Việt Nam tự hạ thấp trong mắt các nhà quan sát nhân quyền

Saigon Nhỏ phỏng vấn bà Shira Sebban về sự kiện Võ An Đôn
Luật sư Võ An Đôn (trái) từ lâu được biết đến với hình ảnh luật sư đấu tranh cho người nghèo (Facebook)

Các tổ chức và những nhà hoạt động nhân quyền tiếp tục mạnh mẽ lên án chính quyền Việt Nam qua vụ ngăn cản luật sư Võ An Đôn và gia đình xuất cảnh đi tị nạn chính trị ở Hoa Kỳ. Trong một tuyên bố, ông Phil Robertson – Phó giám đốc phân ban châu Á Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) không ngần ngại gọi đó là “những trò bẩn thỉu” (dirty tricks) và ông nói những phiên tòa xử người bất đồng chính kiến mà chính quyền đã “chính trị hóa” (political sensivity) để kết án họ trong những phiên “tòa bỏ túi” (kangaro’s court).

Từ Úc, bà Shira Sebban, một cựu ký giả, nhà văn và hiện làm việc cho một công ty luật chuyên về người tị nạn và người tầm trú ở Sydney, cũng lên tiếng về vấn đề này. Bà có mối quen biết với luật sư Võ An Đôn từ năm 2016, khi ông biện hộ cho những thuyền nhân Việt Nam bị Úc trả về. Tháng Sáu 2022, bà đã gặp luật sư Đôn ở Việt Nam. Trả lời Saigon Nhỏ về việc luật sư Đôn bị chặn, bà Sebban chia sẻ nhiều chi tiết…

Shira Sebban (trái, áo đen) và Võ An Đôn (phải, áo xanh) trong lần gặp ở Việt Nam, Tháng Sáu 2022 (Facebook)

Lê Phan: Bà có thể cho biết mối thân giao giữa bà và luật sư Đôn như thế nào?

Shira Sebban: Tôi đã làm việc với ông Võ từ cuối Tháng Bảy 2016 và chúng tôi vẫn giữ liên lạc. Với tôi, ông ấy là một người đáng kính và vượt trội. Ông ấy quan tâm sâu sắc đến những người cần giúp đỡ. Ông ấy cũng can đảm, biết phân biệt đúng sai và không bao giờ ngại nói ra suy nghĩ của mình. Ông ấy đã dành phần lớn thời gian và sức lực trong suốt cuộc đời hành nghề luật sư để giúp đỡ người nghèo và người kém may mắn.

Ông ấy được mệnh danh là “luật sư của dân nghèo”, sẵn sàng cãi miễn phí, tư vấn pháp luật miễn phí cho hàng trăm trường hợp. Hầu hết người Việt Nam xin tị nạn mà tôi từng hỗ trợ đều đến với tôi thông qua ông Võ. Tôi biết tôi có thể tin tưởng vào sự lượng định của ông ấy cho nên khi ông thay mặt họ yêu cầu sự giúp đỡ của tôi thì có nghĩa là điều đó thực sự cần thiết.

Bà cảm thấy thế nào khi nghe tin Võ An Đôn và gia đình bị chặn tại sân bay?

Tôi rất sốc và buồn khi nghe tin Võ An Đôn và gia đình bị chặn lại ở sân bay, và tôi đã không thể ngừng nghĩ về họ suốt từ đó đến nay. Tương lai của ông Võ ở Việt Nam là hoàn toàn không thể đoán được; ông và gia đình hầu như không có cách nào để tự vệ chứ đừng nói đến cuộc sống đầy đủ và ý nghĩa.

Xin lỗi phải cắt ngang. Từ đâu mà bà cho rằng “ông ấy và gia đình hầu như không có cách nào để tự vệ” về hoàn cảnh hiện tại của ông Võ An Đôn?

Khi gặp tôi lần đầu tiên tại Sài Gòn vào cuối Tháng Sáu 2022, ông ấy đã đi 12 tiếng mỗi lượt đi và về bằng xe đò từ nhà ở Phú Yên. Ông ấy đã chỉ cho tôi những vết phồng rộp trên tay do cày cuốc, một công việc lao động cực nhọc và là phương kế sinh sống duy nhất để nuôi sống gia đình. Ông cũng cho tôi biết từ lúc ông bị tước giấy phép hành nghề luật sư vào năm 2018 và phải làm nông để nuôi vợ con, trong đó có ba trẻ em từ mười tuổi trở xuống, gia đình ông hoàn toàn bị cô lập.

Chính quyền Việt Nam đã phát tán những lời đồn tiêu cực về họ, khiến hàng xóm sợ hãi và né tránh. Họ sợ bị liên lụy. Đó không phải là cuộc sống. Đó thật sự không phải là cuộc sống cho một con người, cho một người đàn ông có chí hướng phụng sự nhân sinh, giúp đỡ những đồng bào kém may mắn với tư cách là một luật sư.

Do đó phải nói là tôi rất vui mừng khi biết tin ông ấy và gia đình được phép sang Mỹ tị nạn. Nhưng niềm vui vừa nhóm lên thì thông tin về việc họ buộc phải trở về lại Phú Yên trong một tình huống bão tố, phải sắm sửa lại những vật dụng gia đình mà họ đã cho đi khi chuẩn bị chuyến đi, phải xin xỏ để con mình được đi học trở lại, và quay trở lại với cuộc sống bị cô lập, bị bao vây và nghèo khó…, đã khiến tôi buồn và tức giận, vì điều ấy quá bất công.

Khi ngăn cản gia đình ông Đôn xuất cảnh, chính quyền Việt Nam nại lên lý do “an ninh quốc gia”. Bà có tin rằng Võ An Đôn và gia đình rời Việt Nam là một nguy cơ cho “an ninh quốc gia” Việt Nam?

Không, tôi không nghĩ Võ An Đôn đã làm gì sai. Khi ba trong những gia đình Việt Nam bỏ trốn lần thứ hai vào đầu năm 2017, nhà chức trách Việt Nam nghi rằng ông Đôn đã tổ chức cho họ trốn khỏi đất nước, nhưng điều đó không đúng, và chính quyền không bao giờ có bất kỳ bằng chứng nào để truy tố ông ấy. Những gia đình này khẳng định rằng luật sư Võ An Đôn hoàn toàn không biết gì về kế hoạch của họ trước khi họ rời đi.

Là một luật sư, ông Võ cũng nổi tiếng là người lên tiếng mạnh mẽ trong các phiên tòa bị chính trị hóa, bào chữa cho những người là nạn nhân tra tấn của công an hoặc những người bất đồng chính kiến ​​bị buộc tội gây rối trật tự công cộng, âm mưu lật đổ chính phủ hoặc tuyên truyền chống Nhà nước. Ai cũng biết rằng nhiều năm liền, ông liên tục bị quấy rối, phải đối mặt với những lời đe dọa giết chết từ công an, từ những kẻ giả danh côn đồ và cả côn đồ thật được thuê.

Khi tước quyền hành nghề của luật sư Võ, chính quyền cáo buộc ông “lạm dụng quyền tự do ngôn luận” vì tiếp xúc với báo chí nước ngoài, là “bôi nhọ” và “tố cáo sai sự thật nhằm chống lại uy tín của đảng cộng sản, nhà nước và các luật sư Việt Nam”. Phải chăng đây là ý của nhà cầm quyền Việt Nam khi họ nói ông là một nguy cơ đối với “an ninh quốc gia”? Nói cách khác, ông sẽ tiếp tục “làm tổn hại đến uy tín và danh dự của đất nước”, làm xấu mặt những người nắm quyền bằng cách lên tiếng và đấu tranh cho công lý. Tất cả những gì tôi biết là ông Võ chưa bao giờ hối hận về những gì ông đã làm cho những người dân gặp khó khăn và sẽ tiếp tục nói lên sự thật.

Ông Võ An Đôn (Facebook)

Là một người ủng hộ những người xin tị nạn và người tị nạn, bà nói gì thêm về vấn đề này?

Tôi có thể nói rằng nếu ông Võ và gia đình, với tư cách những công dân tuân thủ luật pháp, đã đi qua các kênh thích hợp và được cấp phép để xin tị nạn ở Hoa Kỳ, họ có thể tự do rời khỏi Việt Nam một cách yên ổn như đã được sắp xếp.

Bà nhận xét gì về tuyên bố mạnh mẽ của ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về Việt Nam, về việc chính quyền Việt Nam ngăn chặn ông Đôn?

Tuyên bố của Phil Robertson đại diện cho Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã thể hiện sự mạnh mẽ một cách dứt khoát, cáo buộc chính phủ Việt Nam việc hạn chế quyền tự do đi lại của các nhà hoạt động nhân quyền, chẳng hạn Võ An Đôn, bằng cách viện dẫn những lý do mơ hồ về “an ninh quốc gia”. Theo HRW, lý do thực sự khiến ông Võ bị ngăn cản ra nước ngoài là chỉ nhằm ngăn ông nói ra tất cả những gì ông phải gánh chịu.

Võ An Đôn và gia đình đã bị chặn tại sân bay trước sự chứng kiến ​​của các viên chức IOM (International Organization for Migration). Theo kinh nghiệm của bà với tư cách là người hoạt động cho người tị nạn và người tầm trú, bà nghĩ IOM sẽ làm gì?

Tôi hiểu rằng vai trò IOM là giúp các cơ quan chức năng hỗ trợ nhân đạo cho những người di cư có nhu cầu, trong đó có những người tị nạn. Liên quan trường hợp ông Võ An Đôn, trách nhiệm IOM là sắp xếp các chuyến bay cho ông Võ cùng gia đình, giúp họ đến sân bay và lấy các giấy tờ cần thiết để lên máy bay. Còn việc họ được phép rời khỏi đất nước hay không thì tùy thuộc vào chính phủ Việt Nam.

Không lâu trước vụ ngăn chặn xuất cảnh của luật sư Đôn và gia đình, ngày 4 Tháng Tám 2022, Việt Nam chính thức xác nhận tư cách ứng viên vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025. Bà thấy sao về điều này?

Trong Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc hiện tại, có không ít thành viên có hồ sơ nhân quyền không mấy tốt đẹp, đặc biệt phải kể đến Trung Quốc, Eritrea, Libya, Somalia, Sudan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Liên bang Nga (cho đến khi quốc gia này bị đình chỉ vào Tháng Tư 2022). Vì vậy, Việt Nam hẳn sẽ có “bạn”. Với tất cả những gì tôi biết, tôi thấy rõ rằng sự đối xử tồi tệ mà ông Võ và gia đình đang gánh chịu hoàn toàn không phù hợp với một quốc gia mong muốn tham gia vào một cơ quan liên chính phủ có trách nhiệm “thúc đẩy và bảo vệ tất cả quyền con người trên toàn cầu”.

___________

Về bà Shira Sebban

Shira Sebban là một nhà văn và đại diện pháp lý cho di trú cộng đồng. Hiện bà làm việc cho công ty luật Human Rights For All tại Sydney – Úc Châu, chuyên hỗ trợ những người tị nạn, tầm trú và những người không quốc tịch, đặc biệt những người bị giam giữ dài hạn. Bà cũng là thành viên của Tổ chức Hỗ trợ Người xin tị nạn Sydney (SASS); và là người hướng dẫn tại Bảo tàng Do Thái Sydney về Holocaust và nhân quyền.

Bà Shira Sebban (Facebook)

Trước khi chuyển sang làm việc trong lĩnh vực nhân quyền, bà là nhà báo cộng tác với các tờ The Sydney Morning Herald, The Guardian, Biostories, The Australian, Independent Australia, New Matilda, Eureka Street… Trong thời gian làm đề án tiến sĩ, bà dạy tiếng Pháp cho sinh viên đại học. Cuốn sách đầu tiên của bà ra mắt năm 2018, Unlocking The Past: Stories From My Mother’s Diary, dựa trên nhật ký của mẹ bà ghi chép về đời sống Israel trong những năm 1950. Cuốn sách thứ hai sắp ra mắt – Bridging Borders – kể về hành trình các gia đình thuyền nhân Việt Nam đi tìm tự do sau khi bị trả về và hành trình bà đến với họ.

Dịp sinh nhật Nữ hoàng Elizabeth II vào Tháng Sáu 2022, bà Shira Sebba được trao Medal of the Order of Australia (OAM) cho những đóng góp phục vụ cộng đồng. Shira bắt đầu liên lạc với Võ An Đôn qua Facebook của ông vào năm 2016, đề nghị hỗ trợ cho bốn đứa trẻ của một gia đình xin tị nạn bị trả về sau khi Hà Nội hứa với chính phủ Úc không trừng phạt họ. Thế nhưng ngay khi về đến nơi, họ đã bị chính quyền bắt nhốt và bị kết án ba năm tù. Một trong những gia đình đó có cha mẹ đều bị kết án khiến bốn đứa con có nguy cơ vào trại mồ côi. Người mẹ, bà Trần Thị Thanh Loan, sau đó được hoãn thi hành án để có thể trông con cho đến khi chồng mãn hạn tù.

Bà Trần Thị Thanh Loan sau đó vượt biên lần thứ hai cùng hai phụ nữ khác. Chuyến đi bão tố của họ là đề tài của nhiều bài báo quốc tế. Câu chuyện ly kỳ và quả cảm của các phụ nữ Việt Nam liều mạng với cái chết để tìm đường sống cho con cái họ cuối cùng có được kết cuộc tốt nhờ tình thương và sự tận tụy của người phụ nữ Úc gốc Do Thái Shira Sebban. Để 20 ngư dân làng chài nghèo Lagi Bình Thuận có thể gọi đất nước Canada là nhà là một hành trình dài gây cấn, quả cảm và đẫm tính nhân văn mà Saigon Nhỏ sẽ đem đến cho độc giả một ngày gần đây.

________

Lê Phan, đặc phái viên Saigon Nhỏ tại Úc

ĐỌC LẠI: Luật sư Võ An Đôn và gia đình bị chặn xuất cảnh đi Mỹ định cư

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: