Bộ VH-TT-DL tiếp tục hành xử vô văn hóa

Có đề nghị cách chức Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng
Nhiều người đặt câu hỏi vì sao chương trình giải trí của Hà Nội tạm dừng mà các nhà hát thuộc Bộ VH-TT-DL trên địa bàn Hà Nội vẫn sáng đèn – Ảnh: Thanh Niên

Sau vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra vào tối 12 Tháng Chín tại chung cư mini phố Khương Hạ (P.Khương Đình, Q.Thanh Xuân, Hà Nội), làm 56 người chết và 37 người bị thương, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký công văn yêu cầu toàn thành phố phải tạm dừng tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí từ ngày 14 đến ngày 17 Tháng Chín.

Ngoài ra, vào lúc 8h ngày 18/9, các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở dành 1 phút mặc niệm các nạn nhân tử vong trong vụ cháy.

Theo ghi nhận của báo chí trong tối ngày 16 Tháng Chín, tại một số cơ quan thuộc Bộ VH-TT-DL như Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam bên hồ Gươm và Nhà hát Múa rối T.Ư trên đường Trường Chinh (Hà Nội), các buổi biểu diễn vẫn được tổ chức.

Buổi biểu diễn ngày 16 Tháng Chín vẫn đông người xem – Ảnh: Thanh Niên

Theo quy định, những đơn vị này không phải là đối tượng trong chỉ đạo dừng tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí mà Chủ tịch UBND TP. Hà Nội vừa đưa ra 3 ngày trước, thế nên, các cơ quan này vẫn tổ chức như “nhà hàng xóm có tang chứ không phải nhà mình”.

“Cách hành xử này không sai, nó chỉ… vô văn hóa!”, một người dân Hà Nội nói như thế, “nó không chỉ khiến người dân Hà Nội khó chịu, mà cả nước cũng thấy cách làm này quá phản cảm, nhất là lại do một cơ quan văn hóa tổ chức”.

PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật T.Ư, cho rằng đó là một cách ứng xử hoàn toàn không nên vì người Việt mình vẫn có câu “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”. Trả lời báo Thanh Niên, ông Kỷ cho biết:

“Đấy mới chỉ là chuyện đau ốm thôi. Còn đây là lúc hàng chục đồng bào mình tử vong, hàng chục người khác bị thương nặng trong hỏa hoạn, trong lũ quét, thì ‘cả tàu’ không chỉ buồn thương mà là vô cùng đau xót, thương tiếc, buồn thảm. Ai mà dửng dưng được, ai mà nỡ cất lên câu hát, dù khe khẽ. Ngay việc một cụ già gần nhà mình vừa tạ thế, dù cụ đã ở tuổi thượng thọ, đại thọ, thì những gia đình bên cạnh, chả ai nỡ mở radio, máy thu hình khi có chương trình ca nhạc hay trò chơi ồn ã. Lũ trẻ con chúng cũng biết thế. Huống hồ là tổ chức hát múa trên sân khấu những ngày buồn đau này, làm cho cả xã hội, cả cộng đồng mạng sôi cả lên”.

Về việc đã có những chương trình vui chơi, ca múa mà du khách nước ngoài đã đặt lịch từ trước, ông Kỷ cho rằng đơn vị tổ chức vẫn có thể thông báo với khán giả sẽ giảm thiểu tối đa những phân cảnh, những âm thanh quá vui vẻ, quá tưng bừng vì “cái tang chung cho người Hà Nội”, thì chắc chắn chẳng ai nỡ trách cứ.

Người dân thắp hương, tưởng niệm những nạn nhân xấu số – ảnh: VTC

Thế nhưng, Bộ VH-TT-DL không làm thế, và điều này khiến PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ phải “nặng lời” phán xét:

“Đã làm trong Bộ VH-TT-DL thì phải ý thức được mình là người phải làm gương cho cả nước trong các hoạt động văn hóa, nghi lễ, trong các ứng xử văn hóa ở tầm quốc gia. Những việc liên quan đến thảm họa, tang lễ thì ai cũng phải học hỏi sự bày dạy và quy định của cha ông. Các cụ ta từ xưa đã có những quy định rất rõ ràng, cụ thể. Có những việc xét về pháp lý có thể không sai, nhưng xét về về văn hóa, về tình người lại không thể chấp nhận được”.

Nhà văn Trần Thanh Cảnh, trên trang Facebook cá nhân, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với ý kiến của PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, và còn thêm một đề nghị táo bạo. Ông viết:

“Về việc này, tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của ông Nguyễn Thế Kỷ được trích trong bài. Và tôi đề nghị ông Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cắt ngay chức Bộ trưởng Văn hóa của ông Nguyễn Văn Hùng: những hành động trong thời gian gần đây của ông này đã chứng tỏ ông ta là một kẻ vô văn hóa tuyệt đối! Đề nghị ông Thủ tướng trong quyền hạn của mình hãy hành động ngay. Với tư cách là một nhà văn, tôi thực sự thấy xấu hổ khi phải nhắc về ông ta!”

“Còn với các lãnh đạo và diễn viên ở các nhà hát vẫn mở cửa hát ca hân hoan trong bầu không khí tang tóc của thủ đô, tôi xin nói thế này: Các vị hoàn toàn không có lỗi, lỗi là ở tạo hóa đã không cho các vị trái tim con người để biết đau đớn cùng đồng loại, và không cho trí óc đủ để nhận biết đâu là đúng sai!”

Nhà văn Trần ThanH Cảnh đề nghị chính phủ cách chức ông Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL vì ông ta là một kẻ vô văn háo – Ảnh chụp màn hình

Dư luận cũng cho rằng cách hành xử vô văn hóa của Bộ VH-TT-DL trong ngày 16 Tháng Chín không phải là sơ sót, chủ quan, hay đã chuẩn bị từ trước nên không thể dừng lại được. Nó không chỉ thể hiện mức độ vô văn hóa, mà còn bộc lộ cái tâm của người lãnh đạo cao nhất của Bộ VH-TT-DL, thế nên, việc nhà văn Trần Thanh Cảnh đề nghị cách chức ông Nguyễn Văn Hùng được nhiều người trong giới ủng hộ.

Bộ VH-TT-DL đề nghị “xử lý các tài khoản mạng xã hội đăng thông tin xuyên tạc”

Ngay trong đêm 13 Tháng Chín, khi cả Hà Nội đang đau buồn, tiếng khóc tiếng gào tìm người thân trong vụ hỏa hoạn vẫn đang vang lên tại bệnh viện và nhà tang lễ, thì Bộ VH-TT-DL vẫn tổ chức “Lễ trao giải báo chí toàn quốc” với nhiều mà ca múa vui tươi, rộn ràng.

Buổi lễ “hoành tá tràng” này có sự hiện diện của nhiều ông “tai to mặt lớn” như (theo liệt kê của Báo Văn Hóa): Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Phó trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Hồng Vinh; nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng,  nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi.

Sự kiện này ngay sau đó bị dư luận, mạng xã hội phản ứng gay gắt, giới trí thức đồng loạt bày tỏ quan điểm không đồng tình với cách hành xử của Bộ VH-TT-DL trước sự kiện đau lòng, thậm chí có một số ý kiến khác gay gắt.

Công văn của Bộ VH-TT-DL đề nghị “các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý một số tài khoản Facebook đã lợi dụng vụ cháy để xuyên tạc, có bình luận phản cảm đối với lãnh đạo đảng và nhà nước, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, và gây mất niềm tin trong nhân dân” – Ảnh chụp màn hình

Đến ngày 15 Tháng Chín, ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL ký công văn yêu cầu Bộ TT-Tuổi Trẻ “chỉ đạo các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý một số tài khoản Facebook đã lợi dụng vụ cháy để xuyên tạc, có bình luận phản cảm đối với lãnh đạo đảng và nhà nước, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, và gây mất niềm tin trong nhân dân”.

Công văn này ngay lập tức được chia sẻ trên mạng xã hội, và nhận được nhiều sự phản đối gay gắt.

Tài khoản Nam Dang viết: “Mất văn hóa, dân phê bình, không tiếp thu mà còn đòi xử lý. Cách làm nầy càng không văn hóa”.

Tài khoản Cermanová Thị Dung còn khơi lại chuyện cũ:

“Bộ Văn Hóa mà tại sao lại thiếu văn hoá ứng xử với 56 nạn nhân trong hỏa hoạn như vậy? Có phải loại văn hoá nhảy múa phá rối ngăn chặn trước tượng đài Trần Hưng Đạo ngày 17.02 hàng năm. Không cho nhân dân dâng hoa làm lễ tưởng niệm các Anh Hùng Liệt sĩ quen rồi và giờ có nhảy múa tưng bừng trên nỗi đau của 56 gia đình nạn nhân kia cũng là bình thường phải không những cái đầu đất lãnh đạo bộ thiếu đạo đức?”

Nhiều người đồng quan điểm, cho rằng cái công văn của ông Thứ trưởng Tạ Quang Đông chính là thứ “phá hoại niềm tin, phá hoại uy tín của chính phủ mạnh mẽ nhất!”

Chưa biết Bộ TT-TT phản ứng thế nào về công văn này.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: