30,000 học sinh miền núi không có sữa uống, tại ai?

Học sinh trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, uống sữa trong giờ ra chơi, Tháng Sáu 2020 – Ảnh: VnExpress

Ngân sách của tỉnh Quảng Nam chi 21.5 tỷ đồng ($915,255) để mua sữa học đường phát miễn phí cho học sinh mầm non và tiểu học thuộc sáu huyện miền núi.

Thế nhưng sự chậm trễ của Sở Giáo dục tỉnh Quảng Nam trong việc tham mưu thực hiện chương trình sữa học đường khiến cho 30,000 học sinh miền núi của tỉnh không được uống sữa suốt cả năm học 2022-2023, theo Lao Động ngày 23 Tháng Năm 2023.

Sự việc này bùng lên trên các diễn đàn tiếp xúc cử tri tại tỉnh Quảng Nam, khi cử tri phản ảnh học sinh thuộc sáu huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn… trong năm học vừa qua không được uống sữa miễn phí như đã hứa.

Từ Tháng Sáu 2020, Quảng Nam thực hiện chương trình hỗ trợ sữa học đường miễn phí đối với trẻ em mầm non và học sinh tiểu học tại 575 điểm trường tại sáu huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, theo Nghị quyết số 15 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Cuối Tháng Năm 2022, Nghị quyết số 15 hết hiệu lực, được thay thế bằng Nghị quyết số 17 của Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp tục thực hiện chương trình sữa học đường với kinh phí dự kiến khoảng 151 tỷ đồng, trong đó, riêng năm học 2022-2023 được cấp hơn 21.5 tỉ đồng.

Tuy nhiên, suốt từ đầu năm học 2022 đến nay, khoảng 30,000 học sinh của sáu huyện này chưa được uống hộp sữa nào từ chương trình này, vì không có sữa!

Thể trạng, sức khỏe trẻ em miền núi Quảng Nam có cải thiện kể từ khi chương trình sữa học đường thực hiện năm 2020 – Ảnh: Lao Động

Theo thống kê của Quảng Nam, trong ba năm từ 2020 – 2022 đã có gần 100,000 lượt học sinh miền núi hưởng lợi từ chương trình này với hơn 10 triệu hộp sữa miễn phí. Mỗi ngày học sinh khi đến trường đều được uống một hộp sữa 180ml nhãn hiệu Vinamilk hoặc TH True Milk, năm lần/tuần trong suốt năm học (chín tháng). Tổng kinh phí thực hiện chương trình hơn 50.6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.

Sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết số 15, khi đánh giá thì thấy đa số học sinh miền núi được cải thiện về thể lực và trí tuệ, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi, béo phì giảm đáng kể. Vì thế, khi chương trình Sữa học đường quốc gia kết thúc (2020), tỉnh vẫn tiếp tục chương trình.

Giải thích việc học sinh không có sữa uống suốt năm học 2022-2023, ông Trần Anh Tuấn, phó chủ tịch Ủy ban tỉnh Quảng Nam cho biết, vì việc tham mưu thực hiện chương trình của Sở Giáo dục còn chậm trễ, nên chương trình sữa học đường tạm gián đoạn.

Còn ông Thái Viết Tường, giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Quảng Nam, biện minh do vướng mắc trong hồ sơ đấu thầu nên chương trình bị chậm, trong đó có hai vướng mắc là thiếu quy chuẩn về loại sữa học đường và thứ hai là cách tính năm tài chính.

Chương trình Sữa học đường được chính phủ phê duyệt hồi Tháng Bảy 2016, kéo dài tới năm 2020, nhằm nâng cao tầm vóc của trẻ mầm non và tiểu học. Trong chương trình này, Bộ Y tế được giao ban hành quy định về sản phẩm. Năm 2019, Bộ Y tế đã ban hành thông tư 31, quy định 21 loại vi chất với sản phẩm sữa học đường, nhưng giữa Tháng Tư 2023, Bộ Y tế lại ra văn bản bãi bỏ thông tư này do thời gian thực hiện chương trình Sữa học đường đã hết.

Vì thông tư 31 của Bộ Y tế bị hủy bỏ, Sở Giáo dục Quảng Nam phải tìm quy chuẩn mới để đưa vào hồ sơ mời thầu nhưng chưa tìm ra.

Một nguyên nhân khác là năm học bắt đầu từ Tháng Chín nhưng tỉnh lại giao ngân sách cho sữa học đường theo năm tài chính, từ Tháng Giêng – Tháng Mười Hai hằng năm. Vì vậy, khi chương trình hoàn thiện các thủ tục, đến Tháng Năm 2023 thì lại… hết năm học!

Hiện nay, Sở đã tham mưu cho Ủy ban tỉnh cho làm hồ sơ mời thầu theo năm học chứ không theo năm tài chính và Ủy ban tỉnh đã đồng ý, nên ông Tường cam đoan năm học tới, học sinh sáu huyện miền núi sẽ có sữa uống miễn phí như trước.

Suốt năm học 2022- 2023, khoảng 30,000 trẻ em miền núi tại Quảng Nam không được uống sữa vì lỗi của Sở giáo dục – Ảnh: Lao Động

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Sở Giáo dục làm rõ trách nhiệm để chậm trễ chương trình sữa học đường trong năm học qua và khẩn trương thực hiện các thủ tục tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu để kịp thời thực hiện ngay từ đầu năm học 2023-2024.

Đây không phải lần đầu Sở Giáo dục Quảng Nam bị rầy rà, mà trước đó, hồi cuối năm 2021, VOV đã phản ảnh những sai phạm của ông Hà Thanh Quốc, giám đốc Sở Giáo dục đương nhiệm lúc đó. Cụ thể, liên quan đến việc ông Quốc ký văn bản sửa chữa các trường học năm 2021 có giới thiệu ba công ty và nhấn mạnh rằng ba công ty này từng là đối tác của Sở.

VOV đã có bài phân tích, nêu rõ những nội dung được cho là vi phạm các quy định của pháp luật trong văn bản này cũng như những vấn đề bất thường liên quan đến Sở Giáo dục Quảng Nam và cá nhân ông Hà Thanh Quốc. Sau bài báo, dư luận tỉnh Quảng Nam cũng đồng tình và cho rằng cần thanh tra toàn diện Sở Giáo dục Quảng Nam.

Văn phòng Sở giáo dục tỉnh Quảng Nam, tỉnh nằm trong nhóm 10 địa phương có chất lượng giáo dục đại trà thấp nhất cả nước – Ảnh: Tuổi Trẻ

Nhiều năm liền, ngành giáo dục tỉnh Quảng Nam luôn nằm “dưới đáy” bảng xếp hạng về chất lượng giáo dục của Bộ Giáo dục. Theo kết quả mà Bộ Giáo dục công bố, trong năm năm (2017 – 2021), Quảng Nam xếp vị trí thứ 57/63 tỉnh, thành phố, nằm trong nhóm 10 địa phương có chất lượng giáo dục đại trà thấp nhất cả nước.

Với nhiều lùm xùm về Sở Giáo dục trên mạng xã hội và truyền thông, Ủy ban tỉnh đã báo cáo Ban thường vụ tỉnh ủy xử lý theo thẩm quyền và cho thanh tra toàn diện các gói thầu liên quan chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng sắc tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020 do Sở quản lý. Đặc biệt, Ban thường vụ tỉnh ủy giao Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, các cơ quan liên quan thanh, kiểm tra Sở này và cá nhân ông Quốc.

Kết quả thanh tra Sở Giáo dục Quảng Nam còn chưa ngã ngũ thì bất thần giữa Tháng Mười Hai 2021, ông Hà Thanh Quốc xin nghỉ hưu trước tuổi, với lý do sức khỏe kém, và được chấp thuận. Điều này làm dấy lên dư luận là ông Quốc đã “hạ cánh an toàn”?

Tuổi Trẻ ngày 4 Tháng Giêng 2022 dẫn nguồn tin Ủy ban tỉnh Quảng Nam khẳng định việc giám đốc Sở Giáo dục tỉnh này nghỉ hưu trước tuổi không có nghĩa là “hạ cánh an toàn”, nếu thanh tra, kiểm tra phát hiện sai phạm thì sẽ bị xử lý.

Tỉnh cũng công bố bổ nhiệm ông Thái Viết Tường, hiệu trưởng trường Chính trị tỉnh, giữ chức vụ giám đốc Sở Giáo dục, thay ông Hà Thanh Quốc.

Vụ cũ chưa xong, vụ mới lại đến, đúng là Sở Giáo dục Quảng Nam “có huông”!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: