Xin thưa chuyện với ông Bộ trưởng Giáo dục

Hý hoạ: DAD

Thưa ông Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn,

Từ ngày ông nhậm chức tới nay người dân chúng tôi thật khó mà biết ông đang làm gì, ở đâu. Cho tới hơn nửa nhiệm kỳ ông làm cho chúng tôi vui mừng vì té ra ông… còn sống và đang tại chức khi thấy báo chí loan tin sáng ngày 15 Tháng Tám ông gặp gỡ, thảo luận với hàng ngàn giáo viên cả nước. Vừa vui vừa lo, vui vì ít ra ông làm được một việc phải làm, lo là sợ ông lại vạ miệng như nhiều đời bộ trưởng khác. Vui vì hàng ngàn giáo viên có thể nói lên tiếng nói của riêng mình mà chỉ có họ mới biết. Buồn vì khi nghe được tâm tư nguyện vọng của họ có chắc rằng ông sẽ giải quyết được hay không, bởi ông chỉ là một con ốc trong guồng máy, nếu có tấm lòng đi nữa thì chắc gì đã thoát ra được cái hệ thống nổi tiếng bào mòn ý chí của bất cứ ai muốn thay đổi, sửa sai.

Đọc trọn bài báo chúng tôi không thể nói là “thất vọng” mà phải là “tuyệt vọng”. Ông Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn không trả lời trực tiếp bất cứ câu hỏi nào của giáo viên cả nước gửi về mà chỉ vuốt đuôi họ bằng một câu kết luận rất văn mẫu: “Đội ngũ giáo viên là yếu tố quan trọng trong tiến trình đổi mới”. Cái tiến trình ấy nào phải bây giờ mới có vì chữ “đổi mới” người dân chúng tôi đã quá thuộc bài, chỗ nào có đổi mới là chỗ đó có vấn đề. Chắc trước khi nhận chức bộ trưởng Bộ Giáo dục ông đã nghe đầy tai, đã thấy ngập mắt về những gì mà Bộ Giáo dục gây ra cho dân chúng, cho học sinh, sinh viên các cấp. Cái mà ông gọi là đổi mới chẳng qua là quay trở lại vạch xuất phát, chờ tiếng súng lệnh của ông rồi… chạy.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Kim Sơn (Ảnh Dân Trí)

Vâng, chạy là động từ chuẩn nhất dùng để miêu tả việc đổi mới mà bao đời bộ trưởng Giáo dục đã vạch ra. Từ lúc vào đại học sư phạm, sinh viên đã lo chạy cho ngày ra trường có nơi thu nhận mình. Họ chạy bằng mọi cách từ tiền bạc tới thân xác miễn làm sao có nơi để dạy những gì mà họ học được từ mái trường sư phạm các ông. Họ chạy cho hiệu trưởng, chạy cho các sở giáo dục từ huyện tới tỉnh, bất kể xa hay gần, đồng bằng hay núi non miễn sao được một chỗ cho cha mẹ vui lòng vì trót bỏ ra tiền của nuôi họ ăn học. 

Sau nhiều năm ngồi vào ghế giáo viên họ lại thất vọng ê chề, tư tưởng chạy lại xuất hiện trong đầu khi nghe bạn đồng nghiệp của họ hồi gần đây bỏ dạy mà chạy sang Đài sang Hàn làm công nhân thay vì dạy học. Lần chạy này tuy phải bỏ khá tiền cho các công ty môi giới nhưng bù lại số lương họ kiếm gấp vài chục lần hơn đồng lương chết đói mà họ nhận được trong vai trò gõ đầu trẻ. Cái chạy này đang lây lan như dịch, chỉ mới năm ngoái mà đã có hơn 20 ngàn giáo viên bỏ chạy nơi họ từng ấp ủ lý tưởng cao đẹp là đứng lớp dạy cho trẻ con những điều tử tế.

Giáo viên chạy đã đành, học sinh cũng chạy.

Bọn chúng chạy vì bài học quá nặng, giờ học quá ken nhau. Chúng không còn một khoảng thời gian trống nào để vui chơi trong lứa tuổi mới lớn. Chúng bị gò vào bàn học tại nhà rồi những lớp học thêm nặng trĩu. Chúng bỏ chạy trong tư thế thụ động, có học hay không cũng không làm chúng vui hơn. Ngay từ lúc ấu thơ bọn chúng đã muốn chạy ra khỏi cái vòng kềm tỏa của giáo dục rồi thì lớn lên liệu có mấy đứa học hành ra ngô ra khoai?

Rồi phụ huynh chúng tôi cũng phải tham gia vào cái phong trào chạy cả nước ấy. Chúng tôi thức khuya để ngồi trước một ngôi trường mẫu giáo được gọi là “điểm” để nộp đơn cho con em mình vào học. Chúng tôi chạy đua với nhau để không bị rớt lại phía sau vì chỉ tiêu nhận học sinh thì ít mà người nộp đơn thì nhiều. Chúng tôi chạy tiền đóng học phí cho con trong khi các ông cứ kêu gào nền giáo dục của các ông là “giáo dục phổ thông” nhưng lại nhận tiền học phí không xấu hổ chút nào. Chúng tôi chạy tiền học phí từ khi bọn trẻ vào mẫu giáo cho tới hết lớp 12. Bao nhiêu năm đó ông bộ trưởng nghĩ đã đủ chưa?

Nào có hết, bên cạnh học phí là sách giáo khoa, thứ làm cho chúng tôi mất ngủ mà không cách nào chạy trốn được. Không trốn được thì phải chạy tiền mà đóng, bằng không làm sao con tới trường với cái ba lô rỗng tuếch? 

Hý hoạ: VTC News

Bọn nhỏ đã vậy nhưng khi chúng lớn lên theo học đại học lại càng bi đát hơn. Bọn chúng ra trường không doanh nghiệp nào chấp nhận vì mớ kiến thức hổ lốn các ông dạy cho con cháu chúng tôi không thể áp dụng vào thực tế. Bọn chúng lại tiếp tục chạy nhưng lần này thì chạy… xe ôm, được trân trọng hóa bằng danh từ Grab. Dịch vụ chạy shipper tức là đem đồ ăn thức uống cho khách, chở khách từ nơi này tới nơi kia… Chạy Grab có vẻ “sang trọng” hơn mấy bác xe ôm lớn tuổi vì chúng nó là sinh viên, sau bốn năm cần mẫn bây giờ có thể nói vài câu tiếng Anh khi giao tiếp với khách ngoại quốc, đây là điểm son mà các ông mang đến cho chúng.

Ông bộ trưởng tiếp tục giẫm vào vết xe của nhiều đời bộ trưởng khác khi tiếp tục rao giảng những thứ làm cho giáo dục khởi sắc bằng… khẩu hiệu! Trong những khẩu hiệu rổn rảng ấy nhiều nhất là thi đua, và vì thi đua nên nhân viên Bộ Giáo dục từ ông thầy đứng lớp tới ông lao công giữ trường. Từ hiệu trưởng tới giáo viên mọi người thi nhau chạy để rồi sau mỗi quý được bình chọn thì học sinh của chúng ta đều tốt đến không ngờ.

Ông bộ trưởng có yên tâm không khi nhìn thấy cái kết quả trần trụi ấy? 

Trở lại với cuộc họp mặt hoành tráng mà ông bộ trưởng vừa thực hiện làm người dân chúng tôi rất ngạc nhiên khi ông nói trước mọi người rằng “Lỗi của chúng ta chưa làm cho xã hội hiểu được chúng ta”

Khi biết ông tự trách như vậy chúng tôi tự kiểm duyệt lại chính mình xem tại sao như thế. Bộ Giáo dục nói gì làm gì chúng tôi đều biết vậy thì cái sự “hiểu” là như thế nào?

Hay ông bộ trưởng xem đầu óc chúng tôi chưa mở mang đủ để thu nhận những tinh túy, những cốt lõi của những thứ ông và cái bộ của ông tung ra bằng ngôn ngữ? Vậy thì giải pháp hay nhất là các ông bớt đào tạo tiến sĩ, giáo sư đi, lúc ấy tư duy của các ông sẽ tụt xuống bằng người dân chúng tôi và ắt cái sự hiểu nhau lập tức tới thôi phải không thưa ông bộ trưởng?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Lối sống con lắc
Việc liên tục theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng rất khó khăn. May thay, có một quan điểm mới…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: