Ánh mắt câm lặng của đàn hươu

Những con hươu được kết bằng những sợi nilong nhiều màu sắc, mỗi sợi nilong vê từ túi nilong bỏ đi, là tác phẩm nghệ thuật đặc biệt của tử tù Nguyễn Văn Chưởng. Chúng sinh động, tinh xảo, và có hồn đến kỳ lạ. Những con hươu có đôi mắt đầy ám ảnh, ngơ ngác và dường như chúng đều có chung một điều muốn biết “Tại sao các người muốn giết tôi?”

Tử tù Nguyễn Văn Chưởng đã bị giam giữ 17 năm, chờ ngày thi hành án tử hình vì bị buộc tội “giết người” cách đây 16 năm. Cho đến giờ, anh vẫn không ngừng kêu oan và bằng mọi cách trong khả năng của mình, anh đưa thông điệp “Chưởng vô tội” ra ngoài bốn bức tường xà lim. Bụng những con hươu mà Chưởng đan trong tù đã được nhét vào những mẩu giấy nhỏ để đưa tin cho người nhà.

Tờ danviet.vn mới đây đăng tải bài phỏng vấn luật sư Nguyễn Văn Hòa, người từng công tác ở Ban Nội chính Trung ương, được ông Nguyễn Bá Thanh phân công kiểm tra một số vụ án oan trong đó có vụ Nguyễn Văn Chưởng, cho biết khi đoàn công tác muốn gặp tử tù Nguyễn Văn Chưởng, phía Bộ Công an đã không cho đoàn kiểm tra gặp mặt. Bài phỏng vấn của danviet.vn có nhiều thông tin giá trị thể hiện rõ sự vi phạm trong quá trình điều tra, tố tụng của phía công an.

Blogger Người Buôn Gió-Bùi Thanh Hiếu đã có loạt bài phân tích động cơ gây án, các yếu tố thực địa như địa điểm, thời gian, bối cảnh, thời tiết, vũ khí sử dụng, lời khai các nhân chứng do bên công an cung cấp… để chỉ ra những vô lý trong hồ sơ của cơ quan điều tra. Đồng thời tác giả đưa ra những giả thuyết hợp lý hơn. Theo Bùi Thanh Hiếu thì thiếu tá công an Nguyễn Văn Sinh bị chém bởi mâu thuẫn trong chuyện đòi tiền bảo kê mại dâm hoặc giành gái khi đến “thư giãn” ở quán café Thiên Thần của Chưởng. Khi đó, Chưởng không có ở quán, mà ở quê nhà Hải Dương (theo các bằng chứng ngoại phạm mà em trai ruột của Chưởng cung cấp).

Cái chết của thiếu tá công an Nguyễn Văn Sinh kỳ thực là cái chết lãng nhách chứ không phải là tấm gương “CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, được nhào nặn dưới bàn tay ma thuật của Trương Hòa Bình khi đó là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục xây dựng Công an nhân dân. Trương Hòa Bình đã biến cái chết một viên công an đi đòi tiền bảo kê thành một anh hùng hy sinh cho sự nghiệp giữ gìn an ninh trật tự xã hội.

“Tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây”

Vụ án Nguyễn Văn Chưởng cũng tương tự vụ Hồ Duy Hải. Cả hai vụ đều có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong quá trình điều tra, qui trình tố tụng của cơ quan điều tra, tòa án các cấp, cũng như thời gian chờ thi hành án kéo dài. Nỗ lực kêu oan không ngừng của gia đình hai tử tù khiến cho công luận trong và ngoài nước ngày càng biết đến hai vụ án này.

Ở Việt Nam, tình trạng án oan là phổ biến, trong đó một phần xuất phát từ nguyên nhân rằng điều tra viên muốn thăng tiến, tùy tiện sử dụng nhục hình, ép cung để nhanh chóng đạt được “chỉ tiêu” phá án. Có những “tử tù” may mắn được minh oan do chính thủ phạm ra đầu thú, như trường hợp Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long sau hàng chục năm chờ thi hành án tử. Hai vụ Nguyễn Văn Chưởng-Hồ Duy Hải đã trải qua sáu đời chủ tịch nước, từ thời Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Trần Đại Quang, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc đến bây giờ là Võ Văn Thưởng; trải qua tất cả các cấp tòa, thực hiện tất cả kháng nghị, giám đốc thẩm…

Điểm đặc biệt “trùng hợp” khiến cho mọi kiến nghị của các luật sư danh tiếng, của những đại biểu Quốc hội như Lưu Bình Nhưỡng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga, Phó Viện kiểm sát tối cao Nguyễn Hải Phong, Đại tá quân đội Dương Minh Hào, nhà văn Hoàng Quốc Hải… đều đi vào ngõ cụt vì tất cả đều bị cản bởi “chốt chặn” cuối cùng: Trương Hòa Bình và người kế nhiệm sau này là Nguyễn Hòa Bình. Trên cương vị chánh án toà án tối cao vào Tháng Mười Hai 2011, Trương Hoà Bình làm chủ tọa phiên toà giám đốc thẩm xử vụ án Chưởng và ông đã bác đơn kháng cáo của Viện kiểm sát tối cao.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện chỉ biết than rằng: “Theo quy định của pháp luật hiện hành thì vụ này nếu có sai cũng hết đường kháng nghị, bởi quyết định của pháp luật về tố tụng hình sự thì quyết định của Hội đồng thẩm phán là quyết định cuối cùng” . Như vậy, qui trình tố tụng của hệ thống luật pháp Việt Nam là một “qui trình” có thể lấy đi mạng sống của một con người ngay cả khi “nếu có sai”!

Đường vinh quang xây xác dân lành

Sự nghiệp chính trị của những nhân vật tiêu biểu cho nền luật pháp XHCN như Trương Hòa Bình hoặc Nguyễn Hòa Bình đã ít nhiều gắn liền với những oan khuất của người dân. Nguyễn Hòa Bình, hiện là Chánh án Tối cao, từng nói với báo chí rằng trong vụ án Hồ Duy Hải, thớt và dao thì mua ở chợ để “minh họa”, chứ không có tang vật hiện trường! Tháng Ba 2023, Nguyễn Hòa Bình nói trước Quốc Hội rằng hệ thống tòa án Việt Nam đã đạt “thành tích xuất sắc” khi thụ lý hơn 2,4 triệu vụ việc, giải quyết được hơn 2,3 triệu vụ việc, đạt tỷ lệ 97,6%. “Chất lượng xét xử” tiếp tục được bảo đảm và “có nhiều tiến bộ”…

Sở Công an Hải Phòng thời Đỗ Hữu Ca là một băng đảng tội phạm có tổ chức. Tại thời điểm xảy ra vụ án Nguyễn Văn Chưởng, Đỗ Hữu Ca là trưởng phòng hình sự và Dương Tự Trọng làm phó phòng. Ca và Trọng sau này đều dính án tham nhũng, chạy án, che giấu tội phạm. Nổi tiếng như cồn từ “trận đánh đẹp” cướp đất của nông dân Đoàn Văn Vươn, mới đây (Tháng Hai 2023), Ca đã bị bắt vì nhận tiền chạy án và liên quan đường dây buôn bán hóa đơn hàng chục ngàn tỷ. Dương Tự Trọng là cánh tay mặt của Đỗ Hữu Ca và nếu không dính líu vụ tổ chức cuộc chạy trốn cho anh trai ruột Dương Chí Dũng thì Trọng giờ đây có thể thay Ca làm giám đốc công an Hải Phòng (năm 2014, Trọng bị tuyên phạt 16 năm tù trong vụ án giúp anh trai, Dương Chí Dũng, tẩu thoát đi nước ngoài khi biết tin bị khởi tố; năm 2021, Trọng được thả).

Nhìn đàn hươu mà Chưởng kết đan suốt 16 năm qua trong ngục tối, khi anh chịu đựng áp lực tâm lý khủng khiếp bởi bị ép nhận tội giết người, bị kết án tử và sống trong tình trạng bất kể lúc nào lưỡi hái tử thần cũng có thể rơi xuống cổ, tôi thầm khâm phục sức mạnh tinh thần của người thanh niên vẫn bền gan chống lại số phận nghiệt ngã. Nhìn những con hươu câm lặng với đôi mắt ngơ ngác đầy ám ảnh, tôi chợt nhận ra hơn hàng triệu số phận người dân trên mảnh đất hình chữ S này cũng chẳng khác lắm so với những con hươu…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Tướng phu thê
Dân gian Việt Nam thường dùng từ “tướng phu thê” khi thấy các cặp vợ chồng có nét mặt giống nhau. Nhưng về khoa học, chuyện này cũng được minh…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: