Từ vụ ‘tiến sĩ’ Thích Chân Quang: Bằng đại học Việt Nam dễ mua?

Các giáo sư trường Luật quỳ trước sư hay trước đồng tiền của sư? (Hình: Đất Việt)

Sau những phát biểu hàm hồ về luân hồi, đầu thai chuyển kiếp, Thích Chân Quang (tên thật Vương Tấn Việt) ngoài chuyện bị cấm thuyết giảng trong 2 năm, cộng đồng mạng đã vạch ra nhiều vấn đề trong bằng cấp của ông này như học đại học hệ tại chức, học tiến sĩ chỉ trong hai năm và có dấu hiệu hối lộ nhà trường bằng tiền công đức của người dân.

Cụ thể, Vương Tấn Việt sinh năm 1959, nhưng tới năm 1989 mới tốt nghiệp cấp 3 hệ bổ túc văn hóa. Có bằng đại học Ngoại ngữ năm 2001 (chưa rõ hình thức đào tạo). Tới năm 2017, ông Việt bắt đầu học văn bằng 2 tại đại học Luật Hà Nội theo hình thức vừa làm vừa học. Tuy mang danh đại học Luật Hà Nội, nhưng thực ra là học tại cơ sở liên kết ở Cao đẳng Bách Việt (Sài Gòn).

Tới ngày 15 Tháng Một 2019, ông Việt tốt nghiệp cử nhân ngành luật vừa làm vừa học loại giỏi. Và ngày 26 Tháng Mười Hai 2019, mới chính thức trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành luật hiến pháp – hành chính. Chưa đầy 2 năm sau, ngày 09 Tháng Mười Hai 2021, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại đại học Luật Hà Nội.

Cần lưu ý là trong 2 năm này, nhà nước CSVN thực hiện chính sách phong tỏa vô cùng khắc nghiệt để chống dịch COVID-19, nên chuyện ông Việt ở Vũng Tàu, mà ra vào Hà Nội học, và nghiên cứu là chuyện vô cùng khó khăn, thậm chí là không thể. Bên cạnh đó, theo quyết định số 2744 của trường Đại Học Luật Hà Nội có quy định thời gian đào tạo từ cử nhân lên thẳng tiến sĩ là 48 tháng. Nếu nghiên cứu sinh có đơn xin rút ngắn thời hạn đào tạo thì chỉ được cắt bớt tối đa là 12 tháng, tức là thời hạn đào tạo tối thiểu phải là 36 tháng. Vậy mà từ lúc ông Việt nhập học tới lúc hoàn thành luận văn chỉ chưa đầy 24 tháng.

Trên trang Liêm chính Khoa học, có bài viết chỉ ra những điểm nghi ngờ toàn bộ luận văn tiến sĩ của ông Thích Chân Quang đầy nghi vấn là làm giùm. Toàn bộ các tài liệu đều không phải ông Vương Tấn Việt, mà xuất phát từ email của Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Minh Đoan, người hướng dẫn khoa học chính của ông Việt. Những đóng góp bổ sung của luận văn này, là của tác giả có tên là Pháp Vũ, mà tác giả bài viết bóc phốt có tên Khánh Duy, cũng tìm thấy nhiều khả năng là đại đức Thích Pháp Vũ ở chùa Phật Quang, nơi thượng tọa Thích Chân Quang làm trụ trì. Bài báo cáo khoa học của ông Thích Chân Quang, cũng được tìm thấy là có dính líu đến nguyên văn tài liệu của tiến sĩ Trần Kim Liễu, một trong hai người hướng dẫn khoa học của ông Vương Tấn Việt.

Trên các diễn đàn đại học, cũng đang lan truyền kết quả của hệ thống máy tính kiểm tra từ trường đại học Fullbright, cho thấy nội dung luận văn của Thích Chân Quang là sao chép đến 99%.

(File photo)

Theo công bố của đại học Luật Hà Nội thì Vương Tấn Việt đã có 1 báo cáo khoa học in trong kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế có phản biện năm 2017. Tức là ngay trong năm đầu tiên học văn bằng 2, ông này đã có bài báo cáo khoa học. Dĩ nhiên, tự thân làm được thì là chuyện hi hữu, nhưng nếu thuê người làm thì không khó, miễn là có tiền, mà trụ trì chùa Phật Quang thì không thiếu tiền.

Tuy không có bằng chứng về việc ông Vương Tấn Việt mua bằng, hay mua điểm, hay thuê người viết luận án, nhưng có hình ảnh chứng minh ông Việt chi tiền tài trợ cho Đại Học Luật Hà Nội trong lúc còn là học viên tại trường. Đó là ngày 26 Tháng Tư 2022, ông tặng bộ thiết bị phòng tập trị giá gần 130 triệu đồng cho trung tâm Gym & Yoga của đại học này. Đây có thể coi là một hình thức hối lộ tinh vi để đạt kết quả cao cấp tốc.

Ngoài ra, số tiền này chắc chắn không phải do ông Việt làm ra mà từ tiền công đức của người dân cúng dường cho nhà chùa. Việc dùng tiền công đức của người dân đi tài trợ cho nơi khác dưới tên cá nhân thì rõ ràng là một hình thức tham nhũng cả tiền lẫn danh tiếng. Tuy nhiên trong giới hạn bài viết này thì chưa thể bàn sâu hơn.

Quay lại chuyện hối lộ cho trường học, thì không phải chỉ là tiền. Với tư cách là trụ trì chùa Phật Quang, ông Việt còn có thể “hối lộ tâm linh” cho các giảng viên mê tín. Trong buổi lễ tri ân thầy cô giảng viên đại học Luật Hà Nội, ở vai trò là học viên, ông Việt đứng tặng hoa cho các thầy cô của mình. Đáng nói là các thầy cô lại quỳ lạy Vương Tấn Việt để được Việt tri ân. Đây rõ ràng là hình thức hối lộ tâm linh, khi ông Việt lợi dụng đức tin mù quáng của giảng viên để đổi chát với bằng cấp học hàm học vị.

Thích Chân Quang “hiến” máy cho trường ĐH Luật (Hình: ĐH Luật HN)

Chính vì được hối lộ và u mê mù quáng như vậy, nên đại học Luật Hà Nội bất chấp quy định để đẩy nhanh tiến độ tốt nghiệp của Vương Tấn Việt? Sau khi bị phát hiện, trường này ngoan cố bảo vệ ông Việt tới cùng trong các buổi trả lời báo chí. Cũng phải hiểu rằng nếu không cố gắng bảo vệ ông Việt, thì nhà trường thừa nhận rằng họ có sai phạm trong đào tạo và cấp bằng.

Như vậy, mở rộng vấn đề thì rất cần phải coi lại quy trình tuyển sinh, đào tạo, thi cử tại trường đại học Luật Hà Nội. Tính tới Tháng Bảy năm 2023, trường này đã đào tạo ra hơn 90 ngàn cử nhân, 4,501 thạc sỹ và 316 tiến sỹ. Rất nhiều trong số này đã trở thành cán bộ nhà nước, giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước như quốc hội, chính phủ, tòa án, viện kiểm sát; và nhiều cơ quan tổ chức, đơn vị ở các địa phương.

Nếu một trường đại học lớn, có ảnh hưởng toàn diện tới cả đất nước như vậy mà lại dễ xảy ra sai phạm, đào tạo bất chấp và trao bằng tùy tiện thì vô cùng nguy hiểm cho quốc gia. Tòa án sẽ gây ra nhiều oan sai, quốc hội ban hành những điều luật bất công. Các cán bộ tại địa phương thì dốt nát, không có kiến thức để phục vụ người dân. Còn lãnh đạo trung ương “lấy bằng” từ cái lò đó cũng chỉ trở thành những con mối chúa phá hoại cơ đồ dân tộc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Album tử tế
Vào Tháng Ba năm ngoái, tại công ty cũ, tôi có một ngày làm việc đặc biệt khó khăn, là khi các dự án đều cận hạn chót phải nộp.…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: