Bi hài chuyện ra trường của học sinh Việt Nam

“Queen” và “King” 2023 của trường trung học phổ thông Marie Curie (quận 3, Sài Gòn) khiêu vũ mở màn đêm dạ tiệc “Ký ức lấp lánh” chia tay cuối năm trung học, bắt chước các trường trung học Mỹ – Ảnh: VTC News

“Phú quý sinh lễ nghĩa” nên ngay cả các bé “tốt nghiệp” mẫu giáo (trường công cũng như trường tư) cũng có nón và áo choàng như sinh viên tốt nghiệp đại học.

Một “làn sóng” học sinh đội nón và mặc áo choàng để “ra trường và tốt nghiệp” lây lan từ mẫu giáo đến tiểu học và trung học. Riêng năm cuối 12, các em còn có “lễ trưởng thành” và đêm dạ vũ chia tay nữa, ở đó còn có cuộc thi chọn “Queen” và “King”, rồi “Queen” và “King” cùng nhau khiêu vũ trong trang phục dạ hội (kiểu Tây), y như các trường trung học ở Mỹ!

Tuần qua, truyền thông trong nước tràn ngập tin tức và hình ảnh các buổi lễ bế giảng của học sinh Việt Nam. Trên mạng xã hội Facebook thì tràn ngập post của các mẹ khoe thành tích cuối năm học của con, đi kèm là hình ảnh các giấy khen, bảng điểm… cứ hệt như đó là “thành tích” của mẹ!

Lễ bế giảng niên học tại các trường với sự sao chép lẫn nhau về cách tổ chức, trọng hình thức hơn là nội dung, vì thế lắm chuyện bi hài.

Không chỉ học sinh năm cuối trung học mới chụp hình làm kỷ yếu lưu ở trường, mà cả các bé “tốt nghiệp” mẫu giáo cũng chụp hình làm kỷ yếu. Tóm lại, trường nào cũng bày ra đủ thứ “lễ” cốt để phụ huynh đóng góp.

Ảnh trên Facebook của một nam sinh năm cuối trung học phải “chầu rìa” khi các bạn chụp hình làm kỷ yếu vì không có tiền đóng góp

Ngày 29 Tháng Năm, trên trang Vietgiaitri đưa câu chuyện đang lan truyền trên mạng xã hội của một nam sinh năm cuối trung học, vì không có tiền đóng cho những hoạt động bế giảng như liên hoan, dã ngoại, quà lưu niệm cho thầy cô, chụp hình kỷ yếu… đã phải đứng “chầu rìa”, với lời nhắn của giáo viên chủ nhiệm: “Đứa nào không nộp tiền đứng ngoài xem thôi nhé”.

Nam sinh này viết: “Lễ bế giảng đứng một góc nhìn các bạn và cô chụp ảnh cùng nhau bằng ánh mắt ngưỡng mộ, nhưng hết cách rồi. Thôi thì tự nhủ bản thân cố gắng để sau tự mua được những thứ mình muốn…”. Bên dưới dòng trạng thái này là bình luận của nhiều người, đại ý: Tập thể lớp và bà cô của bạn thật tàn nhẫn, chả ra gì, vì họ có thể cùng chung tay giúp bạn…

Bình luận trên Facebook dưới dòng trạng thái của bạn nam sinh phải “chầu rìa” nhìn các bạn chụp hình – Ảnh chụp màn hình Vietgiaitri

Thật ra thì có cần phải “giúp”? Thay vì “giúp” – trong trường hợp này có thể chạm đến lòng tự trọng của người nhận, thì nhà trường nên dẹp hết những hoạt động bế giảng đầy hình thức này đi!

Câu chuyện này không biết xảy ra ở trường nào và tỉnh thành nào, nhưng rõ là các khoản đóng góp cho lễ bế giảng (số tiền đóng mỗi trường mỗi khác) làm cho học sinh nghèo thêm nặng lòng, còn phụ huynh nghèo thì đành… tặc lưỡi làm ngơ, chứ chẳng lẽ đi vay mượn để con có mũ áo cân đai, có tấm hình kỷ yếu hay một bữa liên hoan linh đình tại nhà hàng?

Nhà báo Kiem Mai Ba kể về lễ tốt nghiệp lớp 5 của cháu ngoại trên Facebook: “Sáng nay, cháu ngoại đi dự lễ hoàn thành chương trình tiểu học, về khoe Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tiểu học, bằng khen và hình ảnh buổi lễ hoành tráng, sau đó cháu đi ăn buffet hạng sang (tất nhiên phụ huynh đóng phí cho lễ và tiệc).

Để so sánh xưa và nay, tôi lấy chứng chỉ tốt nghiệp tiểu học của tôi năm 1963 (khổ to hơn bằng tay) cho cháu xem và kể: “Cách 60 năm, ông ngoại tốt nghiệp  như con mà không có lễ, tiệc, mặc áo thụng tốt nghiệp cử nhân. Bà cố khỏi đóng phí lễ, tiệc, tiền mua tập vở làm quà thưởng, và không đóng học phí suốt 5 năm học. Bà cố chỉ dắt ngoại đến tiệm chụp hình… chụp ảnh 2×3 để dán vào “Chứng chỉ (tạm thay) bằng tiểu học”, và tấm hình đứng chống nạnh để làm kỹ… nghệ!”.

Sự khác nhau trong lễ bế giảng niên học giữa xưa và nay mà ông Kiem Ba Mai nêu không chỉ là về mặt thời gian mà còn là… không gian sống khác nhau một trời một vực, giữa thể chế Việt Nam Cộng Hòa và thể chế cộng sản!

Bảng kê khai các khoản chi dành cho lễ tốt nghiệp lớp 5 tại một trường tiểu học ở TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng – Ảnh chụp màn hình Thanh Niên

Thanh Niên ngày 25 Tháng Năm 2023 đăng thư phản ảnh của một phụ huynh: “Hơn 46 triệu đồng cho lễ ra trường của một lớp 5, nên không?”, trong đó nêu: dự định kinh phí cho lễ ra trường của một lớp 5 tại một trường tiểu học (tại TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) là 46,140,000 đồng ($1,965). Trong đó, mỗi học sinh đóng 400,000 đồng, số còn thiếu, ban tổ chức sẽ vận động phụ huynh trong lớp tài trợ để tổ chức lễ ra trường!

Trong tờ thông báo gửi đến phụ huynh, từng khoản dự chi được nêu cụ thể, như chi cho thầy cô (gồm cô hiệu trưởng, hai cô hiệu phó, cô chủ nhiệm, giáo viên chủ nhiệm cũ, giáo viên bộ môn, cô phụ trách đội, hoa cho thầy cô…) là 14.5 triệu đồng; tiền ăn cho 40 học sinh là 10.8 triệu đồng, tiền ăn cho 55 phụ huynh của lớp và giáo viên là 14,040,000 đồng…!

Mà đây mới chỉ là khoản chi của lễ ra trường của lớp 5, tức… tốt nghiệp tiểu học của một thành phố nhỏ thuộc tỉnh. Như vậy suy ra các lễ tốt nghiệp trung học cơ sở (lớp 9) và trung học phổ thông (lớp 12) ở các đô thị lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng… thì phụ huynh chắc chắn sẽ phải đóng nhiều hơn!

VietnamNet ngày 25 Tháng Năm 2023 đưa tin trường trung học cơ sở Mạo Khê 2 (thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) tổ chức lễ bế giảng niên học 2022-2023 ở hội trường công viên nước Hà Lan với vài chục bàn tiệc “quy mô hoành tráng” “khiến người xem không khỏi trầm trồ” vì… giống như tiệc cưới!

Trao đổi với VietNamNet, bà Phạm Thị Thanh Tâm, trưởng phòng Giáo dục thị xã Đông Triều, Quảng Ninh, cho biết do khuôn viên trường chật hẹp, ban giám hiệu trường Mạo Khê 2 cùng hội phụ huynh đã thuê hội trường để tổ chức hai ngày: ngày 24 Tháng Năm tổ chức lễ ra trường cho học sinh lớp 9, còn ngày 25 Tháng 5 thì tổ chức lễ bế giảng chung cho toàn trường.

Trong cả hai ngày, hội phụ huynh đặt tiệc để cùng học sinh, giáo viên ăn trưa… và điều quan trọng là “hội phụ huynh đóng góp kinh phí”!

Đúng là “trăm dâu” đổ đầu… phụ huynh!

Cũng tổ chức liên hoan tổng kết niên học vào trưa ngày 25 Tháng Năm, trường tiểu học Lê Quý Đôn, thị trấn Đắk Hà (huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) chả được ai trầm trồ, vì phải đưa 11 em học sinh lớp 2A đến Trung tâm y tế huyện cấp cứu! Buổi liên hoan tại trường bao gồm các món cơm cuộn chiên, cá viên chiên, trà sữa… đã làm các em bị đau bụng, nôn ói do ngộ độc thực phẩm. May mắn là 11 em lớp 2A chỉ bị ngộ độc nhẹ, sau một ngày chữa trị đã ổn, được cho về nhà.

Sau sự việc xảy ra, Ủy ban huyện Đắk Hà phải ra văn bản chấn chỉnh trường học tổ chức tiệc liên hoan cuối năm phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Giấy khen tự làm của một phụ huynh ở Nghệ An để động viên con trai “tốt nghiệp” mẫu giáo mà không nhận được bằng khen – Ảnh: Tiền Phong

Trong “làn sóng” các trường đua nhau tổ chức lễ bế giảng để moi tiền phụ huynh thì có hai bản tin khá lạc lõng, nhưng lại làm dịu lòng người đọc. Đó là một ông bố tự làm giấy khen tặng con trai sau lễ tổng kết của trường mẫu giáo, vì thấy con buồn và khóc vì không có giấy khen giống các bạn, Tiền Phong đưa tin ngày 26 Tháng Năm.

Ông bố đó đã nắn nón viết bằng mực đỏ lên vở học sinh: “Hiệu trưởng nhà, ông Nguyễn Văn Trung, khen tặng em Nguyễn Khánh Thực, lớp Mầm Non, đạt danh hiệu bé Bé giỏi, Bé ngoan, năm học 2022-2023″, sau đó ký tên, vào sổ khen thưởng… và tặng cho con trai.

Khi làm xong tờ giấy khen, ông bố đó đưa cho con cầm thì cháu vui vẻ trở lại. Thấy vậy ông liền chụp lại đăng lên trang Facebook cá nhân với dòng trạng thái: “Cố gắng lên lớp 1 phát huy, học cho ngoan, cho giỏi con nhé!”.

Tấm ảnh cậu bé ôm bằng khen của bố tự làm với khuôn mặt vui vẻ, đã làm cộng đồng mạng thích thú và ngợi khen, cho rằng ông bố này biết động viên tinh thần của con. Ông bố tâm lý đó là Nguyễn Văn Trung (35 tuổi, ngụ xóm Hải Thịnh, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, Nghệ An), vị phụ huynh hiếm hoi không bị ám ảnh bởi giấy khen và thành tích học tập của con.

Các học sinh tiểu học háo hức cùng bác bảo vệ trường tiểu học Diễn Phúc (Nghệ An) hái xoài trong ngày lễ tổng kết niên học – Ảnh: VietnamNet

Bản tin thứ hai là “Thầy cô háo hức bắc thang hái 1.000 quả xoài tặng học sinh cuối năm” trên VietnamNet ngày 24 Tháng Năm 2023. Hình ảnh dễ thương này xuất hiện vào ngày tổng kết niên học ở trường tiểu học Diễn Phúc (Diễn Châu, Nghệ An) tổ chức ngày 23 Tháng Năm. Sau buổi lễ, giáo viên cùng nhân viên bảo vệ đã tổ chức hái xoài làm món quà cuối năm cho 500 học sinh.

Trao đổi với VietNamNet, ông Hà Duy Trung, hiệu trưởng trường tiểu học Diễn Phúc, cho biết: “Tại buổi lễ tổng kết, chúng tôi đã hái 1,000 quả xoài, tặng mỗi học sinh hai quả làm quà cuối năm. Trường có khoảng 10 cây xoài, năm nay quả sai trĩu. Các em học sinh lớn tham gia cùng giáo viên, bác bảo vệ hái xoài. Học sinh nhỏ hơn thì nhặt, gom quả, không khí vui như hội”.

Mỗi học sinh đều nhận được hai quả xoài từ nhà trường để mang về nhà trong ngày lễ tổng kết niên học của trường tiểu học Diễn Phúc – Ảnh: VietnamNet

Hoạt động cả trường cùng hái xoài vào ngày lễ tổng kết niên học đã được tiến hành nhiều năm ở trường này. Theo ông Trung, những gốc xoài này là thành quả của phụ huynh và giáo viên, nhân viên nhà trường cùng nhau chăm sóc, không chỉ cho quả mà còn tạo bóng mát sân trường. Để có được ngày hái xoài vui vẻ, học sinh trong trường được dạy không hái quả non, hình thành ý thức bảo vệ cây xanh.

Hình ảnh những đứa nhỏ lăng xăng cùng thầy cô hái xoài cho vào giỏ trên sân trường mới đẹp làm sao, vừa có ý nghĩa về tinh thần, vừa tốt cho thể chất vì cả thầy trò cùng nhau vận động.

Đáng buồn là những câu chuyện đẹp như ông bố Nguyễn Văn Trung và trường tiểu học Diễn Phúc chỉ là những đốm sáng nhỏ nhoi trong mớ hổ lốn mang tên… “lễ tổng kết niên học/lễ trưởng thành/lễ ra trường/lễ tốt nghiệp”… ở Việt Nam.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Động lực
Về cơ bản, có hai điểm định nghĩa động lực là một quá trình quan trọng và phức tạp nhằm đạt được các mục tiêu, kích thích mong muốn trong…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: