Xã hội Việt Nam đang cần một nền công lý không bị thao túng

Ảnh: Tingey Injury Law Firm/Unsplash

Ngày 11 Tháng Chín 2001, toàn nước Mỹ sục sôi lòng căm hận sau cuộc tấn công khủng bố cướp đi nhiều ngàn mạng người vô tội. Chỉ ba ngày sau sự kiện chấn động đó, Quốc hội Mỹ nhanh chóng bỏ phiếu thông qua quyết định trao cho tổng thống quyền gây chiến để trả đũa. Mỹ sau đó xâm lược Afghanistan.

Trong số 519 thượng nghị sĩ và dân biểu của Lưỡng viện tham gia bỏ phiếu hôm đó, chỉ một người bỏ phiếu chống: Dân biểu Barbara Lee. Bà sau đó bị xã hội Mỹ lên án là phản quốc, vô số cuộc gọi, tin nhắn, lá thư với nội dung mạt sát, chỉ trích, và cáo buộc được gửi đến văn phòng của bà, biến bà trở thành người bị ghét nhất nước Mỹ.

Tháng Tám 2021, sau hai thập niên chiến tranh với hàng ngàn lính Mỹ tử trận, và hàng ngàn tỷ đôla đổ vào nỗ lực chiến tranh. Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan, thừa nhận không thể tiếp tục ở lại. Lúc bấy giờ người ta mới lục lại đoạn video quay lại bài phát biểu của bà Barbara Lee hai mươi năm trước, để xem vì sao lúc đó bà lại phản đối việc trao cho tổng thống quyền gây chiến.

Bài phát biểu có đoạn: “Trong lúc đất nước chúng ta còn đang đau xót, ai đó cần phải phải nói rằng hãy lùi lại một bước, hãy dừng lại một lát và suy nghĩ về hệ quả của điều chúng ta làm hôm nay, để nó không vượt ra khỏi tầm kiểm soát một ngày nào đó”. Cuộc chiến ở Afghanistan đúng là đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của nước Mỹ.

Câu chuyện này cho chúng ta thấy càng ở trong hoàn cảnh cả xã hội bị cuốn vào một cơn thịnh nộ nào đó thì càng cần những tiếng nói ngược dòng để giúp tìm ra những chi tiết vô cùng quan trọng nhưng đã bị bỏ sót, vì mọi người đã bị choán lấy bởi cơn giận nên mất đi khả năng suy xét. Barbara Lee không phải không yêu nước Mỹ, nhưng chính vì trách nhiệm của bà đối với đất nước trên cương vị của một dân biểu mà bà phải hành động trái với phần còn lại.

Chứng kiến cảnh xã hội Việt Nam đang bị cuốn vào những làn sóng liên tiếp liên quan đến vụ bé Vân An bị đánh chết, và những cáo buộc ở Tịnh thất Bồng Lai, thì thấy đây là dịp thích hợp để nhớ lại câu truyện của bà Barbara. Người dân cần công lý, đây là điểm rõ ràng và phù hợp. Nhưng công lý ấy phải được thực thi một cách chuẩn mực thì mới vẹn toàn.

Kẻ đánh chết bé Vân An cần phải bị đưa ra xét xử và bị trừng phạt thích đáng, nhưng quá trình đó phải được thực hiện đúng quy định của pháp luật và các bên liên quan phải được hưởng đủ quyền. Nếu không thì dù bản án giáng xuống kẻ thủ ác có nặng đến mấy thì đó vẫn là công lý què quặt, bởi việc thực thi công lý tự thân nó đã bất công.

Do vậy, tòa án không thể ngồi bàn với viện kiểm sát và cơ quan công an về bản án, bởi như vậy là vi phạm tính vô tư và độc lập của tòa. Đáng tiếc thay điều này lại xảy ra. Giờ đây, dù bản án có là gì, nặng hay nhẹ, thì đâu có thể nói là tòa đã công minh.

Đối với vụ Tịnh thất Bồng Lai, trong bối cảnh cả xã hội lan truyền thông tin phả hệ và các cáo buộc loạn luân, thì cần phải có những người nhắc nhở chúng ta về tính chính xác của những thông tin đó. Giờ đây khi bốn người đã bị bắt, trong bầu khí hả hê của đại chúng, thì lại cần ai đó nhắc chúng ta rằng những người này cần phải được xét xử công bằng và nghiêm minh. “Điều 331” là gì? Có phù hợp để khép tội những người này hay không? Tại sao báo chí không bao giờ cho họ quyền được nói, được trình bày? Tại sao luật sư muốn biện hộ cho họ lai bị công an ngăn cản?

Yêu cầu thực thi đúng tinh thần pháp luật không phải là không thương bé Vân An, cũng không phải là ủng hộ Tịnh thất Bồng Lai. Nó là đòi hỏi cần thiết nhằm giúp tạo ra công lý thực sự, và chỉ công lý thực sự mới đem lại những điều tốt đẹp cho xã hội.

(Tựa do SGN đặt)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: