“Miễn truy tố ông Trump sẽ làm sụp đổ hệ thống tam quyền phân lập của nền dân chủ Hoa Kỳ”
Cựu tổng thống Donald Trump không được hưởng quyền miễn truy tố về âm mưu lật đổ kết quả bầu cử năm 2020 và phải ra toà xét xử cáo buộc tội hình sự, tòa kháng án liên bang Hoa Kỳ khu vực District of Columbia ra phán quyết hôm thứ Ba 6 tháng Hai 2024.
Tuy nhiên, ông Trump – người đang dẫn đầu cuộc đua vào vị trí đại diện đảng Cộng Hòa ra tranh cử tổng thống vào Tháng Mười Một, chắc chắn sẽ tiếp tục kháng cáo lên Tối cao Pháp Viện.
***
Phán quyết dài 57 trang, được đồng thuận của cả ba chánh án tòa phúc thẩm liên bang, được ban hành một tháng sau phiên toà phúc thẩm xem xét liệu hành động của ông ta lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 có được “miễn truy tố” (immunity) hình sự hay không. Phiên toà phúc thẩm hôm 9 Tháng Gie6ng 2024, do ba chánh án J. Michelle Childs, Florence Y. Pan và Karen L. Henderson chủ trì, đã nghe lập luận và tranh luận của cả hai bên, đại diện ông Trump và đại diện chính phủ Mỹ, trước khi đưa ra phán quyết.
Lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp Mỹ, tòa kháng án phải trả lời câu hỏi: Liệu một cựu tổng thống có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho những hành động của ông ta khi còn tại nhiệm hay không?
Các luật sư đại diện ông Trump cho rằng ông Trump không thể bị xử tội hình sự bởi vì ông ta là tổng thống, hành động của ông ta là thực thi nhiệm vụ hiến định của người đứng đầu nhánh hành pháp. Luật sư D. John Sauer, đại diện ông Trump, lập luận rằng một tổng thống chỉ có thể bị truy tố và kết tội sau khi bị Thượng viện kết án và phế truất.
Ông Trump đã hai lần bị Hạ viện luận tội nhưng cả hai lần đều được Thượng viện tha vì không đủ số phiếu kết tội, tối thiểu 67 phiếu. Trong cuộc luận tội ông Trump lần thứ hai Tháng Hai 2021 về hành vi xúi giục bạo loạn tấn công Quốc hội, có 57 thượng nghị sĩ – gồm 50 TNS Dân Chủ và 7 TNS Cộng Hoà – bỏ phiếu kết tội (convict); 43 TNS Cộng Hoà bỏ phiếu tha bổng. Khi ấy nhiều thượng nghị sĩ Cộng Hoà tán thành lập luận của các luật sư biện hộ cho Trump rằng, hành vi xúi giục bạo loạn là tội hình sự, phải được xét xử tại toà án thuộc nhánh tư pháp chứ không thể xem xét tại cơ quan lập pháp, theo nguyên tắc tam quyền phân lập.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ sau đó đã bổ nhiệm công tố viên đặc biệt Jack Smith điều tra vụ bạo loạn ngày 6 Tháng Gie6ng 2021 và đã kiện ông Trump về tội âm mưu lật ngược kết quả bầu cử. Chánh án Tanya S. Chutkan, người phụ trách vụ án ở tòa sơ thẩm liên bang, tuyên bố không một cựu tổng thống nào được miễn truy tố tội hình sự do các hành vi công hoặc tư; tổng thống không phải là vua và Hoa Kỳ không phải là nước quân chủ chuyên chế. Không đồng ý với nhận định của bà Chutkan, ông Trump phản đối lên tòa phúc thẩm liên bang dù vụ án chưa xét xử và chưa có bản án, dẫn tới phiên xử tháng trước và phán quyết hôm nay.
***
Các luật sư biện hộ cho ông Trump cũng cho rằng, chưa một tổng thống Mỹ nào bị kết tội hình sự trước đây; nếu ông Trump bị kết tội thì điều đó sẽ làm cho các tổng thống tương lai hoặc bị đảng đối lập kết án với đủ loại tội danh hoặc sẽ làm việc với sự dè dặt vì lo sợ bị truy tố sau khi rời Tòa Bạch Ốc.
Phát biểu sau phiên toà tháng trước, ông Trump cũng nói [nếu ông bị kết tội hình sự] thì “đất nước sẽ hỗn loạn”, dù ông nhiều lần tuyên bố nếu đắc cử ông ta sẽ bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt “truy đuổi” Tổng thống Biden và gia đình, sẽ luận tội ông Biden, thậm chí sẽ “tử hình” những người ông ghét như Đại tướng Mark Milley, cựu Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ mới nghỉ hưu.
Luật sư James J. Pearce, đại diện chính phủ Mỹ, cho rằng quan điểm “tổng thống chỉ có thể bị kết tội sau khi bị Thượng viện phế truất” là một lập luận “cực kỳ đáng sợ”. Nó sẽ cho phép tổng thống coi mình là vua, là hoàng đế, đứng trên pháp luật và làm mọi việc theo ý muốn cá nhân mà không sợ trách nhiệm hay sự trừng phạt.
Luật sư Pearce cũng cho rằng không có cơ sở để suy luận việc kết tội hình sự ông Trump lần này sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm cho các tổng thống tương lai bởi vì “chưa bao giờ một tổng thống đương nhiệm bị cáo buộc cấu kết cùng các cá nhân sử dụng quyền lực để lật đổ nền cộng hòa dân chủ và hệ thống bầu cử” và trường hợp ông Trump không phải là căn cứ báo trước những vụ truy tố lẫn nhau trong tương lai.
Trong thực tế chính trị thế giới, một số quốc gia dân chủ đã truy tố, xét xử và bỏ tù một số cựu tổng thống mà không gây ra những xáo trộn lớn trong đời sống chính trị của nước họ.
Nước Pháp năm 2011 đã xử cựu Tổng thống Jacques Chirac (nhiệm kỳ 1995-2007) hai năm tù treo về tội lạm dụng công quỹ, gây mất lòng tin và xung đột lợi ích trong thời gian làm thị trưởng Paris. Mười năm sau, năm 2021, Pháp lại xử cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy (nhiệm kỳ 2007-2012) một năm tù treo cho tội gây quỹ tranh cử bất hợp pháp, một năm tù giam và hai năm tù treo cho tội tham nhũng.
Đài Loan năm 2009 xử cựu Tổng thống Trần Thuỷ Biển (nhiệm kỳ 2000-2008) 19 năm tù giam về tội nhận hối lộ và rửa tiền. Ông Trần được bà Tổng thống Thái Anh Văn ân xá năm 2016 sau bảy năm ngồi tù.
Năm 2018 Hàn Quốc kết án cựu Tổng thống Park Geun-hye (nhiệm kỳ 2013-2017) 24 năm tù giam vì tội nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực. Bà Park được người kế nhiệm ân xá năm 2021 sau ba năm ngồi tù.
Không thể nói Pháp, Đài Loan hoặc Nam Hàn có kỷ cương và văn hoá dân chủ vững mạnh hơn Hoa Kỳ và các nước này cũng không rơi vào loạn lạc sau khi các cựu tổng thống của họ bị kết tội và phải ngồi tù.
***
Trở lại với phán quyết hôm nay của toà phúc thẩm liên bang Hoa Kỳ, các chánh án nhận định: “Cựu tổng thống Trump đã trở thành công dân Trump với đầy đủ quyền biện hộ như mọi bị cáo hình sự khác. Đặc quyền miễn truy tố hình sự từng bảo vệ ông ta trong thời gian ông ta làm tổng thống nay đã không còn bảo vệ ông ta chống lại vụ truy tố này”.
Đi xa hơn, các chánh án cho rằng tuyên bố của ông Trump về quyền miễn truy tố là một mối nguy hiểm cho hệ thống hiến pháp của quốc gia. Phán quyết viết rằng: “Về căn bản, lập trường của ông Trump sẽ làm sụp đổ hệ thống tam quyền phân lập của chúng ta bằng cách đặt tổng thống ra ngoài tầm của cả ba nhánh quyền lực… Chúng ta không thể chấp nhận văn phòng tổng thống đặt những người từng nắm giữ nó lên trên luật pháp kể cả sau thời gian họ tại vị”.
Các chánh án dành cho ông Trump từ đây đến Thứ Hai tuần tới để yêu cầu Tối cao Pháp Viện giải quyết nếu ông không chấp nhận phán quyết.
Theo thông lệ, khi ông Trump khiếu nại lên Tối cao Pháp Viện thì các thẩm phán ở đó sẽ phải quyết định chấp nhận lời khiếu nại của ông hay bác bỏ nó và cho phép phán quyết của tòa phúc thẩm có hiệu lực thi hành. Trong trường hợp Tối cao Pháp Viện từ chối nghe tranh luận về vụ án thì vụ án được trả lại tòa cấp dưới để chánh án Tanya Chutkan ấn định ngày xét xử. Tuần trước bà Chutkan đã huỷ bỏ lịch xét xử ông Trump vào ngày 4 Tháng Ba sắp tới, nhưng vẫn tỏ dấu hiệu cho thấy và sẽ mở toà trong thời gian sớm nhất có thể.
Còn nếu Tối cao Pháp Viện chấp nhận vụ án, thì câu hỏi cấp thiết là phải mất bao lâu các thẩm phán mới ra phán quyết. Nếu họ hành động nhanh, ra quyết định nhanh thì phiên toà xử ông Trump vẫn có thể diễn ra trước ngày bầu cử 5 Tháng Mười Một 2024. Còn nếu các thẩm phán chần chừ thì vụ xử có thể bị đình hoãn đến sau ngày bầu cử, mang lại lợi thế lớn cho ông Trump: ông ta sẽ không bị xoá tên trên phiếu bầu, và nếu may mắn đắc cử, ông ta có thể yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ rút lại đơn kiện hoặc thậm chí tự ân xá cho mình bằng quyền lực tổng thống.
Nếu ông Trump đưa vụ này lên Tối cao Pháp Viện thì cơ quan tư pháp cao nhất nước này phải cùng lúc xem xét hai khiếu nại liên quan tới ông: Một là khiếu nại liên quan tới quyền miễn truy tố hình sự nói trên và hai là khiếu nại phán quyết của tòa án tối cao tiểu bang Colorado xoá tên ông Trump khỏi danh sách ứng cử viên cuộc bầu cử sắp tới do ông ta kích động bạo loạn tấn công Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 6 Tháng Gie6ng 2021, vi phạm khoản 3 Tu Chính Án số 14 của Hiến Pháp.
Tối cao Pháp viện dự kiến sẽ có ý kiến về phán quyết của tòa tối cao Colorado vào ngày Thứ Năm 8 Tháng Hai 2024 sắp tới. Nếu TCPV đồng thuận với phán quyết của Colorado, nhiều tiểu bang khác sẽ nghe theo và gạch tên ông Trump khỏi phiếu bầu tổng thống cho dù ông được đảng Cộng Hòa đề cử làm ứng cử viên đại diện cho đảng. Bà Nikki Haley – đối thủ của ông Trump trong đảng Cộng Hoà, đang mong chờ một phán quyết như vậy từ Tối cao Pháp Viện.
Ông Trump có thể biết ông không được quyền miễn truy tố hình sự, biết khó mà lật ngược phán quyết của tòa tối cao Colorado, nhưng vẫn cứ tiếp tục kháng cáo từ cấp này lên cấp khác, chủ yếu sử dụng những cuộc tranh tụng pháp lý dằng dai để đình hoãn vụ án và các hành vi pháp lý chống lại ông ta.
Ông Trump cũng hy vọng, Tối cao Pháp Viện với sáu thẩm phán có quan điểm bảo thủ, trong đó có ba thẩm phán do chính ông đề cử, sẽ ủng hộ ông và phán quyết có lợi cho ông. Nhưng theo nhiều nhà phân tích, các thẩm phán Tối cao Pháp Viện không phải lúc nào cũng nghe theo ý kiến người đề cử mình mà làm việc theo tinh thần thượng tôn pháp luật; gần đây các thẩm phán bảo thủ trong Tối cao Pháp viện tỏ ra không hứng thú với những nỗ lực của ông Trump nhằm xói mòn các cơ cấu và định chế của nền dân chủ Hoa Kỳ.
Tối cao Pháp viện đang đứng trước một lựa chọn khó khăn chưa từng thấy; họ sẽ sử dụng quyền lực như thế nào, sẽ quyết định ra sao, hãy chờ xem!