX do Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), Ủy Ban Châu Âu (EC) và chính phủ Pháp đề ra ngày 24 Tháng Tư 2020 với mục tiêu ban đầu là vận động khoảng $6-7 tỷ để mua vaccine cấp cho các nước nghèo. Tính đến ngày 15 Tháng Bảy 2020 đã có 165 quốc gia, với hơn 60% dân số thế giới, tham gia COVAX.

Cũng như mọi tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc, COVAX hoạt động bằng tiền tài trợ do các nước giàu đóng góp, lấy tiền đó mua vaccine rồi cung cấp cho các nước nghèo. COVAX có hai cơ chế cho các nhóm nước giàu nghèo khác nhau: có 92 quốc gia – trong đó có Việt Nam – được coi là nước nghèo, sẽ được nhận vaccine COVID-19 miễn phí nhờ tiền đóng góp của các nước giàu, gọi là cơ chế AMC (Advance Market Commitment); các nước còn lại hoặc là nhà tài trợ góp tiền và vaccine (donors), hoặc trả tiền khi nhận vaccine từ COVAX theo cơ chế SFP (Self-Financing Participants)

Ngân quỹ của COVAX là do đóng góp của các nước phát triển ở phương Tây. Tính đến giữa tháng Bảy, COVAX huy động được $9,661 triệu; trong đó phần đóng góp lớn nhất là của Hoa Kỳ với $3,500 triệu, tiếp theo là Đức ($1,097 triệu), Nhật Bản ($1,000 triệu), Anh Quốc ($733 triệu) và Liên minh châu Âu ($489 triệu) …. Việt Nam cũng đóng góp “tượng trưng” $1 triệu. Trong khối tư nhân và công ty, phần đóng góp lớn nhất thuộc về Quỹ Bill & Melinda Gates với $206 triệu, công ty MasterCard với 32 triệu.

Có thể nói mà không sợ quá lời rằng đóng góp của Hoa Kỳ là “xương sống” cho hoạt động của COVAX. Sáng kiến COVAX ra đời từ Tháng Tư 2020 nhưng Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump không tham gia, một phần vì đây là hoạt động của tổ chức WHO mà ông Trump đã quyết định rút ra, một phần vì chính quyền Trump lúc đó dồn sức cho chương trình vaccine riêng của mình, gọi là Chiến dịch Thần tốc (Operation Warp Speed). Từ ngày ra đời đến hết năm 2020, COVAX hoạt động rất mờ nhạt, không đủ tiền để đặt mua trước vaccine khi các tập đoàn dược phẩm tranh nhau đưa sản phẩm ra thử nghiệm lâm sàng. Mãi đến khi ông Joe Biden lên thay ông Donald Trump làm tổng thống Hoa Kỳ thì Hoa Kỳ mới quay lại tổ chức WHO từ ngày 20 Tháng Giêng – ngày ông Biden nhậm chức – và một tháng sau, ông tuyên bố Hoa Kỳ cam kết đóng góp vào COVAX $4 tỷ. Số tiền đóng góp này đã giúp chương trình này sống lại, bắt đầu cung cấp vaccine cho các nước nghèo. Nước đầu tiên nhận được vaccine miễn phí từ COVAX là Cộng hòa Ghana ở châu Phi, nhận đợt vaccine đầu tiên vào ngày 24 Tháng Hai 2021. Sau đó Hoa Kỳ tiếp tục viện trợ cho COVAX 55 triệu liều vaccine AstraZeneca (AZ) mà Hoa Kỳ đã mua nhưng không dùng. Rồi trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh G7 tại Anh Quốc hồi giữa tháng trước, Tổng thống Biden cam kết tăng viện trợ vaccine của Hoa Kỳ lên 500 triệu liều và kêu gọi G7 tặng một tỷ liều vaccine cho các nước nghèo.

Theo dữ liệu về kế hoạch phân phối vaccine mà COVAX công bố ngày 3 Tháng Hai 2021, trong nửa đầu năm nay tổ chức này sẽ phân bổ 336 triệu liều vaccine AZ và 1.6 triệu liều vaccine Pfizer, trong đó Việt Nam được nhận miễn phí 4,886,400 liều vaccine AZ sản xuất tại Nam Hàn. Tuy nhiên, do nguồn cung vaccine bị thiếu hụt cho nên đến ngày 11 Tháng Tư 2021, COVAX mới chỉ giao được 38.5 triệu liều vaccine; con số này tăng lên tới 100 triệu liều vào ngày 6 Tháng Bảy vừa qua, thấp xa so với kế hoạch. 

Trung Quốc tham gia COVAX từ Tháng Mười năm ngoái nhưng với tư cách một quốc gia đang phát triển, Bắc Kinh không đóng góp tiền bạc và thuốc men cho COVAX như các nước tài trợ kể trên. 

Hoa Kỳ thất vọng

Tình hình là hiện nay COVAX không có đủ vaccine để phân chia cho các nước nghèo trong lúc đại dịch COVID-19 đang bùng lên dữ dội, do biến thể Delta có sức lây nhiễm mạnh hơn nhiều so với các biến thể trước. Các loại vaccine AZ, Pfizer/BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson sử dụng ở các nước phát triển thì hầu như đã cạn năng lực sản xuất, không thể tăng mạnh sản lượng để đáp ứng nhu cầu cấp bách. Tháng trước, GAVI đã ký hợp đồng mua trước 500 triệu liều vaccine Moderna của Mỹ, nhưng từ nay đến hết năm 2021, hãng Moderna chỉ có thể giao 38 triệu liều, phần còn lại sẽ được giao vào năm sau. Việc ký hợp đồng mua các loại vaccine Sinopharm, Sinovac của Trung Quốc do vậy là một lựa chọn bất khả kháng của GAVI trong tình hình vaccine bị khan hiếm trầm trọng hiện nay.

Nhưng sự kiện COVAX mua vaccine của Trung Quốc, trả bằng tiền đóng thuế của người dân Mỹ đã làm cho các chính trị gia Hoa Kỳ tức giận. Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng Viện Hoa Kỳ Thứ Tư tuần trước, Thượng Nghị Sĩ James E. Risch (Cộng Hòa – Idaho) đã gọi hợp đồng mua vaccine Trung Quốc của COVAX là “kinh khủng”. “Chuyện khôi hài là Trung Quốc không đóng góp đồng nào vào COVAX mà bây giờ hưởng lợi nhuận từ đó, trong khi chính họ là kẻ đầu tiên gây ra tất cả cuộc hỗn loạn này,” ông Risch nói.

Bà Samantha Power, lãnh đạo Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cũng đồng ý như vậy. “Thật kinh khủng khi Bắc Kinh chọn cách kiếm lợi từ các loại vaccine thay vì đóng góp tài chính cho COVAX hoặc tặng số vaccine mà nhà nước Trung Quốc sở hữu để tiêm chủng cho người dân các nước nghèo trong giờ phút tuyệt vọng của họ,” bà Power nói.

Bà Power thừa nhận COVAX không có lựa chọn khác khi Mỹ và châu Âu không tăng sản lượng vaccine đủ nhanh để giúp các quốc gia khống chế sự hoành hành của virus, nhưng “điều đó không biện minh được cho việc Trung Quốc bán vaccine cho COVAX lấy tiền”, bà Power nói, theo báo The Washington Post.

Nhưng biết làm thế nào được. Trung Quốc là một tay kinh doanh rất nhạy bén và hầu như không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào, dù nhỏ, để kiếm lời. Trong ngôn ngữ Trung Quốc, “nguy cơ” là một từ đầy ý nghĩa và họ luôn tìm kiếm “cơ hội” trong “nguy hiểm”. Đại dịch COVID là tai họa, là nỗi đau của hàng trăm triệu người trên thế giới nhưng cũng là cơ hội ngàn năm có một cho những đầu óc theo chủ nghĩa duy lợi (mercantilism) của Trung Quốc.

Trung Quốc và vaccine “có điều kiện”

Nói cho công bằng, không phải Trung Quốc không cung cấp vaccine cho các nước nghèo. Là nước sớm có vaccine ngừa COVID-19 dù phẩm chất của các loại vaccine đó còn phải tranh cãi, Trung Quốc đã nhanh chóng biến vaccine thành một thứ vũ khí trong cái gọi là “ngoại giao vaccine”, một công cụ “quyền lực mềm”, quảng bá hình ảnh Trung Quốc như một cường quốc có trách nhiệm.

Tại thời điểm Tháng Ba 2021, Trung Quốc đã cam kết cung cấp nửa tỷ liều vaccine COVID-19 do nước này sản xuất cho 45 quốc gia, phần lớn là các nước thu nhập thấp và trung bình, theo thông tin của hãng tin AP. Còn theo Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Bắc Kinh đã viện trợ vaccine cho 68 nước và bán thương mại cho 28 nước khác, nhưng bộ này từ chối cung cấp cho báo chí danh sách các nước nhận viện trợ hoặc mua vaccine của Trung Quốc cũng như số liều vaccine cung cấp cho từng nước. Một trong những trọng tâm của chiến lược ngoại giao vaccine của Trung Quốc là khu vực châu Á, nơi hơn 30 quốc gia đã mua hoặc nhận vaccine từ Trung Quốc. Đây cũng là khu vực hoặc có tranh chấp với Trung Quốc, hoặc Trung Quốc đang muốn bành trướng ảnh hưởng.

Có điều, không giống như các nước phương Tây, việc cung cấp vaccine của Trung Quốc luôn được quảng bá rầm rộ trên truyền thông và luôn đi kèm những điều kiện về chính trị và kinh tế. Nếu các nước dân chủ như Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản… cung cấp vaccine COVID-19 cho các nước nghèo thông qua chương trình COVAX, ẩn danh và không kèm điều kiện thì Trung Quốc chỉ cung cấp vaccine qua các thỏa thuận song phương với một số quốc gia nhất định, kèm theo những điều kiện cụ thể. 

Mặc dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường tuyên bố “trong việc thúc đẩy hợp tác để chống lại đại dịch, Trung Quốc không nhằm đạt tới mục tiêu địa chính trị nào hoặc nhắm tới một lợi ích kinh tế nào, không bao giờ đưa ra ràng buộc chính trị nào,” như hãng tin nhà nước Tân Hoa Xã đăng tải, nhưng thực tế các quốc gia nhận vaccine do Trung Quốc thì phải đáp ứng một số điều kiện, chẳng hạn như phải đoạn giao với đảo quốc Đài Loan, phải chấp nhận cho tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc tham gia đầu tư mạng viễn thông thế hệ thứ năm (5G) mà trước đây nhiều nước từ chối. 

Ở Đông Nam Á, Trung Quốc hứa hẹn cung cấp vaccine cho chín trong mười nước ASEAN, trừ Việt Nam, bởi vì Việt Nam là nước mạnh miệng nhất trong việc phản đối các yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh trên vùng Biển Đông. Ở châu Mỹ Latinh, Trung Quốc cung cấp vaccine cho nhiều nước như Mexico, Peru, Columbia, Ecuador, Bolivia, Chile và Brazil, trừ nước Paraguay vì Paraguay vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan chứ không theo Bắc Kinh.

Mới đây, Bắc Kinh thông báo sẽ cho phép người nước ngoài nhập cảnh vào Trung Quốc để làm ăn, du lịch, thăm viếng thân nhân, nhưng chỉ cho vào những ai đã được tiêm chủng vaccine do Trung Quốc sản xuất, có giấy tờ chứng nhận, còn những người đã tiêm chủng nhưng bằng các loại vaccine khác thì vẫn phải trải qua các cuộc xét nghiệm và cách ly phòng dịch.

Một sự kiện gây xôn xao dư luận ở Việt Nam gần đây là Bắc Kinh phản đối mạnh khi Hà Nội nhận 500,000 liều vaccine Trung Quốc nhưng không tổ chức tiêm ngừa cho các công dân Trung Quốc làm ăn sinh sống ở Việt Nam và những người Việt Nam có nhu cầu đi lại, học tập hoặc làm ăn ở Trung Quốc theo điều kiện mà phía Trung Quốc đặt ra. Cùng thời điểm này, Việt Nam đã nhận được hơn 5 triệu liều vaccine từ Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc nhưng không hề bị ràng buộc bởi những điều kiện quái gở như Trung Quốc.

Tính lại chính sách viện trợ của Mỹ

Trở lại câu chuyện về hợp đồng mua vaccine Trung Quốc của COVAX, một quan chức cao cấp trong chính quyền Biden nói với báo The Washington Post: “Hoa Kỳ thất vọng sâu sắc trước việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã không đóng góp tài chính cho COVAX để tiêm chủng cho người dân các nước có thu nhập thấp và trung bình, mà lại chọn việc bán vaccine thay vì đóng góp cho COVAX”.

Nhưng vấn đề ở đây không chỉ là tiền bạc hay ảnh hưởng chính trị. Vaccine Trung Quốc đang chứng tỏ là không có hiệu quả, hoặc hiệu quả rất thấp trong việc chống đại dịch COVID-19, nhất là với biến thể Delta đang lây lan mạnh ở nhiều nước. Một số quốc gia sử dụng vaccine Trung Quốc trong chương trình tiêm chủng như Thái Lan và Indonesia đang tìm cách bổ sung cho người dân các mũi tiêm tăng cường bằng các loại vaccine do phương Tây bào chế. Một nghiên cứu được công bố ở Thái Lan trong tuần trước cho thấy các kháng thể sinh ra trong cơ thể người tiêm vaccine Sinovac của Trung Quốc cứ sau 40 ngày lại giảm một nửa, khiến hiệu quả của vaccine suy yếu nhanh. Chính Trung Quốc cũng đang tính đến việc mua vaccine bào chế theo công nghệ mRNA tân tiến của châu Âu và Mỹ, hoặc mua công nghệ mRNA để tự sản xuất sau khi các loại vaccine bào chế theo kiểu cũ của họ tỏ ra kém hiệu quả. Nếu vaccine không tiêu diệt được virus thì sẽ làm cho virus mạnh thêm và sinh ra các biến thể mới nguy hiểm hơn. Do vậy, một số người cho rằng, chương trình COVAX sử dụng vaccine Trung Quốc thì về lâu dài sẽ làm cho đại dịch khó kiểm soát hơn.

Đáng buồn là chính quyền Biden không thể làm gì để ngăn chặn việc COVAX sử dụng tiền tài trợ của Hoa Kỳ để mua vaccine Trung Quốc. Lựa chọn khả dĩ của chính quyền Biden hiện nay, theo đề nghị của Thượng Nghị sĩ Robert Menendez (Dân Chủ – New Jersey), Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng Viện, chỉ có thể là cân bằng lại sự đóng góp của Mỹ: giảm đóng góp vào các tổ chức quốc tế đa phương và tăng viện trợ theo các thỏa thuận song phương giữa Hoa Kỳ và nước tiếp nhận vaccine. Hiện thời, chính phủ Mỹ có chính sách dành 75% viện trợ vaccine cho chương trình COVAX, chỉ 25% cho các nước đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ theo các thỏa thuận song phương. Ông Menendez cho rằng, viện trợ song phương không chỉ làm gia tăng lợi ích quốc gia và ngoại giao của Hoa Kỳ mà còn là điều đúng đắn trong việc hợp tác ngăn chặn đại dịch, do vậy công thức 75%-25% cần phải được điều chỉnh lại.

Tổng thống Joe Biden có chủ trương “Nước Mỹ trở lại”, thuyết phục người dân Mỹ tin rằng sự tham gia của Hoa Kỳ trong các tổ chức quốc tế đa phương là con đường tốt nhất để bảo vệ một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, chống lại các chế độ độc tài chuyên chế đang trỗi dậy. Việc ông Biden quyết định quay trở lại WHO và đóng góp cho COVAX nằm trong chiều hướng chính sách đó. Nhưng cách hành xử của Bắc Kinh trong đại dịch COVID-19 hiện nay như tìm cách gây ảnh hưởng về chính trị, ngoại giao lẫn trục lợi về tài chính đòi hỏi Hoa Kỳ phải mạnh tay hơn nữa trong công cuộc cải cách các định chế quốc tế, từ Liên Hiệp Quốc trở xuống, sao cho Bắc Kinh không thể tiếp tục thao túng các tổ chức này để phục vụ cho lợi ích riêng của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đọc thêm: 

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: