Bình Thuận: Phá rừng tự nhiên hơn 600ha để làm hồ thủy lợi

Loại cây quý như căm xe mọc dày đặc ở khu vực rừng đặc dụng Núi Ông, kề suối Bà Bích và ở cánh rừng này còn rất nhiều loại cây có giá trị khác như: lim, hương, sao, mun, bằng lăng… – đã lọt vào “cặp mắt tham lam” của ai đó – Ảnh: VnExpress

Khu rừng tự nhiên rộng hơn 619ha ở xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận sắp bị phá bỏ để làm hồ thủy lợi.

Theo VnExpress ngày 4 Tháng Chín 2023, nhà cầm quyền Bình Thuận dự định sẽ xây dựng hồ thủy lợi Ka Pét, diện tích gần 700ha, dung tích chứa hơn 51 triệu m3 nước, tổng vốn hơn 874 tỷ đồng, khởi công vào năm 2024, hoàn thành năm 2025.

Mục tiêu xây dựng hồ thủy lợi này là “phát triển kinh tế”, cung cấp nước cho nông nghiệp; khu công nghiệp; sinh hoạt; đồng thời cải thiện môi trường khô hạn và điều tiết nước vùng hạ du Hàm Thuận Nam.

Phóng sự ảnh của VnExpress cho thấy khu rừng sắp bị đốn hạ ở xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) tồn tại từ lâu đời, gắn liền với không gian sống của người sắc tộc Rai (Raglai) hàng trăm năm qua.

Hiện khu rừng được hai chủ rừng (Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông và Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét) quản lý, có sự chung tay bảo vệ của cộng đồng địa phương thông qua chính sách nhận khoán.

Một cây bằng lăng nằm trong tiểu khu 262, có thân cao hơn 30m, gốc đường kính hơn 2m, bốn người ôm không hết, sẽ bị cưa hạ để làm lòng hồ Ka Pét – Ảnh: VnExpress

Trong khu rừng này có rất nhiều loại gỗ quý, như: Lim, cẩm, hương, trắc, căm xe, mun, bằng lăng, sao, dầu. Nhìn một cây bằng lăng trong tiểu khu 262, có thân cao hơn 30m, gốc đường kính hơn 2m, bốn người ôm không hết, tương lai sẽ bị đốn hạ để làm lòng hồ Ka Pét, ông Nguyễn Ngọc Chiến, Trưởng trạm bảo vệ rừng Mỹ Thạnh (Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông) cho biết: “Cây này ước hơn 200 năm tuổi, nhìn chung rừng ở đây còn rất đẹp và trữ lượng gỗ nhiều hơn bên Tánh Linh”.

Bên cạnh các cây gỗ quý, cây cổ thụ là các cây tán bụi và tre phủ tán ở tầng thấp hơn, tạo nên một hệ sinh thái rừng đa dạng.

Nhờ tán rừng che phủ, vào mùa mưa, độ ẩm cao, nhiều loại nấm sinh trưởng mạnh, trong đó có những loại nấm quý ăn được và có giá trị cao như nấm mối, lim xanh, linh chi, nấm dầu, nấm nghệ.

Bên cạnh đó, cánh rừng Mỹ Thạnh còn có nhiều loại động vật trú ngụ như rùa núi, nai đỏ, khỉ, voọc, heo rừng, chồn hương, nhím, kỳ đà, kể cả chim đại bàng núi.

Rùa núi kiếm ăn trong rừng. Khu rừng tự nhiên có không khí trong lành, hình thành nhiều chuỗi thức ăn, là nơi nhiều loài động vật trú ngụ – Ảnh: VnExpress

Trong rừng cũng có ba dòng suối nhiều nước là Bà Bích, Đá Bàn Lớn và Đá Bàn nhỏ. Theo thiết kế, một đoạn suối Bà Bích sẽ được ngăn đập, chặn dòng, để tích nước cho hồ chứa Ka Pét trong tương lai!

Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng trạm quản lý rừng Đèo Nam (thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét), có hơn 12 năm bảo vệ rừng tại Mỹ Thạnh, tiếc nuối: “Đốn hạ rừng là chủ trương ở trên, chúng tôi chỉ biết chấp hành, thật sự mất rừng anh em chúng tôi buồn lắm”.

Ông Quang đau lòng nói: “Ở đây cây rừng xanh tốt, xếp thẳng như mía. Mật độ che phủ cao, trữ lượng gỗ trong rừng rất lớn. Chúng tôi khẳng định đây không phải là rừng nghèo”.

Trong số 600 ha rừng tự nhiên sắp bị phá có 137ha rừng đặc dụng của Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông. Rừng ở đây nhờ được bảo vệ nghiêm ngặt, ít bị con người tác động, trữ lượng gỗ còn rất lớn.

Và có thể “trữ lượng gỗ lớn” đã lọt vào “con mắt tham lam” của ai đó nên dự án xây dựng hồ thủy lợi Ka Pét ra đời?

Để có chỗ trống hình thành hồ thủy lợi theo ý đồ của nhà cầm quyền tỉnh Bình Thuận, khu rừng sẽ được bán đấu giá cho đơn vị khai thác gỗ – đơn vị nào được trúng thầu đốn hạ khu rừng tự nhiên này hẳn sẽ là “sân sau” của quan lớn nào đó ở Hà Nội!

Cây dầu lớn trong rừng Mỹ Thạnh, xung quanh đó là các cây tán bụi và tre phủ tán ở tầng thấp hơn, tạo nên một hệ sinh thái rừng đa dạng – Ảnh: VnExpress

Mặc dù nhà cầm quyền tỉnh này hứa sẽ trồng lại 1,844 ha rừng ở nơi khác để thay thế diện tích rừng bị mất (theo Luật Lâm nghiệp là khi phá bỏ rừng tự nhiên thì phải trồng lại rừng gấp ba lần diện tích đã phá bỏ), nhưng than ôi, rừng tự nhiên là KHÔNG BAO GIỜ TRỒNG ĐƯỢC, đã mất là mất luôn, theo GS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng.

Theo GS Nguyễn Ngọc Lung, dù tỷ lệ che phủ rừng ở Việt Nam hiện đạt đến 41% (số liệu của Bộ Nông nghiệp Việt Nam) nhưng thực chất đa số là rừng trồng, rừng nghèo. Rừng tự nhiên, rừng giàu… ở Việt Nam còn rất ít. Điều đáng nói là không thể trồng được rừng tự nhiên nên khi đã bị tàn phá là mất trắng!

Trả lời phỏng vấn của báo Khoa Học & Đời Sống ngày 9 Tháng Mười Một 2020, ông nhấn mạnh: “Do vậy, thà giữ 1ha rừng tự nhiên còn hơn phát triển 5 – 10ha rừng trồng! Đừng đánh đổi tự nhiên để phát triển, bởi có những thứ không mua được bằng tiền. Không ai có thể trồng được rừng tự nhiên. Rừng tự nhiên mất đi là vĩnh viễn mất đi, thiên nhiên đã bị tàn phá, khó mà khôi phục được”.

Điều khốn nạn là công trình xây dựng hồ thủy lợi Ka Pét – phá bỏ hoàn toàn 619ha rừng tự nhiên của Bình Thuận, đã được Quốc hội cộng sản chấp thuận năm 2019 và điều chỉnh cuối Tháng Sáu vừa qua!

Khu vực rừng tự nhiên bị phá bỏ để làm hồ thuỷ lợi – Đồ hoạ: VnExpress

Gần 150 ý kiến của độc giả VnExpress đều thống nhất một ý: Bình Thuận nên tìm nơi nào khác để làm hồ và để yên cánh rừng tự nhiên như nó vốn là.

Bên cạnh đó, nhiều độc giả cảnh báo: “Thật sự không còn chỗ nào khác để làm hay sao mà lại đi phá cả khu rừng quý báu như vậy chứ? Chẳng lẽ vẫn chưa thấy được những hiện tượng khí hậu cực đoan đang xảy ra khắp nơi là hậu quả của việc tàn phá thiên nhiên gây ra sao?” (EarthLove);

“Bình Thuận đã khô cằn, khí hậu có rừng thì mới đỡ gió, đỡ nắng gắt và còn tích tụ được nguồn nước ngầm lâu dài. Xây hồ chứa nước nhưng phá tới 600ha rừng nguyên sinh thì làm hồ xong không biết nước chứa được bao lâu?  Những hậu quả do phá rừng đang chờ người dân Bình Thuận và cả nước ở tương lai” (minhninh0892);

“Thật có lỗi lớn với mẹ thiên nhiên khi con người cố tình tạo ra nhu cầu cho họ, đừng hỏi tại sao khí hậu khắc nghiệt và thiên tai bão lũ , cánh rừng với bao cây cổ thụ phải ngàn năm mới được như vậy mà giờ muốn phá làm hồ?” (khoatranvan289);

“Khi thế hệ hiện tại còn sự lựa chọn, thì lựa chọn bỏ đi cánh rừng. Khi bỏ đi cánh rừng, thì thế hệ tương lai không còn lựa chọn nào khác, mà có thể sẽ phải gánh chịu hậu quả do thiên nhiên gây ra” (mainguyenthanhhoang).

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: