Từ chuyện ngôi chùa hơn 300 năm tuổi bị cháy

Chùa Thuyền Lâm trong cơn hỏa hoạn dữ dội (Cắt từ video FB)

Lâu nay, những ai tinh ý, sẽ thấy những ngôi chùa cổ, danh tự… thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) cứ lượt lần hoặc bị cháy, hoặc bị tháo dỡ, xây lại. Đây có phải là một chiến dịch thầm lặng và chủ ý của nhà cầm quyền muốn triệt hạ những giá trị lịch sử gắn liền với Phật giáo không phải của Cộng Sản?

Vào khoảng 21g, ngày 23 Tháng Sáu 2024, ngôi chùa cổ Thuyền Lâm ở Huế xảy ra hỏa hoạn rất vô cớ ở ngôi chánh điện. Ngôi cổ tự này tọa lạc ở 150 Điện Biên Phủ, TP. Huế.

Công An tỉnh Thừa Thiên Huế nói vẫn đang điều tra nguyên nhân, và thống kê thiệt hại vụ cháy ngôi cổ tự này. Còn thông tin chúng tôi có được, hầu như toàn bộ ngôi chánh điện của chùa bị thiêu rụi một cách nhanh chóng, và bất thường. Đặc biệt hỏa hoạn chỉ xảy ra khi không có mặt vị sư trụ trì, một người trung kiên với GHPGVNTN.

Chùa Thuyền Lâm lúc còn nguyên vẹn (Hình: Khám Phá Huế)

Chùa Thuyền Lâm có niên đại khoảng 300 năm tuổi, là nơi trú xứ của Hòa Thượng Thích Chơn Trí. Ôn Chơn Trí là thành viên của Tăng Già Bản Thệ, được Ngài Tuệ Sỹ khai lập. Hay nói cách khác, Hòa Thượng Chơn Trí là thành viên của GHPGVNTN, chứ không thuộc giáo hội Phật giáo quốc doanh.

Thuyền Lâm là ngôi chùa cổ nằm ở gò Dương Xuân, được xây dựng dưới thời chúa Nguyễn. Một số nhà sử học cho rằng khu vực chùa Thuyền Lâm tọa lạc xưa kia từng tồn tại phủ Dương Xuân dưới thời nhà Tây Sơn.

Chùa Thuyền Lâm sau khi dập lửa xong (Hình: SKĐS)

Huế có thể nói là cái nôi của Phật giáo Việt Nam từ thuở xưa. Hiển nhiên, nơi này có rất nhiều ngôi cổ tự. Tuy nhiên, cho đến nay, đã có nhiều ngôi cổ tự ở đây hoặc bị cháy, hoặc bị tháo dỡ chánh điện để xây dựng lại cho lớn hơn. Điều này đồng nghĩa, những gì thuộc về hồn muôn năm cũ, bây giờ biết tìm đâu!

Hồi hạ tuần Tháng Ba năm 2019, ngôi cổ tự Từ Hiếu, bị tháo dỡ hoàn toàn ngôi chánh điện để xây dựng lại. Ngôi cổ tự này, chính là nơi mà Thiền Sư Thích Nhất Hạnh sống những ngày tháng cuối đời, rồi viên tịch tại đây. Không cần nói ra, chúng ta cũng biết, chùa cổ Từ Hiếu thuộc Giáo hội Phật Giáo không chịu quy thuận làm tay sai nhà nước.

Cùng năm, vào thượng tuần Tháng Tám, nối tiếp chánh điện tổ đình Từ Hiếu, thì chùa Quốc Ân – một trong những ngôi tổ đình danh tiếng hơn 200 tuổi với kiến trúc nhà rường to lớn và quý giá ở Huế – đã bị tháo dỡ để làm chùa mới to rộng hơn.

Trên thực tế, từ đầu năm 2019, Đại Đức Thích Minh Chơn, chỉ là một kẻ giám tự, trong hình tướng tu sĩ, nhưng đã manh nha tháo dỡ trùng tu chánh điện tổ đình Quốc Ân. Sự manh nha này trỗi dậy mạnh mẽ, ngay sau khi vị trụ trì là Hòa Thượng Thích Diệu Tánh ngã bệnh nằm liệt giường, sau đó viên tịch vào ngày 17 Tháng Giêng, năm 2020.

Hòa Thượng Thích Diệu Tánh là thành viên của GHPGVNTN. Khi còn tại thế, dù được chính quyền CSVN đề nghị hỗ trợ nhiều thứ để tháo dỡ ngôi chánh điện chùa cổ Quốc Ân, thậm chí được tập kết hàng trăm khối gỗ quý để xây mới, nhưng ông đều từ chối.

Ngay cả khi Hòa Thượng Diệu Tánh nằm trên giường bệnh, ông vẫn khăng khăng từ chối yêu cầu kỳ quặc này. Bởi trên tất cả, như báo Tuổi Trẻ Online từng có mặt tại hiện trường đưa tin, rằng mọi thứ ở ngôi chánh điện đều còn sử dụng tốt từ 80-90%, từ rường cột bằng gỗ, hay mái ngói âm dương. Chỉ có một cách lý giải duy nhất: Phá bỏ tất cả những gì của quá khứ, dựng nên mọi thứ với nhãn mác xã hội chủ nghĩa!

Tổ đình Quốc Ân với nguyên bản, khi chưa bị tháo dỡ. (Hình: Nguyên Thiều)

Đau buồn thay, kẻ giám tự Thích Minh Chơn, đi tu nhưng thân chánh quyền. Dường như chỉ đợi đến khi hòa thượng trụ trì Quốc Ân sắp viên tịch, thì Minh Chơn lập tức ra tay tháo dỡ tổ đình này, đặng xây mới. Điều đáng nói, khi xây mới to lớn hơn, Minh Chơn vẫn không có giấy phép. Cũng cần nói thêm, tổ đình Quốc Ân, Từ Hiếu đều là di sản văn hóa cấp quốc gia, muốn trùng tu hay tháo dỡ, không ai có thể tự quyết mà làm được?

Vậy thế lực nào có thể bảo kê cho Minh Chơn phá hủy một di tích văn hóa cấp quốc gia như vậy? Câu hỏi chưa có lời giải đáp, nhưng không phải là không thể trả lời.

Ở Huế còn có ngôi cổ tự Bảo Quốc. Từng trụ trì nơi này, là Đại Lão Hòa Thượng Thích Thiện Hạnh, Thượng thủ Tăng GHPGVNTN, nhưng cũng đã viên tịch mới đây. Liệu mai này số phận của Bảo Quốc cổ tự sẽ ra sao?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: