Vì sao Việt Nam trở thành ‘cường quốc rượu bia’?

Quán xá mọc ra khắp nơi tại Việt Nam. Ảnh minh họa: TTV

Ngày 14 Tháng Sáu trên báo CafeF có đưa ra một con số về “tửu lượng” bia của người Việt Nam rất đáng báo động: Tây Nguyên là nơi có lượng tiêu thụ rượu bia bình quân cao nhất cả nước với 3.49 lít/nhân khẩu/tháng, tăng gấp 4 lần so với năm 2018; Miền Đông Nam Bộ với 1.99 lít/nhân khẩu/tháng, tăng gấp 2.8 lần so với năm 2018. Các địa phương khác cũng vậy, đều tăng rất cao so với năm 2018.

Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê chỉ ra, lượng tiêu thụ rượu bia năm 2020 đã tăng lên cao hơn hẳn so với các năm trước, cho dù đây là năm đầu tiên áp dụng Nghị định 100 (Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong giao thông đường bộ và đường sắt). Được biết, lượng bia tiêu thụ tăng từ 0.92 lít/người/tháng /năm 2018 lên 1.31 lít/người/tháng /năm 2020. Tính ra tốc độ tăng trưởng của “tửu lượng bia” là 12.5% gấp hơn hai lần tốc độ tăng trưởng kinh tế năm cao nhất gần đây.

Ảnh người dân Việt Nam uống bia vỉa hè: Nguồn CafeF

Còn nhớ, ngày 9/11/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế lúc đó là bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã đọc đánh giá về tình hình tiêu thụ rượu bia trong tờ trình Dự Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia trước Quốc hội do Bộ Y tế biên soạn như sau: “Việt Nam là nước uống bia nhiều nhất Đông Nam Á, thứ ba châu Á và hàng đầu thế giới”. Đây là tài liệu nghiên cứu nên rất đáng tin. Điều dễ nhận thấy và ai có lần ghé đến Việt Nam đều biết quán nhậu ở Việt Nam nhiều kinh khủng, dĩ nhiên số thực khách luôn rất đông. Những thành phố lớn miền Nam như Sài Gòn, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Vũng Tàu, Cần Thơ v.v… chỗ nào cũng có quán nhậu. Quán nhậu khắp nơi, quán nhậu tràn lan.

Số đo lường về “tửu lượng” ấy không đáng ngại bằng con số tăng trưởng mức tiêu thụ rượu bia. Con số tăng trưởng cho biết, người Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào rượu bia nhiều hơn. Theo một điều tra trên báo Tuổi Trẻ năm 2019 thì mỗi năm Việt Nam có đến 10,000 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó liệt kê năm 2018 số người chết là 8,079. Góp phần không nhỏ trong tai nạn giao thông là rượu bia. Năm 2020, chính báo Quân Đội Nhân Dân cũng xác định, chính rượu bia là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông. Nếu hạn chế được tình trạng rượu bia bán tràn lan thì con số chắc chắn sẽ không cao như vậy. Năm 2020 số người chết vì tai nạn giao thông là 6,700 người. Tuy nhiên số người chết giảm ấy không phải do quản lý nhà nước tốt, đã hạn chế tình trạng say xỉn của người dân mà là vì đại dịch Covid-19 khiến cường độ giao thông giảm nên tất yếu tai nạn giao thông giảm theo.

Sơ đồ sự tăng trưởng tửu lượng của người dân Việt các vùng: Nguồn CafeF

Để hạn chế vấn nạn rượu bia, Thái Lan ra quy định: Tất cả các cửa hàng chỉ mở cửa bán rượu bia từ 5 giờ chiều đến 12 giờ đêm, đồng thời họ đánh thuế rất cao vào mặt hàng này. Giá bia ở Thái Lan cao từ gấp rưỡi đến gấp đôi giá bia ở Việt Nam. Còn Singapore thì giá bia rượu cực cao, cao đến mức ít ai dám phí tiền để mua nó. Còn tại Việt Nam thì sao? Chính sách của Việt Nam thì ngược lại, người dân được mua bia hết sức tự do, thoải mái, với giá rất rẻ. Điều này đồng nghĩa với việc khuyến khích người dân tha hồ tiếp cận với loại đồ uống gây nghiện này. Việt Nam cũng có ban hành các nghị định về xử phạt, tuy vậy dường như không hiệu quả. Bởi chính sách dễ dãi về bán đồ uống có cồn của Việt Nam chẳng khác nào “đem mỡ đặt trước miệng mèo”.

Đã từ lâu, quà biếu cho sếp bằng những chai rượu ngoại đắt tiền trở thành mốt thời thượng. Uống rượu ngoại đòi hỏi đồ ăn cũng cầu kì hơn bia, “sang chảnh” hơn bia nên nó được giới có quyền, có tiền ưa chuộng. Ông Đinh La Thăng, một Ủy viên Bộ Chính trị đang thi hành án tù cũng là người thích rượu ngoại. Ông thích uống những chai đắt tiền như Macallan 30 trị giá mỗi chai vài chục triệu. Từ thường dân đến quan chức các cấp, rượu bia vẫn là thứ mà người ta rất ưa dùng. Nếu chính sách về thức uống có cồn mà khắt khe như Thái Lan, như Singapore thì liệu rượu bia có trở nên phổ biến như thế hay không?

Vị trí dẫn đầu khu vực không mấy vẻ vang của người Việt Nam. Ảnh chụp màn hình báo Lao Động

Chính sách về rượu bia mà các nước trong khu vực áp dụng cho thấy tác dụng rất hiệu quả nhưng tại sao Việt Nam không áp dụng? Việc học hỏi những chính sách đơn giản như thế đâu khó khăn gì mà tại sao bao năm qua Chính quyền cộng sản không áp dụng? Chính trong Bản Tuyên ngôn Độc lập ông Hồ Chí Minh đã tố thực dân Pháp rằng “Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược”, nhưng hiện tại Nhà nước cộng sản lại không làm khác thực dân Pháp được. Tại sao và tại sao?

Để điều hành đất nước, Chính phủ ra rất nhiều chính sách. Có thể thả lỏng chính sách này, nhưng siết chặt chính sách kia, để làm sao bảo đảm được nguồn thu cho ngân sách nhà nước và tạo ra hiệu quả tốt nhất có thể. Đấy là sự linh hoạt trong cách điều hành đất nước. Nếu nhà nước CS đánh thuế rượu bia thật cao để bù đắp vào việc miễn giảm thuế cho xăng dầu thì rất có lợi. Làm như thế vừa hạn chế người dân tiêu thụ rượu bia, vừa làm cho đời sống người dân tốt hơn nhờ giá xăng dầu thấp, Nhà nước cũng giảm thiểu được áp lực lạm phát.

Báo Quân Đội Nhân Dân thừa nhận rượu bia là nguyên nhân hàng đầu của TNGT ở Việt Nam

Những công dân Việt Nam ý thức muốn đặt ra những câu hỏi về các chính sách khó hiểu mà nhà nước CS đang áp dụng. Chính sách nào cũng phải nhằm vào mục đích cho sự phát triển, vậy những chính sách của Nhà nước cộng sản có mục đích gì? Đó là điều người dân đòi hỏi Nhà nước phải giải thích cho dân được rõ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: