Các trường đại học Việt Nam kiếm tiền từ nguồn nào?

Nguồn thu lớn nhất của các trường đại học Việt Nam là học phí – Đồ họa: VnExpress

Trong khi trường đại học (ĐH) tại các quốc gia phát triển có nguồn thu chính từ ngân sách nhà nước thì các trường ĐH Việt Nam có nguồn thu chính từ học phí, chiếm từ 50-90% tổng nguồn thu.

Thông thường, các trường đại học (ĐH) trên thế giới và Việt Nam có ba nguồn thu chính: Ngân sách nhà nước, học phí và nguồn thu khác (bao gồm các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, dịch vụ, tài trợ, hợp tác…).

Tuy nhiên, nhìn vào nguồn thu của sáu trường ĐH Việt Nam có doanh thu trên 1,000 tỷ đồng là ĐH Văn Lang (Sài Gòn, tư thục), ĐH Kinh Tế TP.HCM (UEH, công), ĐH Kinh Tế Quốc Dân (Hà Nội, công), ĐH Tôn Đức Thắng (Sài Gòn, công), ĐH Bách Khoa Hà Nội (công), ĐH Công Nghệ TP.HCM (HUTECH, tư thục) thì hơn 50% nguồn thu là từ học phí, còn số kinh phí thu được từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chiếm tỷ lệ nhỏ.

Lao Động dẫn lời thứ trưởng Bộ Giáo dục Hoàng Minh Sơn, học phí là nguồn thu chính của các trường ĐH hiện nay, chiếm tỷ trọng 50 – 90% nguồn thu.

Sáu trường đại học Việt Nam có doanh thu trên 1,000 tỷ đồng/năm – Đồ họa: Sức Khỏe & Đời Sống

Theo nhận định của các chuyên viên giáo dục, điều này trái với tình hình thực tế tại các nước phát triển về giáo dục đại học.

Tính đến Tháng Tám 2022, Việt Nam có 141/232 trường ĐH đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục đại học.

Tùy mức độ tự chủ, các trường bị cắt một phần hoặc hoàn toàn đầu tư từ ngân sách. Việc cắt giảm đầu tư từ ngân sách khiến học phí trở thành nguồn thu chính, chiếm từ 50 – 90% tổng nguồn thu.

Theo VietnamNet, nguồn thu ĐH lệ thuộc vào học phí trong bối cảnh kinh tế khó khăn sẽ khiến việc tuyển sinh gặp nhiều thách thức. Thực tế này cũng trái ngược với bức tranh nguồn thu rất đa dạng ở các nước có nền giáo dục ĐH phát triển.

Từ những số liệu doanh thu mà các trường ĐH công bố, TS. Lê Đông Phương, cựu Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục ĐH, Viện Khoa học Giáo dục, cũng bình luận ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đào tạo ngày càng giảm.

Trước tình cảnh này, các trường ĐH sẽ phải sử dụng nguồn thu học phí để bù các khoản chi, tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến phẩm chất đào tạo.

Theo ông Phương, khi học phí là nguồn thu chủ đạo, các trường ĐH sẽ phải tăng nguồn thu bằng cách tăng học phí hoặc tăng số lượng tuyển sinh, bên cạnh đó kinh phí đầu tư sẽ ít hơn, nên khả năng sửa chữa cơ sở vật chất và nâng cấp trang thiết bị sẽ giảm đi.

Việc nghiên cứu khoa học của trường ĐH ít nhiều cũng bị ảnh hưởng, nhất là các nghiên cứu cơ bản, phục vụ đào tạo.

Số lượng giảng viên chính thức sẽ bị đe dọa vì nguồn thu không ổn định, giảng viên thỉnh giảng tăng.

Các chi phí liên quan đến đào tạo bị cắt giảm mạnh dẫn đến sinh viên phải chi trả nhiều khoản bên cạnh học phí. Tiền học càng cao thì cơ hội học ĐH của người dân sẽ giảm.

Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của trường ĐH Quốc gia TP.HCM ngày 26 Tháng Ba 2023 – Ảnh: VnExpress

Còn VnExpress phân tích: Nguồn thu của các trường ĐH công lập ngày càng lệ thuộc vào học phí trong bối cảnh ngân sách chi cho giáo dục ĐH thấp. Thực tế này trái ngược với các nước có giáo dục ĐH phát triển.

Báo cáo tại một hội nghị về tự chủ ĐH hồi Tháng Tư, nhóm chuyên gia của World Bank đưa ra số liệu về đóng góp của các gia đình cho giáo dục ĐH sau khi khảo sát một số trường.

Kết quả cho thấy năm 2017, ngân sách nhà nước chiếm 24% tổng nguồn thu các trường ĐH công lập được khảo sát, còn đóng góp của người học (học phí) là 57%. Nhưng đến năm 2021, học phí chiếm tới 77%, nguồn ngân sách chỉ còn 9%!

VnExpress còn khẳng định: So sánh về ngân sách chi cho giáo dục ĐH, Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất.

Chẳng hạn, theo Trung tâm thống kê giáo dục quốc gia Mỹ, năm học 2019-2020, chỉ 20% nguồn thu của các trường ĐH công lập đến từ học phí và các loại chi phí thu từ người học, trong khi trợ cấp chính phủ và chính quyền địa phương đóng góp 43%.

Số còn lại do các công ty tài trợ, đầu tư hay từ nguồn thu khác như quà tặng và doanh thu từ các hoạt động giáo dục, bệnh viện…

Tại New Zealand, 42% thu nhập của các trường ĐH là từ chính phủ, thông qua trợ cấp học phí, 28% từ học phí và 30% từ nghiên cứu khoa học, thương mại hóa và các nguồn thu khác, theo thống kê của Universities New Zealand – tổ chức đại diện cho các trường ĐH ở nước này.

Tại Úc, gần 35% doanh thu của các trường ĐH năm 2020 do chính phủ tài trợ, theo Bộ Giáo dục Úc.

Tại Việt Nam, học phí của các cấp học luôn là nỗi lo lắng của phụ huynh, đặc biệt là trung học và ĐH – Ảnh: Lao Động

Còn theo Bộ Tài chính Việt Nam, năm 2020 ngân sách chi cho giáo dục ĐH ở Việt Nam chưa đến 17,000 tỷ đồng, chiếm 0.27% GDP. Tuy nhiên, theo chia sẻ của Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cuối năm 2022 thì con số thực chi chỉ khoảng 0.18% GDP!

So với 38 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tỷ lệ này của Việt Nam thấp nhất, vì mức trung bình của các nước OECD dành cho giáo dục ĐH là 0.935%.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam, cựu Thứ trưởng giáo dục đã nhìn nhận: “Các trường muốn sống phải thu học phí cao lên dù biết có mâu thuẫn với mức sống của người dân”.

Từ đó, dẫn tới bất bình đẳng trong giáo dục, khiến người có thu nhập thấp khó tiếp cận giáo dục ĐH.

Nhóm chuyên viên của World Bank cũng cho rằng việc các trường ĐH Việt Nam lệ thuộc quá nhiều vào học phí gióng lên hồi chuông báo động về tính thiếu bền vững trong tài chính giáo dục ĐH, tăng nguy cơ bất bình đẳng về khả năng tiếp cận ĐH của người Việt Nam.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: