Về bài của ông Nguyễn Hữu Liêm: Việt Kiều và Nhà nước VN

BÌNH LUẬN CHỦ NHẬT
Share:
Bài của ông Nguyễn Hữu Liêm trên BBC Tiếng Việt. Ảnh chụp màn hình.
Thời Sự
Thời Sự
Về bài của ông Nguyễn Hữu Liêm: Việt Kiều và Nhà nước VN
Loading
/

Ông Nguyễn Hữu Liêm, một người Việt ở San Jose, California vừa gây sóng gió qua một bài viết đăng trên trang BBC Tiếng Việt hôm 19 Tháng Mười. Bài của ông Liêm nhan đề “Việt Kiều và Nhà nước VN: ‘Đã đến lúc cần chính sách mới hơn Nghị quyết 36’” thuật lại một buổi gặp mặt tại nhà riêng của ông hôm 14 Tháng Mười, giữa “Uỷ ban người Việt ở nước ngoài đến từ Hà Nội và một số nhân sĩ Việt kiều, hầu hết là từ miền Nam”, để trao đổi “về các chính sách đối với kiều bào”. Từ cuộc trao đổi, ông Liêm kêu gọi: “Tôi đề nghị Bộ Chính trị hãy cho ra một Tân Nghị quyết về người Việt ở nước ngoài… Ông Liêm, được biết là một tiến sĩ Luật, tiến sĩ Triết học nhưng các nhận định của ông xem ra phiến diện và sai lầm một cách thảm hại! 

Mở đầu bài tường thuật, ông Liêm cho biết ông Ngô Trịnh Hà,  Phó chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, “đánh giá Nghị quyết 36 là một thành công lớn, một bước ngoặt quan trọng trong chính sách của Đảng đối với Kiều bào trong tiến trình hòa giải dân tộc để cùng chung tay xây dựng đất nước, hướng về tương lai.” Trong khi đó, “phía nhân sĩ kiều bào thì cho đó là một thất bại từ cơ bản vì nó không giải hóa được hố sâu ngăn cách giữa người Việt tỵ nạn và thể chế chính trị Cộng sản Việt Nam.” 

Về Nghị quyết 36

Nghị quyết 36, tên đầy đủ là Nghị quyết số 36/NQ-TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, được Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) ban hành ngày 26 Tháng Ba 2004, đến nay đã qua 18 năm; thành công hay thất bại đã rõ, không cần phải bàn nhiều. Chỉ cần để ý một chuyện thời sự đang nóng trên đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) hôm 22 Tháng Mười: “Thúy Nga Paris và ‘một phần dân tộc bị tách rời’” thì đủ biết. Một chương trình nhạc hội bằng tiếng Việt, do các nghệ sĩ người Việt trình bày cho 10,000 khán giả người Việt thưởng thức nhưng phải tổ chức ở Thái Lan vào lúc ở trong nước các chương trình biểu diễn của Khánh Ly, Thanh Tuyền liên tục bị ngăn chặn vào phút chót!

Như một thư ký cần mẫn, ông Liêm đã tóm tắt ý kiến của các “nhân sĩ kiều bào” về hố sâu ngăn cách giữa họ với đảng CSVN, tạo ra từ những sai lầm lớn lao và ác độc của đảng CSVN sau năm 1975, “từ học tập cải tạo tàn ác, đến đánh tư sản, đánh Hoa kiều, chế độ lý lịch khắt khe, chính sách lùa dân thành thị lên các vùng kinh tế mới rừng thiêng nước độc, xua đuổi và cướp nhà cửa, tài sản, đưa hàng trăm ngàn dân vượt biển, vượt biên đường bộ, để bị cưỡng hiếp bởi hải tặc, chết khát, chết vì mìn bên Campuchia”. Ông cho rằng, đây là những tội ác lịch sử mà tổ chức chính trị mang tên đảng CSVN chưa lần nào nhìn nhận trực diện, chưa sòng phẳng. 

Ông Liêm thuật lại ý kiến của nhóm “nhân sĩ kiều bào”, nhưng ý chính của ông là để nhấn mạnh, “Nghị quyết 36 đã là một cách mạng về tư duy lớn của Đảng [chữ đảng viết hoa trong bài là của ông Liêm] đối với chính sách về kiều bào”. Bài viết của ông Liêm chẳng những không làm phật lòng Hà Nội mà là một bài tuyên truyền chính trị có đẳng cấp cho tính chính danh cai trị của đảng CSVN mà đội ngũ dư luận viên đông đúc của đảng ở trong nước không đủ trình độ để viết ra và đăng lên BBC như ông Liêm. Với đảng CSVN, ông Liêm xứng đáng được khen thưởng.

Đảng CSVN đã thay đổi?

Cốt lõi trong bài viết của ông Liêm là lập luận khẳng định đảng CSVN đã thay đổi, đã “vươn thoát khỏi những sai lầm chính sách của trí tuệ nông dân”, thậm chí đã có công phát triển đất nước và có thiện chí với kiều bào. 

Ông viết: “Từ cáo buộc phản quốc, bắt giam, đối với người vượt biên những năm sau 1975, nay Đảng đã chính thức công nhận Kiều bào là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc. Từ gởi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang quận Cam, California, gặp mặt Kiều bào, cho phép cựu Phó Tổng thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ, Nhạc sĩ Phạm Duy… về sống ở nước nhà, cho đến chính sách miễn thị thực, công nhận song tịch, vấn đề mua bán bất động sản, Đảng CSVN đã chứng tỏ những thiện chí vượt bực.”

Và ông kể lại: “Những ai về nước gần đây, đi vào vùng xa, làng thôn, dù nghèo khó vẫn còn đó, nhưng đời sống chung của quần chúng đã được nâng cao rất nhiều. Nay dân chúng không còn ăn để no, mà phải ngon; mặc không chỉ đủ ấm, mà phải đẹp. Chúng ta phải công bằng ghi cho Nhà nước VN điểm cộng.” 

Một lớp học của trẻ em vùng cao miền Bắc Việt Nam sau hơn 70 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ảnh KênhSinhViên.net

Quả là cái nhìn của một “kiều bào” được đảng CSVN mời về, đưa đi đây đó có xe cảnh sát hụ còi dẫn đường, nên ông không nhìn thấy thảm nạn của đất nước. Ông đâu thấy hàng vạn nông dân bị mất đất, trở thành dân oan phải vật vờ khiếu kiện nơi vườn hoa, hè phố. Ông đâu thấy hàng trăm ngàn công nhân bị vắt kiệt sức trong các xưởng mồ hôi mà tiền lương không đủ sống. Ông đâu thấy nền giáo dục, y tế tan hoang dưới chính sách “xã hội hóa” của đảng CSVN, đạo đức luân lý  suy đồi vô phương cứu vãn. Có người tự vẫn để con cái có tiền phúng viếng mà đi học, có người chở thi thể người thân trên xe gắn máy từ bệnh viện về nhà hàng chục cây số vì không đủ tiền thuê xe cứu thương.

Đằng sau những tòa cao ốc lung linh của Vạn Thịnh Phát, Vin Group, Sun Group, Tân Hoàng Minh, FLC, Đại Quang Minh… là biết bao nhiêu phận đời tăm tối, ông đâu nhìn thấy được. Bao chàng trai trở thành món hàng “xuất khẩu lao động” nơi xứ người, bao cô gái cam phận làm điếm ở Mã Lai, Singapore, Campuchia để cứu gia đình khỏi nghèo đói… Ngay trong những đồng nghiệp của ông, những giảng viên đại học, đã có bao người lên bục giảng mà phải nhìn trước ngó sau, thận trọng từng câu từng chữ, biết đâu lỡ lời đụng chạm tới đảng, nhà nước thì có thể bị bể nồi cơm vì trong đám sinh viên dưới kia không thiếu những “đảng viên, đoàn viên” làm chỉ điểm cho an ninh, mật vụ.

Những lời dẫn trên về sự giác ngộ của ông Liêm trước cái gọi là sự thay đổi, “vươn thoát” của đảng CSVN chứng tỏ ông ta có cái nhìn thật thiển cận. Nhận thức luận của lãnh tụ cộng sản V.I. Lenin gọi hiện tượng này là “thấy cây mà không thấy rừng”, nhận thức chỉ dựa vào những gì cảm nhận được bằng giác quan trong một bình diện hẹp, không phân biệt hiện tượng và bản chất, bộ phận và toàn thể. 

Về người cộng sản

Ông Liêm dựa trên nguyên lý về sự vận động, vạn vật chuyển hóa theo thời gian, để luận ra rằng: “chế độ và con người cộng sản Việt Nam đã và đang thay đổi”… Ông dẫn chứng những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc của ông với những cán bộ cấp trung của chế độ, viên sĩ quan an ninh cấp tá mời ông uống cà phê, thậm chí một vài nhân vật trong Bộ Chính trị đảng CSVN mà ông có lần gặp gỡ, quen biết để đi đến kết luận rằng “tôi không thấy con người cộng sản nào ở họ, từ ngôn ngữ, nhân cách, phong thái”, “theo tôi họ không còn và không phải là người cộng sản”!

Vâng thưa ông Liêm, qua tiếp xúc bề ngoài, người cộng sản bây giờ không còn là những bần cố nông chân đất mắt toét, những thợ thuyền vô sản trên răng dưới dái đi làm cách mạng để “bao nhiêu lợi quyền tất vô tay mình” như lời bài Quốc Tế Ca, mà không ít đảng viên cộng sản đã là những nhà tư bản đỏ, sống và làm việc trong các dinh thự nguy nga, đi xe hơi đắt tiền, ăn uống sơn hào hải vị, ra nước ngoài chơi golf như các bà đi chợ. 

Trần Đình Thành, Bí thư Tỉnh ủy ĐCSVN tỉnh Đồng Nai vừa bị bắt tối 19 Tháng Mười và dinh thự nguy nga của y. Ảnh Facebook.

Nhưng dựa vào cái bề ngoài đó để cho rằng họ đã thay đổi, không còn là người cộng sản nữa thì ông nhầm. Có thể họ không còn là người cộng sản theo nghĩa triết học nguyên thủy của Karl Marx – chỉ những người vô sản đấu tranh để cải tạo thế giới, xóa bỏ chế độ tư hữu, kiến tạo xã hội công bằng hồi cuối thế kỷ 19; thậm chí không còn là những người cộng sản chiến đấu chống thực dân với lý tưởng xây dựng một đất nước độc lập trước năm 1945. Nhưng họ vẫn là người cộng sản, đảng viên của một trong vài đảng cộng sản cuối cùng còn lại trên hành tinh này.

Nếu có một sự thay đổi trong con người đảng viên đảng CSVN thì đó là sự chuyển hóa theo hướng tha hóa, biến chất, xấu đi chứ không tốt lên so với các thế hệ cộng sản tiền bối trước năm 1945. Trong nhiều đảng viên đảng CSVN hiện nay, nhất là đám quan chức cao cấp, không khó nhận ra thói đam mê quyền lực và sự tàn ác cộng sản, lòng tham vô độ của chủ nghĩa tư bản hoang dã – một mẫu người sống giả dối, vô liêm sỉ và tàn bạo. 

Sự chuyển hóa này không phải gần đây mới có mà ngay từ khi đảng CSVN cướp được chính quyền trong cái gọi là Cách mạng Tháng Tám 1945. Các nhà văn của phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm đã nói tới sự thoái hóa đó. Nhiều trí thức – cả những đại công thần của chế độ như Trần Xuân Bách, Trần Độ, Trần Đức Thảo, Dương Quỳnh Hoa, Nguyễn Trọng Vĩnh…, gần đây hơn là Phan Đình Diệu, Nguyên Ngọc và nhóm Câu lạc bộ Kháng chiến cũ ở Sài Gòn đều đã lên tiếng cảnh báo sự thoái hóa đó và tuyên bố từ bỏ đảng CSVN. Đó là những người thức thời và công chúng kính trọng họ.

Quan chức lãnh đạo ngành y tế tiếp tay buôn lậu dược phẩm giả khi ra tòa còn trâng tráo xin án nhẹ để khỏi gây thêm đau khổ cho gia đình! Biếm họa của La Thanh Hiền.

Về thể chế cộng sản Việt Nam

Hệ thống cộng sản Việt Nam có thay đổi không? Ông Liêm đặt câu hỏi và tự trả lời: “Khi con người thay đổi, thể chế cũng thay đổi theo.”“Việt Nam nay không phải là một quốc gia cộng sản nữa”! Vâng, thể chế cộng sản đã và đang thay đổi. Nhưng cũng như con người cộng sản, thể chế của Việt Nam đã thay đổi theo hướng xấu đi, từ độc tài đảng trị sang chế độ chuyên chế toàn trị (totalitarianism)

Thể chế của Việt Nam về căn bản vẫn dựa trên mô hình nhà nước “chuyên chính vô sản” mà V.I. Lenin lập ra ở nước Nga cuối năm 1917, trong đó đảng CSVN tự nhận là đại diện của giai cấp vô sản với biểu tượng cây búa và cái liềm, điều hành quốc gia theo những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản như kinh tế kế hoạch hóa tập trung lấy quốc doanh làm chủ đạo, tập thể hóa nông nghiệp và nông thôn, độc tôn về tư tưởng văn hóa và sử dụng “bạo lực cách mạng” làm phương tiện chủ yếu v.v…

Những cuộc khủng hoảng liên tục dẫn tới sự tan rã của Liên bang Xô Viết năm 1991 cũng xảy ra ở Việt Nam với những trận đói triền miên những năm 1980. Để tồn tại, đảng CSVN buộc phải nối lại quan hệ với “đế quốc” Mỹ và mở cửa nền kinh tế theo hướng thị trường tự do từ năm 1986. Chính sách “mở cửa”, tạo điều kiện cho những nhân vật nổi tiếng của Việt Nam Cộng Hòa trở về thăm quê như ông Nguyễn Cao Kỳ, nhạc sĩ Phạm Duy… nằm trong chiến dịch vận động Hoa Kỳ bỏ cấm vận và cấp quy chế thương mại tối huệ quốc. Sau này, khi đã được gia nhập ASEAN, vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Việt Nam phải hành xử theo luật quốc tế. 

Mở cửa kinh tế, nhưng với nền tảng tư tưởng chủ nghĩa cộng sản, đảng CSVN phải đẻ ra một thứ quái thai “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” để tiếp tục duy trì “kinh tế nhà nước là chủ đạo”, “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”. Cái quái thai này là môi trường nuôi dưỡng tệ nạn tham nhũng, cướp đất, bóc lột người lao động và tàn phá môi sinh. Tăng trưởng kinh tế và đầu tư của nước ngoài đã góp phần hình thành một tầng lớp trung lưu đông đảo nhưng cũng đào sâu hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo, giữa quan với dân, giữa đô thị và nông thôn mà đại dịch COVID vừa qua làm bộc lộ rất rõ.

Chu Ngọc Anh, (trái) và Nguyễn Thanh Long – hai trong số các ủy viên trung ương đảng CSVN, mới bị tóm do tham nhũng trong vụ chống dịch COVID. Trong một năm rưỡi qua, đã có ít nhất bảy ủy viên trung ương đảng CSVN phải vô nhà giam hoặc bị cách chức. Ảnh FB

Mở cửa về kinh tế nhưng đảng CSVN vẫn siết chặt sự kiểm soát chính trị để duy trì quyền cai trị độc tôn của đảng, không chấp nhận đa nguyên, không chấp nhận tam quyền phân lập; các quyền tự do căn bản của công dân chỉ tồn tại trên giấy.  Người dân Việt Nam cứ cúi mặt làm ăn thì không sao, nhưng có ý định chính trị, dù chỉ xuống đường bày tỏ lòng yêu nước phản đối Trung Quốc thì cũng khó mà sống được. Người ngoại quốc, kiều bào ở nước ngoài, kể cả các nghệ sĩ, được vào Việt Nam làm ăn, nhưng chỉ thuần túy hoạt động kinh doanh, quan tâm tới chính trị sẽ bị trừng trị. Bà Khánh Ly chỉ vì hát bài Gia tài của Mẹ mà chương trình lưu diễn của bà phải nửa đường đứt gánh! 

Từ chỗ quản lý cuộc sống của người dân thông qua cái bao tử của họ trong chế độ tem phiếu lương thực, nhà nước toàn trị cộng sản chuyển sang quản lý tư tưởng của người dân thông qua guồng máy tuyên truyền đồ sộ, qua sự theo dõi rình mò của chế độ công an trị và các đạo luật vi hiến, phi nhân. Dù quản lý cái bao tử hay quản lý cái đầu, mục đích đều không đổi: Bảo vệ và duy trì quyền thống trị độc tôn của đảng.

Người dân không có quyền chọn ra người đại diện trong bộ máy quản trị đất nước; những ai có ý kiến khác với đường lối của đảng đều bị trừng trị theo cái gọi là tội lợi dụng quyền tự do dân chủ. Những nhà đấu tranh trẻ tuổi như Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng… và hàng trăm người khác đang bị giam cầm trong chế độ lao tù khắc nghiệt. Một anh bán bún bò nhại lại hành động rắc muối của tay đầu bếp Thổ Nhĩ Kỳ, một nữ doanh nhân gom tiền giúp cho gia đình các tù nhân lương tâm… cũng bị bắt giam là chuyện chỉ có trong chế độ toàn trị. Nếu “Việt Nam nay không phải là một quốc gia cộng sản nữa” như ông Liêm nói thì nó là cái gì?

Một đề nghị hoang đường!

Cuối bài, ông Liêm tha thiết kêu gọi:  “Tôi đề nghị Bộ Chính trị hãy cho ra một Tân Nghị quyết về người Việt ở nước ngoài. Trong Nghị quyết mới này, Đảng hãy can đảm và sòng phẳng để công nhận những sai lầm chính sách đối với dân miền Nam sau 1975. Và có một lời tạ lỗi với họ, và đối với cả dân tộc chung.

Chỉ cần làm điều đó, thì đại khối kiều bào gốc miền Nam, vốn rộng lượng và dễ tha thứ, hy vọng sẽ quên bớt hận thù, để cùng với dân tộc Việt khắp thế giới hướng về tương lai, xây dựng quốc gia như tất cả chúng ta cùng mong mỏi”.

Tôi không rõ khi đưa đề nghị như vậy, ông Liêm nghĩ ông là ai và ai sẽ để ý tới lời kêu gọi của ông. Hay ông chỉ cần đánh bóng tên tuổi và lập công với đảng? Đảng CSVN ở Hà Nội sẽ lắng nghe ông chăng? Hoang đường!

Và theo thiển ý của tôi, “đại khối kiều bào gốc miền Nam” cũng không cần đảng CSVN tạ lỗi về những sai lầm quá khứ. Tôi nghĩ rằng, cái mà đồng bào hải ngoại cần và mong muốn là một nước Việt Nam tự do, dân chủ và thịnh vượng, không lệ thuộc Trung cộng, là người dân Việt Nam được tự do sống với đầy đủ phẩm giá của mình. Khi đảng CSVN cầm quyền ở Việt Nam chưa hòa giải được với những người dân yêu nước ngay trong quốc nội, thì khoan nói tới chuyện hòa giải với đồng bào hải ngoại để “hướng về tương lai, xây dựng quốc gia”. Một “tân nghị quyết” hay nhiều “tân nghị quyết” cũng chẳng có ý nghĩa gì khi đất nước vẫn độc tài toàn trị, vẫn lệ thuộc ngoại bang, quyền tự do dân chủ của người dân vẫn bị đàn áp, truy bức như hiện nay.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: