Cá được xem là loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, thơm ngon và có thể chế biến thành rất nhiều món khác nhau.
Theo khuyến cáo của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), một người trưởng thành nên ăn ít nhất 225 gram cá/tuần. Tuy nhiên, với cá biển, các chuyên gia khuyến cáo không nên ăn quá nhiều và ăn trong thời gian dài vì cá biển sẽ có hàm lượng thủy ngân cao.
Thủy ngân có thể gây ngộ độc nếu nạp với số lượng nhiều. Các loại cá biển có hàm lượng thủy ngân cao là cá ngừ, cá thu, cá kiếm. Cá lớn thường sẽ có hàm lượng thủy ngân cao hơn cá nhỏ. Theo đó, hàm lượng thủy ngân trong cá sẽ tích tụ trong cơ thể của cá lớn theo thời gian do chất độc này rất khó đào thải ra bên ngoài. Mức độ thủy ngân trong cá được đo bằng phần triệu (ppm).
Dưới đây là mức thủy ngân trung bình ở các loại cá và hải sản khác nhau, từ cao nhất đến thấp nhất:
Cá kiếm: 0,995 ppm
Cá mập: 0,979 ppm
Cá thu vua: 0,730 ppm
Cá ngừ mắt to: 0,689 ppm
Cá tuyết: 0,111 ppm
Tôm hùm Mỹ: 0,107 ppm
Cá trắng: 0,089 ppm
Cá trích: 0,084 ppm
Cá thu Đại Tây Dương: 0,050 ppm
Tôm càng xanh: 0,035 ppm
Cá da trơn: 0,025 ppm
Mực: 0,023 ppm
Cá hồi: 0,022 ppm
Cá cơm: 0,017 ppm
Cá mòi: 0,013 ppm
Hàu: 0,012 ppm
Sò điệp: 0,003 ppm
Tôm: 0,001 ppm
Thế có nên ăn da cá không?
Da cá đương nhiên cũng có chứa một lượng thủy ngân nhất định, nhưng lại là một trong những nguồn thực phẩm giàu omega-3 nhất. Ngoài ra, nó còn có các dưỡng chất khác như vitamin D, vitamin E, iốt, selen, taurine, protein.
Các chất dinh dưỡng này có thể tăng cường sức khỏe tim mạch, hỗ trợ phát triển cơ bắp, khả năng miễn dịch, bảo vệ não và giúp da khỏe mạnh.
Do đó, lời khuyên của các chuyên da dinh dưỡng là nên ăn da cá, nhưng chỉ ăn vừa phải, và đừng ăn thường xuyên. Hãy ưu tiên ăn cá, da cá nước ngọt, hoặc các loại cá biển có hàm lượng thủy ngân thấp.
Lợi ích của da cá
Một nghiên cứu lớn mang tên “Nghiên cứu Framingham về tim” đã theo dõi hơn 3.500 người suốt hơn 30 năm và phát hiện ra rằng, người tiêu thụ thường xuyên các loại thực phẩm chứa omega-3, như da cá, có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn đáng kể.
Sự ổn định trong nhịp tim và huyết áp cũng được quan sát thấy ở những người này.
– Chống viêm: Omega-3 có khả năng làm giảm viêm nhiễm trong cơ thể, giúp ngăn chặn các bệnh viêm nhiễm mãn tính như viêm khớp và viêm ruột.
– Phát triển não bộ: DHA, một dạng của omega-3, là một thành phần quan trọng của não bộ, đặc biệt là trong sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nhiều nghiên cứu đã liên kết việc bổ sung DHA từ da cá với sự phát triển trí tuệ và học tập.
– Giảm nguy cơ ung thư: Một số nghiên cứu đã ghi nhận rằng việc tiêu thụ định kỳ omega-3 từ da cá có thể giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư như: ung thư vú, tử cung, và ruột kết. Omega-3 được cho là có khả năng ngăn chặn quá trình phát triển tế bào ung thư.
Đặc biệt, trong chất nhầy của da cá có một số loại protein quan trọng. Do đó, ăn da cá sẽ giúp bạn hấp thu thêm một lượng đáng kể các protein quý giá này.
Các lợi ích sức khỏe khác
Theo tạp chí y khoa Medical News Today, trong da cá, điển hình như da cá hồi, có những dưỡng chất mà thịt cá không có hoặc ít, chẳng hạn như phốt pho, kali, vitamin B và D.
Đáng chú ý, vitamin D có hàm lượng cao trong da cá là một loại dưỡng chất quan trọng cho con người. Nó đóng vai trò thiết yếu trong nhiều khía cạnh khác nhau của sức khỏe.
Nổi bật là khả năng cải thiện hấp thụ canxi từ thức ăn và duy trì nồng độ canxi trong máu ổn định. Điều này giúp xây dựng và duy trì sức khỏe của xương và răng. Thiếu vitamin D có thể dẫn đến bệnh còi xương ở trẻ em và loãng xương ở người lớn.
Một lưu ý quan trọng là da cá mặc dù rất tốt nhưng cần ăn một lượng vừa phải. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần lựa chọn cá có nguồn gốc và chế biến an toàn để bảo đảm chất lượng và tránh rủi ro.