Bác sĩ giả, khám bệnh thật: Chỉ có ‘thiên tài’ mới làm được

Bà Trần Xuân Ngọc (trái) tại Cơ quan điều tra – Ảnh: CA Đồng Nai

Ngày 2 Tháng Sáu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, cho biết họ vừa đề nghị VKSND truy tố bà Trần Xuân Ngọc (45 tuổi, ngụ Sài Gòn) về tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Nói rõ hơn là công an đề nghị truy tố bà Ngọc sử dụng bằng bác sĩ giả, để khám và chữa bệnh từ năm 2008 đến năm 2019.

Trước đó, vào cuối tháng 4 năm 2020, Thanh tra Sở Y tế tỉnh Đồng Nai kiểm tra phòng khám đa khoa Đ.P (ấp Phước Lý, xã Đại Phước, Nhơn Trạch) phát hiện Bằng tốt nghiệp Đại học Y Khoa mang tên Trần Xuân Ngọc, sinh ngày 25/12/1978, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, có nhiều nghi vấn được làm giả, nên tạm giữ và chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra.

Ngọc khai là năm 1996 bà thi vào Trường Đại học Y Dược TP.HCM, nhưng bị rớt. Sau đó, Ngọc được Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cử đi học tại Trường Đại học Y Dược TP.HCM theo hệ cử tuyển bằng ngân sách của tỉnh.

Tại đây, Ngọc được học lớp bác sĩ y đa khoa khóa Y96 (năm học 1996-2002). Sau khi tốt nghiệp, từ năm 2008 đến năm 2019, Ngọc sử dụng tấm bằng trên đi xin việc và được nhận vào làm việc tại nhiều bệnh viện ở Sài Gòn, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, một đơn vị bảo hiểm xã hội tại Sài Gòn.

Xác minh từ cơ quan điều tra cho biết, Ngọc không có tên trong danh sách được cử đi học tại Trường Đại học Y Dược TP.HCM và cũng không có tên trong danh sách công nhận tốt nghiệp đại học hệ chính quy Y khoa năm 2002 của Trường Đại học Y dược TP.HCM, không được cấp bằng ngày 10/10/2002.

Trần Xuân Ngọc: Bác sĩ “rởm” hay “thiên tài”? – Ảnh: CA Đồng Nai

Nói chung là Ngọc đã cho lời khai giả về chuyện được cử đi học, thế nên, bằng tốt nghiệp của bà sau đó cũng là bằng giả. Cuối cùng, Ngọc khai nhờ người thân đã mất làm giả tấm bằng trên. Tổng số tiền lương Ngọc nhận được từ các bệnh viện, đơn vị bảo hiểm xã hội gần 637 triệu đồng.

Ngọc bị bắt từ năm 2020, đến nay mới bị khởi tố, chứng tỏ cơ quan điều tra làm ăn quá “lề mề”. Mặt khác, trong tài liệu cung cấp cho báo chí, công an không đề cập đến khoảng thời gian bà Ngọc làm việc (từ năm 2008 đến 2019) dưới bằng cấp bác sĩ, khiến nhiều người đặt ra nhiều nghi vấn, mà công an chưa làm rõ, hoặc cố tình không cung cấp cho báo chí.

Bà Ngọc làm bác sĩ “rởm” trong thời gian dài như thế mà không bị phát giác thì quả thật bà ta có tay nghề của bác sĩ thật! Mấy ai làm được như bà ta? Hàng ngày phải tiếp xúc với bệnh nhân, khám bệnh, cho toa thuốc, theo dõi, rồi tái khám, v.v… thế mà không một ai trong nghề phát hiện ra, không một bệnh nhân nào bị chết hay phải cấp cứu khi được (hay bị) bà bác sĩ “rởm” này chữa trị.

Tại sao có thể khẳng định như thế? Bởi nếu bác sĩ chữa bệnh gây ra biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân, chắc chắn sẽ bị kỷ luật, treo bằng.

Như thế, kiến thức y khoa bà Ngọc được học từ đâu? Trường nào? Một người học bác sĩ phải mất 7, 8 năm học và thực hành miệt mài, không thể có chuyện mua sách về tự học rồi khám, chữa bệnh được.

Nếu cơ quan công an cho rằng bà Ngọc không được học bất cứ một trường y dược nào hết, mà bà vẫn khám và chữa bệnh được trong suốt 11 năm, thì chỉ có một kết luận: Bà Ngọc là một “thiên tài”!

Nếu bà Ngọc là “thiên tài” thì hãy để cho bà ta cống hiến chứ bỏ tù bà làm gì!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: