Các bác sĩ Việt Nam cảnh báo bệnh suy thận đang gia tăng ở người trẻ.
Việt Nam có hơn 10 triệu người mắc bệnh thận mãn tính, trong số đó có khoảng 800,000 bệnh nhân phải chạy thận lọc máu, chiếm 0.1% dân số.
Thế nhưng, Việt Nam chỉ có 5,500 máy chạy thận, phục vụ cho 33,000 bệnh nhân. Vì thế, tỷ lệ tử vong do bệnh này đứng thứ tám trong số 10 nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất ở Việt Nam.
Một thống kê khác cho biết số người Việt Nam suy thận mới mỗi năm thêm 8,000 người, trong đó số bệnh nhân trẻ tăng 5-10%. Điều đáng chú ý là nhiều người trẻ không có biểu hiện bệnh, đi khám thì đã ở giai đoạn cuối – bắt buộc phải điều trị lọc máu hoặc ghép thận.
Mới nhất là một cô gái 21 tuổi đến viện khám vì viêm cầu thận, men gan cao gấp 13 lần bình thường, nguyên nhân là thói quen uống rượu triền miên.
Khi nhìn vào chỉ số gan thận ở mức báo động của cô gái, bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, bộ môn Nội tổng hợp, ĐH Y Hà Nội, rất ngạc nhiên, nhưng bệnh nhân tỏ ra bình thản, từ chối mọi câu hỏi của bác sĩ, chỉ cho biết là ngày nào cũng uống rượu và yêu cầu được điều trị.
“Giữa áp lực và cám dỗ cuộc sống, nhiều người trẻ chưa đủ bản lĩnh, đồng thời thiếu sự định hướng, phải trả giá bằng chính sức khỏe của mình”, bác sĩ Thanh nhận xét.
Một trường hợp khác là nam bệnh nhân 20 tuổi, đi khám vì thấy mệt mỏi, xanh xao, buồn nôn khi ăn. Kết quả chẩn đoán cho thấy bệnh nhân này bị suy thận giai đoạn cuối do viêm cầu thận mạn, phải đặt ống thông tĩnh mạch để lọc máu cấp cứu.
Sau đó, bác sĩ mổ nối thông động tĩnh mạch ở cổ tay để chạy thận nhân tạo chu kỳ, buộc bệnh nhân phải sống phụ thuộc hoàn toàn vào “quả thận máy” cho đến khi tìm thận phù hợp để ghép.
Bệnh thận và suy thận mạn tính là gánh nặng của ngành y tế cũng như gia đình của họ. Khảo sát Inside CKD trên 11 quốc gia cho thấy chi phí chi trả cho bệnh suy thận hằng năm lên đến hàng tỷ đô la Mỹ, chiếm 2.4 – 7.5% chi tiêu y tế hằng năm.
Phí chữa trị bệnh suy thận ở giai đoạn cuối như chạy thận nhân tạo và thay thế thận rất đắt đỏ.
Theo bác sĩ Thanh, chỉ cần xét nghiệm máu, kiểm tra chức năng thận, tổng phân tích nước tiểu và siêu âm hệ tiết niệu là có thể sàng lọc và phát hiện sớm bệnh suy thận.
Những người có nguy cơ cao cần tầm soát ít nhất một lần/năm là người béo phì, tiểu đường, cao huyết áp, có bệnh lý tim mạch, có bệnh lý tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì, viêm khớp dạng thấp.
VnExpress ngày 13 Tháng Mười 2023 dẫn lời bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên, trưởng khoa Nội thận tiết niệu, bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cho biết trong khoảng 5 năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân trẻ mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ tăng lên khoảng 5-10%.
Nhiều trường hợp tình cờ phát hiện bệnh từ dấu hiệu mờ nhạt như mệt mỏi, ăn không ngon miệng, buồn nôn.
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang hiện điều trị khoảng 130 bệnh nhân suy thận phải lọc máu chu kỳ, chia đều bốn ca. Trong số này, 30-40% bệnh nhân dưới 40 tuổi, thậm chí 30 tuổi.
Bác sĩ Tuyên nhận định thực tế này bị ngược so với các nước phát triển bởi nguyên nhân chủ yếu gây suy thận là do cao huyết áp và tiểu đường, trong khi Việt Nam người bị suy thận là do bị bệnh cầu thận, sỏi tiết niệu, nhiễm trùng, lạm dụng thuốc không theo chỉ định hoặc có lối sống phản khoa học.
Đó là thói quen ít vận động, thiếu ngủ, vệ sinh kém, uống không đủ nước, thường xuyên nhịn tiểu, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, ăn mặn, ăn quá nhiều thịt, ăn nhiều đường và đồ ngọt, thức ăn nhiều dầu mỡ, tiêu thụ các thực phẩm chế biến sẵn.
Do vậy, tuổi trung bình của bệnh nhân suy thận ở Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các nước phát triển.
Trước đó, Tuổi Trẻ ngày 18 Tháng Tám cũng báo động căn bệnh này ở người trẻ, cho biết có đến 16.8% người trưởng thành mắc bệnh nhưng nhiều người không biết.
Tại bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), bệnh nhân nữ tên B.T.H. (23 tuổi, ngụ huyện Gia Lâm, Hà Nội) có sức khỏe bình thường, không triệu chứng rõ rệt. Đến khi đi khám sức khỏe để xin việc, H. mới biết bị suy thận, điều trị ở một cơ sở y tế khoảng hai năm thì tương đối ổn.
Sau đó, bệnh nhân H. nghe theo người quen uống thuốc thảo dược, sau hai tuần bệnh tiến triển nặng, bắt buộc phải điều trị thay thế thận bằng hình thức lọc máu chu kỳ.
Một trường hợp khác là bệnh nhân nam tên T.T.A. (26 tuổi, ngụ TP.Hà Nội) cho biết mình không có triệu chứng gì, chỉ mệt, đau đầu, đi khám thì biết bị suy thận giai đoạn cuối, phải điều trị lọc máu cấp cứu ngay.
Nam bệnh nhân này buồn bã kể hằng tuần phải chạy thận ba lần, chi phí tốn kém. Đã vậy, A. thiếu sức khỏe nên không làm gì được, phải phụ thuộc vào cha mẹ, anh chị em, mà bác sĩ nói căn bệnh này không chữa khỏi được.
PGS.TS Đỗ Gia Tuyển, giám đốc Trung tâm Thận – Tiết niệu – Lọc máu, bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết ở Việt Nam, nguyên nhân hàng đầu bị suy thận vẫn là bệnh cầu thận mạn các thể loại khác nhau, sau đó đến viêm thận bể thận mạn do sỏi, người bị tiểu đường hoặc cao huyết áp…
Ngoài ra, người suy thận cũng có khi di truyền từ cha mẹ (một trong hai từng mắc bệnh suy thận giai đoạn 3-5) hoặc có lối sống thiếu lành mạnh như ăn đồ chế biến sẵn, dư thừa năng lượng, ít vận động, hay uống rượu bia.