Biên Hòa: Tiệm spa đồ dùng hàng hiệu thuê toàn nhân viên điếc câm

Bà Phạm Cao Phương Thảo và con trai Đoàn Phạm Khiêm tại lễ tốt nghiệp – Ảnh: Vietnammoi

Một tiệm tân trang (spa) giày và túi xách hàng hiệu ở TP.Biên Hòa sử dụng 10 nhân viên điếc câm.

Trong tiệm spa này ở đường Võ Thị Sáu, TP.Biên Hoà (tỉnh Đồng Nai), bà Trần Nguyễn Thảo Mai, 29 tuổi, quản lý tiệm chỉ có thể giao tiếp với thợ bằng ngôn ngữ hình thể. Bà nói với phóng viên Vnexpress ngày 17 Tháng Ba“Họ đều là người điếc câm. Tại đây, chúng tôi trao đổi với nhau bằng thủ ngữ, ký hiệu, từ đôi bàn tay, ánh mắt, nụ cười, lắc hay gật đầu”.

Để có thể giao việc và hướng dẫn cho thợ, bà Mai phải đi học ngôn ngữ ký hiệu.

Tháng Mười Hai 2020, Mai cùng ba người bạn thành lập công ty cung cấp dịch vụ vệ sinh gia đình với nhân viên là người điếc câm, nhưng thấy nhân viên gặp khó khăn khi trực tiếp làm việc với khách hàng nên sau đó, Tháng Chín 2022, bà thành lập dịch vụ spa đồ dùng hàng hiệu. Với công việc này, nhân viên chỉ ngồi một chỗ và giao dịch với người quản lý. Điểm đầu tiên ở Hà Nội, điểm thứ hai ở TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Cái khó là đào tạo họ cách làm. Đội ngũ quản lý như bà Mai phải mất một tháng để chỉ họ tiến trình vệ sinh, phục hồi giày, túi xách hàng hiệu, đầu tiên cho họ thực hành trên những đôi giày cũ, phân biệt chất liệu, giá trị của đơn hàng. Sau khi họ vững nghề mới giao việc. Trong cửa hàng ở Biên Hòa, có bảng hướng dẫn, bảng ghi chú…. giúp người thợ thuận tiện trong giao tiếp. Phải mất đến ba tháng, nhóm thợ đặc biệt này mới lành nghề.

Đa phần sản phẩm hàng hiệu khách mang đến vệ sinh, phục hồi, tân trang đều có giá trị lớn, nhiều khi lên đến hàng trăm triệu đồng, lỡ xước nhẹ hoặc làm bong tróc phải bồi hoàn, mà có khi khách còn không chịu. Điều may mắn theo bà Mai là người điếc câm có sự chú tâm cao, tỉ mỉ từng chút nên kết quả thường rất tốt, vì vậy có đến 70% khách hàng tin tưởng, quay trở lại tiệm.

Quốc Anh, 21 tuổi, đang kiểm tra giày lần cuối trước khi giao trả cho khách, trưa 15 Tháng Ba – Ảnh: Vnexpress

Sau nửa năm hoạt động, mỗi ngày cửa hàng nhận khoảng 10-15 đôi giày, lương trung bình của người thợ từ  5 – 7 triệu đồng/tháng ($211 – $296), được phụ cấp tiền ăn, trợ giúp chỗ ở. Năm 2023, công ty có dự định mở thêm tiệm spa ở Sài Gòn, để tạo việc làm cho nhiều người khiếm khuyết.

Những người thợ đặc biệt tại spa đồ hàng hiệu ở Biên Hòa có độ tuổi từ 19 – 32, cả nam lẫn nữ. Mỗi khi có khách hàng biết dùng ngôn ngữ cơ thể để chào hay cảm ơn cũng làm họ rất vui.

Một khách hàng là ông Nguyễn Xuân Trường được Vnexpress dẫn lời cho biết ban đầu ông rất ngại khi giao cái túi xách trị giá hơn 80 triệu đồng ($3,391) nhưng khi nhận lại sản phẩm đã tân trang, ông hài lòng, có cái nhìn khác về người thợ điếc câm.

Đà Lạt hiện có quán cà phê Thời Thanh Xuân rất nổi tiếng cũng sử dụng toàn nhân viên điếc câm trẻ trung phục vụ với cách thanh toán là tùy tâm của khách. Không gian quán thiết kế ngoài sân vườn, thường có đầy khách nhưng rất yên tĩnh vì khách thường ngồi uống cà phê với cuốn sách trên tay.

Tại quầy pha chế nước có rất nhiều mảnh giấy nhỏ để khách ghi tên món đồ uống. Cà phê ở đây pha rất ngon, trà thảo mộc – địa phương, cũng có vị thanh mát, dễ chịu. Ngoài bán đồ uống, khách đến đây còn có thể mua cà phê nguyên hạt, trà, các loại xà bông, tinh dầu thảo mộc… được đóng gói xinh xắn, tiện làm quà tặng.

Thanh Niên ngày 15 Tháng Tư 2016 đã ghi nhận: Những quy định và giám định mức độ khuyết tật đang được lưu hành khiến hàng ngàn người điếc câm không được thừa nhận đúng với mức độ khuyết tật và họ đang phải vật lộn với khó khăn mỗi ngày… Trong cộng đồng người khuyết tật, người điếc câm thường bị đánh giá là “ít khuyết tật” hơn cả bởi nhìn bên ngoài, mức độ khuyết tật không rõ ràng như những người khiếm thị, thiếu tay chân. Khi ra Hội đồng giám định, đa số họ không được chứng nhận khuyết tật nặng (trên 70%), nên không được thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, đi xe công cộng như xe buýt, tàu lửa không được giảm giá hay miễn phí.

Thanh Niên cũng giới thiệu Tổ chức Cộng đồng Điếc Câm (DCOH), với người phụ trách là bà Phạm Cao Phương Thảo (61 tuổi), người duy nhất trong DCOH có thể nói chuyện được. Bà Thảo là mẹ của Đoàn Phạm Khiêm (sinh năm 1982), Chủ tịch DCOH, một người điếc câm nổi tiếng trong cộng đồng này vì đậu thủ khoa trường ĐH Mỹ Thuật thành phố (Sài Gòn) và là người Việt Nam đầu tiên có chứng chỉ giảng dạy ngôn ngữ ký hiệu. Cuối tuần, Khiêm dạy miễn phí môn ngôn ngữ ký hiệu tại trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân Văn và đang cùng bạn bè biên soạn bộ từ điển ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam.

Căn hộ nhỏ bé trong chung cư Nguyễn Thiện Thuật (quận 3) mà mẹ con Khiêm mượn của một người bạn là nơi lui tới thường xuyên của cộng đồng, từ 14 đến hơn 60 tuổi và có đến vài chục người điếc câm ở nhờ. Họ xin cơm chùa, cơm từ thiện để ăn, được bà Thảo dạy cách đi làm, cách ứng xử, luật pháp… để có thể tự tìm cách nuôi sống mình.

Theo bà Thảo, đa số người điếc câm xuất thân từ những gia đình nghèo, bị thân nhân ruồng rẫy, sống lang thang, không dễ có việc làm dù là rửa chén, giúp việc, rửa xe, lau sàn. Khi có rồi thì công việc cũng không được lâu, chưa kể họ còn bị đánh đập, bị lạm dụng tình dục…

Trang web của Cộng đồng Điếc Câm (DCOH) vẫn hiển thị nhưng không còn thông tin hoạt động từ năm 2014, chắc chắn là do thiếu kinh phí duy trì hoạt động, thật đáng tiếc – Ảnh chụp màn hình

VOV ngày 26 Tháng Bảy 2016 đã tường thuật mỗi tối tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, Sài Gòn) có một nhóm người điếc câm mang chiếc loa cũ, đặt ở vị trí có nhiều người qua lại và bắt đầu thể hiện những giai điệu thật đẹp bằng ngôn ngữ cử chỉ.

Những người điếc câm biểu diễn bằng ngôn ngữ của cơ thể thuộc Tổ chức cộng đồng Điếc Câm (DCOH), do bà Phạm Cao Phương Thảo hướng dẫn, nhằm giúp người điếc câm có việc làm. Nhóm có khoảng gần 100 thành viên, nhưng mỗi lần đi biểu diễn đường phố chỉ từ 3 – 7 người, còn những thành viên khác ở nhà nghỉ ngơi và tập luyện.

Mỗi khi có người dừng lại xem hay tán thưởng, các thành viên lại dùng bàn tay phải chụm lại đưa lên trước miệng rồi từ từ mở ra trước mặt, lòng bàn tay ngửa ra và cúi người xuống cảm ơn.

Trang web của DCOH giới thiệu thành lập 2009, là tổ chức đầu tiên tại Việt Nam do chính người điếc câm điều hành, quản lý và lãnh đạo, với mục đích: – Liên kết, tập hợp, phát triển cộng đồng; – Tăng cường giáo dục toàn diện nhằm trang bị kiến thức, nhận biết về xã hội cho hội viên điếc câm; – Tích cực hỗ trợ tất cả vấn đề liên quan đến cuộc sống của hội viên điếc câm. Thời điểm năm 2014, DCOH có 230 hội viên điếc câm, trong đó 50% là nữ giới và đến từ nhiều tỉnh thành. Mục tiêu mà DCOH nhắm tới là giúp cộng đồng người điếc câm (khoảng 3,805 người) ở Sài Gòn có công ăn việc làm như mở xưởng vẽ, mở quán nước uống… Thế nhưng từ năm 2014 đến nay, trang web này không cập nhật thông tin mới.

Khi tìm trên mạng thông tin mới của bà Thảo và con trai là Đoàn Phạm Khiêm cũng toàn là thông tin cũ từ năm 2009-2017. Nếu chỉ trông chờ vào sức lực của hai mẹ con bà Thảo mà không có được nguồn thu nhập ổn định thì chắc chắn DCOH không thể tồn tại được như ước vọng tốt đẹp ban đầu của họ.

Những người bị khiếm khuyết thể chất ở Việt Nam quả thật rất cô đơn, bị gạt ngoài lề xã hội vì mọi thói quen, sinh hoạt, việc làm đều chỉ dành cho người bình thường.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: