Các nhà lập pháp Hoa Kỳ cho rằng TikTok đang đe dọa quyền riêng tư và gây ra những lo ngại nghiêm trọng về an ninh quốc gia.
Với một tỷ người dùng trên toàn thế giới và 150 triệu người ở Hoa Kỳ, gã khổng lồ truyền thông xã hội TikTok thuộc sở hữu của Trung Quốc đang phải đối mặt với lệnh cấm có thể xảy ra ở Mỹ, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu và căng thẳng chính trị gia tăng với Bắc Kinh.
‘Đừng đợi nước đến chân’
“Tôi đã thấy các hoạt động của Đảng Cộng sản ở Trung Quốc. Họ rất hung dữ,” Mark Warner (Đảng Dân Chủ-Virginia), người gần đây đã đưa ra Đạo luật HẠN CHẾ (RESTRICT Act,) nói, và cho biết sẽ đặt giới hạn đối với các kênh truyền thông kỹ thuật số thuộc sở hữu ngoại quốc như TikTok, công ty mẹ là ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh.
Warner, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, nói rằng các kỹ sư Trung Quốc có quyền truy cập vào dữ liệu của hàng triệu người dùng Mỹ và lo ngại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể sử dụng dữ liệu đó như một phần của các chiến dịch tuyên truyền và thông tin sai lệch, hoặc thậm chí để tống tiền người Mỹ.
“Họ biết sở thích của bạn… đó là một mối đe dọa hữu hình, rất thực tế,” Warner nói với các ký giả tại một cuộc họp báo do Dịch vụ truyền thông sắc tộc (Ethnic Media Services) tổ chức hồi tuần qua. “Chúng ta đừng đợi cho đến khi ‘nước đến chân mới nhảy’”.
Warner là một người có quan điểm cứng rắn về quốc phòng, đồng sáng lập Nextel và đã đầu tư vào hàng trăm công ty công nghệ mới thành lập. “Tôi rất tin tưởng vào sức mạnh tích cực của công nghệ. Tôi cũng thừa nhận rằng có rất nhiều thứ sáng tạo trên TikTok… và có một nhóm người hoàn toàn mới kiếm thu nhập từ đó, và tôi nghĩ đó là một điều tốt,” ông nói.
Quyền sở hữu của Trung Quốc đối với TikTok
Nhưng Warner cho rằng sự khác biệt giữa TikTok và Facebook hay YouTube – vốn cũng đã bị chỉ trích xung quanh các vấn đề về quyền riêng tư dữ liệu. Theo luật năm 2017, các công ty công nghệ Trung Quốc phải “giao nộp mọi thứ” cho ĐCSTQ.
Warner cho biết, một năm, Trung Quốc đánh cắp $500 tỷ về tài sản trí tuệ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Ông cho biết thêm các doanh nhân Trung Quốc thiết kế ngược các nền tảng truyền thông xã hội của Mỹ, cải thiện chúng và đạt được lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy TikTok đã làm điều đó.
Với hy vọng ngăn chặn lệnh cấm TikTok, Giám đốc điều hành ByteDance Shou Chew – người Singapore – gần đây đã làm chứng trước các thành viên Quốc hội. Ông nói với Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện, rằng TikTok không chia sẻ dữ liệu người dùng với chính phủ Trung Quốc. Ông vạch ra kế hoạch lưu trữ dữ liệu người dùng ở Mỹ. Ông cho biết dữ liệu người dùng Mỹ hiện được lưu trữ trên các máy chủ của Oracle mà ĐCSTQ không có quyền truy cập.
Chew cũng cho biết TikTok không mang quảng cáo chính trị như các nền tảng truyền thông xã hội khác và ông cho biết công ty không bán dữ liệu cho các nhà môi giới. Theo Chew, TikTok không thu thập bất kỳ dữ liệu người dùng nào nhiều hơn các công ty truyền thông xã hội của Hoa Kỳ.
Thông tin sai lệch và tuyên truyền
Với một phần ba dân số Hoa Kỳ sử dụng TikTok, chính quyền Biden lo ngại rằng nó có thể được sử dụng để truyền bá thông tin sai lệch đến người dùng Mỹ và ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ giống như tin tặc Nga đã làm trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. CNN đưa tin rằng các quan chức liên bang đang yêu cầu các chủ sở hữu người Trung Quốc của TikTok bán cổ phần của họ trong công ty nếu không sẽ phải đối mặt với lệnh cấm ứng dụng của Hoa Kỳ. Trong phiên điều trần vào tháng trước, một số dân biểu đã nói rõ rằng họ muốn thấy ứng dụng này bị cấm.
BuzzFeed báo cáo, các nhân viên của ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc liên tục truy cập dữ liệu của một nhà báo Hoa Kỳ để tìm ra nơi cô ấy lấy thông tin. Sau đó, công ty sa thải bốn nhân viên. Nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy TikTok thường xuyên xử lý sai dữ liệu hoặc thao túng video.
Đạo luật GIỚI HẠN áp dụng cho sáu “đối thủ ngoại quốc” (Trung Quốc, Cuba, Iran, Bắc Hàn, Nga và Venezuela) và có thể được mở rộng sang các quốc gia khác. Mặc dù thường được gọi là lệnh cấm TikTok, nhưng nó có thể được áp dụng cho các công ty khác như Huawei hoặc Kaspersky, có trụ sở chính tại Trung Quốc và Nga. Warner xác định cụ thể những công ty đó là hai trong số các mục tiêu chính của dự luật.
Những lo ngại về an ninh quốc gia có thể là vỏ bọc cho sự tức giận của Hoa Kỳ đối với các hoạt động kinh doanh không công bằng của Trung Quốc. TikTok không khả dụng ở Trung Quốc. Công dân Trung Quốc sử dụng Douyin, một nền tảng khác của ByteDance. Facebook, Twitter và YouTube bị cấm ở Trung Quốc.
Bảo vệ Tu chính án thứ nhất
Kate Ruane, Giám đốc Chương trình Biểu đạt Tự do Hoa Kỳ của PEN America, thảo luận về tác động của việc cấm truy cập vào một nền tảng Internet được sử dụng rộng rãi.
Kate Ruane nói hai điều sai không làm nên một điều đúng. Bà nói: “Lệnh cấm TikTok sẽ làm nảy sinh những lo ngại đáng kể về Tu chính án thứ nhất (First Amendment). Đối với người dân, và đặc biệt là hàng chục triệu thanh niên Mỹ sử dụng TikTok, việc chứng kiến một nền tảng truyền thông xã hội phổ biến bị chính phủ đóng cửa đột ngột sẽ đặt ra những câu hỏi nghiêm túc trong tâm trí của thế hệ trẻ, về sự tôn nghiêm của quyền tự do ngôn luận ở đất nước này.”
Bà lưu ý rằng Hoa Kỳ đã lên án Nigeria vì đã cấm Twitter vào Tháng Sáu năm 2021 vì chỉ trích Nga đóng cửa các phương tiện truyền thông độc lập vào năm 2022; khi các cuộc biểu tình rầm rộ nổ ra ở Iran sau vụ sát hại Mahsa Amini, Hoa Kỳ lên án mạnh mẽ chế độ Iran và kêu gọi họ kiềm chế việc “chặn hoặc lọc các dịch vụ”. Ruane nói: “Nếu Hoa Kỳ hiện chấp thuận lệnh cấm bán buôn như một biện pháp khắc phục những lo ngại về an ninh của họ đối với các nền tảng kỹ thuật số, thì các chính phủ khác sẽ làm theo.”
Pen America ủng hộ một cách tiếp cận khác: Một dự luật mạnh mẽ về quyền riêng tư có thể giải quyết các mối lo ngại không chỉ trên Tiktok mà trên nhiều nền tảng truyền thông xã hội. Ruane cho biết Hoa Kỳ đã đàm phán với TikTok.
Thái độ chống Trung Quốc gia tăng
John Yang, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tổ chức Thúc đẩy Công lý cho Người Mỹ gốc Á/AAJC lưu ý mối lo ngại của ông về phản ứng dữ dội tiềm ẩn mà người Trung Quốc và những người Mỹ gốc Á khác có thể gặp phải khi những lo ngại về TikTok ngày càng gia tăng.
John Yang, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tổ chức Thúc đẩy Công lý cho Người Mỹ gốc Á (Asian Americans Advancing Justice-AAJC), lưu ý Đạo luật HẠN CHẾ nhằm vào chế độ độc tài ở Trung Quốc, nhưng cho biết người Mỹ gốc Á có thể trở thành mục tiêu của tâm lý bài Trung Quốc tại Hoa Kỳ. “Thành thật mà nói, rất nhiều người Mỹ gốc Hoa đến đất nước này vì họ muốn thoát khỏi chế độ độc tài Trung Quốc ở nước Cộng sản Trung Quốc,” Yang nói.
Ông cho biết các nhà lập pháp quảng bá câu chuyện sai sự thật rằng mọi thứ mà Trung Quốc đang đe dọa và liên quan đến các hành động của chính phủ Trung Quốc đều không giúp ích được gì. “Chính cộng đồng của chúng tôi thường phải trả giá cho những lời hoa mỹ liều lĩnh của họ.”
Quốc hội tỏ ra thù địch với Giám đốc điều hành TikTok đến mức các nhà lập pháp đã bỏ lỡ cơ hội nói về những lo ngại chính đáng xung quanh quyền riêng tư và việc lạm dụng dữ liệu người dùng trên một phần ứng dụng mạng xã hội nói chung. “Cuộc trò chuyện nên bắt đầu và kết thúc bằng cách giữ an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ quyền riêng tư của họ trên bất kỳ ứng dụng nào, không chỉ Tik Tok,” Yang nói.
(Trang Nguyên lược dịch)