Gần 10 ngày qua, kể từ 27 tháng Mười Hai năm 2024, Tòa án Hà Nội tuyên bản án sơ thẩm đối với 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2, dư luận Việt Nam vẫn chưa nguôi phẫn nộ về lời khai của ông Trần Tùng.
Ông Tùng là cựu Phó Giám Đốc Sở Ngoại Vụ tỉnh Thái Nguyên, trả lời trước Hội Đồng Xét Xử: “Bị cáo không nhận thức được việc cầm tiền là sai. Bởi lúc đó, bị cáo nghĩ tổ chức cho công dân ở nước ngoài về cách ly tại Thái Nguyên là cơ hội kiếm tiền, tạo thêm thu nhập.” (nguyên văn lời của ông Trần Tùng được trích dẫn từ truyền thông trong nước).
Vụ án “Chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2 chủ yếu xảy ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên của Việt Nam. Vào năm 2020, trong đợi dịch COVID-19, Sở Ngoại Vụ tỉnh Thái Nguyên được UBND tỉnh giao tổng hợp danh sách, hồ sơ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về tỉnh này cách ly và thẩm định kế hoạch đón người của các đơn vị. Chi phí trọn gói của mỗi trường hợp là từ khoảng 12 đến 13 triệu VNĐ.
Từ Tháng Ba, 2021, ông Tùng bàn bạc với ông Vũ Hồng Nam (nguyên đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản), Lê Văn Nghĩa (Giám đốc Công ty Nhật Minh), Trần Thị Quên (Giám đốc Công ty Sen Vàng Đất Việt) cùng 13 người khác trao đổi và thống nhất nâng chi phí trọn gói để ăn chênh lệch, mỗi trường hợp lên thành 18 triệu VNĐ, gọi là tiền “ngoài hợp đồng” như khách sạn, ăn ở, test COVID-19, xe vận chuyển, phí làm các văn bản thủ tục….
Ông Tùng bị cơ quan an ninh điều tra Bộ Công An CSVN cáo buộc nhận hối lộ hơn 4.4 tỉ VNĐ và 3.2 tỉ VNĐ do lợi dụng chức vụ, quyền hạn hướng dẫn một doanh nghiệp làm các thủ tục cấp phép các chuyến bay.
Sau ba ngày xét xử, Hội Đồng Xét Xử Tòa Án Hà Nội tuyên bản án sơ thẩm dành cho 17 bị cáo từ 12 tháng tù treo đến 12 năm tù giam. Ông Trần Tùng, người được cho là đứng đầu vụ án bị tuyên 7 năm tù giam về tội “Nhận hối lộ,” 5 năm tù giam về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ,” tổng hình phạt 12 năm tù giam.
Người nhận bản án nhẹ nhất là cựu cán bộ công an Nguyễn Xuân Thông, 12 tháng tù treo với cáo buộc tội “Che giấu tội phạm.”
Ở giai đoạn 1 của vụ án “Chuyến bay giải cứu,” các cơ quan chức năng xác định đây là vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, môi giới hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh Sự, Bộ Ngoại Giao và một số đơn vị khác như: Bộ Công An, Bộ Y Tế, Bộ Giao Thông Vận Tải, Bộ Quốc Phòng.
Cáo trạng của giai đoạn 1, vụ án xác định có đến 54 bị cáo bị đưa xét xử. Từ Tháng Ba năm 2020 cho đến những tháng cuối năm 2022, Chính Phủ Việt Nam tổ chức hơn 1,000 chuyến bay “giải cứu” và “combo” đưa hơn 200,000 công dân về nước.
Chuyến bay “giải cứu” là chuyến bay được tổ chức theo hình thức: Công dân trả tiền vé máy bay và không trả tiền cách ly. “Combo” là chuyến bay do các doanh nghiệp tổ chức thực hiện cho những công dân phải chi trả chi phí trọn gói để về nước.
Quá trình thực hiện các chuyến bay, 54 bị cáo đã cấu kết với nhau thực hiện hành vi nâng giá vé máy bay, vẽ thêm chi phí phát sinh để kiếm tiền. Trường hợp các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp liên quan, không làm theo yêu cầu thì sẽ bị các bị cáo dùng quyền hạn và chức vụ để gây khó khăn, áp lực. 54 bị cáo bị tòa án các cấp ở Hà Nội tuyên các hình phạt từ 18 tháng tù treo cho đến chung thân.
Do vụ án giai đoạn 1 có những nội dung sai phạm chưa được cơ quan điều tra Bộ Công An làm rõ nên cơ quan tố tụng tách vụ án làm thành giai đoạn 2 để tiếp tục điều tra, xác minh.
Theo dõi hai phiên xét xử sơ thẩm-phúc thẩm giai đoạn 1 và sơ thẩm giai đoạn 2, không chỉ lời khai của ông Trần Tùng gây phẫn nộ, mà còn các quan chức CSVN khác:
-Tô Anh Dũng (cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao), nhận bất chính 21.5 tỷ VNĐ, nói: “Không nhận thức được nhận tiền là vi phạm pháp luật.”
-Trần Văn Tân (cựu phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam), nhận 5 tỷ VNĐ, trình bày: “Bị cáo nhận thức đây là tiền doanh nghiệp, không phải tiền ngân sách nên mới nhận.”
-Phạm Trung Kiên (cựu trợ lý thứ trưởng Bộ Y Tế) khai nhận tổng cộng 42 tỷ VNĐ và cho người thân vay, đầu tư đất đai ở Ba Vì, Mũi Né, Hoài Đức.
-Nguyễn Anh Tuấn (cựu phó giám đốc Công An Hà Nội): “44 năm công tác, tôi cũng là thủ trưởng cơ quan điều tra, xuất phát từ thương người nên mới môi giới cho hành vi hối lộ.”
-Trần Văn Dự (cựu cục phó Cục Quản Lý Xuất-Nhập Cảnh), nhận hối lộ 7.6 tỷ VNĐ, hưởng lợi 3.1 tỷ VNĐ: “Tôi không phủ nhận việc Viện Kiểm Sát truy tố tội nhận hối lộ, nhưng việc nhận hối lộ với tôi là vô tình.”
-Vũ Minh Thắng (Giám đốc Công ty Thuận An) khai: “Bị làm khó 8 lần, chi 600 triệu mới được cấp phép.”
-Đào Minh Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun): “Giai đoạn ấy, lãnh sự không phải là nơi bảo hộ công dân mà là hành dân.”
Kiếm tiền và trục lợi bất chính trên nỗi thống khổ, chết chóc của hàng trăm ngàn con người là điều bất nhân, vô nhân đạo, những lời khai trước tòa còn phơi bày thêm sự trần trụi, điêu ngoa và hồn nhiên như không biết gì của loạt quan chức CSVN.
Con người sở dĩ hơn con vật là vì lời ăn tiếng nói, nhưng lời ăn tiếng nói vô nghĩa, vô tâm và xoáy sâu vào nỗi đau người dân của loạt quan chức CSVN này, còn thua xa cả loài vật, nhơ bẩn không thể rửa sạch, tha hóa đạo đức đến cùng cực.
Những lời khai không chỉ khai nhận động cơ phạm tội mà còn là cú tát vào giá trị đạo đức của con người CSVN, hiện thân của sự tha hóa quyền lực, lạm dụng quyền lực, bị cám dỗ để thực hiện các hành vi sai trái nhằm thu lợi bất chính mà không cần biết đã gây tổn hại đến lợi ích tổ chức, quốc gia và dân tộc. Vụ án thêm một chứng minh nữa về sự quản lý yếu kém, không minh bạch trong khâu quản lý nhà nước của nhà cầm quyền CSVN.