Biến quần áo jeans cũ thành túi xách

Cô gái trẻ Phạm Thị Hải Dương trong cửa hàng của mình – Ảnh: Tuổi Trẻ

Hai cô gái trẻ, một ở Hà Nội, một ở Sài Gòn, đã có đam mê tái chế quần áo jean cũ thành những sản phẩm mới như túi xách, nón… tạo nên vòng đời mới cho vải jeans, giảm thiểu rác, bảo vệ môi trường.

Tuổi Trẻ ngày 2 Tháng Mười Một 2023 kể về cô gái Phạm Thị Hải Dương (28 tuổi, quê Phú Yên, hiện sống ở Sài Gòn) đã bán được hơn 5,000 túi xách từ vải jeans, tận dụng từ đồ jeans cũ, trong vòng bốn năm qua.

Đang có công việc ổn ở một công ty, cuối năm 2019, Hải Dương dọn dẹp nhà cửa và thấy những bộ quần áo jeans còn tốt nhưng lỗi thời, không còn dùng đến, cô đã nghĩ tại sao không thử cắt ra may túi xách cho mình?

Khi Dương khoe những chiếc túi jeans tái chế từ quần áo cũ của mình, bạn bè thích thú và ngỏ ý mua. Từ đó, Dương có động lực thiết kế tiếp những chiếc túi jeans không đụng hàng từ đồ jeans cũ.

Một balo tái chế từ quần jeans cũ của Hải Dương – Ảnh: Tuổi Trẻ

Nguồn hàng của Dương là mua lại đồ jeans ở các tiệm quần áo cũ, đồ jeans trong các cơ sở từ thiện, có cả đồ jeans cũ của khách hàng mang đến, nhờ Dương may thành túi xách.

Khi có được sự tín nhiệm, Dương học hỏi thêm từ lớp học thiết kế thời trang, từ internet… để tìm cách làm ra một túi xách chuyên nghiệp, từ phom dáng đến hoàn thiện các chi tiết.

Các sản phẩm túi xách từ vải jeans cũ của Dương đa dạng kiểu, từ balô, túi đeo chéo, túi bucket hai dây đeo, túi bầu, túi vuông, balô mái vòm, túi tròn… với những điểm nhấn nhá lạ và “không đụng hàng”, hấp dẫn người mua.

Sự dày dặn và chắc chắn của sợi vải jeans, những chi tiết khác nhau trên quần áo jeans, đầm jeans cũ… rất thích hợp với việc may thành túi xách và Hải Dương càng làm càng yêu thích công việc này, với nỗ lực hoàn thiện mỗi ngày.

Phụ Nữ Online ngày 2 Tháng Tư 2022 cũng cho biết những chiếc túi xách ban đầu của Hải Dương mang tên “Hộp Handmade”, đầu năm 2022 đã chu du theo khách hàng đến Mỹ với một cái tên khác là “Cruella de Vil Handbags”, phỏng theo tên nữ nhân vật phản diện trong phim “101 con chó đốm” (One hundred and one dalmatians).

Hải Dương đang ướm thử một chiếc túi cho khách hàng – Ảnh: Tuổi Trẻ

Trong công việc này, Hải Dương thích nhất là khuyến khích mọi người theo xu hướng tiêu dùng bền vững, không vứt bỏ những món đồ cũ, thay vào đó là tái chế và sửa chữa chúng thành món đồ đẹp, độc đáo nhờ sự pha trộn và kết hợp sáng tạo.

Ba năm qua, ngoài sản xuất túi, Hải Dương còn mở các lớp dạy làm túi online và offline. Học viên của cô đa phần là nữ giới ở Sài Gòn, các tỉnh miền Tây và cả Hà Nội, nước ngoài…

Thanh Niên ngày 30 Tháng Chín 2022 cũng kể câu chuyện về Bùi Thị Kim Ngân (34 tuổi, quê Quảng Ninh) đang sống ở Hà Nội, có đam mê tái chế quần áo jeans cũ thành những phụ kiện thời trang mới như túi, nón, tạp dề, bông tai, dây buộc tóc… kể cả đồ lưu niệm như bọc gương trang điểm cầm tay, làm móc treo chìa khóa…

Ngân kể với Thanh Niên: “Lần đầu tiên mình nảy ra ý định làm thời trang tái chế là khi nhận được chiếc quần yếm bầu jeans chị gái cho. Đó là một chiếc yếm size châu Âu rất to, không ai mặc được.

Mình thấy những chiếc túi ở trước ngực nếu tận dụng làm túi sẽ rất độc đáo nên đã may một chiếc túi tote. Đó cũng là thời gian mình gặp biến cố về sức khỏe, khi biến hình những chiếc quần jeans cũ cho mình cảm giác đã tạo ra giá trị từ những món đồ tưởng chừng phải bỏ đi…”.

Bùi Thị Kim Ngân bên những sản phẩm tái chế từ quần áo jean cũ – Ảnh: Phụ Nữ Việt Nam

Ngân còn có thói quen sưu tầm sẵn những chiếc lưng quần, đó là phần còn mới nhất trong những cái quần jeans cũ. Để cắt ghép những chiếc lưng quần jeans thành chiếc túi thì mất công hơn nhiều so việc cắt từ tấm vải nguyên hay chiếc quần còn nguyên nhưng công việc càng thử thách, Ngân càng thích.

Cô nói: “Được thử thách bản thân trong việc sáng tạo thì mình thấy hạnh phúc. Vì không phần vải còn tốt nào bị bỏ đi. Có người nói tái chế là góp phần bảo vệ môi trường nhưng mình nghĩ không hẳn vậy.

Mình nghĩ bất kỳ quá trình sản xuất và tiêu dùng nào cũng ảnh hưởng đến môi trường, kể cả tái chế. Nhưng con người không thể ngừng sản xuất và tiêu dùng”.

Ngân không chỉ tái chế jeans mà cô còn tái chế quần áo cũ các loại, kể cả vải vụn công nghiệp may sản xuất thừa như nỉ, len.

Dù không thể sản xuất hàng loạt, thời gian hoàn thiện lâu và giá thành sản phẩm cao, kén người mua, Ngân vẫn không nản chí.

Ngân phân phối đồ jeans tái chế chủ yếu qua các kênh mạng xã hội như Facebook, TikTok, Shopee… và có một cửa hàng nhỏ ở Hà Nội, bày bán từ phụ kiện thời trang đến đồ lưu niệm có thêu tên người sử dụng.

Những chiếc gương trang điểm trang trí vải jean cũ có thêu hoa và tên người sử dụng của Ngân – Ảnh: Thanh Niên

Phụ Nữ Việt Nam ngày 17 Tháng Mười Một 2020 cho biết công việc tái chế đồ jeans của Ngân bắt đầu từ năm năm trước, khi cô từ bỏ công việc văn phòng để đeo đuổi đam mê của mình.

Thay vì bỏ đi một chiếc quần jeans cũ (tức một ký bông thô nguyên liệu), Ngân muốn tái chế thành món đồ hữu ích để vòng đời jeans được kéo dài hơn. Không chỉ thế, Ngân còn tận dụng cả những con đỉa ở lưng quần, cả tag mác, cúc khóa và đinh tán kim loại… trên những chiếc quần jeans cũ để tái sử dụng.

Ngân cho biết một chiếc túi jeans có khi hoàn thành trong vài giờ đến hai ngày. Nếu thêu họa tiết nhấn nhá thêm thì có khi mất 4- 6 ngày mới hoàn thành.

Từ một chiếc quần bỏ đi, Kim Ngân có thể làm ra túi tote các size từ mini tới size L; túi bucket, túi tròn, túi trống, túi bao tử, túi hộp, balô các loại. Giá sản phẩm thủ công của Ngân từ 105,000 – 550,000 đồng và mỗi cái đều có nét riêng độc đáo.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: