60 hộ dân ở trung tâm Hà Nội bị thu hồi đất để mở rộng trụ sở Bộ Công an

Trụ sở Bộ Công an cũ ở 44 Yết Kiêu, Hà Nội sẽ được xây mới và mở rộng nên cần thu hồi đất của người dân đang cư trú ổn định – Ảnh: VOV

Để mở rộng và xây mới trụ sở Bộ Công an (44 đường Yết Kiêu, thuộc quận Hai Bà Trưng và Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhà cầm quyền Hà Nội dự định giải tỏa 60 hộ dân để có thêm 0.6ha (6,000m2), nâng tổng diện tích trụ sở Bộ Công an mới lên 2ha (20,000m2).

VOVKinh Tế Đô Thị ngày 3 Tháng Bảy 2023 cho biết có 60 hộ dân bị thu hồi đất (không rõ có bao nhiêu căn nhà) đã được nhà cầm quyền mời họp sáng cùng ngày để phổ biến chủ trương và chính sách.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Anh Quân, phó Chủ tịch Ủy ban quận Hoàn Kiếm, cho biết: “Dự án xây dựng công trình trụ sở Bộ Công an là dự án đầu tư công, sử dụng vốn 100% từ ngân sách nhà nước, việc thu hồi đất là vì mục đích quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng…”.

Ông Quân còn đề nghị các đơn vị liên quan niêm yết chủ trương, chính sách, quy định của Nhà nước về thu hồi đất, giải tỏa mặt bằng để thực hiện dự án trong vòng 30 NGÀY.

Ông Nguyễn An Tuyến, Chủ tịch Ủy ban phường Cửa Nam, cho biết phường Cửa Nam sẽ niêm yết các chủ trương, chính sách, quy định của nhà nước về thu hồi đất tại Bảng tin trụ sở Ủy ban phường trong thời gian từ ngày 3 Tháng Bảy – 2 Tháng Tám 2023.

Theo quy định, sau ba ngày làm việc kể từ khi tổ chức họp dân thì phường sẽ tổ chức kiểm đếm diện tích nhà, đất của các hộ dân, bắt đầu từ ngày 6 Tháng Bảy – 10 Tháng Bảy 2023.

Toàn bộ số nhà dãy chẵn từ ngã tư Nguyễn Du đến Lê Duẩn sẽ bị thu hồi đất để mở rộng trụ sở Bộ Công an – Ảnh: VOV

Phương án đền bù cho người dân bị thu hồi đất để xây trụ sở Bộ Công an mới là “đất đổi đất”, 60 hộ dân sẽ được tái định cư ở khu đất Mai Lâm, huyện Đông Anh, ngoại ô Hà Nội, cách khu nhà cũ của họ khoảng 15km, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 13km.

Theo thông tin từ Cục Quản lý xây dựng và Doanh trại (Bộ Công an), trụ sở Bộ Công an cũ (số 44 Yết Kiêu, Hà Nội) được Liên Xô viện trợ, đầu tư xây dựng từ năm 1976. Sau hơn 47 năm sử dụng, mặc dù đã được đầu tư cải tạo, sửa chữa nhiều lần nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu của Bộ Công an (?)

Còn trụ sở Bộ Công an mới (số 47 Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) được xây mới và đưa vào sử dụng vào năm 2010, nhưng phần lớn diện tích tại đây phải chuyển đổi công năng sử dụng để phục vụ xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, nên không thể di chuyển trụ sở làm việc của ngành công an tại số 44 Yết Kiêu và 92 Nguyễn Du ra 47 Phạm Văn Đồng (?)

Trụ sở Bộ Công an mới ở 47 Phạm Văn Đồng được xây dựng đồ sộ từ 2010 – Ảnh: HANCORP

Báo điện tử của nhà cầm quyền Việt Nam hơn 10 năm trước đưa tin trụ sở Bộ Công an mới ở địa chỉ Phạm Văn Đồng “có diện tích 5.3 ha (53,000m2), kiến trúc hiện đại, độc đáo, mang tầm cỡ quốc tế, đảm bảo chỗ làm việc cho lãnh đạo Bộ Công an và hơn 4,000 cán bộ. Trụ sở mới có 182,000m2 sàn được xây dựng kiên cố, có thể chống được động đất cấp 7, cấp 8″.

Nguy nga, tầm cỡ thế mà không hiểu sao các cán bộ đứng đầu ngành công an không về đó làm việc mà giờ phải xây mới trụ sở cũ, do phong thủy chăng?

VOV ngày 7 Tháng Bảy có đăng phóng sự ảnh với tựa đề “Cận cảnh khu đất vàng sắp thu hồi để mở rộng trụ sở Bộ Công an” lại đưa ra một con số khác là có 120 hộ dân (không rõ bao nhiêu căn nhà) đang cư trú ổn định từ thời ông thời cha của họ, ít nhất cũng hơn 70 năm, tại khu đất vàng thuộc địa phận phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng) và phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm).

Toàn bộ số nhà dãy chẵn từ ngã tư Nguyễn Du đến Lê Duẩn sẽ bị thu hồi đất, hiện tại đang là những cửa hàng buôn bán sầm uất hoặc đang là văn phòng công ty, đem lại nguồn lợi lớn cho chủ nhà hằng tháng khi cho thuê mặt bằng. Khi nhận đất tái định cư ở Mai Lâm, huyện Đông Anh, nguồn thu nhập cho thuê mặt bằng bị mất, họ sẽ sinh sống bằng gì?

VOV cũng cho biết khu vực này có giá trị nhà đất giao dịch trên thị trường vào khoảng 500 triệu – 700 triệu đồng/m2 ($21,125 – $29,575/m2). Tất nhiên, khi bị thu hồi đất vì lý do “phục vụ an ninh quốc phòng”, người dân ở đây không có quyền thương lượng mức đền bù như khi bị thu hồi đất vì lý do làm dự án kinh doanh.

Đang cư trú ở nội ô, có mặt bằng cho thuê vài chục triệu đồng – cả trăm triệu đồng một tháng giờ phải tái định cư ở ngoại ô, đúng là “ngậm bồ hòn làm ngọt” – Ảnh: VOV

Vì đất là “sở hữu toàn dân”, nhà cầm quyền cần thu hồi đất ở đâu thì con dân ở đó phải lập tức “trả lại”, không được quyền khiếu nại.

Bài phóng sự ảnh của VOV đến chiều tối 7 Tháng Bảy không còn hiển thị trên trang nữa.

Bình luận về vấn đề này, Facebook Đặng Bích Phượng viết:  “Ái chà chà, theo bài báo này, thì có tới 120 hộ dân ở khu vực này sẽ bị giải tỏa. Nhiều hộ gia đình sinh sống nhiều thế hệ kế thừa, từ đời ông cha suốt hơn 70 năm qua. Đất ở đây hiện có giá từ 500-700 triệu/m2.

Bài báo viết, trụ sở cũ không đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu. Đờ mờ, thời bình mà chiến đấu với ai vậy? Thời bình mà bộ công an giờ được trang bị ngầu hơn cả quân đội, thấy có vẻ ngược đời sao đó.

Đó, đừng tưởng không quan tâm đến chính trị mà được. Có ngày nó gõ tới cửa nhà mình. Đang làm ăn, sinh sống yên ổn, tự dưng phải di dời bởi cái dự án mả mẹ nào đó. MK, bộ công an đã xây cái tổ hợp to đùng ở đường Phạm Văn Đồng, sao không dọn về đó mà chiến đấu, lại đi chiếm đất vàng trong phố cổ làm chi vại?”.

Rõ là uất ức, nhưng có lẽ 60 hộ dân (hay 120 hộ dân) có nhà trên khu đất vàng Hà Nội bị thu hồi để mở rộng trụ sở Bộ Công an nay đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: